2012/07/31

Cuộc sống đang dần dần giết chúng ta


Cái chết chắc chắn sẽ đến với chúng ta một ngày nào đó. Bất cứ thứ gì cũng có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Tuy nhiên, con người có bản năng sinh tồn mạnh mẽ cũng như lòng ham sống cực cao, chúng ta luôn muốn có thể kéo dài cuộc sống càng lâu càng tốt. Dù có nói gì đi nữa, chẳng có một ai thực sự cảm thấy thanh thản khi phải rời bỏ cuộc sống.

cuoc-song-dang-dan-dan-giet-chung-ta

Như đã nói ở trên, cái chết là điều sẽ xảy đến với bất kỳ ai, tuy nhiên, điểm khác biệt rõ rệt nhất là thời điểm chúng ta phải rời bỏ cuộc sống. Con người không giống như đồng hồ, thời gian của chúng ta không giống nhau. Cuộc sống của hai con người có thể bắt đầu cùng lúc nhưng không mấy khi hai cuộc sống ấy kết thúc cùng một thời điểm. Chúng ta có thể bỏ qua trường hợp những vụ tai nạn bất ngờ cướp đi mạng sống của con người, khoa học – công nghệ hiện nay chưa cho phép con người có thể dự đoán tương lai, do đó, việc phòng bị trước các cái chết bất ngờ này thường vô vọng. Thậm chí, những thói quen, hành động xấu có thể khiến cuộc sống của con người bị rút ngắn như hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện…cũng không cần xét đến, chúng ta hiểu quá rõ rằng những thói xấu này có thể thúc đẩy ngày cuối cùng của chúng ta đến nhanh hơn.

cuoc-song-dang-dan-dan-giet-chung-ta

Không lạm dụng những chất kích thích. Cẩn thận với những việc chúng ta làm trong cuộc sống. Đó là những gì chúng ta nên làm để kéo dài khoảng thời gian tồn tại của chúng ta trên Trái Đất này? Vậy nếu như những hành động tưởng chừng vô hại, nhỏ nhặt chúng ta làm hàng ngày cũng là nguyên nhân đẩy chúng ta đến cái chết nhanh hơn thì sao?

Không ít những bài báo, chương trình TV đã cảnh báo chúng ta về những nguyên nhân không tưởng có thể gây chết người. Trong bài viết này, hãy cùng điểm danh 3 hoạt động thiết yếu của con người nhưng lại có thể thúc đẩy cái chết của chúng ta. Tuy nhiên, những điều được viết trong bài không có nghĩa là chúng ta đang đưa chính bản thân gần hơn với cái chết. Đôi khi, những giải pháp cho vấn đề lại vô cùng đơn giản.

1. Ngồi

Có lẽ bạn không còn lạ lẫm với những bài báo nói về việc ngồi quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể của chúng ta. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh rằng việc ngồi quá nhiều không có lợi cho hệ tim mạch và có thể tăng nguyên nhân gây ung thư. Đó là chưa kể việc ngồi quá nhiều còn là nguyên nhân gây bệnh trĩ, táo bón, đau lưng và thoái hóa cột sống. Chưa kể đến những bệnh tật có thể mắc phải, việc ngồi quá nhiều có thể gây tăng số đo vòng 2 và vòng 3, điều này có thể khiến bạn trở nên xấu xí, không tốt cho đời sống xã hội của bạn. Việc ngồi quá nhiều có thể khiến tuổi thọ của bạn giảm mất 7 năm.

cuoc-song-dang-dan-dan-giet-chung-ta

Hầu hết công việc hàng ngày của chúng ta đều phải ngồi, dù đi học, đi làm và thậm chí thời gian giải trí ngày nay của chúng ta cũng đều trong tư thế ngồi. Sau một ngày làm việc vất vả, hầu hết mọi người đều ngại phải đứng lên, tập thể dục vào cuối ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn không cần bỏ quá nhiều thời gian hoạt động và hoạt động thể chất bạn làm cũng không cần quá nặng như việc tập thể hình để có thể sở hữu cơ thể khỏe mạnh. Bạn có thể đi dạo, chạy bộ, đi bơi hay chỉ đơn giản là tập những động tác thể dục đơn giản. Không quan trọng là bạn làm những gì, mỗi ngày bỏ ra khoảng 1 tiếng đồng hồ luyện tập thể dục mỗi ngày là những gì cần để đẩy lùi những tác động xấu của việc ngồi quá nhiều. Thậm chí, thay vì ngồi ở bàn làm việc, bạn chỉ cần đứng để làm việc hoặc đi lại quanh văn phòng cũng đủ tốt cho cơ thể.

2. Ăn

Việc sử dụng các loại thức ăn không hợp lý, không đúng cách hoặc sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm nào đó có thể gây hại cho cơ thể. Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, chúng ta thường có thói quen sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, đến những cửa hàng đồ ăn nhanh hoặc các hàng quán ven đường để nạp thêm năng lượng cho cơ thể và đó cũng là một nguyên nhân gây hại cho cơ thể của chúng ta.

Trên thực tế, có 3 yếu tố để xem xét về một loại thực phẩm đó là: ngon, bổ,rẻ. Những loại thực phẩm thực sự đáp ứng đủ cả 3 yếu tố đó rất hiếm, trong bữa ăn thông thường của chúng ta, hầu hết các loại thực phẩm chỉ đáp ứng được 2 trong 3 yếu tố đó. Nếu muốn bữa ăn đảm bảo cả 3 yếu tố trên, hãy đảm bảo đồng lương hàng tháng của bạn đủ cao.

cuoc-song-dang-dan-dan-giet-chung-ta

Sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm nào đó dù loại thực phẩm ấy có tốt đi chăng nữa cũng sẽ nhận được hậu quả ngược. Vậy thay vì sử dụng nhiều các loại thực phẩm được coi là bổ dưỡng, hãy thỉnh thoảng mới sử dụng chúng và hạn chế dùng các loại thực phẩm có hại cho cơ thể. Chúng ta thường trêu đùa nhau và nói rằng chúng ta có thể “chết vì ăn”, tuy nhiên, sự điều độ trong ăn uống, sinh hoạt chắc chắn có thể cứu bạn khỏi cái chết không mấy đẹp đẽ này.

3. Ở

Chắc chắn là một ngày nào đó bạn sẽ bị cán chết nếu bạn sống trong một chiếc hộp catton giữa đường phố của một thành phố lớn. Nghiêm túc hơn, có thể bạn đã đọc những bản tin về việc chỉ đang ngồi trong nhà, ăn uống ở hàng quán cũng bị những tai nạn bất ngờ ập đến hay như việc sống ở vùng quê, nơi thiếu các cơ sở y tế hay điều kiện sinh hoạt kém có thể khiến con người gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn khi sống ở các thành phố đủ điều kiện.

