2011/12/27

Game "bất tử" không phải là không thể

"Ludic" là một từ xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là chơi (play), gắn liền với bất kì một thứ triết lý nào coi việc chơi là mục đích chính của cuộc sống. Vào tháng 6 năm 2006, một đoạn video đã được post lên Youtube với tựa đề là "Mega64: Tetris".
Đoạn video mô tả một người đàn ông hóa trang thành một khối hình trong trò chơi xếp hình nổi tiếng: Tetris. Người đàn ông này đi khắp nơi, và cố gắng đưa cả người cùng bộ hóa trang vào bất kì chỗ nào vừa vặn, giống như đang thực hiện trò chơi Tetris trong thế giới thực vậy...
Từ đây, ta sẽ đưa ra một khái niệm lý thú đó là Ludic artifact (hay player created content) tạm dịch là “Những thứ do chính tay người chơi tạo ra”. Ở đây, người chơi cảm thấy những yếu tố trong game quá hấp dẫn và muốn chia sẻ nó với người chơi khác hay trong một cộng đồng khác. Phân tích khái niệm này sẽ rất hữu ích cho những nhà phát triển game, bởi theo một cách nào đó nó sẽ giúp game vượt ra khỏi giới hạn của thế giới ảo, giúp thêm nhiều người có cơ hội cảm nhận được những khía cạnh khác nhau của cùng một tựa game.
Vậy chính xác thì Ludic artifact là gì? Nếu ai đã từng chơi qua những game như Little Big Planet, Unreal Tournament, Starcraft... thì sẽ dễ dàng nhận ra những trò chơi kiểu này cung cấp cho người chơi một kho các công cụ để ta có thể trực tiếp tạo map cũng như các màn chơi mới. Nhưng như thế vẫn chưa được gọi là các Ludic Artifact, chúng vẫn bị gắn liền với game và mới chỉ được coi là những yếu tố tự tạo trong game.
Ngược lại với điều đó, những trải nghiệm của game thủ hoàn toàn có thể dẫn đến một khía cạnh khác của sự sáng tạo, đó chính là việc tạo ra các “sản phẩm” của riêng mình. Hãy thử xem qua một ví dụ: một người chơi phá đảo Mario trong vòng 5 phút và ghi lại quá trình chơi của mình, đồng thời chia sẻ đoạn video này qua internet để những người khác có thể xem.
Như vậy, thông qua hành động ghi lại và chia sẻ, game thủ này đã đưa những thứ thuộc về trò chơi như gameplay ra ngoài dưới dạng một đoạn video gameplay, và chính thức tạo ra một loại "sản phẩm" được coi là Ludic Artifact.
Như vậy, có thể dễ dàng phân biệt được hai khái niệm đã nói ở trên thông qua môi trường hoạt động của chúng. Ludic Artifact được sử dụng ở ngoài game, cho dù nó vẫn mang những yếu tố của game.
Những ví dụ khác cho các Ludic Artifact có thể kể đến, đó là: những hình vẽ diễn lại một cảnh trong game, các đoạn video tư liệu về các bug game có thể lợi dụng được, cosplay nhân vật trong game, các đoạn phim được dựng từ engine trong game và thậm chí là một trang bách khoa toàn thư về một game nào đó trên mạng. Bạn thấy đấy, một khái niệm tưởng chừng như xa lạ nhưng thực ra đang hiển hiện hàng ngày, chỉ có điều bạn chưa biết gọi tên nó là gì mà thôi.  
Bức tượng này cũng là một Ludic Artifact.
Các loại Ludic Artifact này nếu nhìn một cách toàn diện thì hầu như không có điều gì liên kết với nhau. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích điểm khác biệt cũng như điểm giống nhau của chúng, thì hoàn toàn có thể định nghĩa và phân loại. Theo góc nhìn tổng quan, chúng ta sẽ có 6 loại chính bao gồm:
1. Cạnh tranh
2. Xây dựng
3. Thể hiện
4. Trình diễn
5. Cộng đồng
6. Tài liệu
Đứng đầu trong danh sách này là cạnh tranh. Cạnh tranh ở đây là yếu tố chính để tạo ra các Ludic Artifact, khi người chơi muốn thể hiện khả năng của mình trong một trò chơi. Các Ludic Artifact này có mục tiêu là lập ra các kỉ lục, hay so sánh giữa các kết quả sau khi chơi (giải quyết hết các bí mật hay nhặt được hết các item ẩn). Những đoạn video bạn thường thấy trên youtube của một game thủ trình diễn khả năng phá đảo Megaman không mất mạng nào, hay những màn rampage kinh điển trong Dota chính là ví dụ điển hình cho dạng này.
Thứ hai, đó là các Ludic Artifact dạng xây dựng. Trong dạng này, các Ludic Artifact là tất cả những vật dụng mà người chơi tạo ra dựa vào các yếu tố trong game, tính cả các đồ vật ảo, ví dụ như khẩu súng trong game Portal có thể coi là một ví dụ.
Đứng thứ ba trong danh sách là thể hiện. Những Ludic Artifact điển hình của dạng này chính là các bộ cosplay. Khi sử dụng các Ludic Artifact này, người chơi mong muốn thể hiện về tính cách, tâm trạng của các nhân vật trong game mà họ hâm mộ.
Thứ tư, trình diễn. Ở đây, các yếu tố trong game sẽ được sử dụng, kết hợp trong nhiều phong cách trình diễn khác nhau. Ví dụ đoạn nhạc sau đây là sự kết hợp lý thú của tiếng súng trong trò chơi Half-life 2.
Bản ballad tiếng súng trong Half-life 2.
Cộng đồng đứng ở vị trí thứ năm. Đây là một trong những dạng phổ biến và thông dụng nhất, liên quan đến tất cả những yếu tố có khả năng hỗ trợ, nâng cấp các tính năng thuộc về cộng đồng hay những lợi ích liên quan đến việc tham gia cộng đồng đó.
Cuối cùng là tư liệu. Tư liệu cũng là dạng phổ biến, là tất cả các bài viết về game, mô tả nhiều khía cạnh khác nhau về game như: review, preview, walkthorugh... Ví dụ về nó? Tất cả những gì bạn đọc hàng ngày chính là điển hình cho dạng thức cuối cùng này.
Ludic Artifact là một khái niệm hết sức thú vị. Nó sẽ giúp các nhà phát triển game có được hướng đi chính xác hơn trong quá trình phát triển. Họ không chỉ tập trung vào việc làm sao để gameplay hay các yếu tố khác trong game hoàn hảo, mà đồng thời cũng nghiên cứu xem làm cách nào để các yếu tố đó khiến cho người chơi cảm thấy hứng thú và sẵn sàng chia xẻ nó với thế giới bên ngoài. Đây chính là động lực quan trọng làm cho cộng đồng của một tựa game phát triển, và kết quả thực tế đó là vòng đời của một game cũng sẽ lâu hơn.
Còn đối với bạn, trong vai trò người chơi, Ludic Artifact thực ra chính là những thứ bạn đọc hàng ngày, những video gameplay bạn tự tay thực hiện, hay đơn giản hơn đó có thể chỉ là những mẩu hội thoại trao đổi kinh nghiệm chơi game của chúng ta trên một forum. 
Từ nay, mỗi khi thực hiện những hành động kể trên, bạn có quyền tự hào rằng mình vừa tạo ra một Ludic Artifact, thứ "thuốc tiên" vô cùng quý giá để kéo dài thêm tuổi thọ cho tựa game mà mình yêu thích.   
Tham khảo Sumatra

2011/12/26

THIẾT LẬP BANG GIAO MỸ-VIỆT: CON ĐƯỜNG GẬP GHỀNH...

