2012/02/29

Kiếm 1 triệu đôla trong 5 năm? Kiếm 1 triệu đôla trong 5 năm?


Một doanh nhân đầy đủ cá tính với một sản phẩm sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh ấn tượng cũng không thể đi xa nếu việc quản lý hằng ngày không đủ nghiêm túc và tập trung.

Những doanh nhân Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ thông như đầu tư dàn trải (vì cơ hội làm ăn rất nhiều); để sĩ diện và bạn bè gia đình lôi cuốn vào những hoạt động không hiệu quả; hay che giấu những thất bại lầm lỡ; không có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi tiêu tài chính; thiếu đạo đức và kiên nhẫn trong việc xây dựng thương hiệu và kỷ cương công ty; không tôn trọng khách hàng hay đối tác hay cổ đông hay địch thủ; sử dụng người theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.
Bài nói chuyện của tôi ở buổi Hội thảo về Đầu tư và Kinh doanh 16/2 không chắc có gây một ấn tượng gì sâu đậm trong tư duy các khán thính giả; nhưng một công thức rất đơn giản về tài chính lại tạo một phản hồi ồn ào (hơn 200 emails trong 3 ngày), nhất là với các bạn trẻ đang khát khao làm giàu.
Một công thức kiếm tiền đơn giản
Nguyên văn phần phát biểu, "Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la. Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện... chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc. Chỉ đơn giản có thế. Tôi sẵn sàng ký một khế ước với bạn: nếu bạn đã làm tất cả việc này thật nghiêm túc và không kiếm được 1 triệu đô la vào 2017, tôi sẽ tịnh khẩu và ngưng hết viết lách trong phần đời còn lại."
Tư duy của thế hệ 8X, 9X vẫn coi chuyện làm quan là con đường lý tưởng nhất để đạt mộng ước về giàu có. Con đường này dĩ nhiên cũng vất vả, nhiều cạnh tranh. Nó cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm nếu trong quá trình, ta lỡ đụng chạm quyền lợi với kẻ mạnh hơn. Do đó, qua công thức kinh doanh tôi đề xướng, các bạn trẻ tham vọng lại thấy mình có một lối đi khác, nhiều tiền không kém, mà khỏi phải cúi đầu hoài, mỏi lưng. Chả trách các bạn muốn tìm biết thêm chi tiết để lên kế hoạch.
Nhưng vì không có bữa ăn nào miễn phí, nên tôi đã phải nói nhiều về cái giá phải trả cũng như về những điều kiện cần và đủ nếu muốn theo đuổi chương trình triệu phú đô la này. Trước hết là những món hấp dẫn về điều kiện tham dự.
Quá dễ để tham dự
Bạn không cần một bằng cấp hay học vị nào, thực hay rởm, từ bất cứ một đại học nào. Bạn sẽ cần kiến thức, nhưng đó là loại trí thức được trau dồi thu nhập hàng ngày qua những trải nghiệm thực tế và sai trái. Bạn sẽ phải nghiên cứu, phân tích mỗi ngày đủ loại dữ kiện về công nghệ, quản lý, tài chính, tiếp thị... nhiều gấp 3, 4 lần số giờ học tập của một sinh viên MBA chính quy. Sẽ không có thi tuyển, thi sát hạch hay nhờ người thi dùm; nhưng mỗi lần bạn sơ hở, quên làm bài  và "thi trượt", thì kết quả sẽ hiện thực bằng một cái giá vô cùng đau đớn.
Bạn không cần một lý lịch tốt, là con cháu của các bác, cần tìm một thế lực chống lưng hay giới thiệu. Bạn cũng không cần một dự án kiểu sao chép, với đủ loại dấu xanh dấu đỏ phê chuẩn. Bạn chỉ cần một sản phẩm đặc thù sáng tạo, đủ khả năng để cạnh tranh trên bất cứ thị trường nào và một kế hoạch kinh doanh bài bản làm các nhà đầu tư sửng sốt khi đọc.
Bạn có thể ở vào lứa tuổi 20 hay 30 hay 60 hay 70. Tuổi tác không quan trọng, nhưng sức khỏe, lòng đam mê và ý chí vượt bão phải thật đầy đủ.
5 điều kiện mấu chốt
Tôi đã nói nhiều về những điều kiện cần có để tạo lực đẩy cho mọi hành trình kinh doanh. Tôi xin vắn tắt lặp lại:
1. Động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người. Yếu tố này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của doanh nghiệp. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Khi khởi nghiệp thì ai cũng đầy ý tưởng tốt, sáng tạo và đặc thù. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, doanh nhân phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, tình thế tuyệt vọng và nếu không còn động lực, việc bỏ cuộc đầu hàng sẽ là lựa chọn đầu tiên.
2. Lợi thế cạnh tranh: Sản phẩm kinh doanh phải mang tính sáng tạo, độc đáo và tạo một lợi thế cạnh tranh chắc chắn. Nó có thể là một dịch vụ mới lạ chưa có trên thị trường, một công nghệ mũi nhọn hơn các địch thủ, một sản phẩm có thương hiệu lâu đời hay một hệ thống tiếp liệu phân phối hiệu quả nhiều ứng dụng. Dĩ nhiên, nhu cầu thị trường cũng phải hiện hữu ở tầm mức đủ lớn để tạo doanh thu và lợi nhuận mong muốn.
3. Sức khỏe để đối phó với áp lực và thời gian công sức đòi hỏi. Những áp lực và lời khen tiếng chê từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ và ngay cả trong xã hội luôn đè nặng trên vai doanh nhân. Nếu không có một thân thể khỏe mạnh để giữ tinh thần sáng suốt bình tĩnh thì không thể hoàn tất công việc quản trị. Ngoài áp lực, sức khỏe là một yếu tố mấu chốt vì thiên tài đầy tham vọng mà không chịu đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một người thất bại, khó tạo dựng được gì bền vững. Tôi chưa thấy một doanh nhân thành công nào chỉ làm 40 giờ đồng hồ trong tuần. Công thức áp dụng cho họ là 24/7, vì một doanh nhân ngủ cũng mơ thấy công việc làm ăn.
4. Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro. Chỉ cần một sai lầm nhỏ thì đã có thể giết chết một đại công ty như Arthur Anderson, Lehman Brothers hay suy yếu quằn quại như BP. Tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh quá cao. Nếu một người giỏi về toán và thống kê thì họ sẽ không làm doanh nhân. Tôi nói đùa những doanh nhân là những người... dốt toán nhất, và "sự ngu dốt" này chỉ vượt qua được với tính lạc quan phi lý, lối xử lý liều lĩnh ngang ngược. Chỉ nghĩ đến hình ảnh khi làm ăn thất bại, có thể sẽ mất tất cả từ gia đình, bạn bè đến tài sản, tiếng tăm... là nhiều người bình thường phải chùn chân.
5. Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức. Nếu chưa có những yếu tố này thì phải lo tạo dựng cho đầy đủ trước khi ra trận mạc. Kiến thức có thể thu thập nhanh chóng nếu chịu khó bỏ ra 2 tháng, suốt ngày đọc các bài viết về ngành nghề mình chọn (Google và Internet là một nguồn thông tin không thể thiếu). Sau đó, phải tạo dựng những quan hệ với bất cứ cá nhân nào có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực kinh doanh mình muốn. Những nhân vật này thực sự là những thiên thần có thể truyền lại những kinh nghiệm mình thiếu sót.
Với 5 yếu tố mấu chốt ở trên, bất cứ một hành trình kinh doanh nào cũng sẽ đến đích, không sớm thì muộn, tùy vào tầm cỡ của dự án. Tôi dùng công thức 5 năm cho một tài sản khoảng 1 triệu đô la vì tôi dựa trên một tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) trung bình là 7; hay một dòng tiền lợi nhuận hàng năm khoảng $150 ngàn. Trong ngành phân phối hay sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp bạn phải bán ra khoảng 1.5 triệu đô la để đạt chỉ tiêu này. Nó không dễ, nhưng chắc chắn đây không phải là một hành trình kiểu Vạn Lý Trường Chinh của Mao. Trong những ngành nghề hiện đại hơn như IT hay tài chính, các tỷ lệ P/E thường rất cao; nên mục tiêu càng dễ đạt.
Các rào cản và thử thách
Nhưng trên hết, một doanh nhân đầy đủ cá tính với một sản phẩm sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh ấn tượng cũng không thể đi xa nếu việc quản lý hằng ngày không đủ nghiêm túc và tập trung. Những doanh nhân Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ thông như đầu tư dàn trải (vì cơ hội làm ăn rất nhiều); để sĩ diện và bạn bè gia đình lôi cuốn vào những hoạt động không hiệu quả; hay che giấu những thất bại lầm lỡ; không có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi tiêu tài chính; thiếu đạo đức và kiên nhẫn trong việc xây dựng thương hiệu và kỷ cương công ty; không tôn trọng khách hàng hay đối tác hay cổ đông hay địch thủ; sử dụng người theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.
Vượt qua các rào cản này là bạn đã đi xa hơn 90% các đối thủ cạnh tranh và có ít nhất là 80% để đạt mục tiêu hay tiến xa hơn nữa.
Xác xuất thành công
Tôi ước tính là chính phủ Việt Nam sẽ tiêu xài khoảng 400 tỷ USD (ngân sách và nợ công) trong 5 năm tới, kể cả những đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Sẽ khó tránh khỏi một lượng thất thoát, lãng phí trong số đó. Tuy nhiên, số lượng người cạnh tranh cũng khủng khiếp vì sự hấp dẫn của "free money" (tiền chùa).
Trong khi đó, lĩnh vực tư nhân sẽ chiếm khoảng 540 tỷ USD; và tài sản lưu giữ có thể lên đến hơn 100 tỷ USD. Với hơn 1 triệu doanh nhân thi đấu, cơ hội thắng 1 triệu đô la sẽ tốt hơn chuyện làm quan nhiều.
Nhưng trên tất cả các thành quả và khó nhọc của cuộc chơi, phần thưởng lớn nhất cho các doanh nhân trẻ sẽ là một lòng tự trọng và hãnh diện vì sự đóng góp chân chính của bản thân cho xã hội. Mỗi sáng, khi soi gương, bạn sẽ không phải cúi đầu tự hổ thẹn cho mình hay gia đình.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

2012/02/18

Vụ Tiên Lãng: Bài học đắt giá về quản trị truyền thông

"Lúc khủng hoảng xảy ra rồi anh sẽ rất khó khăn để có đủ nguồn lực và sự tỉnh táo để giải quyết, và vì vậy nó phải được chuẩn bị khi anh có đủ nguồn lực và cả sự tỉnh táo. Cho nên anh phải mô hình hoá, lường trước những tình huống giả định, lập kế hoạch ứng phó, làm cho mọi người liên quan thuộc cái "cẩm nang" ấy" - Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty "Phạm & Cộng sự" .