Thậm chí trong một lĩnh vực khoa học mới gọi là Geomedicine, các nhà khoa học đã tổng kết những khu vực sống mà một loại bệnh tật, tai nạn, thiên tai xảy ra nhiều hơn các khu vực khác. Hãy cùng thử nhìn tấm bản đồ dưới đây và bạn sẽ thấy những khu vực thường xảy ra đau tim tại Mỹ và những khu vực ít xảy ra hiện tượng này. Trong quan niệm phong thủy phương Đông, chúng ta cũng thấy việc nơi ở, nhà cửa có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của con người. Nơi bạn sống thực sự có ảnh hưởng đến chính cơ thể bạn.

cuoc-song-dang-dan-dan-giet-chung-ta

Chắc chắn nếu bạn đến Nhật, bạn sẽ thường xuyên gặp động đất. Nếu bạn ở miến Trung Việt Nam, cái nắng có thể khiến bạn khó sống nổi…Bất cứ nơi đâu cũng có những thiên tai mà bạn phải cố gắng sống chung, khắc phục chúng. Cũng như với Geomedicine, việc một khu vực có nhiều người bị đau tim không đồng nghĩa với việc chuyển ra khỏi khu vực ấy sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn, trên thực tế, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong những khu vực sống thường tồn tại một phong cách sống chung, chính điều này khiến chúng ta gặp những vấn đề bệnh tật. Thứ gọi là Stereotype – Khuôn mẫu- ở mỗi khu vực sống không phải là thứ vô căn cứ, stereotype này ảnh hưởng mạnh đến mỗi bản thân chúng ta dù chúng ta có nhận ra chúng hay không.

Thức chủ yếu khiến việc nơi ở ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta chính là những bức bối, stress chúng ta gặp trong cuộc sống hoặc một loại thức ăn, nước uống hay thậm chí là không khí nơi chúng ta đang ở. Không khó để bảo vệ bản thân trước thiên tai, cũng như thay đổi phong cách sinh hoạt để có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn. Có thể nói, nơi bạn sống là một trong những nguyên nhân dẫn bạn đến cỗ quan tài, tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải ghét nơi ở của chính mình. Rút cục thì ai cũng phải chết và bạn cũng có rất nhiều cách để làm chậm thời khắc cuối cùng đến với bản thân, chỉ đơn giản là bạn có muốn thực hiện chúng hay không mà thôi.

cuoc-song-dang-dan-dan-giet-chung-ta

Tham khảo: Lifehacker
Nguồn:  Genk.vn

Thói quen xấu cần bỏ nếu muốn theo ngành CNTT



Nếu muốn theo ngành CNTT, bạn cần tránh 9 thói quen xấu sau đây.


1. Không chịu đọc tài liệu trước khi dùng


Đây là một trong những thói quen tệ hại nhất nhưng lại thường gặp nhất. Có lẽ thói quen này nảy sinh từ tính thân thiện của "giao diện đồ hình" (GUI) khiến cho người dùng bồi đắp thói quen mò mẫm mà không cần đọc hướng dẫn nhưng cũng sử dụng được máy. Việc này không có gì đáng ngại đối với người dùng (rất) bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định theo đuổi ngành CNTT một cách nghiêm túc thì hãy bỏ ngay thói quen tai hại này. Đây là rào cản lớn nhất cho sự phát triển, kiến thức vững chắc không phải do... mò mẫm được. Tài liệu hướng dẫn không phải vô cớ mà được viết ra.


Hãy đọc tài liệu hướng dẫn trước khi dùng  (Ảnh: Jaakko Tuomivara
2. Đọc lướt


Đây cũng là một thói quen tệ hại và phổ biến không kém. Ngay trên những diễn đàn, với những ý kiến và chỉ dẫn bằng tiếng Việt rất cô đọng, rành mạch và dễ hiểu nhưng vẫn có quá nhiều người chỉ đọc lướt để rồi quay lại tiếp tục thắc mắc. Thói quen này cực kỳ nguy hiểm bởi vì nó rèn cho trí não thói quen đọc lướt, dẫn đến chỗ kiến thức thu thập một cách hời hợt, tạm bợ và chắp vá. Nếu những ý kiến bằng tiếng Việt rất cô đọng, rành mạch và dễ hiểu nhưng vẫn không chịu khó đọc kỹ và suy gẫm thì việc tham khảo, tổng hợp các sách tiếng nước ngoài gần như là vô khả thi.


Đọc lướt dẫn đến việc thu nhận kiến thức hời hợt, chắp vá (Ảnh: ST)
3. Bắt chước mà không suy nghĩ


Khi bắt đầu làm quen với những thứ trong ngành CNTT, cách dễ nhất là bắt chước làm theo từng bước. Nhưng nếu cứ nhắm mắt làm theo mà không hề suy nghĩ lý do tại sao làm như vậy, không thử đặt câu hỏi những gì xảy ra đằng sau những "bước" ấy thì không chóng thì chày sẽ tạo cho mình một thói quen tai hại: bắt chước, không suy nghĩ, không tư duy - như một cỗ máy. Từ chỗ làm theo từng bước có sẵn mà không suy nghĩ đến chỗ biến thành thói quen thì khả năng nhận định và tư duy sẽ bị thui chột. Chẳng những vậy, thói quen này kiềm hãm sự thẩm thấu kiến thức xuyên qua hàng loạt những câu hỏi. Tự đặt câu hỏi chính là cách buộc trí não mình làm việc và là viên đá đầu tiên để dấn thân vào chỗ phát triển trí tuệ.


Bắt chước mà không suy nghĩ giống như robot dùng máy tính (Ảnh: ST)
4. Sợ khó


Sợ khó tưởng chừng quá thông thường trên mọi lãnh vực nhưng trong lãnh vực CNTT thì thói quen "sợ khó" là thói quen giết chết ngay từ bước đầu làm quen và phát triển. Chẳng có ngành nghề thực thụ nào đòi hỏi trí tuệ mà lại dễ dàng hết. Thói quen "sợ khó" biểu hiện từ chuyện đơn giản như học ngoại ngữ (để có thể tham khảo thêm tài liệu ngoại ngữ) cho đến chuyện tự mình đối diện với những khó khăn trong khi trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Thói quen này lâu dần ăn sâu, dẫn đến chỗ không muốn và không thể giải quyết được điều gì nếu chỉ cảm thấy có trở ngại. Nên tránh xa câu này: vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản.


Sợ khó sẽ không giải quyết được những việc lớn, không vượt qua được khó khăn (Ảnh: gocrawford)
5. Viện cớ


Quá trình tích lũy kiến thức luôn luôn có những khó khăn và trở ngại. Nếu chính bản thân mình không tự kỷ luật và tự nghiêm khắc thì chẳng còn ai trên đời này kỷ luật và nghiêm khắc giúp mình. Từ chỗ không kỷ luật và không nghiêm khắc, chỉ cần một thời gian rất ngắn có thể dẫn đến sự đổ vỡ, sợ hãi, chán nản và để bào chữa cho sự đổ vỡ thường là những viện cớ. Viện cớ chỉ để ẩn nấp sau cái cớ nhưng sự thật sụp đổ vẫn tồn tại. Tránh xa những câu như "nhà em nghèo", "hoàn cảnh khó khăn", "vì em là newbie" mà nên biết rằng vô số những người khác cũng như mình và thậm chí còn khó khăn hơn mình. Nên nhớ rằng, ngay khi dùng cái cớ để viện thì lúc ấy mình đã chính thức thất bại rồi.