THIẾT LẬP BANG GIAO MỸ-VIỆT: CON ĐƯỜNG GẬP GHỀNH...

HÀ NỘI (NV) - Nhất định buộc Mỹ phải bồi thường chiến tranh rồi mới chịu thiết lập bang giao. Mỹ không chịu. Tới khi muốn quá, nài nỉ xin được bang giao vô điều kiện thì bị lờ đi vì nước Mỹ có những tính toán khác.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn Lê Văn Bàng. (Hình: Tuần Việt Nam )
Ðây là những điều được ông Lê Văn Bàng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn sau lên làm thứ trưởng Ngoại Giao, nghỉ hưu năm 2010, kể lại qua cuộc phỏng vấn của ký giả Huỳnh Phan trên báo điện tử Tuần Việt Nam.
Lỡ quá nhiều dịp vì các tính toán sai lầm của đám lãnh tụ Hà Nội cộng với hoàn cảnh của một nước nhỏ trên bàn cờ quốc tế, bởi vậy, đàm phán từ sau khi chiến tranh chấm dứt, mãi 20 năm sau Việt Nam mới thiết lập được bang giao với Mỹ.
Cuộc phỏng vấn ông Bàng được Tuần Việt Nam phổ biến trong hai ngày 6 và 7 tháng 12, 2011. Ông là một nhà ngoại giao có cơ hội tham dự từ đầu các cuộc đàm phán cho tới khi trở thành đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Hoa Thịnh Ðốn.
Bắt đầu đàm phán bang giao từ năm 1977 dưới thời Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter, Lê Duẩn là tổng bí thư đảng CSVN, ông Lê Văn Bàng nhìn nhận việc Việt Nam nhất định đòi Mỹ $3.25 tỉ USD viện trợ không hoàn lại trong 5 năm và khoảng $1 tỉ USD đến $1.5 tỉ USD viện trợ lương thực và hàng hóa “không ngờ đó lại là chỗ nghẽn trong đàm phán bình thường hóa giữa Việt Nam và Mỹ.”
Phía Hà Nội “kiên quyết đòi” khi viện dẫn điều 21 của bản Hiệp Ðịnh Paris và cả công hàm Tổng Thống Nixon gửi cho Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng năm 1973 đề cập đến viện trợ. Nhưng không ngờ lại bị ông Nixon “gài” ngược bằng lời rào đón trong công hàm là viện trợ “theo những quy định của hiến pháp” của mình.
Tổng Thống J. Carter thuộc đảng Dân Chủ nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, muốn thiết lập bang giao với Việt Nam nhưng “ông ta vấp phải một thách thức rất lớn từ phái Cộng Hòa trong Quốc Hội,” ông Bàng nói.
“Từ đầu tháng 5, 1977, khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán bình thường hóa ở Paris , Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam ,” ông nói.
Sau đó, tình hình khu vực biến chuyển nhanh chóng và dồn dập.
“...nhất là sự căng thẳng với Trung Cộng, với việc cắt viện trợ và rút chuyên gia về nước, và Campuchia, khi chính quyền Khmer Ðỏ đã có các cuộc xâm phạm biên giới phía Tây Nam, lên tiếng đòi xem lại vấn đề phân định lãnh thổ giữa hai nước, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao”, ông nói. Cũng thời gian này, Việt Nam quyết định bám vào Nga hoàn toàn “chuẩn bị ký hiệp ước liên minh với Nga, cho phép hải quân của họ sử dụng Cam Ranh. Ðổi lại Nga tăng viện trợ cho Việt Nam .” Ông nói Việt Nam chuyển hướng chiến lược nên nhu cầu đòi tái thiết từ viện trợ Mỹ “không còn quan trọng như trước nữa.”
Trước sức ép quá nóng từ phương Bắc, Hà Nội cử một phái đoàn đi Hoa Thịnh Ðốn vì “nếu không có luồng gió ôn hòa từ phía Tây thì căng lắm.”
Ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc này là thứ trưởng Ngoại Giao, được cử đi “sang đàm phán kín với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Holbrooke, chấp nhận bình thường hóa vô điều kiện.”
Tuy nhiên, đạt được thỏa thuận với ông Holbrooke rồi, “ông Thạch chờ suốt mà không có câu trả lời từ Bộ Ngoại Giao Mỹ.” Ông Bàng kể lại rằng: “Sự nhượng bộ của Việt Nam đã quá muộn, bởi, trong thời gian đó, đã có những biến chuyển mạnh mẽ của tình hình thế giới, và Mỹ không thể ứng xử như cũ. Bình thường hóa liên lạc với Trung Cộng lúc đó là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.”
Ông Bàng xác nhận phía Việt Nam quá thèm bang giao với Mỹ đến độ cử vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thời đó là Trần Quang Cơ sang New York từ tháng 9, 1978 và “cố chờ” câu trả lời nên ở đó đợi đến tháng 1, 1979 (gần tới lúc Việt Nam bị Trung Cộng đánh dọc 6 tỉnh biên giới), hy vọng Mỹ thỏa thuận xong với Trung Cộng thì sẽ tính tới chuyện bang giao với Việt Nam nhưng vẫn không thấy gì.
Ông Bàng cho biết phía Việt Nam đã chuẩn bị người để mở đại sứ quán “đâu vào đấy” để mở sứ quán ngay sau khi ký kết bình thường hóa.
Theo ông Bàng, Mỹ tập trung vào “con bài” Trung Cộng, “dựa trên cơ sở sự bất đồng sâu sắc giữa Nga và Trung Cộng, nhằm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới giữa Mỹ và Nga.” Bởi vậy, “đến thời điểm lãnh đạo Việt Nam thực sự mong muốn bình thường hóa ngay với Mỹ, phía Mỹ lại chưa muốn. Bởi, như vậy, họ khó thúc đẩy bình thường hóa và cải thiện quan hệ với Trung Cộng được.”
Ông Bàng cho rằng, trong nỗ lực thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ, “Việt Nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị ‘dập’ bất cứ lúc nào.”
Rồi đến cuối năm 1978 Việt Nam tấn công chiếm đóng Campuchia, thì “mọi mối tiếp xúc (đàm phán bang giao) hầu như bị cắt đứt,” ông nói.
Nước Mỹ tức giận nên “ngay cả vấn đề MIA/POW, một trong những lời hứa của ông Jimmy Carter với hiệp hội những gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh khi tranh cử, Mỹ cũng chẳng quan tâm nữa.”
Mãi tới khi kiệt quệ kinh tế, năm 1985 lạm phát lên tới 430% (theo tài liệu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), chế độ Hà Nội thấy không còn con đường nào khác ngoài việc “đổi mới” kinh tế để tự cứu mình khỏi thế bị bao vây, cô lập,” Mỹ mới có ý đối thoại trở lại.
Năm 1986, lạm phát Việt Nam là 453.5%, cuối năm, hai Nghị Sĩ Gary Hart và Richard Lugar đến Hà Nội, gặp ông Nguyễn Cơ Thạch.
“Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hóa là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.” Ông Bàng kể. Việt Nam vội vàng đồng ý nhưng “cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9, 1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.”
Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng không tin phía Việt Nam thành thật trong việc hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Thậm chí phải đưa một phái đoàn Mỹ tới một nhà tù ở Thanh Hóa bị nghi là còn giữ tù binh Mỹ để kiểm soát.
Tới thời TT Clinton, khi Mỹ đồng ý bỏ cấm vận Việt Nam năm 1993, lại “rộ lên chuyện tài liệu Nga.” Thời gian này, vì có tin tung ra từ Nga là tù binh Mỹ được CSVN gửi sang Nga, lại còn được đại tá tình báo Nga Kalugin xác nhận. Hà Nội phải giải thích, chứng minh vất vả mãi đến năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận hoàn toàn thì năm sau mới thiết lập được bang giao.
Bây giờ, sau những bước đi chậm chạm, Việt Nam đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa gỡ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam.
Khi gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp Liên Hiệp Quốc ngày 26 tháng 9, 2011, bà ngoại trưởng Mỹ vẫn đòi hỏi Hà Nội phải cải thiện nhân quyền để hai nước có thể tiến xa hơn nữa trong mối bang giao nhiều mặt. (TN)
Theo NguoiVietOnline