>> Vụ Tiên Lãng: Gieo sự kiện - gặt sự cố

Thế còn cuộc họp báo của lãnh đạo Hải Phòng, trước khi Thủ tướng có kết luận cuối cùng thì sao? Ông có nhận xét gì về hình ảnh truyền thông của cuộc họp báo đó?

Trước hết, là tôi rất ngạc nhiên, khi người chủ trì họp báo là ông Bí thư thành uỷ chứ không phải ông Chủ tịch UBND Thành phố.

Tại sao?

Ông chính quyền trực tiếp làm thì ông chính quyền phải đứng ra trả lời chứ. Câu chuyện họp trong nội bộ thành uỷ (mà Chủ tịch UBND và các phó chủ tịch đều là thành viên) để đưa ra phương án xử lý là việc cần thiết, nhưng đại diện đứng ra họp báo phải là người đại diện chính quyền chứ.

Vừa không sai cái nguyên tắc Đảng lãnh đạo chứ không làm thay. Ở cấp trung ương ta thấy là Thủ tướng là người đứng ra chịu trách nhiệm xử lý. Chứ còn trong trường hợp Hải Phòng, dường như lại là sự khẳng định cái điều mà dư luận vẫn bàn tán lâu nay là "chính quyền bày ra, Đảng đi thu dọn".

Hay là Thành ủy Hải Phòng đã cảm nhận được sự "mất thiêng" của chính quyền, và quyết định tạo ra một hình ảnh mới với công chúng và báo giới?


Tôi không nghĩ như vậy. Nếu như vậy, họ phải đầu tư vào hình ảnh để tạo ra hiệu ứng khác đi chứ .

Xin ông nói rõ hơn.

Cái đầu tiên đập vào mắt tôi khi theo dõi cuộc họp báo của Thành ủy Hải Phòng qua chương trình thời sự tối trên Truyền hình Việt Nam là cái pa nô đằng sau bàn chủ tọa. Họ lẽ ra không nên làm một cái pa nô hoành tráng, quá trang trọng như vậy cho một cuộc họp báo về vụ Tiên Lãng.

Tại sao?

Lúc đó dư luận đang khó chịu về sự chậm trễ, trì trệ, quan liêu của Hải Phòng, và cuộc họp báo của Thành uỷ Hải Phòng, theo tôi hiểu, là nhằm giải quyết một phần sự khó chịu đó của công chúng. Một cuộc họp báo được hiểu theo nghĩa khẩn cấp như vậy không nên tạo cho người ta cảm giác đã được chuẩn bị kỹ càng và quá chú trọng về mặt hình thức, thậm chí là phô trương và công thức. Đó là chưa nói đến cái bàn chủ tọa cũng trịnh trọng quá...

Cuộc trả lời phỏng vấn VTV của ông Bí thư Thành ủy ngay sau đó cũng lại được sắp xếp trong một căn phòng quá sang trọng. Một người quen của tôi làm công tác tuyên giáo khi nói về hình ảnh trong cuộc họp báo đã thốt lên "Thảm sang trọng quá!"

Trong suốt hơn một tháng, kể từ khi diễn ra vụ Tiên Lãng, lãnh đạo Hải Phòng trong con mắt công chúng là xa dân, xa thực tế, và với những hình ảnh tại cuộc họp báo, một cách vô hình trung, họ càng khẳng định, nếu không nói là gia cố thêm, hình ảnh đó của mình.

Vậy theo ông, cuộc họp báo, cũng như cuộc trả lời phỏng vấn VTV nên diễn ra ở đâu là phù hợp? Kéo xuống khu đầm ông Vươn?

(Cười) Tất nhiên là không nên cực đoan như vậy. Có nhiều cách để có thể tạo ra hình ảnh của sự khẩn trương, nghiêm túc. Ví dụ có thể tổ chức ngay ngoài sân Thành ủy với một cái micro đứng. Hình ảnh của lãnh đạo Hải Phòng cho đến giờ phút đó là rất "bàn giấy", cho nên hình ảnh mới phải làm sao tách xa khỏi cái bàn giấy đó. Lúc đó, lãnh đạo Hải Phòng hẳn sẽ tạo ra được một hình ảnh khác. Đúng không anh?

Buổi họp báo về vấn đề cưỡng chế tại Tiên Lãng do Thành ủy Hải Phòng tổ chức chiều 7.2.2012
Đúng vậy. Chẳng hạn khi có bão lũ, các nhà lãnh đạo, bất kể ta hay Tây, đều phải cố gắng xây dựng hình ảnh sâu sát, chia sẻ, với những người dân. Họ mặc áo mưa, xắn quần lội xuống nước, và trả lời phỏng vấn truyền hình, hay họp báo ngắn ngay tại hiện trường...

Ngoài hình ảnh đẹp của lãnh đạo, điều đó còn tạo cho người dân cảm giác an tâm vì không bị chính quyền bỏ rơi, mà từ đó tự có những nỗ lực của riêng mình...

Nhưng trong trường hợp cụ thể nói trên, liệu có phải là bản thân ông Bí thư Hải Phòng không đủ tự tin với nội dung ông sẽ trả lời báo giới, nên ông đã phải chọn cái nơi ông cảm thấy thoải mái nhất, tức là trong cái "pháo đài" của ông?


Tôi không nghĩ như vậy. Với những gì tôi được biết và nghe về ông Nguyễn Văn Thành, thì ông ấy sẽ không "ngại" báo chí như cách anh vừa nói. Ở đây cũng cần nói đến một chuyện khác, là thực ra, người lãnh đạo không thể quan tâm nhiều đến những chi tiết cụ thể như vậy, và cái họ lo là sẽ có một cuộc gặp báo chí và sẽ nói những gì ở đấy, thông điệp, nội dung sẽ như thế nào. Nhưng chắc chắn phải có ai lo về chuyện đó chứ, để lời nói và hình ảnh ít nhất nó phải đồng nhất, và có thể đạt hiệu quả tốt.

Trong cuộc họp báo đó, tôi nhớ là ông Thành có nhắc tới con số 750 bài báo viết về vụ Tiên Lãng. Nhưng có vẻ ông ấy chỉ nhận được từ bộ phận tham mưu cái con số đơn giản đó, chứ không phải là một cái báo cáo phân tích về những xu hướng thông tin, thậm chí nguy cơ về truyền thông và xu hướng ý kiến của công chúng, tác động của chúng tới quần chúng, và đề xuất hướng giải quyết như thế nào.

Chúng ta có thể thấy là sau cuộc họp báo đó, những bức xúc không được giải toả, mà có phần trở nên nặng nề hơn. Ví dụ, ông Thành có thể nói rằng "chúng tôi xin lỗi vì để sự việc kéo dài quá lâu", chứ không phải là trình bày với các phóng viên, ví dụ việc xử lý cán bộ theo qui trình nó phải như vậy. Qui trình lúc xảy ra khủng hoảng phải khác với qui trình xảy ra sự cố bình thường chứ.

Những cái đó nó tạo ra sự phản cảm một cách tự nhiên. Rõ ràng là có sự hành động chậm trễ, vậy thì nhận đi, bức xúc tự nhiên chùng xuống ngay, những hành động sau đó của chính quyền sẽ dễ được đồng thuận và cảm thông hơn. Dư luận ở Việt Nam cũng vị tha lắm, và người ta có sự kỳ vọng nhất định ở ông Bí thư thành uỷ với tư cách là người đứng đầu thành phố.

Hải Phòng cũng có thể hứa sẽ làm đến nơi đến chốn với chức phận của mình, và trước mắt là đình chỉ công tác của ông nọ, ông kia, rồi xem xét tiếp chẳng hạn. Anh thấy rồi đấy, khi Thủ tướng có kết luận, đằng nào mà chả phải đình chỉ ông nọ ông kia, chỉ muộn thêm mấy ngày thôi mà.

Khả năng "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình" yếu, phải không ạ?

Có thể. Nhưng theo tôi, thậm chí lãnh đạo Hải Phòng, nếu thấy cần phải chờ ý kiến, kết luận của Thủ tướng sau đó mấy ngày, họ không cần trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo giới mà chỉ cần đưa ra một cái tuyên bố có mấy điểm rõ ràng 1 là, 2 là, 3 là. Thực ra ở thời điểm thực hiện cuộc họp báo của Hải phòng, giới truyền thông và công chúng không chờ đợi nhiều lắm những câu chuyện của Hải phòng, mà họ chủ yếu đang chờ xem Thủ tướng sẽ kết luận thế nào.

Họp báo mà không giải đáp thỏa đáng được những câu hỏi của báo giới, và đằng sau là dư luận, thì cuộc họp báo ấy có lẽ là không cần thiết. Với nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, trong những tình huống cụ thể tương tự thế này, họ sẽ chỉ gửi một bản tuyên bố (statement) đến báo giới để tránh những suy diễn phiền phức. Họp báo không phải là cách duy nhất để đưa câu chuyện đến báo giới và công chúng.

Tức là họ đã họp báo để tự bào chữa, kêu gọi sự cảm thông?