Khi viện cớ, bạn đã chịu thất bại rồi (Ảnh: ST)
6. "Đi tắt đón đầu"


Trên đời này chẳng có loại tri thức đích thực nào hình thành từ "đi tắt" và "đón đầu" cả. "Mì ăn liền" có cái ngon của nó nhưng "mì ăn liền" không thể tạo thành một bữa ăn thịnh soạn và đầy đủ. Tri thức đích thực cũng như thức ăn, nó cần điều độ, liều lượng và thời gian để... tiêu hoá. Tư duy và thói quen "đi tắt" luôn luôn dẫn đến những lổ hổng khủng khiếp trong kiến thức. Những lổ hổng ấy xem chừng không nhiều và không quan trọng khi kiến thức còn ít ỏi và nhu cầu công việc còn sơ khai. Tuy nhiên, một khi đối diện với những khó khăn và phức tạp trong công việc và trong đời sống thì những thứ "đi tắt đón đầu" là nguyên nhân sâu xa của những đổ vỡ và thất bại. Hãy nhớ: đừng đi tắt và đừng đón đầu bởi vì chẳng có con đường tắt nào trong hành trình đi tìm tri thức.


Không có con đường tắt trong tìm tòi tri thức (Ảnh: DialogData)
7. "Nghe nói là..."


Cụm từ "nghe nói là..." là cụm từ phổ biến đến độ chóng mặt. Bất cứ một ngành khoa học hay có liên quan đến khoa học không thể dựa trên "nghe nói" mà luôn luôn cần dựa trên các bằng chứng khoa học và những bằng chứng ấy cần chính xác và cụ thể. Chính vì thói quen "nghe nói" đã đánh rớt những cơ hội tìm tòi và kiểm chứng - những cơ hội quý báu để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Cái gì không rõ thì nên tìm tòi và đừng "nghe nói" mà phải được thấy, được phân tích và được kiểm chứng. Không bỏ được thói quen này thì cách tốt nhất đừng bén mảng gần bất cứ ngành khoa học nào vì chỉ chuốc lấy sự thất bại và lãng phí.


Chỉ nghe tin đồn mà không kiểm chứng không phải điều phù hợp 
với bất cứ ngành khoa học nào (Ảnh: ST)
8. Niềm tin và hy vọng


Trong khoa học, khi nói đến kết quả và sự kiến tạo hoặc thậm chí con đường đi đến sự kiến tạo và kết quả thì hoàn toàn không có chỗ cho "niềm tin" và "hy vọng" một cách mù mờ. Thói quen "restart" lại máy hay "restart" lại chương trình với "hy vọng" nó sẽ khắc phục sự cố đã trở thành thói quen cố hữu. Nếu không có điều kiện thay đổi nào khác thì có "restart" một triệu lần và hy vọng một triệu lần thì kết quả vẫn y hệt nhau. Đừng "tin" và đừng "hy vọng" kết quả sẽ thay đổi nếu chính bạn không kiểm soát và thay đổi để làm kết quả thay đổi. Tất cả mọi hoạt động từ lập trình cho đến quản lý hệ thống, quản lý mạng, bảo mật, reverse engineering.... thậm chí đối với người dùng bình thường, khi kết quả không như ý, sự điều chỉnh là điều cần thiết thay vì lặp lại y hệt hành động và chỉ... hy vọng.


Khi có kết quả không như ý, sự điều chỉnh là cần thiết thay vì... hi vọng (Ảnh: Depositphotos) 


9. Không vì trí tuệ mà vì... "đẳng cấp"


Lắm bạn lao vào ngành này không phải là vì trí tuệ, vì kiến thức, vì đóng góp một cái gì đó ích lợi cho xã hội mà là vì... đẳng cấp mơ hồ nào đó. Nếu tiếp tục lao vào và chọn lấy một mục tiêu mơ hồ thì sẽ không bao giờ đi đến đích được. "Đẳng cấp" là một thứ mơ hồ, vô ích và đầy tính cá nhân. Khi nó biến thành thói quen và mục tiêu để nhắm tới thì nó chẳng mang lại được gì ngoài sự thất bại ngay từ đầu vì hoàn toàn không có một phương hướng nào cả. Trau dồi kiến thức hoàn toàn khác với việc xoa dịu mặc cảm ("đẳng cấp").


Nếu bạn theo đuổi ngành CNTT vì... đẳng cấp, bạn không thể tới đích được (Ảnh: ST)

TCCL tháng 7 năm 2012
Tác giảDieu Hoang

2012/07/26

Đừng đổ lỗi thảm họa Fukushima cho... văn hóa Nhật Bản

Đổ lỗi cho văn hóa chỉ là cái cớ cuối cùng mà thôi. Nếu văn hóa có thể giải thích cho hành vi, thì sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm gì cả. Điều này được khẳng định một lần nữa khi báo cáo kết luận rằng kết quả sẽ hoàn toàn tương tự nếu là những người khác chịu trách nhiệm. 


Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi xảy ra thảm kịch làm phá hủy khu vực Tohoku của Nhật Bản. Trận động đất lớn và sóng thần dữ dội đã làm 20.000 người chết và mất tích, hàng trăm ngàn người vô gia cư. Kết quả, thảm họa nguyên tử Fukushima được xếp vào một trong những thảm họa tồi tệ nhất, sánh ngang với vụ Chernobyl. 



Thảm họa tự nhiên và... "nhân tạo"? 



Thảm kịch ấy đòi hỏi cần phải có 1 cách giải quyết vấn đề mang tính hành động nhanh chóng,1 phản ứng tức thời, và Chính phủ Nhật đã không đáp ứng được thách thức này. Sự thiếu năng lực của nhà cầm quyền là 1 trong những nguyên nhân được nêu ra trong báo cáo của Ủy ban độc lập về tai nạn nguyên tử Fukushima. 



Kết luận cuối cùng của báo cáo, đây không phải là một thảm họa tự nhiên mà là một thảm họa nhân tạo sâu sắc- lẽ ra đã có thể và cần phải được lường trước và ngăn chặn. Tác hại của nó đã có thể được giảm nhẹ bằng những phản ứng có hiệu quả hơn của con người. 



Báo cáo cũng chỉ ra những thiếu sót của Tepco, của công ty điện lực chạy nhà máy điện Fukushima, những quan chức với trách nhiệm chính điều hành ngành công nghiệp hạt nhân và cả Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan. 



Nó mô tả 1 thứ văn hóa thông đồng bên trong "làng hạt nhân" Nhật Bản, đặt lợi ích của những nhà sản xuất điện lên trên cả sự an toàn của cộng đồng và cố ý lờ đi những rủi ro về 1 tai nạn hạt nhân lớn ở 1 quốc gia rất dễ bị động đất. 