2011/12/22

Thất bại của tình báo toàn cầu quanh cái chết của ông Kim Jong-il

Thứ Tư, 21/12/2011 - 10:08
Thất bại của tình báo toàn cầu quanh cái chết của ông Kim Jong-il
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời trên một chuyến tàu lúc 8h30 ngày 17/12 tại Bình Nhưỡng. 48 giờ sau đó, các quan chức tại Hàn Quốc vẫn không hay biết gì. Nhật Bản, Mỹ và Nga cũng không có thông tin trước về cái chết của Chủ tịch Triều Tiên.
 >>  Phản ứng của quốc tế về tin Chủ tịch Kim Jong-il qua đời
Các màn hình tivi đưa tin về cái chết của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il tại một cửa hàng điện tử ở Seoul, Hàn Quốc.
Tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã bị chỉ trích vì không thu thập được thông tin về cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bộ trưởng quốc phòng và giám đốc tình báo Hàn Quốc hôm qua thừa nhận họ không mảy may biết gì về việc Chủ tịch Kim Jong-il qua đời trong suốt 2 ngày, cho tới khi Triều Tiên chính thức công bố thông tin.
Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đã thông báo về sự ra đi của ông Kim Jong-il hôm thứ Hai, gây bất ngờ cho chính phủ các quốc gia khắp thế giới.
Tại Seoul, các quan chức chính phủ Hàn Quốc, bị sốc trước thông tin trên, đã tổ chức hàng loạt cuộc họp khẩn cấp và đặt quân đội trong tình trạng báo động.
Trước khi công bố tin ông Kim Jong-il qua đời, đài truyền hình quốc gia của Triều Tiên thông báo rằng sẽ có một “thông báo đặc biệt vào buổi trưa”, nhưng các quan chức tại Seoul vẫn không hề biết gì.
“Tôi chỉ biết chuyện đó thông qua tin tức”, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết trong một cuộc họp đặc biệt của uỷ ban quốc phòng quốc hội ngày 20/12. “Tôi cảm thấy cần thiết phải tăng cường khả năng tình báo của chúng ta”, ông Kim Kwan-jin nhấn mạnh.
Đúng vào ngày ông Kim Jong-il qua đời hôm thứ Bảy, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Khi ông Lee rời Seoul, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã qua đời được khoảng 4 giờ, chứng tỏ rằng cả Seoul và Tokyo - cũng như Washington - đều không hay tin gì từ Triều Tiên.
Ông Lee đã có các cuộc hội đàm tại Tokyo với Thủ tướng Yoshihiko Noda và trở về nhà vào chiều Chủ nhật, dường như vẫn không hay biết chuyện ông Kim Jong-il qua đời. Nếu Washington biết, nước này chắc hẳn đã thông báo cho Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh trung thành nhất tại châu Á.
“Dường như tất cả mọi người chỉ biết tin về cái chết của ông Kim Jong-il sau tuyên bố của đài truyền hình quốc gia Triều Tiên”, Kim Jin-pyo, giám đốc Uỷ ban tình báo tại quốc hội Hàn Quốc nói sau các cuộc thảo luận với các quan chức từ Cơ quan tình báo quốc gia. “Mỹ, Nhật Bản và Nga cũng biết tin sau tuyên bố của Triều Tiên”, ông Kim nói thêm.
“Triều Tiên rất giỏi giữ bí mật”, ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Hawaii, nói.
Khi lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) qua đời năm 1994, Triều Tiên cũng đã giữ bí mật thông tin trong hơn một ngày.
Một số nguồn tin nói rằng Trung Quốc, nước láng giềng thân thiết của Triều Tiên, có thể đã được báo tin về cái chết của ông Kim Jong-il, và không chia sẻ thông tin đó.
Nhiều lần thất bại
Các cơ quan tình báo tình báo Mỹ và châu Á trước đây đã từng thất bại trong việc thu thập thông tin về những diễn biến quan trọng tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã xây dựng một nhà máy lớn để làm giàu uranium mà không bị phát hiện trong khoảng 1 năm rưỡi cho tới khi các quan chức Triều Tiên công bố nó với một nhà khoa học hạt nhân Mỹ hồi cuối năm 2010. Triều Tiên cũng đã giúp xây dựng một lò phản ứng hoàn chỉnh tại Syria mà tình báo phương Tây không hay biết.
“Chúng ta có các kế hoạch rõ ràng về việc cần phải làm gì nếu Triều Tiên tấn công, nhưng không biết phải làm gì nếu chính quyền Triều Tiên thay đổi”, Michael J. Green, một cựu cố vấn đề châu Á trong chính quyền Bush, nói. “Bất kể khi nào đối mặt những tình huống như thế này, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Mỹ là tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra bên trong Triều Tiên”.
Tại nhiều quốc gia, công tác tình báo liên quan tới việc chặn cuộc gọi giữa các quan chức chính phủ hoặc giám sát từ vệ tinh do thám. Và trên thực tế, máy bay do thám và vệ tinh Mỹ đã theo dõi Triều Tiên. Các ăng-ten công nghệ cao được đặt dọc biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để thu thập những tín hiệu điện tử. Giới chức tình báo Hàn Quốc cũng phỏng vấn nhiều người Triều Tiên bỏ trốn sang nước này mỗi năm.
Nhưng rất ít thông tin được biết về công việc nội bộ của chính phủ Triều Tiên. Bình Nhưỡng chỉ tiết lộ các thông tin nhạy cảm cho một nhóm nhỏ các quan chức, những người luôn giữ bí mật.
Giới phân tích cho rằng Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thất bại trong việc thu thập tin tức về cái chết của ông Kim Jong-il chỉ là một thất bại tương đối nhỏ. Nhưng một cựu quan chức CIA giấu tên chỉ ra rằng: “Điều tồi tệ nhất là tình báo của chúng ta không thể xâm nhập vào ban lãnh đạo hiện thời của Triều Tiên. Chúng ta chỉ có các thông tin cũ và không biết về những gì đang xảy ra trong nội bộ ban lãnh đạo Triều Tiên”.
Cho tới nay, thất bại tình báo lớn nhất xảy ra hồi năm 2007. Triều Tiên đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại Syria, dựa trên thiết kế lò phản ứng tại Yongbyon. Các quan chức Triều Tiên thường xuyên tới đó.
Nhưng Mỹ không hay biết về điều đó cho tới khi ông Meir Dagan, khi đó là giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad, tới thăm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ George W. Bush và đặt các bức ảnh về lò phản ứng lên bàn. Lò phản ứng đã bị Israel phá huỷ trong một cuộc không khích năm 2007 sau khi Mỹ từ chối đề nghị của Israel nhằm tiến hành một cuộc tấn công.
Mặc dù CIA từ lâu đã nghi ngờ rằng Triều Tiên đang làm giàu uranium - giai đoạn 2 trong quá trình phát triển một quả bom nguyên tử - nhưng Mỹ chưa bao giờ tìm thấy các cơ sở để chứng minh điều đó.
Cho đến năm ngoái, một nhà khoa học hạt nhân Mỹ đã được "mục sở thị" một cơ sở như vậy, nằm ở giữa tổ hợp Yongbyon, nơi các vệ tinh Mỹ thường giám sát chặt chẽ. Không rõ vì sao các vệ tinh giám sát không phát hiện được việc xây dựng với quy mô lớn tại tổ hợp này.
An BìnhTheo New York Times

