2012/09/26

Có thể hủy diệt cả thế giới bằng 100 triệu USD?

Môt đại dịch quy mô toàn cầu đang đe doạ loài người, đó là đại dịch trên mạng máy tính (cyberepidemia). Đại dịch này có thể đặt dấu chấm hết cho “thế giới mà chúng ta từng quen biết”. Đó là lời cảnh báo của Evgenii Kapersky, người sáng lập ra hãng phần mềm chống virus máy tính của Nga.
Bằng virus máy tính, người ta có thể hủy diệt cả hành tinh chỉ với 100 triệu USD. 
Đã nhiều lần nạn dịch virus máy tính bùng phát, nhưng lý do để người ta lo lắng chỉ dấy lên vào khoảng tháng 6 vừa qua, khi virus Flame xuất hiện trên 600 máy tính ở vùng Trung-Cận Đông.
Như tuyên bố của của công ty Kapersky, đó là virus mạnh nhất và phức tạp nhất cho đến thời điểm được phát hiện. Sự độc hại của nó đã đươc đề cập đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nó có thể chiếm các đường truyền, kiểm soát trang chủ trình duyệt web, ăn cắp dữ liệu, ghi lại những cuộc đối thoại mật… Số máy nhiễm virus sau đó có thể lên đến 5000.
Bản thân ông Kapersky đã phát biểu trong một hội nghị tại Trường ĐH Tel-Aviv: “Tôi sợ rằng những “trò chơi” như thế này chỉ mới bắt đầu. Khi những vụ việc như vậy trở thành phổ biến và nhanh chóng lan ra toàn cầu thì chúng sẽ đặt dấu chấm hết cho cái thế giới mà chúng ta đã từng biết đến.
Trên hành tinh có rất nhiều hệ thống máy tính và chẳng cần giải thích chắc ai cũng hiểu được mọi hoạt động trong xã hội chúng ta ngày nay phụ thuộc vào chúng đến mức độ nào”.  Theo lời chuyên gia diệt virus này, nếu như loài người “đi cùng một hướng, thì thế giới sẽ thay đổi vô cùng mạnh mẽ.
Giám đốc Kapersky cảnh báo: Các virus tương tự như Flame cực kỳ nguy hiểm ở chỗ chính chúng có thể được dùng để viết ra những chương trình nguy hiểm hơn nhiều. Thế nhưng trong hoàn cảnh hiện nay nhiều nước trên thế giới có khả năng tạo ra những virus như vậy và tung lên không gian mạng. Có thể nói việc tạo ra chúng là rất rẻ, có thể chỉ cần bỏ ra 100 triệu USD là đủ để tạo ra một virus có thể huỷ diệt cả thế giới."
Ông cũng cho biết có thể thực hiện việc này không khó khăn gì: “Thậm chí những nước hiện chưa hề có kinh nghiệm cần thiết cũng có thể thuê chuyên gia, hoặc bắt cóc họ phục vụ cho mục tiêu của mình, hoặc tài trợ cho các hacker đầy rẫy trên thế giới để làm việc này nên khả năng xuất hiện các virus nguy hiểm như Flame là đang hiện hữu”. 
Bất cứ ai cũng có thể trở thành vật hy sinh của vũ khí tin học vì Internet không có biên giới và cuộc tấn công vào bất cứ ngành nào – ví dụ vào ngành điện chẳng hạn để mọi người dễ hình dung - cũng có thể làm đảo lộn xã hội, gây hậu quả to lớn.
Hai kịch bản của đại dịch tin học có khả năng xảy ra là đánh sập toàn bộ Internet và tấn công vào những cơ sở hạ tầng trọng yếu, ông Kapersky nhấn mạnh, nhưng cho tới nay chưa hề có sự bảo vệ nào trước những mối đe doạ từ Internet. Ông cũng nhấn mạnh là các virus tương tự cũng không loại trừ nhằm vào các hệ điều hành phổ biến nhất là Windows và Linux.
Chiến lược duy nhất để tránh các thảm họa tin học là hợp tác giữa các quốc gia. Kapersky đề xuất và so sánh vũ khí tin học với vũ khí sinh học. Chúng ta hãy nhớ lại rằng, cách đây không lâu các nhà khoa học đã phát hiện ra một mối nguy hiểm khác nữa mà virus máy tính có thể mang đến. Những chương trình độc hại trong một tương lai không xa sẽ trở thành vũ khí sinh học thực sự. Ý tưởng này đã được các chuyên gia trong lĩnh vực Sinh học tổng hợp - một trong các hướng mới nhất của Di truyền học hiện đại - giấu kín mà không tiết lộ ra.
Bảo Châu
Nguồn: Dân Trí