Tuy nhiên nếu ai muốn đổ lỗi thông qua những trang nghiên cứu này thì vô ích! Nó chỉ ra rất nhiều cá nhân và tổ chức để chỉ trích gay gắt, nhưng mục tiêu không phải là để đổ lỗi. Tại sao không? Bởi vì, Ủy ban kết luận: "Đây là một thảm họa của Nhật Bản". 



Mục đích cơ bản của báo cáo này là để nhìn ra những quy ước đã ăn sâu cố hữu trong văn hóa Nhật Bản: Sự phục tùng như một phản xạ tự nhiên, sự miễn cưỡng phải đặt câu hỏi đối với nhà cầm quyền, sự tận tụy để hòa mình vào công việc, chủ nghĩa phe nhóm, và sự tách biệt.

Nếu bất cứ người Nhật nào ở trong hoàn cảnh phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn này, kết quả có lẽ cũng đều sẽ giống nhau. 



Tôi cầu xin chúng ta hãy nghĩ khác đi. Nếu ông Kan không cố xông vào trụ sở của Tepco và cố gắng thực hiện 1 số quyền vượt qua cả khuôn khổ cho phép về chuyên môn, tình hình có thể đã tồi tệ hơn thế rất nhiều.


Đừng đổ lỗi thảm họa Fukushima cho... văn hóa Nhật Bản


Nếu Chủ tịch Tepco có nhiều thẩm quyền hơn, thông tin liên lạc với Văn phòng Thủ tướng lẽ ra đã tốt hơn. Đặc biệt, 1 trong những người hùng trong câu chuyện Fukushima là Masao Yoshida, Giám đốc nhà máy điện, người đã không tuân theo lệnh cấm sử dụng nước mặn để làm mát các lò phản ứng. 



Thật kinh ngạc là những nhà quản lý Tepco ngay từ đầu đã bám vào hi vọng rằng 1 ngày nào đó các lò phản ứng sẽ hoạt động trở lại, điều mà sẽ không bao giờ có thể xảy ra một lần nữa khi nước mặn đã được bơm vào. 



Văn hóa- cái cớ cuối cùng! 



Đổ lỗi cho văn hóa chỉ là cái cớ cuối cùng mà thôi. Nếu văn hóa có thể giải thích cho hành vi, thì sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm gì cả. Điều này được khẳng định một lần nữa khi báo cáo kết luận rằng kết quả sẽ hoàn toàn tương tự nếu là những người khác chịu trách nhiệm. 



Văn hóa không giải thích được cho thảm họa Fukushima. Người ta có quyền lựa chọn, vấn đề là họ lựa chọn cái gì, chứ không phải bối cảnh văn hóa mà họ thực hiện. Nếu sự tuân lệnh nhà cầm quyền là 1 nét đã ăn sâu trong văn hóa Nhật Bản, thì làm sao 1 nhóm những người Nhật có thể viết một bản báo cáo không những mang tính chất vấn, mà còn chỉ trích gay gắt nhà cầm quyền. 



Hành động này có thể minh chứng cho bất cứ điều gì ngoại trừ ví dụ về sự tuân thủ cố hữu? Cuộc tranh cãi về văn hóa chỉ là bề nổi mà thôi. 



Thủ tướng Noda đã hứa sẽ thành lập 1 ủy ban pháp quy mới độc lập về hạt nhân và sẽ hoạt động từ tháng 4 năm nay. Hạ viện Quốc hội cuối cùng đã thông qua dự luật về ủy ban này cuối tuần trước. 



Chính phủ quyết định đi trước và tái khởi động lại 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện phục vụ cho Osaka và xung quanh khu vực này bất chấp sự phản đối rộng rãi. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng 51 lò phản ứng hạt nhân khác của Nhật cũng sẽ được đưa ra xem xét cho tới khi ủy ban này được thành lập và những tiêu chuẩn an toàn hơn được công bố. Văn hóa không giải thích cho phản ứng chậm chạp này, nhưng chính trị thì có thể giải thích được điều ấy...

Những diễn biến bên trong ngôi làng hạt nhân Nhật Bản đã cho thấy 1 thứ văn hóa đặc thù nhưng không bao giờ là duy nhất người Nhật. 



Nổi bật lên từ báo cáo này là sự tương đồng giữa những nguyên nhân nhân tạo, phản ứng với Fukushima với thứ "văn hóa" đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sau khi Lehman Brothers sụp đổ, để rồi tiếp tục chống lại những cải cách có ý nghĩa và gán trách nhiệm về thảm họa nhân tạo này cho những cá nhân cụ thể. 



Báo cáo của Ủy ban về thảm họa Fukushima chỉ ra "1 tư duy quản lý theo hướng ưu tiên chi phí công cho những lợi ích của các tổ chức". Vâng, nếu đó là văn hóa của Nhật Bản, thì tất cả chúng ta đều là người Nhật! 



Đồng Thùy (theo Eastasiaforum)

Nguồn: Vietnamnet

2012/07/23

5 lời khuyên giúp làm việc theo nhóm hiệu quả



Nếu một thành viên nói rằng: "Tôi không thích mẫu bạn đang sử dụng cho bài thuyết trình của chúng ta”, nghĩa là người đó đang lo lắng vì bạn đã không hỏi ý kiến ​​của họ trước khi chọn mẫu.