Phần Lan bắt giữ tàu chở nhiều tên lửa Patriot, thuốc nổ đi Trung Quốc

Thứ Năm, 22/12/2011 - 07:25
Phần Lan bắt giữ tàu chở nhiều tên lửa Patriot, thuốc nổ đi Trung Quốc
(Dân trí) - Giới chức Phần Lan hôm qua đã tịch thu 160 tấn thuốc nổ và 69 tên lửa Patriot không khai báo được tìm thấy trên một tàu chở hàng treo cờ Anh đang trên đường tới Thượng Hải, Trung Quốc.

Tàu MS Thor Liberty neo tại cảng Kotka.
Cảnh sát đang thẩm vấn thuỷ thủ đoàn của tàu MS Thor Liberty sau khi 69 quả tên lửa đất đối không được phát hiện.
Bộ trưởng nội vụ Phần Lan Paivi Rasanen cho hay các tên lửa được ghi bên ngoài là pháo hoa.
Tàu MS Thor Liberty đã cập cảng Kotka ở Phần Lan sau khi rời Đức hồi tuần trước.
Các công nhân tại cảng đã trở nên nghi ngờ sau khi tìm thấy các chất nổ được đặt hớ hênh và các tên lửa sau đó được tìm thấy trong những thùng hàng có ghi bên ngoài là “pháo hoa”.
Giám đốc điều hành hãng chủ tàu, Thorco Shipping, đã bất ngờ trước thông tin trên. Ông Thomas Mikkelsen cho biết từ Đan Mạch rằng ông không hay biết về chuyện này.
Một quan chức giấu tên của công ty xác nhận con tàu đã bị bắt giữ tại Phần Lan và cho biết các tên lửa có thể đã được đưa lên tàu do nhầm lẫn.
Cảnh sát không xác nhận các nguồn tin trên báo chí Phần Lan nói rằng con tàu đã có kế hoạch dừng tại Hàn Quốc.
“Khá bất thường”
Tàu MS Thor Liberty đã đi từ Emden (Đức) tới Kotka (Phần Lan).
Tàu MS Thor Liberty tời cảng tại Emden, miền bắc nước Đức hôm 13/12 và 2 ngày sau đó cập cảng tại Kotka, miền nam Phần Lan, để nhận hàng và xích neo tàu, theo phát ngôn viên hải quan Phần Lan Petri Lounatmaa.
Tàu có điểm đến là cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc nhưng không có thông tin nào cho biết hàng hoá quân sự sẽ được chuyển cho ai.
Cơ quan an toàn giao thông Phần Lan đã tiến hành kiểm tra thông thường và phát hiện 160 tấn thuốc nổ trên tàu.
Bộ trưởng nội vụ Rasanen nói bà chưa từng nghe về một trường hợp tương tự.
“Tất nhiên các các vụ vận chuyển vũ khí và thiết bị quân sự hợp pháp qua Phần Lan, nhưng trong trường hợp này lô hàng được ghi là pháo hoa. Điều đó là bất thường”, bà Rasanen cho hay.
Phát ngôn viên hải quan Phần Lan Petri Lounatmaa cho biết các quan chức hải quan và cảnh sát đã mở một cuộc điều tra chung về khả năng tàu vi phạm luật buôn bán vũ khí và xuất khẩu của Phần Lan.
Theo ông Lounatmaa, 32 thuỷ thủ trên tàu đang bị thẩm vấn.
Các tên lửa Patriot, được công ty Raytheon của Mỹ thiết kế, được cung cấp cho “Mỹ và các đồng minh”, theo trang web của công ty. Hàn Quốc nằm trong số những nước triển khai loại vũ khí này.
An BìnhTheo BBC, AP

2011/12/20

BẮC TRIỀU TIÊN THỜI HẬU KIM JONG IL



BẮC TRIỀU TIÊN THỜI HẬU KIM JONG IL


PJ Crowley




Cựu thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
Trong một năm có nhiều nhà độc tài bị lật đổ thì ông Kim Jong-il lại chết vì lý do tự nhiên.

Có nhiều chỉ dấu cho thấy rằng dân chúng Bắc Hàn, những người vẫn bị cô lập với phần còn lại của thế giới, sẽ thương tiếc ông.