2012/09/24

Ikebana - Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản

Giống như những loại hình nghệ thuật khác, Ikebana thể hiện sự sáng tạo trong những quy tắc cắm hoa nhất định. Cành cây, lá, cỏ, hoa tươi thường được sử dụng và trung tâm vẻ đẹp của bình hoa là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc với hình dạng tự nhiên, ý nghĩa của bình hoa mà người cắm muốn gửi gắm được ẩn dấu một cách khéo léo.  Theo nghĩa văn học, Ikebana là "hoa sống", là nghệ thuật diễn tả những tình cảm khi thưởng thức thiên nhiên, một nền nghệ thuật tái tạo lại không gian của cảnh vật với một cành cây, một ngọn cỏ, bộc lộ những sắc thái tình cảm qua các cung bậc màu sắc của các loài hoa.

Ikebana cũng được xem là một nghệ thuật giống như hội họa hay điêu khắc với một lịch sử lâu đời đã được ghi chép lại. Ở Nhật Bản, các bình cắm hoa cũng được sử dụng như đồ trang trí giống như các bức tranh hay các tác phẩm nghệ thuật khác.

Lịch sử IKEBANA

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Ikebana còn gọi là kado hay Hoa đạo, có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật, rồi phát triển thành một hình thức nghệ thuật đặc biệt từ thế kỷ 15, với nhiều phong cách và trường phái. Nghi thức dâng hoa trong Phật giáo (kuge) được Ono no Imokodu du nhập từ Trung Hoa vào Nhật Bản vào đầu thế kỷ thứ 7, sau đó trường phái cắm hoa Ikenobo khẳng định mình là con cháu của ông. Ngoài dâng cúng trong tôn giáo ra, không có ghi chép nào về một hình thức cắm hoa có hệ thống ở Nhật Bản trước cuối thế kỷ 15. Giữa thế kỷ 15, cùng với sự nổi lên của những phong cách cổ điển đầu tiên, Ikebana trở thành một môn nghệ thuật đặc trưng của tôn giáo, cho dù nó vẫn tiếp tục giữ lại được tính tượng trưng và ý nghĩa triết học.

Đến thế kỷ 16, 17 mặc dù trường phái Ikenobo vẫn thịnh hành nhưng nhiều trường phái rikka ( một cách cắm hoa công phu tìm cách phản ánh sự hùng vĩ của thiên nhiên ) đã ra đời và phát triển mạnh dưới sự bảo trợ của quý tộc.

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Cuối thế kỷ 16, một hình thức cắm hoa mới gọi là nageire bắt đầu được sử dụng trong trà đạo với khuynh hướng thật mộc mạc thanh tao. Cuối thế kỷ 17 hình thức cắm hoa của giới quý tộc và thầy tu thay đổi hẳn, xuất hiện trường phái cắm hoa shoka hay seika ( hoa sống ). Shoka kết hợp chân giá trị hùng vĩ của rikka với tính mộc mạc, đơn sơ của nageire, cuối thế kỷ 18 trở thành phong cách phổ biến nhất.