“Teamwork” (làm việc theo nhóm) ngày càng trở thành kỹ năng phổ biến và có tác dụng nâng cao hiệu quả công việc. Khi làm việc theo nhóm, chúng ta có thể tận dụng được điểm mạnh của nhiều người để giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, mọi người đều cảm thấy các thành viên trong nhóm đều có đóng góp đáng kể cho thành quả đạt được. Điều này giúp tăng cường quá trình học hỏi lẫn nhau và những đẩy mạnh những cam kết giá trị lớn hơn.
Tuy nhiên, cho dù nhóm làm việc của bạn có các thành viên tài năng như thế nào chăng nữa, nếu không thiết lập các qui tắc chung thì dễ dàng rơi vào trạng thái hỗn loạn. Bởi vậy, để làm việc theo nhóm hiệu quả, bạn cần lắng nghe những bí quyết sau:
Xây dựng niềm tin
Khi người ta tin tưởng ai đó, họ sẽ có cảm giác an toàn và sẵn sàng cống hiến. Nếu một thành viên trong nhóm nói với bạn rằng: "Tôi không thích mẫu bạn đang sử dụng cho bài thuyết trình PowerPoint của chúng ta”, nghĩa là người đó đang lo lắng vì bạn đã không hỏi ý kiến ​​của họ trước khi lựa chọn mẫu. Nên nhớ, làm việc theo nhóm muốn thành công, điều đầu tiên là phải có niềm tin giữa các thành viên với nhau, tin vào người lãnh đạo.
Các nhóm có thể xây dựng lòng tin bằng cách nói chuyện cởi mở với nhau không chỉ về vấn đề công việc mà còn về sở thích, những điều không thích, về nối sợ hãi hay mối quan tâm và thói quen trong cuộc sống hằng ngày...
Niềm tin tăng lên khi các thành viên có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc, nhận được sự đồng cảm chứ không phải những phản ứng tiêu cực hay sự khinh bỉ từ những người khác trong nhón.
Làm việc theo nhóm giúp mọi người phát huy thế mạnh của từng cá nhân để đóng góp hiệu quả nhất cho công việc chung - (Ảnh minh họa)
Thiết lập các quy tắc trao đổi thông tin rõ ràng
Tất nhiên, thông tin trao đổi sẽ trở nên phức tạp hơn khi 5, 10, hoặc thậm chí 15 người đang cùng tiến hành một công việc. Do đó, thiết lập một số nguyên tắc cơ bản để giao tiếp trong môi trường đồng đội là rất quan trọng cho tương tác thành công.
Các thành viên trong nhóm nên thống nhất một quy tắc chung về việc họ nên trả lời người khác như thế nào, phân chia, theo dõi công việc từng mảng ra sao và khi có vấn đề nảy sinh thì cần rà soát từ đâu. Các thành viên nên trả lời tin nhắn văn bản hoặc thư điện tử trong vòng vài giờ hay trong một thời gian cụ thể? Mỗi thành viên phải cam kết tìm kiếm và chia sẻ thông tin cho nhau như thế nào.
Cuối cùng, các nhóm làm việc cần phải cố gắng hoạc cách nói chuyện thẳng thắn, trao đổi thông tin trung thực và đơn giản. Giao tiếp nhóm nên được chia sẻ chứ không phải là để gây ấn tượng.
Chấp nhận nhiều kiểu giao tiếp khác nhau
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng giao tiếp của từng người như tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ, văn hóa và cá tính. Nếu không hiểu điều đó, những khác biệt này có thể tạo ra rào cản đáng kể khi giao tiếp nhóm, khiến công việc kém hiệu quả.
Một số thành viên trong nhóm có thể thích nói chuyện, thường đưa ra các ý tưởng cao xa trong khi họ vẫn đang suy nghĩ về một chủ đề. Vài thành viên khác lại thích nghiên cứu kĩ thông tin và tổng hợp chúng trước khi nói, bởi họ muốn có sự chắc chắn, rõ ràng. Họ có thể không đưa ra ý kiến trong cuộc họp, nhưng lại thường có thể tổng hợp ý kiến ngẫu nhiên của người khác.
Không chỉ cá nhân các thành viên trong nhóm phân tích phong cách giao tiếp của mình mà cả nhóm nên nói chuyện cởi mở về những khác biệt để tìm cách thích ứng với tất cả mọi người, tạo điều kiện cho mỗi thành viên phát huy được thế mạnh của bản thân, đóng góp hiệu quả nhất cho công việc chung.
Xây dựng quy trình xử lý xung đột
Các thông tin liên lạc giữa các thành viên với nhau cũng như với những người ngoài nhóm yêu cầu phải rõ ràng và cởi mở để không có cơ hội cho sự bất đồng do hiểu nhầm. Mâu thuẫn của các thành viên cần phải giải quyết triệt để, theo một quy trình rõ ràng và căn cứ vào đó để áp dụng về sau.
Việc giữ những cá nhân không liên quan nằm ngoài các cuộc xung đột là điều cần thiết nhưng có vẻ không dễ thực thi. Toàn đội cần phải chắc chắn rằng, lời nói và hành động từ các thành viên không làm tăng thêm mâu thuẫn.
Nếu ai đó trong nhóm cảm thấy bị tổn thương hay giận dữ, mọi thành viên khác nên giúp người đó trực tiếp tìm hiểu nguồn gốc vần đề hơn là đưa ra lời phê bình gay gắt hoặc nói xấu đồng nghiệp.
Dành thời gian giao tiếp cá nhân ngoài công việc
Mối quan hệ thân tình giữa các thành viên trong nhóm là những đóng góp quan trọng vào thành công của nhóm và giúp giảm thiểu sự xuất hiện cũng như mức độ xung đột. Mặc dù mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm chủ yếu là về công việc, các nhóm sẽ mạnh hơn, gắn kết hơn khi các thành viên coi trọng và đánh giá cao mối quan hệ mang tính cá nhân.
Tìm các lĩnh vực cùng quan tâm, trao đổi về các chủ đề bên ngoài công việc có thể xây dựng sự gắn kết. Thể hiện mối quan tâm đối với bệnh tật của người thân hoặc chúc mừng thành tích của con cái trong gia đình các thành viên của nhóm... là cách thúc đảy một bước tiến dài hướng tới việc tạo ra một đơn vị vững chắc, gắn bó.
HẢI NHƯ
Theo Womenetics/Infonet
Nguồn: Zing News

2012/07/19

Tiểu sử Vitas.

Vitas tên thật là Vitaliy Vladasovich Grachov sinh ngày 19/2/1981 tại Daugavpils Latvia. Hai mươi tám tuổi, sở hữu một khuôn mặt điển trai, một đôi mắt sâu, một nụ cười thiên thần và tài năng thiên bẩm - chàng trai trẻ trung này đã mang lại cho âm nhạc thế giới một chất giọng mới lạ, thu hút lôi cuốn và đầy ấn tượng.


vitas4.jpg


Đa phần âm nhạc của Vitas là Pop với sự ảnh hưởng của Techno nhưng ngoài ra anh còn trải nghiệm một thể loại "khó khăn" hơn rất nhiều - opera.


Opera #2 được ra mắt vào tháng 12 năm 2000 đã gây được sự chú ý lớn bởi chất giọng đặc biệt có thể sánh ngang hàng với soprano (giọng nữ cao) và khả năng xử lí âm vực cực kì linh hoạt và tài tình khi lên cao. Sự lan truyền của clip Opera #2 qua internet cũng đã góp phần không nhỏ tới sự thành công và nổi tiếng của anh.


Tuy nhiên tại Việt Nam cái tên Vitas vẫn còn là một bí mật đầy sức quyến rũ và gợi mở cho những cái tai nghe nhạc đang cần sự mới lạ cho gu âm nhạc của mình.


Nếu như clip ca khúc Opera #2 thể hiện sự tan vỡ của một tâm hồn cô độc, một không gian Nga vào mùa đông lạnh giá ảm đạm, nỗi sợ hãi phảng phất của màu đỏ u uẩn cùng âm thanh lao đi, xé tan, tạo thành những mảnh vỡ tâm hồn - thì ca khúc The Star lại bày ra trước mắt ta cả một cuộc hành trình dài với đôi mắt sâu đi tìm chính mình trong những ước mơ, ta sẽ thấy được sự ngọt ngào nhẹ nhàng, một nỗi mơ hồ còn đầy trong ước vọng:


Nhiều lần tôi tự hỏi/ Tôi sinh ra, khôn lớn làm chi?/ Những áng mây bay và mưa để làm chi?/ Trên đời này đừng mong chờ gì nhé.


vitas2.jpg


Giọng hát luyến láy cùng âm điệu tiếng Nga đặc biệt như xoáy sâu vào lòng người mãnh liệt, ngọt ngào, nhức buốt, buồn bã rồi lại mãnh liệt và ngọt ngào nhưng cũng đầy bứt phá. Âm vực rộng, khả năng xử lí âm thanh khi lên cao cực chuẩn cùngphong thái biểu diễn uyển chuyển nhưng cũng đầy cuốn hút pha trộn giữa pop và opera làm nên một Vitas độc đáo và quyến rũ trên sân khấu.