Chỉ điều này đã nói lên rất nhiều về Bắc Triều Tiên và tại sao nước này khác với các quốc gia toàn trị khác như Libya và Syria -- một đang trong giai đoạn chuyển giao và một đang bị sức ép từ mọi phía.

Điều khiến Bắc Triều Tiên khác biệt với Iraq là Bình Nhưỡng thực sự có trong tay vũ khí hạt nhân. 

Đây cũng là lý do tại sao sẽ không xảy ra một 'Mùa xuân Bình Nhưỡng' trong tương lai gần. Có thể là một ngày nào đó, nhưng không phải bây giờ.

Trong thời gian trước mắt, Hoa Kỳ và những nước mà sự an nguy có liên quan đến Bắc Triều Tiên còn đang phải phòng tránh một Mùa đông Bình Nhưỡng - khi mà BắcHàn hoặc là sẽ bị phá tan với các hậu quả thảm khốc đối với Hàn Quốc, hoặc là tự bùng nổ, khiến người tị nạn tứ tán.
Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn kịch bản này.

SỰ SỐNG CÒN CỦA CHẾ ĐỘ

Tuy cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il quả là cú sốc đối với thể chế hiện hành, Bắc Hànthực ra cũng đã có kế hoạch chuyển giao quyền lực.
Vị 'Lãnh tụ kính yêu' gần đây đã yếu đi nhiều và cách đây hơn một năm đã chỉ định người con trai út của mình, Kim Jong-un, một thanh niên chưa qua thử thách và không được biết tới nhiều, làm người kế vị.

Thêm nữa, Bắc Hàn đã từng trải qua việc này ít nhất một lần trong quá khứ không xa khi vị 'Lãnh tụ vĩ đại' Kim Il-sung, cha của Kim Jong-il, người sáng lập nước CHDCND Triều Tiên, qua đời năm 1994. Chưa nói tới sự sùng bái cá nhân ở Bắc Hàn, gia đình họ Kim, các quan chức cao cấp và tướng lĩnh quân đội đã tạo thành một cơ chế lãnh đạo tập thể ở bên trong Đảng Lao Động Triều Tiên.

Kim Jong-un đã được phong quân hàm đại tướng, thật không tồi cho một người mới hai mấy tuổi đầu, nhưng ông ta còn lâu mới sẵn sàng để có thể lãnh đạo Vương quốc Ẩn dật vốn bị cô lập, suy thoái và đang đói khát theo đúng nghĩa đen.

Quá trình chuyển giao sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, như đã từng xảy ra với ông Kim cha. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, sự sống còn của chế độ mới là điều quan trọng nhất.

Giới lãnh đạo Bắc Hàn đã chứng tỏ là họ cũng rất giỏi xoay sở cũng như giỏi tàn bạo. 

Trong thời đại với những biến chuyển lớn lao trên toàn cầu - từ kết thúc Chiến tranh lạnh cho tới sự hình thành một cộng đồng các quốc gia dân chủ, một thế giới đang toàn cầu hóa và sự kiện Mùa xuân Ả Rập trong năm nay - Bắc Hàn vẫn cứ mãi bám giữ thể chế của mình như một đứa trẻ bướng mãi không thấy lớn trên trường quốc tế.
Đối phó với Bắc Triều Tiên là cả một sự lặp đi lặp lại chu kỳ nhượng bộ lấy lòng rồi lại gây gổ hung hăng, khi nước này đang cố vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa có được quan hệ bình thường với cộng đồng quốc tế, nhất là với Hoa Kỳ.

Các hành động khiêu khích, các cuộc phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu chiến và pháo kích tới một hòn đảo của Hàn Quốc thế nào rồi cũng được nối tiếp bằng động thái ngoại giao và những lời hứa hẹn rằng Bắc Hàn sẽ có hành động về chương trình hạt nhân của họ. 

Quốc tế tin rằng người dân Bắc Hàn vẫn sống trong đói khổ
Thế rồi các động thái nửa vời này chắc chắn sẽ lại được tiếp nối bằng các hành động khiêu khích, và một chu kỳ nữa lại bắt đầu.

TRONG VÒNG BÍ MẬT

Trong khi có thể kiềm chế Bắc Hàn, thế giới vẫn không thể coi nhẹ quốc gia này, bởi vì công nghệ hạt nhân là công cụ hái ra tiền duy nhất mà Bình Nhưỡng sẵn sàng bán cho một số quốc gia đang mong muốn sở hữu, từ Pakistan cho đến Iran và Libya.

Trong khi điều này có thể mang lợi cho ông Kim Jong-il và các thuộc hạ của ông, nó không giúp ích gì cho người dân Bắc Triều Tiên.

Ngoài sự cố gắng sống còn, một đặc điểm khác của chế độ Kim Jong-il là bỏ mặc người dân.

Dù không ai biết chắc chắn, người ta vẫn cho rằng hàng triệu người Bắc Hàn đã chết vì đói khổ, và đây thực sự là tội ác chống lại nhân loại. 

"Miền Nam, sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa."
Sự tương phản rõ rệt giữa hai miền Triều Tiên trong phương diện phát triển có thể quy về một yếu tố đó là bản chất và chất lượng của chính quyền.

Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã phát triển như một nền kinh tế toàn cầu và trở thành một cường quốc dẫn đầu khu vực.

Trong khi đó, Bắc Hàn, vốn từng có thời phát triển hơn Nam Hàn, đã phá hỏng nền kinh tế tới mức không còn khả năng nuôi sống người dân của mình.

Một phái đoàn Hoa Kỳ do đặc phái viên mới về Bắc Hàn Glyn Davies dẫn đầu dự kiến​​sẽ gặp gỡ những người đồng nhiệm Bắc Triều Tiên, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan, ở Bắc Kinh vào tuần này.

Tin cho hay Mỹ hy vọng sẽ (một lần nữa) đạt thỏa thuận về các biện pháp chứng tỏ Bắc Hàn nghiêm túc trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.

Đổi lại, Bắc Hàn sẽ được hỗ trợ lương thực, tuy nước này cần chấp thuận cho quốc tế giám sát quá trình phân phối để bảo đảm lương thực đến tay những người đang cần chứ không phải quân đội.

Hai bên sẽ thống nhất một lộ trình quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trong đó Hoa Kỳ sẽ có đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn.

Tất cả điều này chắc sẽ phải tạm ngưng khi Bắc Hàn tiến hành quá trình chuyển giao.

Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhanh chóng như thế nào và liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục công việc của các cuộc đàm phán đang dang dở hay không - trả lời cho các câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào hiệu quả của quá trình chuyển giao, quyền lực của lãnh đạo nước này đối với người dân và sự cấp bách của nhu cầu lương thực.

Trước mắt, có khả năng dễ dàng gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Miền Bắc có thể tung ra các lời lẽ đao to búa lớn hoặc có hành động khiêu khích để chứng tỏ rằng ban lãnh đạo vẫn duy trì quyền lực bất chấp cái chết của lãnh tụ KimJong-il.