Tôi muốn nhấn mạnh một đặc điểm tâm lý là trong bối cảnh mọi người không thông cảm, mọi nỗ lực tự bào chữa đều vô ích, nếu không nói là có tác dụng ngược. Hãy nhận lỗi trước, và để khi bức xúc của dư luận đã dịu xuống, sẵn sàng nghe và cảm thông, sau đó có muốn bào chữa thì mới có thể bào chữa được.

Cái mà báo chí và dư luận nói đến là vấn đề tình cảm. Mà để ứng xử với câu chuyện tình cảm, thì cần nhất là sự chân thành.

Về nội dung, trong phần trả lời của ông Thành có rất nhiều lý luận, lý lẽ, nhưng không có hình ảnh, không có câu chuyện. Chẳng hạn ông Thành hoàn toàn có thể nói là "tôi đã gặp gỡ, tìm hiểu người nọ người kia, đã đến chỗ nọ chỗ kia", để chứng minh rằng những gì ông nói là kết quả của sự tìm hiểu của cá nhân ông nói riêng và lãnh đạo Hải Phòng nói chung.

Và, vì vậy, ví dụ về mặt "hình ảnh", ông Thành lẽ ra có thể mời gia đình ông Vươn, ông Quý lên để hỏi chuyện. Chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa hỏi chuyện và công nhận hành động của ông Vươn, ông Quý là đúng. Động thái đó chỉ khẳng định là lãnh đạo cấp cao nhất ở Hải Phòng rất sâu sát và biết nghe hai tai.

Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Phạm & Cộng sự

Dường như trong vốn từ vựng về văn hoá làm quan ở Việt Nam nói chung vẫn thiếu cái từ "xin lỗi". Tôi còn nhớ cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ đặc biệt giỏi trong chuyện này. Mỗi khi phải trả lời chất vấn trước Quốc Hội, khác với những thành viên chính phủ khác, ông đều thẳng thắn nhận trước những lỗi lầm, khuyết điểm của bộ ông và cá nhân ông, và phiên chất vấn ông Bộ trưởng Ngọ luôn nhẹ nhàng, thoải mái và đầy tinh thần xây dựng.

Theo ông, với tư cách là nhà tư vấn, bài học lớn nhất của Hải Phòng dưới góc độ truyền thông là gì?

Theo tôi, quản lý truyền thông về bản chất là quản lý dư luận xã hội, và chính quyền nào cũng phải làm.

Trong sự kiện Tiên Lãng chúng ta thấy sự kiện diễn ra ở Hải Phòng, nhưng dư luận của xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tác động đến sự kiện này lớn hơn nhiều so với dư luận ở Hải Phòng.

Có vẻ lãnh đạo Hải Phòng không hiểu rằng dư luận của cả nước đã thông qua chuyện Tiên Lãng để bày tỏ tình cảm và thái độ của họ đối với những bất cập trong việc sử dụng đất đai, và mâu thuẫn giữa những người thực thi chính sách đất đai với những người thụ hưởng chính sách này.

Hầu hết những chuyện bất lợi đó là do một cơ quan nhà nước không có người lo chuyên trách về quan hệ với công chúng nói chung, chứ không chỉ truyền thông.

Sở Thông tin Truyền thông chủ yếu lo chuyện tuyên truyền, chứ không lo chuyện ứng phó. Còn Văn phòng Uỷ ban cũng không có người làm, bởi ông chánh văn phòng là người lo chuyện trị sự, cơ sở vật chất, chứ không phải chuyện công chúng, chuyện báo chí.

Trong vụ này, chính quyền nhiều cấp ở Hải Phòng rõ ràng đã lúng túng khi phải ứng xử với báo chí, truyền thông của cả nước. Có lẽ do họ quen cách ứng xử với những cơ quan truyền thông đại chúng của Hải Phòng mà họ cho là công cụ tuyên truyền của họ.

Theo ông, để tránh những hậu quả về khủng hoảng truyền thông như Hải Phòng, lãnh đạo các địa phương khác phải chuẩn bị trước những gì khi sự cố xảy ra?

Trong việc xử lý sự cố truyền thông, chúng tôi vẫn khuyên các khách hàng, chủ yếu là các tổ chức và công ty, rằng sự khác biệt giữa công ty nước ngoài và công ty Việt Nam là ở các công ty nước ngoài bao giờ họ cũng chuẩn bị sẵn cho những tình huống khó khăn, những cuộc khủng hoảng về truyền thông.

Lúc khủng hoảng xảy ra rồi anh sẽ rất khó khăn để có đủ nguồn lực và sự tỉnh táo để giải quyết, và vì vậy nó phải được chuẩn bị khi anh có đủ nguồn lực và cả sự tỉnh táo. Cho nên anh phải mô hình hoá, lường trước những tình huống giả định, lập kế hoạch ứng phó, làm cho mọi người liên quan thuộc cái "cẩm nang" ấy.

Cẩm nang này cũng có qui trình việc gì làm trước, việc gì làm sau, và phân công cụ thể ai làm việc gì. Phát ngôn trong lúc khủng hoảng cũng khác hẳn phát ngôn lúc bình thường.

Quay lại câu chuyện Tiên Lãng, nó giống như một bài học lớn về truyền thông, về phát ngôn, về ứng xử. Ví dụ, lãnh đạo thành phố cần qui định rằng khi một việc xảy ra ở huyện, nhưng có ảnh hưởng tới thành phố, việc phát ngôn phải được chuyển lên thành phố, và ai sẽ chịu trách nhiệm. Nếu người được phân công đi vắng, ai sẽ chịu trách nhiệm thay...

Với một qui trình rành mạch như vậy, ít nhất anh kiểm soát được thông điệp từ phía anh đưa ra. Anh không thể trách dư luận, không thể đòi hỏi mọi người tin anh, khi về phía anh có tới 3-4 người cùng nói, và đưa ra những thông tin khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau.

Chúng ta phải hiểu rằng cấp thành phố nói, cấp huyện nói, hay cấp xã nói, thì mọi người vẫn cho rằng đó là Hải Phòng nói. Ở Hải Phòng ông Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Thành có sự phân biệt với ông Chủ tịch xã Lê Văn Liêm, chứ đối với bên ngoài, không có sự phân biệt đó - vẫn là chính quyền Hải Phòng thôi.

Giả định rằng, lãnh đạo Hải Phòng muốn công ty ông tư vấn về quản trị truyền thông, bởi dường như câu chuyện vẫn chưa kết thúc, ông sẽ khuyên họ những gì?

"Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn", tôi tin như vậy. Từ bây giờ, dư luận, công chúng sẽ còn khắt khe hơn nhiều với những thông tin từ Hải Phòng, sau khi Thủ tướng đã có kết luận về nhiều điểm sai trong vụ việc Tiên Lãng.

Quản trị truyền thông nên là một phần quan trọng trong tiến trình giải quyết vụ việc này, để tạo được thiện cảm của quần chúng, có được không gian phù hợp để giải quyết vụ việc một cách hợp lý. Khi công chúng không thông cảm thì làm cái gì cũng rất khó. Nói một cách nôm na, thì bây giờ là lúc để chính quyền thành phố tạo dựng lòng tin với công chúng, ở đây là công chúng cả nước, về sự nghiêm túc, chân thành và cầu thị, và lúc đó, sẽ có thể nhận được sự cảm thông.

Ví dụ chẳng cần nói xa xôi, Hải phòng có thể học tập cách thức Chính phủ ứng phó với vụ việc, chủ động thông tin một cách rõ ràng, kiên quyết, phù hợp, cho dù Thủ tướng không xuất hiện trực tiếp, nhưng ông và Chính phủ đã thực sự "ghi điểm" trong lòng công chúng, dư luận, sau cuộc họp báo thông báo kết luận của Thủ tướng tuần trước.

Ví dụ, có lẽ Hải Phòng nên cử một quan chức phù hợp để thông báo, cập nhật tình hình giải quyết vụ việc với báo giới và công chúng, nếu lại để báo chí phải đi tìm thông tin từ những nguồn khác nhau, nếu lại không có kỉ luật phát ngôn, thì thành phố sẽ lại gặp phải nhiều khó khăn nữa...

Xin cám ơn ông.

Huỳnh Phan (thực hiện)
Nguồn: TuanVietNam.net
///Bài này ko thể xếp vào mục Chính trị đc, vì nó chỉ đơn giản nói lên vấn đề ở góc độ "Quản trị truyền thông", kiến thức nhìu hơn lời khuyên. ( ko loại trừ ông Phạm Quang Vinh dùng này để PR)

2012/02/11

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lên tiếng về Tiên Lãng


- Vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước. Một phần nào đó nó phản ánh khá rõ nét những điều đã được Hội nghị Trung ương lần thứ Tư khóa XI họp đúng dịp này nêu ra và nó cần được xử lý đúng theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị để củng cố kỷ cương của Đảng và Nhà nước, lấy lại niềm tin của dân. Vụ việc này đồng thời cũng gợi mở nhiều điều trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, nhất là xung quanh vấn đề đất đai và hệ thống chính trị.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ những tâm tư của ông xung quanh vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Đã hơn một tháng nay dư luận cả nước xôn xao về vụ cưỡng chế thu hồi đất diễn ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải phòng). Xem ra vụ việc tuy chưa đến hồi kết song cũng đã rõ ra nhiều điều. Cuối cùng thì Thành ủy Hải Phòng cũng đã họp báo bẩy tỏ thái độ của mình; Thủ tướng Chính phủ hôm nay họp với các ban ngành hữu quan để xem xét; đã khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của ông Đoàn Văn Vươn.