Vào khoảng thời gian từ năm 2000-2003 tên tuổi của chàng ca sĩ tài năng này đã tô một dấu ấn đậm trong lòng khán giả.


Ngày 29/3/2002, nhận lời mời từ nhà hòa âm Lucio Dalla để tham dự trong chương trình có tên là "San Remo in Moscow", Vitas đã có một buổi biểu diễn tại điện Kremlin của Nga và trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất biểu diễn tại đây bên cạnh hàng chục tên tuổi kỳ cựu khác. Lucio Dalla rất thích giọng hát của Vitas. Sau đó nhà soạn nhạc này đã mời Vitas đến Rome.


Tháng 11/2003, Vitas có buổi solo thứ hai với "The Songs of my mother" tại buổi hòa nhạc mang tên "Russia". Hai album "The Songs of my mother" và "Mama" đã được phát hành và giành được rất nhiều sự yêu thích. Vitas còn có rất nhiều buổi biểu diễn tại Russia, Australia, U.S., Canada, Israel, Germany, Kazakhstan, Lithuania, Latvia, Estonia, Georgia, Tajikistan, Ukraine, Belarus trong năm 2003.


Ngày 8/10/2004 anh phát hành album mang tên "A kiss as long as Etemity", album này đã bán được hơn 2 triệu bản và lọt vào top những CD được yêu thích nhất.


Tháng 6/2006, kênh CCTV của Trung Quốc mời anh hát trong chương trình "The Year of Russia in China" tại Bắc Kinh. Chỉ với hai bài hát, Vitas đã tạo được một làn sóng hâm mộ tại đất nước này và sau đó một thời gian trên khắp các blog tại Trung Quốc hiện lên câu hỏi: "Con người bí ẩn ấy là ai?". Không phụ lòng khán giả hâm mộ, năm 2007 Vitas tổ chức nhiều show diễn tại Trung Quốc và anh đã gặt hái thành công bất ngờ.


vitas1.jpg


Vinh quang cùng lòng mến mộ của công chúng tới tấp đến với chàng ca sỹ trẻ tuổi, và trong số đó phải kể đến sự kiện năm 2008, Vitas trở thành nghệ sĩ nước ngoài duy nhất được mời biểu diễn tại chương trình ca nhạc khởi động cho Olympic tại Bắc Kinh.


Ngoài khả năng ca hát, tự hòa âm phối khí Vitas còn thể hiện khả năng của mình trên nhiều lĩnh vực khác như thời trang. Anh đã giới thiệu và ra mắt một bộ thiết kế Autumn Dreams - Những giấc mơ thu tại Điện Kremlin vào tháng 9/2002. Show gồm có 42 kiểu thiết kế trang phục dành cho phái nữ và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Mới đây anh đã nhận lời tham gia bộ phim Hoa Mộc Lan chuyển thể từ bộ  phim hoạt hình nổi tiếng của hãng Walt Disney v.v...


Sự ra đi của người mẹ thân yêu dường như đã có một tác động rất lớn vào phong cách biểu diễn của anh sau này. Anh còn có một người anh trai cùng cha khác mẹ nữa tên là Vladislav Mironich sinh tại Tbilisi Georgia vào năm 1980 và người ông của mình – Arkadiy Davydovich. Vitas thường song ca bài hát Friendship với ông, và như anh tâm sự, đó dường như là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất đối với anh.


Chất giọng cao, vút lên mỏng như cánh hạc, âm nhạc được truyền tải vào trong giọng hát không còn đơn thuần chỉ là sự mượt mà chau chuốt, và sự thể hiện kĩ thuật điêu luyện mà còn là những cảm xúc vượt qua khỏi giới hạn khi những đoạn điệp khúc đã lên tới cao trào, đưa người nghe được đẩy lên tới đỉnh điểm của sự rộng lớn, dàn trải và sâu thẳm của giọng hát, bỗng chững lại và rồi lao vụt xuống với nỗi buồn của những nốt trầm trượt êm trong ánh mắt.

2012/07/16

Tại sao các ứng dụng miễn phí cho doanh nghiệp có thể bị coi là mất thời gian và không có hiệu quả



5 lời khuyên giúp các doanh nghiệp có thể tránh một vài trở ngại lớn khi sử dụng những công cụ trực tuyến giá rẻ:
1. Không nên triển khai ứng dụng miễn phí một cách vội vã.
2. Hiểu rõ những gì doanh nghiệp đang cần.
3. Đôi khi dùng ít công cụ lại mang lại kết quả to lớn hơn.
4. Không nên ép buộc nhân viên phải sử dụng một ứng dụng mới.
5. Tìm hiểu chi phí thực tế của một ứng dụng miễn phí.
Khi nói đến ứng dụng doanh nghiệp, cụm từ “miễn phí” không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt nhất cũng như “dễ dàng” hay “thuận tiện”. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ với mức tài chính hạn hẹp có thể bị cám dỗ bởi lời hứa hẹn về một ứng dụng trực tuyến miễn phí, dễ dàng đáp ứng mọi chức năng của công việc kinh doanh. Thì trên thực tế, những ứng dụng không đòi hỏi chi phí như vậy có thể không thực sự hiệu quả và có thể gây tổn hao công sức cho doanh nghiệp sử dụng nó.



Sau đây là 5 lời khuyên giúp các doanh nghiệp có thể tránh một vài trở ngại lớn khi sử dụng những công cụ trực tuyến giá rẻ.
1. Không nên triển khai ứng dụng miễn phí một cách vội vã.
Ngay cả khi ứng dụng đó hoàn toàn hỗ trợ một chức năng cụ thể cho công việc kinh doanh, nó cũng không nên được triển khai một cách vội vàng. Hãy nhớ rằng bất cứ công cụ nào được sử dụng cũng sẽ tăng thêm độ phức tạp cho công ty của bạn. Vì vậy trước khi đổ xô triển khai một công cụ quản lý nào đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề có thể phát sinh, cả mặt tích cực cũng như tiêu cực. Sau đó mới nghĩ đến việc đầu tư vào một giải pháp được xem là tối ưu cho công việc kinh doanh, dù nó miễn phí hay là giá rẻ. Một bộ máy kinh doanh đơn giản sử dụng những phần mềm quản lý quá rắc rối và tỉ mỉ nhiều khi sẽ phản tác dụng và khiến cho hoạt động trở nên chậm chạp.