Miền Nam, sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa.

Các nỗ lực ngoại giao nay sẽ phải tập trung vào để ngăn chặn hiểu lầm hoặc leo thang căng thẳng.

Ở mức độ chiến lược, các sự kiện đang diễn ra tại Iraq, Libya, Syria và Iran - những quốc gia mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân - có thể sẽ càng khiến lãnh đạo BắcHàn tin rằng công nghệ hạt nhân có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự tồn tại chế độ của họ.

Do vậy cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên, vốn chưa bao giờ dễ dàng, sẽ có khả năng bế tắc thêm một lần nữa.

Thật ra thì chẳng ai đoán trước được Bắc Hàn sẽ làm gì.

Khi Kim Jong-il còn sống chúng ta đã không biết mấy về những gì xảy ra ở Bình Nhưỡng. Bây giờ, khi ông ta chết đi, chúng ta chắc còn biết ít hơn. 



( Cập nhật: 11:13 GMT - thứ ba, 20 tháng 12, 2011  )
Nguồn: blog "Nhà văn Phạm Viết Đào"

2011/12/18

Tỷ phú Mikhail Khodorkovsky là ai?

Tỷ phú Mikhail Khodorkovsky là ai?


Ty phu Mikhail Khodorkovsky la ai?
Tỷ phú trẻ Khodorkovsky.
Với vị thế là một nhân vật lãnh đạo trẻ tuổi đầy triển vọng, hội tụ đầy đủ tính cách của một "kẻ cho vay nặng lãi", ở độ tuổi hơn 20, Mikhail Khodorkovsky đã thành lập Ngân hàng Menatep năm 1989 để nhanh chóng kiếm "lợi nhuận khổng lồ" trong khu vực kinh doanh tài chính vốn chẳng mấy chặt chẽ do tính "đỏng đảnh" về mặt luật pháp của những chính sách đổi mới dưới thời cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev. Và, tất nhiên khoản tiền khổng lồ chảy vào túi những ai đủ nhạy bén và đặc biệt đủ nhẫn tâm để "khai thác". Rõ ràng, đó là "mảnh đất màu mỡ" để Khodorkovsky vụt trở thành nhà tài phiệt máu mặt nhất nước Nga.


Lên voi

Trong chiến lược đầu tư của mình, lợi nhuận từ ngân hàng Menatep được Khodorkovsky rót vào các kế hoạch thâu tóm các tài sản rẻ mạt của nhà nước trước làn sóng tư nhân hoá ồ ạt dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Chính sách tư nhân hoá đã là cầu nối tuyệt vời giữa các nhà tài chính với những trùm sỏ chính trị Nga, giữa các doanh nhân "siêu giàu" với chính giới.
Trong giai đoạn 1995-96, Ngân hàng Menatep đã mua lại "món hời" của Chính phủ Nga mà bây giờ là Công ty Dầu lửa lớn nhất nước Nga YUKOS với giá rẻ không thể tưởng tượng nổi.
Tuy nhiên trong năm 1998, Ngân hàng Menatep bị phá sản như hàng loạt các ngân hàng thương mại khác trong giai đoạn khó khăn thời bấy giờ, khiến toàn bộ hệ thống tài chính Nga lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều thường dân Nga đã phải chứng kiến cảnh tiền tiết kiệm của mình bị cơn lũ khủng hoảng cuốn phăng.
Cho dù vậy, các tay chơi sừng sỏ nhất vẫn tồn tại. YUKOS và nhiều tài sản khác được tái hợp và đặt dưới sự kiểm soát của Group Menatep Ltd., tập đoàn cho đến nay vẫn giữ vai trò điều hành toàn bộ đế chế Khodorkovsky.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1998 đã "đập" đế chế Khodorkovsky thành một tập đoàn gồm nhiều cổ đông chiếm thiểu số. Những cổ đông này quay lưng lại cáo buộc Khodorkovsky "vắt cạn sữa" của những chi nhánh công ty. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, ông này đã xây dựng lại thanh danh với các nhà đầu tư bằng cách áp dụng hàng loạt các "mánh lới" của phương Tây.
Khodorkovsky được đánh giá là một trong những doanh nhân máu mặt đầu tiên của Nga áp dụng các tiêu chuẩn công ty phương Tây. Tập đoàn YUKOS nhanh chóng thành danh "biểu tượng của sự minh bạch" và là điểm đến của dòng đầu tư nước ngoài.
Hoạt động kinh doanh thuận lợi đã đưa Khodorkovsky trở thành một tỷ phú giàu nhất nước Nga với tổng tài sản cá nhân lên tới 8 tỷ USD. Cùng lúc, ông này bắt đầu tìm hiểu về chính trị và được báo giới dư luận "lăng xê" là một ứng cử viên sáng giá tranh cử chức tổng thống Nga năm 2008. Năm 2003, công ty YUKOS đã sáp nhập với tập đoàn Sibneft để trở thành gã khủng long dầu lửa lớn thứ tư thế giới.


Mua quan bán tước?

Có nhiều nguồn tin cho rằng, ông chủ của YUKOS đã dùng tiền đề mua địa vị chính trị của mình. Trước tin Khodorkovsky bị bắt , một số nhà phân tích nhận xét, Khodorkovsky đang được dạy cho một bài học vì đã gây dựng sự nghiệp chính trị mờ ám vượt quá sức chịu đựng của Điện Kremlin.


Ty phu Mikhail Khodorkovsky la ai?
Tham vọng vào Duma có thành hiện thực?















Người ta nghi rằng, Khodorkovsky đã dùng rất nhiền tiền để mua chuộc Đảng Yabloko để kiếm lợi nếu các nghị sĩ của Đảng này chiếm được vài ghế trong Duma quốc gia Nga trong kỳ bầu cử thất bại vừa qua. Không chỉ vậy, ông này còn "rót" rất nhiều tiền cho Đảng Hợp nhất cánh hữu cũng như cuộc vận động tranh cử của Đảng này với mong muốn sẽ kiểm soát được toàn bộ các nghị sĩ Đảng Tự do. Không dừng lại ở đó, Yukos còn có ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện thông tin nước này, chỉ ngoại trừ các kênh truyền hình thuộc kiểm soát của điện Kremlin. Ông này đã sử dụng một loạt các bộ phim do mình đầu tư để thu hút sự chú ý và quảng bá hình ảnh tới người dân Nga trước khi lao vào con đường chính trị.