Khu đầm bị cưỡng chế của anh Đoàn Văn Vươn. Ảnh VOV

Vụ việc này phản ánh rất nhiều điều bất ổn khá phổ biến ở nước ta trong lúc này, đòi hỏi phải rút ra những bài học thích đáng để chấn chỉnh, nếu không có thể nẩy sinh những tình huống phức tạp khôn lường. Phải chăng sơ bộ có thể nghĩ về sáu điều sau:

Điều thứ nhất là vụ việc này càng thúc bách (chứ không chỉ nhắc nhở) phải sớm chỉnh sửa Luật đất đai. Có lẽ trong số các đạo luật về kinh tế ở nước ta Luật đất đai có tầm quan trọng hàng đầu vì dù sao nước ta vẫn là nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được đẩy mạnh ảnh hưởng rất nhiều tới đất đai; đây cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực, tham nhũng nhất vì thực ra tài sản quốc gia của ta chủ yếu cũng nằm ở đất và một số ít khoáng sản; phần lớn các vụ khiếu kiện đông người và gay gắt đều liên quan tới đất đai. Nói một cách khác, phát triển kinh tế, kể cả tiến trình CNH,HĐH, ổn định xã hội, chống tham nhũng về nhiều mặt đều nằm ở đây cả!

Sửa thế nào là chuyện lớn và vô cùng phức tạp; các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, cơ quan xây dựng pháp luật và quản lý cũng như các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước chắc sẽ phải suy nghĩ, luận bàn thấu đáo. Sơ bộ nghĩ, có lẽ ở đây có hai chuyện lớn nhất nổi lên: một là, làm thế nào xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa khái niệm “đất đai là sở hữu toàn dân” (một khái niệm quá rộng và khá trừu tượng) và các quyền của người dân nói chung và người nông dân nói riêng (là những con người cụ thể) và hai là, sự phân cấp thế nào cho các cấp chính quyền địa phương để thực thi quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân. Bên cạnh đó có chuyện giải quyết tranh chấp đất đai theo cơ chế nào là thỏa đáng: bằng biện pháp hành chính hay qua tòa án, bằng cưỡng chế theo quyết định hành chính hay thi hành án?

Mọi chuyện rắc rối liên quan đến giao, thu hồi, tranh chấp, bồi thường, giá cả, tiêu cực, tham nhũng… đều liên quan đến các khía cạnh này; không giải quyết chúng một cách thích hợp thì sự bất ổn còn kéo dài.




Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước.

Điều thứ hai là ý thức thượng tôn pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền. Những gì lộ diện và được xác nhận cho tới nay cho thấy chính quyền địa phương vi phạm quá nhiều quy định của pháp luật: từ khâu giao đến thu hồi đất, xử lý khiếu nại, cưỡng chế, ứng xử với báo chí, công luận… Đó là chưa kể đằng sau những sự vi phạm ấy có điều gì khuất tất không – một điều cần được sớm làm rõ và xử lý kiên quyết. Nếu bộ máy công quyền hành động như vậy thì làm sao có thể đòi hỏi ở người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, làm sao củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền được?

Còn việc anh em ông Đoàn văn Vươn dùng vũ khí chống lại đội cưỡng chế ( có đúng họ “thi hành công vụ” một cách chính đáng hay không thì còn phải bàn) thì nên để các cơ quan thi hành pháp luật xử lý theo đúng quy định và trình tự của pháp luật; chúng ta chỉ có thể biểu thị tình cảm riêng tư chứ không nên và không thể làm thay họ.

Nhân đây cũng phải thấy trong không ít trường hợp các cơ quan công quyền và các quan chức xử lý công việc trái với cả các quy định của pháp luật; mặt khác ý thức tôn trọng pháp luật của nhiều người dân cũng chưa cao. Nếu không chỉnh sửa cả hai chiều thì làm sao có thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền, giữ vững được kỷ cương phép nước?

Điều thứ ba là mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Theo truyền thống văn hóa của dân tộc và theo tinh thần Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì trong việc cư xử với người dân các cơ quan công quyền luôn luôn phải vừa có lý, vừa có tình. Cách ứng xử vừa thiếu lý, vừa vô tình của các quan chức huyện Tiên lãng và xã Vinh quang đã đi ngược lại những đạo lý sơ đẳng đó. Tiếc rằng những biểu hiện tương tự không phải là cá biệt mà diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp. Nếu vậy thì làm sao củng cố được lòng tin của dân đối với chính quyền, làm sao giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân?

Điều thứ tư là năng lực và phẩm chất của cán bộ. Những gì diễn ra xung quanh vụ việc ở Tiên lãng cho thấy năng lực và phẩm chất, đức và tài của một bộ phận cán bộ quá kém cỏi, rất đáng báo động. Có thể mổ xẻ nhiều khía cạnh; ở đây chỉ xin nhấn mạnh đôi ba điều:

Một là chuyện đào tạo và bố trí cán bộ. Nếu chúng ta muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì người đứng đầu cơ quan hành chính phải được đào tạo bài bản về pháp luật chứ không thể chỉ chính trị chung chung.

Hai là tầm văn hóa của chính khách. Dù sao chăng nữa các cán bộ liên quan tới vụ việc này cũng đã là chính khách nhưng sao họ hành xử, ăn nói thiếu văn hóa đến như vậy? Hành vi và lời ăn tiếng nói của họ chẳng khác nào “văn hóa quán bia”, “văn hóa đường phố”. Tiếc rằng, những biểu hiện như vậy nay không còn hiếm hoi làm hoen ố hình ảnh của nhà nước. Nếu vậy thì làm sao có thể đòi hỏi người dân kính trọng chính quyền và giữ gìn nếp sống văn minh?

Điều thứ năm là vai trò, vị trí và trách nhiệm của các thành tố trong hệ thống chính trị. Diễn biến của vụ việc cho thấy còn khá nhiều chuyện xung quanh thể chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, chí ít là ở địa phương. Theo thể chế hiện hành thì những chuyện đại loại thế này chắc phải được bàn bạc và quyết định ở cấp ủy, vậy trách nhiệm của cấp ủy ở đâu? Khi vụ việc vỡ lở vai trò và tiếng nói của cấp ủy sao mờ nhạt vậy? Việc ra quyết định đình chỉ công tác của một số vị lãnh đạo chính quyền về chính thức, công khai nên là của Thường vụ Thành ủy hay Hội đồng nhân dân về hình thức đã bầu ra họ? Một điều lạ là chẳng thấy các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng và cả đại biểu Quốc hội ở đâu. MTTQ, các đoàn thể quần chúng ở địa phương, kể cả Hội nông dân cũng lặng thinh, chỉ có hội ngành nghề vào cuộc. Có nên huy động quân đội tham gia cưỡng chế không cũng là vấn đề cần làm rõ và có quy định chặt chẽ.

Điều thứ sáu là trong thời đại thông tin, mọi hành xử phải rất khác. Vụ việc xẩy ra chỉ ở một địa phương nhưng đã gây ra tiếng vang rất nhanh và rất rộng. Nhân đây ta nhớ tới câu nói của một nhà tương lai học nổi tiếng rằng, trong thời đại ngày nay “hành động ở địa phương những phải tư duy toàn cầu”, tức là bất kỳ hành vi nào đều có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên toàn cầu. Vụ Tiên Lãng cũng không nằm ngoại lệ. Điều đó nhắc nhở mọi người làm gì cũng cần cân nhắc rất thận trọng, nhiều chiều và phải phản ứng rất nhanh nhậy; nếu không ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Tóm lại, vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước. Một phần nào đó nó phản ánh khá rõ nét những điều đã được Hội nghị Trung ương lần thứ Tư khóa XI họp đúng dịp này nêu ra và nó cần được xử lý đúng theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị để củng cố kỷ cương của Đảng và Nhà nước, lấy lại niềm tin của dân. Vụ việc này đồng thời cũng gợi mở nhiều điều trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, nhất là xung quanh vấn đề đất đai và hệ thống chính trị.

Vũ Khoan (nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Thủ tướng)
Nguồn: Vietnamnet.com

Tiên Lãng và cơ hội sửa sai(bàn về hiến pháp)

Cập nhật 10/02/2012 06:00:00 AM (GMT+7) 

Tiên Lãng là giọt nước làm tràn ly, cảnh báo những bất cập hiện nay về cơ chế sở hữu đất đai. Đây là ý kiến chung được ghi nhận tại buổi tọa đàm chiều 9/2 do Tuần Việt Nam tổ chức. Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường và ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn.

Mọi sai lầm đều từ đó mà ra

"Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra", Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc bắt đầu câu chuyện.

Ông Nguyễn Đình Lộc cho hay, Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ đến Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Quan điểm này nhanh chóng được chấp nhận, bởi lẽ đây là thời điểm người dân đang sản xuất, làm ăn theo mô hình hợp tác xã, mối quan hệ gắn bó với đất đai chưa mấy chặt chẽ, nguồn lợi từ đất đai chưa được phát huy. Chỉ đến những năm gần đây, nhiều mâu thuẫn phát sinh mới làm bộc lộ bất cập trong quy định về chế độ công hữu. Theo ông Lộc, trong lịch sử, đất đai không phải lúc nào cũng là vàng bạc, là tài sản. Đã có lúc nguồn tài sản này chưa được coi trọng đúng mức.

"Người cày có ruộng là lời hiệu triệu, nhưng nông dân đã thực sự làm chủ ruộng đất được bao nhiêu năm?", ông Lộc nói.


Ảnh: Nguyễn Hoàng

Không riêng ông Lộc, cả hai vị khách mời tham gia cuộc tọa đàm đều thống nhất quan điểm, chế độ "sở hữu toàn dân" về đất đai đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải có một bước đột phá mới, tiến dần tới công nhận "đa sở hữu".

Theo ông Đặng Hùng Võ, chính quy định về thời hạn giao - thu hồi đất và hạn điền luôn treo lơ lửng trên đầu mỗi người nông dân và trước mỗi thửa ruộng. Điều đó đã hạn chế động lực làm giàu của người dân. Chưa kể, sở hữu toàn dân chứa đựng rất nhiều nguy cơ tham nhũng, mà trực tiếp nhận là ở khâu "thu hồi đất".