Các ứng dụng cơ bản như Gmail hay Zoho Documents đều có những yêu cầu cơ bản trong việc thiết lập, tuy nhiên lại mang lại hiệu suất cao nhất cho các doanh nghiệp.
2. Hiểu rõ những gì doanh nghiệp đang cần
Các chợ trực tuyến như GetApp, Google Marketplace hay Download Marketplace có thể giới thiệu hàng ngàn ứng dụng hữu ích cho việc kinh doanh, nhưng việc lựa chọn mua các công cụ kinh doanh tại đây không phải cách hiệu quả nhất.
Trước khi bạn chọn một ứng dụng, hãy tự hỏi “ Ứng dụng này sẽ phù hợp với doanh nghiệp ở khía cạnh cụ thể nào?” Khi đó bạn sẽ hiểu rõ hơn về công việc của mình và những gì thực sự cần thiết để chạy doanh nghiệp của mình. Một vài ứng dụng như Cacoo, Mockingbird sẽ đưa ra cho bạn những biểu đồ phân tích kinh doanh kỹ càng, giúp bạn chọn lựa được những quyết định kinh doanh đúng đắn nhất.
3. Đôi khi dùng ít công cụ lại mang lại kết quả to lớn hơn.
Không nên quá máy móc trong việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ cho việc kinh doanh. Có thể bạn đã từng dùng và tin tưởng và khả năng của một ứng dụng đơn giản bất kỳ nào đó, nhưng liệu nó có thể giúp bạn nâng gấp đôi năng suất không? Ngược lại việc sử dụng quá nhiều ứng dụng miễn phí từ nhiều nhà cung cấp khác nhau đôi khi lại mang đến sự rắc rối và xung đột trong việc quản lý hay sao lưu dữ liệu.
Khi sử dụng nhiều phần mềm khác nhau một lúc, bạn phải mất công quản lý các Account và Password để truy cập và sử dụng các hệ thống này. Điều tệ hại sẽ xảy ra khi doanh nghiệp muốn tích hợp và cập nhật các phần mềm cơ sở dữ liệu của các phần mềm này mới nhau. Chúng sẽ không tương thich và hàng đống lỗi kéo sẽ xảy ra.



Để đơn giản hóa mọi thứ, hãy sử dụng số lượng hợp lý các ứng dụng từ chung một nhà cung cấp hoặc có nhiều điểm tương đồng, để việc quản lý dữ liệu một cách tập trung và dễ dàng. Điều này cũng khiến các nhân viên trong một doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc truy cập và tiếp cận các ứng dụng này. Các doanh nghiệp nên chọn một dịch vụ trả phí có tính tương thích cao khi doanh nghiệp đã có doanh thu đáng kể, còn hơn là ở lại với các dịch vụ miễn phí rồi sau đó bỏ hàng đống thời gian để khắc phục sự cố.
4. Không nên ép buộc nhân viên phải sử dụng một ứng dụng mới
Đừng quá ngạc nhiên hay cáu giận nếu nhân viên của bạn từ chối sử dụng một công cụ doanh nghiệp mới. Đơn giản vì họ đã quá quen thuộc với những công cụ cũ, những thứ họ đã làm chủ hoàn toàn và có thể khai thác hết khả năng của chúng. Nếu phải thay đổi thói quen dù chỉ là một thay đổi nhỏ nhất, nhân viên của bạn có thể sẽ bối rối trong quá trình sử dụng, từ đó gây ra căng thẳng trong quá trình làm việc. 



Chắc hẳn đã không ý người phải bực mình khi ngày nào cũng phải sử dụng các phần mềm doanh nghiệp gặp nhiều lỗi. Những công việc tưởng chừng đơn giản lại trở nên phúc tạp hóa. Việc phải sử dụng chúng trở thành một cực hình đối với các nhân viên trong một doanh nghiệp.
Chính vì thế, hãy cho các nhân viên của mình dùng thử hệ thống mới trong doanh nghiệp của mình, từ đó thu thập các ý kiến phản hồi về mức độ hiệu quả của nó cho doanh nghiệp và người dùng. Nếu những phản hồi là tiêu cực thì bạn có thể sớm loại bỏ một ứng dụng có thể sẽ là mầm mống cho các căng thẳng và sự khó chịu trong công ty, nếu như bạn tiếp tục bắt buộc nhân viên của mình sử dụng nó trong tương lai dài.
5. Tìm hiểu chi phí thực tế của một ứng dụng miễn phí
Một ứng dụng miễn phí thực sự không phải là không mất gì khi sử dụng nó. Ngay cả khi nó không mất tiền của bạn thì nó cũng đã lấy đi thứ quý giá nhất: đó là thời gian. Bạn sẽ mất thời gian học, làm quen với ứng dụng mới đó. Rồi thời gian để cài đặt và đào tạo nhân viên sử dụng, thời gian để xử lý hành chính, xử lý sự cố.
Để tính toán thời gian mà bạn và nhân viên đầu tư để triển khai một ứng dụng mới, mách nhỏ cho bạn: có thể sử dụng công cụ quản lý thời gian như Klok hay Toggl. Nếu sau khi đánh giá, công cụ mới này đó không đạt hiệu quả về mặt thời gian thì bạn nên lựa chọn các phương án khác mang lại nhiều hiệu quả hơn.
Tham khảo: Entrepreneur
Nguồn: Genk.vn

2012/07/11

Hãy tạo cho mình một môi trường làm việc lý tưởng


Môi trường làm việc ở bất kì lĩnh vực nào đều có những khó khăn nhất định, đặc biệt việc xây dựng mối quan hệ giữa các cá nhân thành hợp thể thống nhất là điều vô cùng khó khăn. Mỗi cá thể đều có cái tôi của riêng mình, nhưng điều quan trọng không phải ai cũng biết dung hòa cái tôi ấy với cộng đồng để tạo nên môi trường làm việc mang tính đồng đội và nhất quán. Vậy chúng ta phải làm như thế nào để đối mặt với vấn đề này? Bài viết xin gửi tới độc giả một số ý kiến đóng góp và những thông tin tham khảo để mọi người có thể xây dựng được một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả hơn.
 
1. Xây dựng niềm tin giữa các cá nhân trong cùng tập thể
 
Niềm tin là một khái niệm vô hình, một phạm trù bao quát và nội hàm thể hiện sự tin tưởng. Nó là mộ trong những yếu tố căn bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập bất kì mối quan hệ nào. Trong môi trường làm việc, những người quản lí, giám đốc thì cần niềm tin ở nhân viên của họ để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất. Đó là sự tin tưởng, là một điều gì đó bạn tin chúng là đúng. Vậy tại sao niềm tin lại là nhân tố không thể thiếu trong môi trường làm việc của bạn?
 
 
Thứ nhất, để xây dựng được niềm tin đối với một người nào đó, bạn phải chứng minh cho họ thấy những điều bạn làm luôn đi đôi với lời nói của bản thân. Bạn đảm bảo với sếp mình là bạn sẽ hoàn thành công việc và nộp bản báo cáo trong đúng thời gian quy định, mặc dù bạn có bị ốm đột xuất và bạn có thể xin hoãn. Nhưng nếu như bạn vẫn hoàn thành báo cáo với kết quả tích cực, điều đó sẽ khiến sếp của bạn sẽ nể phục và công nhận bạn là người có trách nhiệm đối với công việc và họ sẽ tin tưởng khi giao phó trọng trách cho bạn.
 