Ý đồ của Khodorkovsky là muốn làm thay đổi tương quan giữa các Đảng phái chính trị ở đây bằng việc sử dụng những quân cờ trong tay mình để tạo dựng một Duma mới. Nếu không có gì thay đổi, có nhiều khả năng, Khodorkovsky cùng với 2 giám đốc của tập đoàn Yukos là Sergei Muravlenko và Alexei Kondaurov có thể sẽ có mặt trong Duma kỳ tới.
Điều mà Chủ tập đoàn Yukos gọi là "thay đổi tương quan giữa các Đảng phái" còn bao gồm cả việc không cho phép Tổng thống và Thủ tướng bổ nhiệm Chính phủ mới! Kế hoạch "dài hơi" của Khodorkovsky không chỉ nhǎm nhe chức Tổng thống sau khi ông Putin kết thúc nhiệm kỳ mà còn "sốt ruột" muốn trở thành Thủ tướng Nga trước nǎm 2008. Hiện các hoạt động chính trị của Khodorkovsky đang bị giám sát chặt chẽ.

Xuống...
Ty phu Mikhail Khodorkovsky la ai?
     Cảnh sát khám xét văn phòng của YUKOS.

Mọi thứ trở nên u ám đối với Khodorkovsky kể từ tháng 7 năm nay khi các công tố viên bắt Lebedev cộng sự thân cận của Khodorkovsky - trong một chiến dịch được giới quan sát miêu tả là là "đòn cảnh cáo của các nhân vật bảo thủ trong Kremlin hòng đè bẹp những tham vọng của Khodorkovsky".
Đầu tháng này, Vladimir Shakhnovsky - cổ đông "hạt nhân" của YUKOS - cũng đã bị buộc tội gian lận thuế và công tố viên bắt đầu "lật tung" các cơ ngơi của YUKOS, yêu cầu các hàng loạt bộ ngành liên quan tiến hành điều tra.
Cuối cùng, điều mà giới quan sát tiên liệu cũng đã tới, hôm qua (26/10), Cơ quan Công tố Nga đưa ra 6 tội dẫn đến việc bắt giữ Khodorkovsky, bao gồm: gian lận (Điều 159, Luật Hình sự); không tuân theo quyết định của toà án (Điều 315); trốn thuế thu nhập cá nhân (Điều 198); trốn thuế công ty (Điều 199); cố tình lừa đảo (Điều 165); và giả mạo giấy tờ (Điều 327). Tất cả các vi phạm này đều liên quan tới vụ án hình sự xảy ra trong quá trình tư nhân hoá một nhà máy sản xuất phân bón năm 1994.
Nếu các công tố viên bảo vệ được quan điểm của mình trước toà, người giàu nhất nước Nga sẽ có thể nhận bản án lên tới 10 năm tù giam, trong đó, phán quyết nặng nề nhất sẽ là 2 tội: gian lận và trốn thuế (riêng trong 2 tội này, Khodorkovsky gây ra thiệt hại "chưa từng có": 1 tỷ USD). Đối với Khodorkovsky, hành động trên của các công tố viên chỉ nhằm mục đích ép ông phải rời bỏ đất nước.


Cứu vãn tình thế

Phản ứng trước việc bắt giữ Khodorkovsky, tập đoàn Yukos gọi những buộc tội của cơ quan công tố là "vô lý", là "hạ bệ hệ thống luật pháp Nga" và coi việc bắt giữ Khodorkovsky là "có ý đồ chính trị". Yukos đồng thời cũng trấn an khách hàng của mình "không nên lo lắng về chất đốt cho mùa đông sắp tới vì công ty sẽ tiếp tục hoạt động bình thường".
Trong một động thái nhằm bảo vệ quyền lợi của tập đoàn, YUKOS cũng đã bắt đầu đàm phán với ExxonMobil để bán một số cổ phần của mình.
Phát biểu trước báo giới Nga, Khodorkovsky tuyên bố: "Chúng tôi là một trong những công ty dầu lửa lớn nhất có tài liệu hoạt động, nguồn kỹ thuật và tài chính minh bạch. Tuy nhiên, một số người đang cố chứng minh rằng, ngay cả những doanh nghiệp lớn "lương thiện" vẫn không thể đảm bảo. Chắc chắn, tôi sẽ chứng minh được rằng, các chủ doanh nghiệp Nga có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình, song đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng".
Mikhail Khodorkovsky đã bị lực lượng đặc nhiệm Nga bắt giữ vào lúc 5h sáng (giờ địa phương - ngày 25/10) ngay khi bước xuống máy bay tại Siberia và được dẫn thẳng tới Moscow tạm giam chờ thẩm vấn.


Lo "hậu sự"?

Trước tình hình bất lợi cho mình hôm 14/7, Mikhail Khodorkovsky đã tuyên bố, Jacob Rothschild sẽ điều hành YUKOS nếu mình bị bắt giam. Gia đình Rothschild đã cấp tài chính cho các hoạt động khai thác dầu mỏ tại Nga từ thời Nga hoàng và Lord Rothschild có quan hệ gần gũi với Yukos.
Phát biểu tại Mỹ, Khodorkovsky cho biết đã chuẩn bị đương đầu với những điều tồi tệ nhất trước mắt khi trở lại Nga. Trước đó, Giám đốc tài chính Platon Lebedev - nhân vật kế nhiệm số một của Khodorkovsky - đã bị bắt giam vì tội lừa đảo một công ty nhà nước.
Người có khả năng kế nhiệm thứ hai là ông Yury Golubev, đang thay thế Lebedev điều hành Menatep, tập đoàn chiếm 61% cổ phần trong Yukos.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, nếu các giám đốc điều hành hàng đầu của Yukos không có khả năng đảm nhiệm vị trí của Khodorkovsky, Lord Rothschild sẽ đảm nhiệm chức vụ này.

Đôi nét về bản thân Mikhail Khodorkovsky
Mikhail Khodorkovsky năm nay khoảng 40 tuổi, đứng thứ 26 trong danh sách 476 người giàu nhất thế giới năm 2003 của Tạp chí Forbes với tổng tài sản lên tới 8 tỷ USD. Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh năm 1987 bằng việc mua lại Ngân hàng Menatep. Năm 1995, Khodorkovsky mua Công ty Yukos với giá rẻ mạt 350 triệu USD. Ông từng là đảng viên trung thành của Đảng Cộng sản Liên Xô

Trần Kiên (Tổng hợp)
Theo VietNamNet (Thứ ba, 28 Tháng mười 2003, 08:05 GMT+7)

2011/12/01

'Mất lửa' vì lương cào bằng

- Trả lương cào bằng là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa bình quân, xuề xòa, bè phái theo kiểu anh khen tôi, tôi sẽ bỏ qua khuyết điểm cho anh, anh bầu tôi thì tôi cũng ủng hộ anh...



VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Huỳnh Khắc Điệp (sinh viên thạc sỹ chuyên ngành Hành chính công, Đại học Indiana, Hoa Kỳ) đóng góp cho Đề án cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012 - 2020. Mời bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến đến banchinhtri@vietnamnet.vn.