Từ sau 1980, Hiến pháp và Luật đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn "dậm chân tại chỗ". Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Lộc, nhiều người không dễ dàng "buông" quy định này, bởi cơ chế "nhà nước quản lý" mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư.

Còn nói như ông Đặng Hùng Võ, nhiều nhà lý luận e sợ rằng thay đổi chế độ sở hữu về đất đai có thể gây tác động xấu đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Xa rời sở hữu toàn dân có thể coi như xa rời linh hồn của "xã hội chủ nghĩa". Mặt khác, cũng có không ít lo ngại khi nhà nước thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng đất đai rơi vào túi một số ít người có tiền.

Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn chia sẻ thêm, chuyển hình thức sở hữu, nhiều người bày tỏ quan ngại về tình trạng bất bình đẳng xã hội. Những người từng một thời bị xem là địa chủ, chủ đồn điền cũ... có thể sẽ quay trở lại đòi quyền sở hữu đất.

Nguy cơ khác là tình trạng đất đai sẽ được thâu tóm vào tay một số ít cá nhân. Những người nông dân vô sản khác có thể sẽ phải đi làm thuê, làm mướn. Vậy là tái diễn tình trạng bóc lột.

Dẫn lại các ý kiến trên, ông Đặng Kim Sơn đồng thời khẳng định, vẫn có công cụ hữu ích để ngăn ngừa những nguy cơ trên và Việt Nam nên học các nước.

Sửa Hiến pháp: cơ hội để thay đổi.

Trước mắt, để công nhận đa sở hữu đất đai phải bắt đầu ngay bây giờ từ việc sửa đổi quy định trong Hiến pháp 1992, ông Sơn đề xuất. Bởi lẽ, ngoài đất nông nghiệp, câu chuyện về quyền sở hữu tại các nông lâm trường quốc doanh hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề.

"Chuyện ai sở hữu cần phải được làm rõ, đất cần phải có chủ. Phần nào thuộc về nhà nước, phần nào thuộc về tư nhân phải rõ ràng. Ngoài ra, chế tài cũng phải rất mạnh và được quy định ngay trong Luật đất đai", ông Sơn nói. Có như vậy mới hạn chế được một số nguy cơ mà không ít người đang lo ngại, như tình trạng hồi tố đất đai hoặc tích tụ ruộng đất chỉ để đầu cơ sinh lời.

"Còn nếu cứ duy trì tình trạng như hiện nay, chỉ dẫn đến tụt lùi. Hiện chỉ có khoảng 1% trong hơn chục triệu hộ nông dân của cả nước sản xuất làm ăn ở quy mô trang trại, đây là một tỷ lệ rất thấp so với nhiều nước", ông Sơn phân tích.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, kể cả trong trường hợp Hiến pháp vẫn tiếp tục công nhận sở hữu toàn dân thì vẫn nên thu hẹp quyền giao đất, thu hồi đất của nhà nước. Thay vào đó, nên áp dụng quyền trưng dụng, trưng mua của người dân. Cơ chế trưng mua, trưng dụng cũng phải rất chi tiết, thận trọng và chỉ nên áp dụng với các dự án vì lợi ích quốc gia.

"Sửa ngay toàn bộ thì không đơn giản, có vẻ hơi khó. Tôi cho rằng nên tìm cách để có một bước đi thận trọng, theo hướng mở ra dần dần", ông Nguyễn Đình Lộc đề xuất.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, điều đáng lo ngại là phải lường được trước các hệ lụy kéo theo nếu công nhận sở hữu toàn dân. Hậu quả đến đâu, như thế nào cũng cần được cân nhắc.

Lắng nghe phân tích của ông Lộc, ngay lập tức ông Đặng Hùng Võ quay sang nói: "quan trọng là nếu có ý chí quyết tâm phải làm và muốn làm bằng được". Thực tế, như ông Võ chỉ ra, hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận hai hình thức sở hữu phổ biến là sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Hiện chỉ còn 8 nước duy trì độc nhất sở hữu toàn dân, đó là Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba và một số nước SNG.

Với Việt Nam, sửa Hiến pháp 1992 và Luật đất đai 2003 lần này chính là một cơ hội để thay đổi.

Lê Nhung (lược thuật)
Nguồn: Vietnamnet.com
==> Ông Đặng Hùng Võ: phải hạn chế quyền sở hữu đất của khối Nhà nước.

Nhân sự Tiên Lãng hay nhân sự Hải Phòng?

Cập nhật 10/02/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Vào những ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Thủ tướng, một cuộc họp có tính quyết định về "sinh mệnh chính trị" đối với nhiều cán bộ chủ chốt của Hải Phòng, lại đã xuất hiện những thông tin không chính thức hướng tới những thay đổi đáng kể về nhân sự của thành phố hoa phượng đỏ.


Chân lý đã bước đầu được đi bằng chính đôi chân của nó

Đúng 15 năm sau sự kiện Thái Bình, Tiên Lãng cũng hoàn toàn xứng đáng trở thành một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, đậm đà ý nghĩa về xã hội và cả chính trị.

Chân lý đã bước đầu được đi bằng chính đôi chân của nó. Nếu như trước Tết Nhâm Thìn, vẫn còn quá nhiều người hoài nghi về một chuyển biến nhân sự tại "Ô Khảm thứ hai" này, thì dường như những ngày đầu năm mới đã chứng thực cho chữ "Vượng" trong khí sắc cất cánh của Rồng.

Vào những ngày Tết, trong khi cả gia đình của Đoàn Văn Vươn còn phải o ép trong không gian quá đỗi chật hẹp của một cái lều mà chỉ chực sụp đổ bởi bão táp phong ba bên ngoài, thì đã xuất hiện những thông tin không chính thức (tất nhiên là không thể chính thức) về một tương lai ngắn hạn u tối dành cho những lãnh đạo cao nhất của huyện Tiên Lãng.

Với mọi người dân xã Vinh Quang, điều không thể tin lại đã được nhìn thấy. Chân lý cũng vì thế mà, sau nhiều năm gian truân, đã giành được một chút công lý khi tin đồn được xác nghiệm.

Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người dân ở cái xã nhỏ bé thì mới cảm thông được niềm vui tràn đầy của bà con đến thế nào: còn mừng hơn, hơn nhiều so với không khí Tết.

Ai thách thức "Sự tồn vong của chế độ"?

Nhưng như thế đã đủ chưa cho sự tự phê bình hay tự sửa sai từ thâm sâu trong lòng Đảng?

15 năm trước, Quỳnh Phụ chỉ là một huyện của Thái Bình, và Thái Bình chỉ là một tỉnh của Việt Nam. Còn giờ đây, cứ nhìn vào Tiên Lãng, người ta lại nhận ra rất nhiều nét quen thuộc đang xảy ra ở ba miền Bắc - Trung - Nam, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, đến Đà Nẵng, Bình Thuận, TP.HCM, Tiền Giang, An Giang...

Tiên Lãng đã không còn đơn thuần là một đơn vị hành chính nhỏ hẹp trên bản đồ quốc gia. Còn hơn cả Quỳnh Phụ, địa danh này đã đi vào lịch sử của tất cả những kết tụ về bức xúc, bất mãn, phản ứng, xung đột và cuối cùng là bạo động về đất đai - lời kết không tránh khỏi của ít nhất 4.000 vụ khiếu kiện tập thể trong hơn 6 năm qua tại nhiều địa phương ở đất nước ta.



Cuộc họp báo về vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn chiều 7/2 đã ra quyết định kỷ luật nhiều cán bộ huyện Tiên Lãng


"Sự tồn vong của chế độ" - như một lưu tâm đặc biệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - cũng khởi phát từ chính cái hiện trạng mà nếu không được cải hóa kịp thời, có thể sẽ làm đổi thay những gì tưởng chừng không thể thay đổi.

Một sự trùng hợp về thời gian đã diễn ra: lời cảnh báo của Tổng bí thư đã được dẫn chứng ngay sau đó, bởi vụ việc Đoàn Văn Vươn cùng không ít sự việc chưa hề có tiền lệ.

Vào lúc bình thường sóng êm bể lặng, con thuyền vẫn giữ thói quen dập dìu bình thản của nó mà chưa thật sự phải chịu cơn thử thách. Nhưng "quả bom" Đoàn Văn Vươn" đã xoay chuyển toàn bộ tình thế, làm cho bầu không khí xã hội và cả không khí chính trị bừng tỉnh khỏi cơn buồn ngủ ban ngày. Ngay sau "sự tồn vong của chế độ" là động thái can thiệp của những cấp cao nhất trong Bộ Chính trị và Chính phủ - hành động được toàn dân mong ngóng, mà hầu mong có thể làm nhụt bớt ý chí của các nhóm lợi ích - một thứ ý chí khó di dời về bản chất, đang được chuyển hóa đến điểm cuối của nó.

Những "công bộc của dân" vì thế cũng đã từ lâu vượt quá xa thiên chức của mình. "Sự tồn vong của chế độ" chỉ có thể được giải quyết dứt khoát bằng biện pháp con người, thay cho lý do cơ chế mà luôn dẫn đến hệ quả "chỉnh đốn" mãi vẫn chưa xong.

Bài học Thái Bình: Nhân sự Tiên Lãng hay nhân sự Hải Phòng?

Trong sự kiện Thái Bình, hàng ngàn đảng viên và cán bộ đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, do đó mới tạo yên dân và làm chậm lại những gì mà lẽ ra đã phải xảy ra sớm hơn.

Tương tự với trường hợp Thái Bình, Tiên Lãng chỉ là một cấp hành chính nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp cao hơn: Đảng bộ và UBND thành phố Hải Phòng.

Đó cũng là lý do vì sao khá tương đồng với những tin tức không chính thức trong Tết âm lịch vừa qua, vào những ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Thủ tướng, một cuộc họp có tính quyết định về "sinh mệnh chính trị" đối với nhiều cán bộ chủ chốt của Hải Phòng, lại đã xuất hiện những thông tin không chính thức khác.