Thứ hai, nếu như bạn không tin tưởng và luôn nghi ngờ các đồng nghiệp hay nhân viên về cách thức và hiệu quả làm việc thì bạn sẽ bị rơi vào guồng xoáy của sự lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, hiệu quả công việc vì thế mà sẽ giảm sút. Đặc biệt, thiếu niềm tin giữa các các nhân trong cùng tập thể sẽ làm giảm tính đồng đội, mối qua hệ giữa các nhân viên sẽ rời rạc không vững chắc.
 
Cuối cùng, mặc dù trong công việc, có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, không phải lúc nào bạn cũng được yêu mến, thậm chí bạn còn có thể bị người khác dùng thủ đoạn khiến bạn mất việc hoặc bí cuốn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực. Tuy nhiên, điểm mạnh của bạn khiến người khác khó có thể đánh bại chính là niềm tin bạn tạo dựng với những người xung quanh và sếp của mình. Khi bạn xây dựng được niềm tin thì hình ảnh của bạn dưới con mắt của đối phương không dừng lại ở việc chỉ  tin cậy, tín nhiệm ở mức độ công việc, mà qua  đó nhân cách và lối sống của bạn cũng được người ta tôn trọng.
 
Qua đó, chúng ta thấy sự ảnh hưởng của niềm tin giữa người với người trong cuộc sống. Khi những cá thể này đồng lòng, tạo dựng được niềm tin với nhau, thì môi trường làm việc sẽ đạt được hiệu quả tích cực nhất.
 
2. Chủ động và cởi mở trong giao tiếp
 
Giao tiếp là cách bạn thể hiện, chia sẻ suy nghĩ, trao đổi thông tin với đối phương làm tăng sự hiểu biết giữa hai bên và cải thiện mối quan hệ. Nếu bạn chỉ bị động, ngồi chờ người khác đến bắt chuyện hoặc làm quen thì bạn sẽ bỏ lỡ các cơ hội tạo dựng quan hệ cần thiết cho công việc. Bạn sẽ tạo một bức tường ngăn cách khiến người khác không thể hiểu bạn đang nghĩ gì, đang làm gì đặc biệt trong môi trường làm việc bạn sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn muốn tách khỏi cộng đồng, sống tách biệt với tập thể.
 
 
Hơn nữa, khi công việc gặp trở ngại hay khó khăn, nếu bạn cởi mở trong giao tiếp với các đồng nghiệp,  mọi người sẽ dễ dàng trao đổi  chia sẻ những kinh nghiệm có ích, và đưa ra được phương án hiệu quả để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ càng giúp ích khi những nhân viên làm việc cùng bạn hiểu rõ tính cách của nhau, họ sẽ nắm bắt được lối suy nghĩ và cách thức làm việc của từng cá nhân phối hợp chúng một cách nhịp nhàng, tăng năng suất của công việc với những kết quả tích cực.
 
Ngoài ra, mỗi cá thể trong cộng đồng đều có cái tôi riêng. Thông qua việc lắng nghe, trao đổi những suy nghĩ trong giao tiếp, mỗi người sẽ thể  hiện được sự tôn trọng của mình đối với đối phương. Như vậy, quan hệ đồng nghiệp trong một nhóm sẽ được cải thiện tốt hơn, tạo nên môi trường làm việc thoải mái không áp lực.
 
3. Tạo tinh thần đồng đội giữa các cá thể khác nhau trong môi trường làm việc
 
Sự thống nhất trong cách làm việc giữa các cá nhân khác nhau trong cùng một tập thể vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cũng như hiệu quả làm việc của một dự án hay kế hoạch bất kì. Tuy nhiên, để tao được sự thống nhất đó, chúng ta cần xây dựng nên tinh thần đồng đội cùng nhau hợp tác giữa các thành viên trong cùng nhóm làm việc.
 
Tuy nhiên, điều cần chú ý ở đây là việc suy nghĩ về tầm quan trọng và ảnh hưởng của cá nhân đến tập thể sẽ dẫn đến một số cạnh tranh không lành mạnh. Đó là sự ganh đua, đôi khi là ganh ghét khi một người nào đó đóng góp lớn và khiến cộng đồng nể phục hơn mình. Vì vậy, bạn phải biết cân bằng tinh thần làm việc đồng đội cũng như cố gắng thể hiện mình và những thành viên khác đều có thể là những mảnh ghép quan trọng như nhau trong việc mang lại thành công trong công việc.
 
 
Bạn có thể tăng tinh thần làm việc tập thể bằng những hành động vô cùng đơn giản. Đó chỉ là những lời hỏi thăm sức khỏe về cá nhân, gia đình hay bạn bè. Những lời động viên khi đồng nghiệp hoặc nhân viên gặp phải khó khăn. Hoặc phổ biến hơn đó là tổ chức những buổi ăn uống, đi dã ngoại , du lịch tập thể để tăng tình đồng nghiệp trong công ty. Điều này sẽ giúp cho đồng nghiệp hoặc nhân viên của bạn cảm thấy mình được quan tâm và vị trí của họ có ý nghĩa và quan trọng hơn. Và dĩ nhiên, kết quả nhận được sẽ là một môi trường làm việc thân thiện, tích cực và vui vẻ.
 
4. Sự gần gũi và quan tâm đến đồng nghiệp hoặc nhân viên trong môi trường làm việc tập thể
 
 
Trong công việc, khi bạn đứng ở vị trí có địa vị cao trong công ty, bạn có quyền hành lớn trong việc sa thải hay bổ nhiệm nhân viên không có nghĩa bạn có thể sai khiến họ theo ý mình muốn. Bạn không thể áp đặt suy nghĩ và mong muốn của cá nhân , không nghe những ý kiến đóng góp từ cấp dưới, luôn lạnh lùng thể hiện sự phân biệt tầng lớp trong môi trường làm việc. Điều đó chỉ khiến công việc bị ngưng trệ, thái độ làm việc của các nhân viên dưới quyền sẽ là đối phó, không có sự hợp tác và đồng lòng trong quyết định vấn đề và thực thi chúng một cách hiệu quả.
 
5. Đánh giá , công nhận và phần thưởng cho những đóng góp tích cực trong công việc
 
Trong bất kì một môi trường làm việc nào, việc ganh đua đóng góp thành tích trong công việc luôn là điều được mọi người ủng hộ và khuyến khích. Điều đó vừa giúp cho công việc tăng năng suất hiệu quả và nhân viên có động lực để làm việc tích cực hơn.
 
 
Lời kết
 
Để tạo nên một môi trường làm việc cần rất nhiều yếu tố khác nhau. Đó không phải là trách nhiệm của riêng người quản lí mà đó là sự đóng góp của tất cả các cá thể khác nhau trong cộng đồng làm việc chung. Do đó, dù bạn là nhân viên hay là sếp bạn cũng thay đổi và hoàn thiện bản thân để có thể góp sức tạo nên một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.
Tác giả: Bubble
Nguồn: Genk.vn