Có thể khẳng định rằng đề án tăng lương của Chính phủ chỉ là điều kiện CẦN chứ chưa phải là điều kiện ĐỦ để nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Tăng lương tự bản thân nó không có ý nghĩa toàn diện và không phải là giải pháp hiệu quả, đột phá để nâng cao chất lượng và hiệu quả bộ máy hành chính mà phải được triển khai trong mối quan hệ đồng bộ và tổng thể.

Anh bầu tôi, tôi ủng hộ anh

Chính sách tiền lương xét trên phương diện lý thuyết được thể hiện ở 3 nội dung cơ bản: tiền lương tối thiểu, hệ thống thang bảng lương và cơ chế trả lương.

Có thể nói chính sách lương, đặc biệt là cơ chế trả lương của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu và bất cập.

Thứ nhất, chúng ta duy trì một thời gian khá dài cơ chế trả lương dàn trải, “chủ nghĩa bình quân” hay nói đúng hơn là “cào bằng” chứ chưa công bằng. Cùng ở một cơ quan, trong khi có những cán bộ có năng lực, luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và có những đóng góp đáng kể thì lại có những người làm việc theo kiểu “sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về” hoặc chỉ làm đối phó cho qua chuyện. Thế nhưng, chế độ lương, thưởng và các ưu đãi khác hầu như không có sự phân biệt thỏa đáng.

Thứ hai, hiệu quả công việc không phải là căn cứ quan trọng làm thước đo phẩm chất năng lực và xác định mức lương, khen thưởng hay kỷ luật cán bộ. Thay vào đó là “tập thể nhận xét, đánh giá, bình bầu”.

Đây là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa bình quân, xuề xòa, bè phái theo kiểu anh khen tôi, tôi sẽ bỏ qua khuyết điểm cho anh, anh bầu cho tôi thì tôi cũng ủng hộ anh. Chính do cơ chế quản lý và đánh giá “ưu việt” này mà hàng năm luôn có trên 90% (trong đó không ít đơn vị 100%) cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và 1/3 cán bộ có mặt cho thêm đông vui hay đi làm Nhà nước để thuận lợi cho “chân ngoài” vẫn “yên vị” và nhận lương tăng đều.


Cần thay thế cơ chế tăng lương “bình quân, dàn đều” hiện nay. Ảnh minh họa: Bình Minh

Cơ chế trên đã dẫn đến hai xu hướng tiệu cực: (1) Tư tưởng ỷ lại đối với cán bộ làm việc cầm chừng, coi cơ quan nhà nước là mảnh đất màu mỡ, yên ấm, nơi “an dưỡng lý tưởng” chờ đến tháng lại nhận lương và đến hẹn lại tăng lương; (2) Người tâm huyết cảm thấy bị đối xử không công bằng, không sòng phẳng; thậm chí không được tôn trọng và bị “xúc phạm”. Cả hai xu hướng này xét dưới bất kỳ góc độ nào cũng dẫn đến một “hệ lụy” làm “triệt tiêu nỗ lực phấn đấu trong mỗi nhân viên” - yếu tố quyết định đến chất lượng và hiệu quả của bộ máy công quyền.

"Miếng bánh" tăng lương chỉ dành cho người có năng lực

Hai giải pháp quan trọng cần nghiên cứu áp dụng là:

1. Thay thế cơ chế tăng lương “bình quân, dàn đều” cho tất cả công chức hiện nay bằng cơ chế phân bổ ngân sách và trao quyền tự chủ cho người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành trong việc xem xét quyết định tăng lương.

Có thể thiết kế lại lương công chức: 70% là lương “cứng” theo thang bậc lương quy định chung và bằng với mức lương tối thiểu mà từng người đang được hưởng; 30% là lương “mềm” thưởng theo năng suất, hiệu quả công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, được chi trả từ nguồn kinh phí tăng lương do Chính phủ phân bổ cho mỗi đơn vị.

Giải pháp này không những tạo động lực làm việc cho cả người giỏi và người kém để đạt được mức lương cao nhất có thể mà còn góp phần quan trọng giải quyết khó khăn eo hẹp về tài chính trong việc tạo nguồn để tăng lương thích đáng cho cán bộ, công chức bởi "miếng bánh" tăng lương chỉ còn dành phần cho những người có năng lực, tâm huyết và hiệu quả đối với công việc.


2. Xây dựng mức lương và áp dụng hệ thống trả lương, cũng như khen thưởng và kỷ luật cán bộ dựa trên năng lực và hiệu quả làm việc.

Đây là giải pháp tối ưu không chỉ được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, Anh, Pháp… mà còn được triển khai khá thành công ở một số nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc… bằng việc mỗi năm đánh giá cán bộ theo thứ tự A, B,C, D tùy theo mức độ hoàn thành công việc và kèm theo là những bước điều chỉnh tăng hoặc giảm lương với từng người. Điều này sẽ giúp những người xếp ở vị trí thấp hiểu là họ phải cố gắng để nhận được mức lương cao, còn những người ở mức lương cao sẽ cố gắng hơn nữa. Thông qua biện pháp này, Hàn Quốc còn lọc ra “danh sách đen” những nhân viên hay lơ là trong công việc.


Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai thành công phương pháp này bằng cách:

Thứ nhất, phân loại công việc và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá một cách chi tiết, cụ thể và phù hợp với đặc thù của từng công việc, trong đó tập trung vào một số tiêu chí cơ bản như kết quả công việc, sự phối hợp thực hiện công việc, năng lực làm việc, hiệu quả tính theo thời gian và chi phí trong thực hiện công việc… nhằm lượng hóa mức cao nhất có thể để đánh giá hiệu quả công việc của từng nhân viên;

Thứ hai, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải khách quan, có chính kiến, giữ vai trò quyết định trong việc đánh giá và  phải chịu trách nhiệm đánh giá nhân viên của mình, có sự tham khảo ý kiến đại diện công đoàn, đoàn thanh niên... Ý kiến bình bầu tập thể chỉ là một cơ sở tham khảo.

Thứ ba, xây dựng cơ chế đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo và nhân viên trong việc đánh giá, phân loại. Nhân viên được quyền khiếu nại lên lãnh đạo trực tiếp cao hơn một cấp trong trường hợp không đồng ý với phân loại công tác của mình.


Đổi mới cơ chế trả lương, đặc biệt áp dụng dụng hệ thống trả lương dựa trên năng lực và hiệu quả công việc là một việc khó và chưa được áp dụng ở nước ta, nhưng chính là bước đột phá trong đề án cải cách tiền lương. Chính sách tăng lương của Chính phủ chỉ thực sự hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ công chức khi và chỉ khi phân loại được người giỏi, người làm việc tốt ra khỏi những người trung bình, tách người làm việc kém ra khỏi những người làm được việc… và kèm theo đó là chế độ lương, thưởng thích đáng.

Đã đến lúc nhất thiết phải có sự thay đổi căn bản và đột phá về chính sách tiền lương.


Huỳnh Khắc Điệp
Nguồn: Vietnamnet 1/12/2011