Theo logic của hoạt động phân cấp quản lý về hành chính, thông tin đó cũng đang hướng tới những thay đổi đáng kể về nhân sự, không chỉ là nhân sự của huyện Tiên Lãng mà còn liên quan đến cả những người có chức vụ cao của thành phố Hoa phượng đỏ.

Lẽ dĩ nhiên, thông tin cuối cùng phải thuộc về quyết định sau cùng của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng ngẫm cho cùng, những thông tin không chính thức, dù có đúng hay không, cũng vẫn biểu hiện vô vàn tình cảm mong mỏi của người dân đối với hành động của Đảng và Nhà nước - như một biểu hiện thực chất đối với tiêu ngữ "Lấy dân làm gốc".

Và trên hết, để chân lý được gần gũi với công lý hơn.

Viết Lê Quân
Nguồn: Vietnamnet.com

Lý giải của tôi về bài báo này: Kết quả của vụ việc Tiên lãng sẽ là cách chức 1 số ông có tội nặng, ném phao cứu 1 vài ông( nhưng con đường thăng tiến của những ông này sẽ bị cắt đứt)

2012/02/09

Giải mã những bí ẩn đằng sau sự giận dữ

Trần Nam Sơn | 07/02/2012:05-00 | Theo MaskOnline
Câu nói này dường như đã trở thành phổ biến với nhiều người, "Tôi phát điên lên rồi, tôi không thể chịu đựng thêm được nữa!". Tức giận đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Từ những cặp vợ chồng thích giải quyết vấn đề bằng cách đập phá bát đĩa, những câu chửi thề văng ra giữa lúc tắc đường cho đến những phút giây thiếu kiềm chế của các "sao" nhan nhản trên những tờ báo lá cải mỗi ngày. Chúng ta chiêm ngưỡng sự tức tối của người khác với sự thích thú, nhưng chúng ta hiếm khi nhìn thẳng vào sự nóng giận của chính mình.
 
 
Nóng giận là một cảm xúc, và nó gồm rất nhiều cung bậc khác nhau, từ cáu tiết cho đến cơn thịnh nộ điên cuồng. Chúng ta đều nghĩ rằng tức giận là một cảm giác tiêu cực, nó khiến ta nói và làm những thứ mà bản thân ta không hề muốn thế. Bạn cho rằng sự tức giận đã biến bạn thành một người hoàn toàn khác, nhưng sự thật không phải thế. Tức giận, bản chất là một lời cảnh báo rằng một điều gì đó đã vi phạm trật tự tự nhiên trong đầu bạn. Trật tự này có thể là bất cứ thứ gì. Hãy lấy ví dụ vào một buổi sáng Chủ nhật lạnh tê tái, bạn muốn nằm cuộn mình trong chăn và tiếp tục ngủ đến trưa, thế nhưng ông sếp quý hóa bất chợt gọi điện đến và bắt bạn è cổ ra làm việc suốt sáng. Điều này đã đi ngược lại một quy tắc rõ ràng được xác định trong đầu bạn, Ngủ suốt sáng. Bạn cảm thấy máu mình sôi lên sùng sục, và điều bạn muốn làm với sếp mình lúc này có lẽ chẳng cần bàn tiếp.
 
 
Các hiệu ứng của sự tức giận, thực chất để thúc đẩy chúng ta chịu trách nhiệm và bắt tay vào phục hồi sự thăng bằng giữa cái đúng và cái sai. Điều này có nghĩa là, bạn tức giận vì một thứ gì đó đi ngược là điều mà bạn cho là hoàn toàn đúng, và bạn bày tỏ sự tức giận của mình ra ngoài để giải quyết mâu thuẫn này. Vậy, làm sao để biết rằng điều gì sẽ làm bạn phát điên? Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Liệu máu bạn có thực sự sôi lên sùng sục không? Và làm cách nào để bày tỏ sự tức giận mà không gây ra những thiệt hại ngoài ý muốn? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
 
Điều gì làm bạn thực sự sôi máu?
 
Rõ ràng là bạn có thể nghĩ ra rất nhiều thứ. Trọng tài không chịu để MU yêu quý của bạn hưởng một quả phạt 11m. Ông bạn trời đánh quên mất buổi hẹn với bạn. Hai đứa cháu đến nhà bạn chơi và biến nơi đây thành bãi chiến trường. Tài xế xe bus lạnh lùng đi thẳng qua bến đỗ mà không dừng lại cho bạn lên, mặc dù bạn đã chờ ở đây cả tiếng đồng hồ. Giá điện lên. Giá gas lên. Giá xăng lên. Văn hóa, chính trị, giáo dục....
 
 
Danh sách trên có thể tiếp diễn thêm vài trang A4 nữa, nhưng tựu chung lại, có thể quy chúng thành điều sau: chúng đi ngược lại sự kỳ vọng của bạn, và chúng cản trở những mục tiêu của bạn. Bạn mong chờ được đối xử công bằng, và bạn sẽ giận dữ khi bị hét vào mặt mà chẳng có lý do gì. Bạn đã khát cháy cổ, bạn đi ra chỗ máy bán nước, nhét vào đó 1 đồng xu và chợt nhận ra rằng cái máy này hoàn toàn trống rỗng. Nói cách khác, khi người khác không tuân theo những tiêu chuẩn xã hội, hoặc những tiêu chuẩn của cá nhân bạn, bạn sẽ trở nên tức giận.
 
Các nguyên nhân gây nên sự giận dữ có sự khác biệt giữa từng cá thể. Chúng khác giữa từng độ tuổi, từng dân tộc, giới tính, từng nền văn hóa khác nhau. Một nghiên cứu đánh giá sự tức giận ở trẻ sơ sinh của các dân tộc khác nhau đã được tiến hành, kết quả là trẻ sơ sinh Trung Quốc có sự điềm tĩnh cao nhất.
 
 
Nghiên cứu này có vẻ thú vị, nhưng nó không thực sự chỉ ra sự khác biệt giữa những nền văn hóa cụ thể đối với cơn giận dữ. Mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ chịu tác động rất lớn từ môi trường bên ngoài, môi trường này sẽ ảnh hưởng đến cái cách mà chúng chấp nhận, cũng như giải quyết cơn giận dữ.
 
Phụ nữ có vẻ như dễ bị kích động hơn phái mạnh, khi mà họ có quá nhiều mối quan tâm, họ bị ràng buộc với quá nhiều mối quan hệ đối với gia đình và bạn bè, họ cảm thấy mình bị đòi hỏi quá nhiều, trong khi không hề có sự đền đáp xứng đáng. Trong khi đó, một người đàn ông lại dễ lên cơn khi họ chịu tác động từ những nhân tố bên ngoài nhiều hơn - họ dễ bị kích động bởi những người xa lạ, bởi công việc và bởi những yếu tố chính trị văn hóa. Nói cách khác, sự tức giận của đàn ông có chút trừu tượng hơn, trong khi đó những cơn giận dữ của phái yếu xuất phát chủ yếu từ những người thân xung quanh họ. Đối với trẻ em, nguồn gốc của sự tức giận chủ yếu đến từ việc không đạt được cái chúng mong muốn - và điều này nghe có vẻ hợp lý hơn khi so sánh với người lớn.
 
 
Thế nhưng, chỉ với những nguyên nhân trên thì chưa đủ để bạn lên cơn. Cơn giận dữ là một phức hợp bao gồm rất nhiều yếu tố. Nói cách khác, dù bạn đang phát điên, nhưng bạn có bộc lộ nó ra ngoài hay không thì còn phụ thuộc vào việc bạn sẽ trút cơn giận dữ lên đầu ai, liệu nó có gây ra hậu quả gì tai hại hay không, liệu bạn có kìm chế được hay không....
 
Bộ não của bạn giờ đây đang bận rộn với cơn giận dữ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra trong cơ thể bạn?
 
Những hiệu ứng cơ năng trong cơn giận dữ
 
Khi một nhân vật hoạt hình nào đó nổi cơn giận dữ, bạn sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc: tai xì ra một đống khói, đỏ rực từ đầu đến chân, thậm chí là một vụ nổ đinh tai nhức óc. Rõ ràng điều này không hề mang tính giải trí nếu như bạn thấy nó trong đời thực, thế nhưng, những điều tương tự cũng xảy ra trong cơ thể chúng ta. Phản ứng giận dữ khác nhau đối với từng người, nhưng ở nhiều người, có thể bạn đã từng thấy những thứ như nghiến răng, siết chặt nắm đấm, mặt mũi đỏ bừng, cảm giác gai lạnh, tê liệt, các cơ bắp thi nhau gồng lên cuồn cuộn, đổ mồ hôi, tăng nhiệt độ cơ thể....
 
 
Hạch hạnh nhân, một phần trong não bộ, là nơi mà bộ não giải quyết những vấn đề về cảm xúc - giờ đây đang bốc hỏa. Khoảng thời gian giữa lúc cơn tức giận được kích hoạt cho tới khi có phản ứng có thể chỉ là 1/4 giây ngắn ngủi. Nhưng trong lúc này, lượng máu tới thùy trán ở vỏ não tăng lên, đây là khu vực kiểm soát những hành động có ý thức - và đây cũng chính là nguyên nhân giữ cho bạn không ném thẳng cốc cà phê vào mặt ông sếp yêu quý. Hai khu vực này luôn có sự cân bằng nhất định, và theo nhiều nhà nghiên cứu, những phản ứng giận dữ chỉ kéo dài chưa tới hai giây - đó là nguyên nhân tại sao bạn nhận được rất nhiều lời khuyên nên đếm tới 10 khi tức giận.
 
 
Nếu như bạn liên tục cáu kỉnh, cơ chế này có thể bị tổn thương ở mức độ nào đó. Những cá thể giận dữ kinh niên sẽ không có cơ chế để tự điều chỉnh. Họ có thể sẽ giảm bớt sự sản xuất acetyl choline, 1 hormon giúp dịu đi sự nóng nảy đến từ adrenaline. Hệ thống thần kinh của họ liên tục làm việc và cuối cùng trở nên quá tải, trái tim của họ trở nên suy yếu và các động mạch dần xơ cứng. Điều này có thể dẫn đến nhiều tác hại tiềm năng cho gan và thận, cũng như là bước đệm dẫn tới bệnh mỡ máu. Sự tức giận còn mang theo rất nhiều vấn đề khác, ví dụ như trầm cảm và lo âu. Một nghiên cứu gần đây trên khoảng 13.000 người cho thấy, những người thường xuyên giận dữ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp 2-3 lần người bình thường. Nhiều nhà khoa học cho rằng, sự tức giận mãn tính thậm chí còn nguy hiểm hơn cả thuốc lá và béo phì.
 
Bạn có thể sợ hãi, và bạn cũng có thể cho rằng những gì người viết đề cập trên đây chỉ mang tính chất hù dọa, thế nhưng, để cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, điều quan trọng là bạn cần biết cách tiếp nhận và xử lý cơn giận dữ của mình.
 
Cách biểu hiện cơn giận dữ
 
Bạn có thể đã nghe đến câu nói, "Tức giận không giải quyết được vấn đề gì.". Hoàn toàn đúng. Tức giận sẽ làm bạn mất bình tĩnh, và thứ làm bạn tức giận thì vẫn sờ sờ ra đó. Nhưng sự giận dữ là một tín hiệu cho bạn thấy rằng, bạn cần phải làm gì đó. Và cách bạn thể hiện sự giận dữ có thể sẽ dẫn đến cách giải quyết vấn đề.
 
 
Mục đích của sự giận dữ bao gồm:
 
Sửa chữa những điều sai trái, hoặc cho ai đó biết rằng họ đang phạm sai lầm.
 
Duy trì mối quan hệ, hoặc giải quyết xung đột giữa các cá nhân.
 
Thể hiện sức mạnh bản thân, để đảm bảo rằng những chuyện tương tự sẽ không xảy ra nữa.
 
Mục đích của cơn giận dữ có thể khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn đang phải đối phó với ai. Sự ứng xử của bạn với người thân sẽ khác hoàn toàn so với một tên ất ơ từ trên trời rơi xuống.
 
 
Thể hiện sự giận dữ, về cơ bản sẽ có 3 dạng chính: Kìm nén, bộc phát và kiểm soát sự tức giận. Ở một người phụ nữ , họ thông thường sẽ chọn cách kìm nén. Thế nhưng, sự tức giận cuối cùng vẫn sẽ rò rỉ ra ngoài, và biểu hiện bằng một cách nào đó: hờn dỗi, mỉa mai... Sự tức giận bộc phát ra ngoài thường gặp ở nam giới hơn, thể hiện bằng những lời nói to tiếng, hay tệ hại hơn là việc nói chuyện với nhau bằng nắm đấm.
 
Có thể bạn đã nhận được lời khuyên rằng, bạn không nên kìm giữ mọi thứ ở trong lòng, nhưng việc xả tất cả cảm xúc ra ngoài sẽ chẳng làm bạn thấy khá hơn. Cả hai cách trên cuối cùng đều sẽ dẫn bạn đến sự mất kiểm soát, sau đó sẽ là cảm giác bất lực. Hãy thăng bằng cơn giận dữ của mình, hoặc giải quyết nó một cách hợp lý - đó là phương pháp lý tưởng.
 
 
Bạn không nên chỉ biết giải quyết vấn đề thông qua việc than vãn, kể lể - hay tệ hơn là la hét, đập phá. Hãy đối mặt trực tiếp với vấn đề và giải quyết nguyên nhân đến tận gốc. Đây có thể là lý do tại sao tức giận cũng là một cách để chúng ta giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Cái xe máy cả năm chưa sửa, tay hàng xóm luôn mở nhạc HKT vào lúc 12h đêm - đã đến lúc bạn ra tay dọn dẹp đống bề bộn này.
 
Nhưng điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải giải quyết vấn đề theo hướng triệt để đến tận gốc. Nói chính xác hơn, bạn không thể làm được điều này. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể vô tư đập phá đồ đạc mỗi khi bạn cáu giận. Thay vào đó, bạn có thể chọn những cách lành mạnh hơn - đi tắm, đi dạo, chơi game...., bất cứ thứ gì. Hãy làm cơ thể bạn tạm thời thoát khỏi cơn giận dữ, và khi đã bình tâm trở lại, hãy bắt tay giải quyết vấn đề.
 
 
Thực tế cho thấy rằng, việc nói chuyện với người thứ ba có thể trở nên hữu ích. Trút bầu tâm sự với ai đó, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, đồng thời có thể bạn sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề. Huyết áp dần tụt xuống, sức khỏe của bạn cũng bớt bị đe dọa hơn bởi cơn tức giận. Nhưng có những lúc sẽ chỉ có mình bạn ở đó,đơn độc đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Bởi vậy, hãy tập lấy cách cứu lấy chính mình trước khi cầu khẩn một ai đó.
 
Tham khảo Howstuffworks
Nguồn:  http://genk.vn
 

2012/02/06

Tất cả những điều cần biết về phương thức định vị toàn cầu GPS


Tổ tiên của chúng ta đã thực sự trở thành bậc thầy trong nghệ thuật tìm đường xác định vị trí. Nhiều cột mốc hoành tráng được dựng lên, những bản đồ cực kỳ chi tiết được soạn ra, hơn thế nữa, họ còn học được cách xác định phương hướng thông qua vị trí của các ngôi sao trên bầu trời.
 
Ngày nay, mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chỉ với khoảng 100 $, bạn đã có thể sở hữu một thiết bị bỏ túi giúp xác định chính xác vị trí của mình trên mặt đất. Với thiết bị này trong tay, 100% bạn sẽ chẳng bao giờ lạc đường một lần nữa.
 
 
GPS - viết tắt của Global Positioning System, tạm dịch: hệ thống định vị toàn cầu. Đây là một hệ thống rất đồ sộ, đắt tiền và có liên quan đến rất nhiều công nghệ tinh vi, hiện đại khác. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của nó lại khá đơn giản và trực quan. Bài viết dưới đây hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc một vài thông tin hữu ích về thiết bị này, từ cách hoạt động, cách các vệ tinh thu nhận tín hiệu cho đến các thiết bị hiện đang sử dụng công nghệ GPS.
 
Khi nói về GPS, người ta chỉ đơn giản nhìn thấy 1 thiết bị nhỏ gọn có thể đút lọt túi. Trên thực tế, đó chỉ là một phần rất rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống hết sức đồ sộ và phức tạp. Hệ thống định vị toàn cầu này, thực chất còn bao gồm cả 27 vệ tinh nhân tạo quay liên tục quanh Trái đất (trong đó 24 vệ tinh thực sự hoạt động và 3 vệ tinh để dự phòng những sự cố). Quân đội Mỹ lần đầu tiên phát triển mạng lưới vệ tinh này nhằm mục đích định vị quân sự, nhưng sau đó nó được mở rộng ra cho nhiều nhu cầu dân sự khác.
 
 
Mỗi vệ tinh này một ngày có thể đi được 2 vòng quanh Trái đất. Quỹ đạo của chúng luôn được điều chỉnh, để bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào cũng có ít nhất 4 vệ tinh được "nhìn thấy" trên bầu trời. Sự xác định vị trí thông qua 4 vệ tinh này được thực hiện nhờ một phép toán đơn giản có tên gọi là Trilateration - tạm dịch: phép đo tam giác. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên lý phép toán này trong không gian 2 chiều và 3 chiều.
 
2D - Trilateration
 
Hãy thử tưởng tưởng rằng bạn đang ở đâu đó trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và vì một lý do trời ơi đất hõi nào đó mà bạn đang hoàn toàn lạc lối. Bạn không có bất cứ một đầu mối nào về nơi bạn đang đặt chân, và tấm bản đồ trong tay trở nên vô dụng. Bạn tìm đến một cư dân địa phương và hỏi, "Tôi đang ở đâu?". Anh ta trả lời, "Bạn đang ở cách Boise, Idaho 625 dặm."
 
Thông tin này có vẻ hữu ích, nhưng thực ra, với bạn nó hoàn toàn vô dụng. Bạn có thể ở bất cứ nơi đâu trên đường tròn ở hình vẽ dưới.
 
 
Bạn tiếp tục tìm đến một người khác, và nhận được câu trả lời, "Anh đang cách Minneapolis, Minnesota 690 dặm.".  Giờ thì mọi chuyện có vẻ khá hơn một chút. Kết hợp thông tin này với thông tin ở trên, giờ đây bạn đã có 2 vòng tròn giao nhau. Bạn đã biết rằng bạn đang nằm ở 1 trong 2 giao điểm này.
 
 
Nếu người thứ 3 cho bạn biết rằng bạn đang ở cách Tucson, Arizona 615 dặm - mọi chuyện đã trở nên ổn thỏa. Giờ đây 3 vòng tròn sẽ giao nhau ở một điểm duy nhất (Tất nhiên, trong trường hợp cả 3 người dân địa phương trên đều không.....chém gió), và bạn đã biết chính xác mình đang ở đâu - Denver, Colorado.
 
 
Với không 3 chiều, cơ chế hoạt động cũng tương tự như trên, chỉ khác ở chỗ, giờ đây những hình tròn được thay thế bằng hình cầu, và các bán kính giờ đây xoay đủ các hướng trong không gian chứ không chỉ giới hạn trong một mặt phẳng nữa.
 
3D - Trilateration
 
Nếu bạn biết rằng bạn đang cách vệ tinh A nào đó 10 dặm, giờ đây bạn đang ở trên bề mặt của một quả cầu khổng lồ có bán kính 10 dặm. Tiếp theo, bạn biết rằng mình đang ở cách vệ tinh B 15 dặm, giờ đây bạn đã có hình cầu số 2, to hơn 1 chút. 2 hình cầu này giao nhau tạo nên một đường tròn hoàn hảo. Nếu bạn biết được khoảng cách tới vệ tinh số 3, giờ đây đường tròn của bạn chỉ còn lại 2 điểm duy nhất.
 
 
Trái đất tự bản thân nó có thể hoạt động như một quả cầu thứ 4. Trừ khi bạn đang đóng vai siêu nhân trong một bộ phim hành động nào đó, trong những trường hợp còn lại, nơi bạn đặt chân chắc chắn phải ở đâu đó trên mặt đất. Do đó, bạn có thể loại bỏ được 1 điểm lơ lửng giữa vũ trụ. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, các thiết bị thu nhận tín hiệu GPS cần đến sự hoạt động của 4 (hoặc nhiều hơn thế) vệ tinh, nhằm tăng độ chính xác và cung cấp thông tin chi tiết hơn.
 
Để thực hiện được phép toán này, các máy thu GPS phải thực hiện ít nhất 2 điều:
 
Các vị trí của ít nhất 3 vệ tinh đang quay trên đầu bạn.
Khoảng cách từ bạn đến những vệ tinh đó.
 
Những thiết bị GPS sẽ thu thập những con số này thông qua việc phân tích các tín hiệu radio có tần số cao, năng lượng thấp từ các vệ tinh GPS. Nhiều máy móc hiện nay có thể có đến 3-4 đầu thu GPS, do đó chúng có thể thu nhận đồng thời tín hiệu từ nhiều vệ tinh.
 
 
Các sóng radio này có năng lượng điện từ, điều này có nghĩa là chúng di chuyển với tốc độ ánh sáng. Các đầu thu tín hiệu có thể tìm ra khoảng cách từ nơi bạn đứng đến vị trí của vệ tinh, thông qua việc xác định thời gian mà sóng di chuyển trên quãng đường đó. Tuy nhiên, việc tính toán thời gian này không hề đơn giản chút nào.
 
Bộ máy tính toán GPS
 
Vào một thời điểm cụ thể (hãy giả dụ là nửa đêm), vệ tinh bắt đầu truyền đi một khuôn mẫu dài, dạng số được gọi là mã giả-ngẫu nhiên. Bộ phận tiếp nhận cũng bắt đầu chạy cùng chuỗi số vào đúng nửa đêm. Khi sóng của vệ tinh gặp bộ phận tiếp nhận, sự truyền của chuỗi sẽ chậm lại một chút trước khi bộ phận tiếp nhận chạy chuỗi số.
 
 
Độ dài thời gian trì hoãn chính là khoảng thời gian sóng di chuyển. Bộ phận tiếp nhận sẽ nhân khoảng thời gian này với tốc độ của ánh sang để xác định khoảng cách mà sóng đi qua. Giả định là sóng truyền theo một đường thẳng, đó chính là khoảng cách từ bộ phận tiếp nhận đến vệ tinh.
 
Để lập được sự đo lường này, bộ phận tiếp nhận và vệ tinh đều cần đồng hồ có thể đồng bộ hóa đến đơn vị một phần tỷ giây. Để tạo ra một hệ thống định vị vệ tinh mà chỉ sử dụng các đồng hồ chỉ cùng thời gian, bạn sẽ cần đến đồng hồ nguyên tử không chỉ ở trên tất cả vệ tinh, mà cả ở bộ phận tiếp nhận. Nhưng đồng hồ nguyên tử có giá từ 50.000 đến 100.000 đô la  Mỹ, một cái giá quá chát đối với các thiết bị dân dụng.
 
 
GPS đã có một giải pháp thông minh và hiệu quả cho vấn đề này. Mỗi vệ tinh sẽ được trang bị những chiếc đồng hồ nguyên tử đắt tiền, nhưng bản thân đầu thu lại chỉ sử dụng một đồng hồ thạch anh bình thường, và nó sẽ liên tục tự reset. Chính nhờ điều này, một đầu thu chỉ có khả năng nhận một giá trị thời gian duy nhất, và giá trị này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc đồng hồ nguyên tử nằm trên các vệ tinh. Giá trị thời gian chính xác sẽ làm cho tất cả sóng tín hiệu giao nhau tại một điểm duy nhất trong ko gian. Kết quả cuối cùng, các máy thu GPS đều được trang bị "miễn phí" một chiếc đồng hồ nguyên tử lẽ ra có giá đến hàng chục nghìn đô la.
 
Tuy nhiên, sự tự điều chỉnh thông qua chiếc đồng hồ thạch anh sẽ làm cho các tín hiệu trở nên lệch lạc. Bốn hình cầu của bạn sẽ không còn giao nhau tại 1 điểm như lý thuyết ở trên nữa. Lại một lần nữa, khả năng tự reset và khả năng đồng bộ hóa giữa chiếc đồng hồ thạch anh trong đầu thu và chiếc đồng hồ nguyên tử trên các vệ tinh sẽ giải quyết điều này. Sau những lần tự điều chỉnh, các đầu thu tín hiệu sẽ đọc được khoảng cách một cách tương đối chính xác.
 
 
Nhiều người cho rằng, một chiếc GPS có thể đo đạc chính xác khoảng cách từ nơi người dùng đến vị trí của các vệ tinh. Thực tế, điều này là rất khó, nếu như bạn biết rằng các vệ tinh di chuyển với tốc độ rất nhanh. Các đầu thu GPS chỉ đơn giản làm công việc của một "niên lịch", lưu giữ lại quỹ đạo của các vệ tinh, từ đó cho ta biết vệ tinh này sẽ ở đâu vào thời điểm nào. Lực tác động từ Mặt trăng và Mặt trời có thể làm thay đổi chút ít quỹ đạo di chuyển của các vệ tinh này, nhưng hệ thống GPS luôn có sự giám sát rất chặt chẽ. Bất cứ sự thay đổi nào đều sẽ ngay lập tức được gửi đến tất các máy thu GPS như là một phần của tín hiệu truyền đến từ vệ tinh.
 
Những thiết bị sử dụng ứng dụng GPS
 
GPS ngày nay đã thực sự mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực, từ quân sự cho đến dân sự. Hãy cùng điểm qua những thiết bị chính sử dụng ứng dụng này
 
GPS trên các phương tiện xe cộ
 
Cực kỳ phổ biển và có rất nhiều ứng dụng. Không chỉ làm nhiệm vụ của 1 chiếc bản đồ, 1 thiết bị GPS gắn trên xe còn có thể cho bạn biết xem lộ trình nào sẽ bớt ùn tắc nhất trong sáng hôm nay, kiểm soát được tốc độ và lộ trình của những ngày hôm trước, cảnh báo khi bạn vượt quá tốc độ hoặc đi vào vùng giới hạn.... Chức năng chống trộm cũng là 1 điểm đáng lưu ý, giờ đây, với GPS gắn trên xe, bạn có thể dễ dàng biết được vị trí chiếc xe thân yêu của mình.
 
 
Bạn có thể tùy chọn cách thông báo: hoặc hiển thị dưới dạng 1 văn bản chỉ đường, hoặc dưới dạng bản đồ (hay dùng nhất), hoặc giọng nói của một nữ phát thành viên dễ thương nào đó.
 
GPS trên điện thoại
 
 
Ở đây, chiếc Sim điện thoại của bạn sẽ đóng vai trò như một đầu thu. Rất nhiều mạng viễn thông ở Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ GPS trên điện thoại: VIETTEL, MOBIFONE, VINAFONE...., và ngay cả khi bạn ra khỏi địa phận Việt Nam, bạn vẫn có thể duy trì dịch vụ này bằng cách Roaming chuyển vùng quốc tế.
 
GPS trên laptop
 
 
Rất nhiều laptop sẽ được mặc định cài sẵn chương trình GPS trên xe sử dụng qua máy tính xách tay. GPS trên laptop có nhiều ưu thế hơn so với trên xe: Bản đồ rộng lớn và chi tiết hơn, khả năng sử dụng bàn phím để kiểm soát các tính năng GPS, đồng thời có một số tính năng mà các thiết bị khác không có, ví dụ như khả năng thiết lập lịch trình chuyến đi.
 
GPS cầm tay
 
 
Có khả năng hoạt động độc lập, tự thu tín hiệu, tự xử lý và hiển thị trên màn hình của máy. Cũng có nhiều nét tương đồng với các thiết bị GPS khác như khả năng vẽ bản đồ, khả năng nhớ Waypoint...., tuy nhiên các thiết bị cầm tay được thiết kế cho những tay máu me du lịch bụi, do đó nó cần đến sự gọn nhẹ, tiện sử dụng và bền.

Một số điều có thể bạn chưa biết
 
Chiếc GPS Tracker nhỏ nhất thế giới
 
 
Công ty TariffMan thuộc vương quốc Anh vừa qua đã tuyên bố cho ra mắt chiếc GPS Tracker nhỏ nhất thế giới có tên gọi VELO. Với kích thước chỉ khoảng 3 đốt ngón tay, tuy nhiên thiết bị này có đầu dò cực kỳ nhạy cảm, do đó nó có khả năng thu tín hiệu rất nhanh và chính xác. Cộng với nguồn pin dồi dào (có thể không cần sạc trong vòng 4-5 ngày), đây thực sự là một phát minh gây nhiều sự quan tâm.
 
Độ chính xác của những chiếc GPS
 
Một chiếc GPS thường thường bậc trung hiện đang có trên thị trường có thể có độ sai số vào khoảng vài mét. Tuy nhiên, hiện nay với công nghệ kênh sóng đôi, cộng thêm việc cải tiến độ chính xác của những chiếc đồng hồ nguyên tử trên vệ tinh nhân tạo, độ sai lệch này có thể chỉ giảm xuống còn khoảng vài...cm. Đáng tiếc là do giá thành quá đắt cùng với việc giữ bí mật công nghệ, những thiết bị GPS này hầu hết chỉ được sử dụng trong quân đội nhằm mục đích xác định vị trí của các khí tài quân sự.
 
Tham khảo Howstuffworks