Sau thời kỳ phục hưng Minh trị 1868 , nghệ thuật Nhật Bản truyền thống trong đó có Ikebana nhất thời bị sự nhiệt tâm ủng hộ văn hóa phương Tây lấn át. Tuy nhiên nó đã hồi sinh mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 và tiếp tục phát triển mạnh cho đến nay, nhưng nhiều trường phái cắm hoa mới tiếp tục xuất hiện. Ngày nay, có khoảng 3000 trường phái ikebana ở Nhật Bản, với khoảng 15 đến 20 triệu người theo học, hầu hết là phụ nữ tuổi từ 18 đến 26. Phong cách phổ biến nhất là Ikenobo, Ohara và Sogetsu, mỗi phong cách thu hút khoảng 3 triệu người theo học. Hiện nay vẫn còn phong cách cắm hoa rikka và shoka, cũng như nhiều phong cách cắm hoa khác hiện đại hơn.

IKEBANA và tình yêu thiên nhiên của người Nhật.

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật cắm hoa ở Nhật có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên được mọi người ở khắp mọi nơi yêu thích nhưng ở Nhật, người ta thật sự nâng niu, và hiểu rõ giá trị của thiên nhiên, và tình yêu thiên nhiên của ngươi Nhật lớn đến nỗi gần như trở thành một tôn giáo. Người Nhật luôn cảm thấy có một mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên xung quanh, và ngay cả trong đời sống hiện đại, sự đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đường nhựa, bê tông trải dài khắp nơi thì họ vẫn mong muốn tạo một chút không gian thiên nhiên ở gần bên. Du khách nước ngoài khi đến Tokyo thường hay bất ngờ khi thấy những bình hoa với một hoặc vài bông hoa được treo trên xe, ở các cạnh của kính chắn gió bởi những người lái taxi. Thật khó mà tìm thấy ở Nhật một ngôi nhà nào mà quanh năm không được tô điểm bởi sắc hoa.

Về cơ bản thì Ikebana không đơn thuần hướng đến việc đưa một phần thiên nhiên vào trong ngôi nhà, mà xa hơn là muốn cho thấy cả một thế giới nhiên bao trùm, bằng cách tạo ra một mối liên kết chặt chẽ giữa trong nhà và ngoài trời. Trong khi người Tây phương luôn luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa thì người Nhật Bản lại đặt nặng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa. Như vậy vật liệu dùng trong nghệ thuật cắm hoa không phải chỉ giới hạn vào màu sắc của bông hoa mà còn có vẻ đẹp nằm trong hình thể của lá và hoa, và trong sự tăng trưởng của hoa lá nơi thiên nhiên.  Ngay cả khi chỉ một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên.

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Trong cách cắm hoa, cần tới sự hiểu biết về dòng thời gian và người nào có con mắt phân biệt có thể dễ nhận ra được điều này. Sự cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. Thí dụ:

Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.

Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:

Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.
Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vào các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết búp bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (iris) là thứ hoa của ngày Tết con trai (mồng 5 tháng 5).

Triết Lý tiềm ẩn trong Nghệ Thuật Cắm Hoa Nhật Bản

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Nói một cách tổng quát, cách cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được tạo nên.

Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta đã chọn cành hoa nào mạnh nhất làm công việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính.

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần lại được cột chặt vào một bộ phận giữ và lại phải diễn tả cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.

Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành... về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60 phân trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được bày trên cao.

Phong cách cắm hoa cơ bản
Phong Cách Rikka

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và vẫn được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka có nghĩa là cắm hoa thẳng đứng, yêu cầu của kiểu cắm hoa này là bình dùng để cắm hoa phải cao và to, hoa cắm trong bình ở tư thế thẳng. Rikka thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên.

Phong Cách Shoka

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Shoka là phong cách cắm hoa thông dụng nhất trong Ikebana. Nó có nghĩa là hoa sống. Xét về hình thức thì kiểu cắm hoa Shoka khá đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng làm được. Một bình hoa shoka đạt yêu cầu là sự hội tụ đủ 3 thành phần: Ten, Chi và Jin nghĩa là Trời, Đất và Con người. Khi cắm, chiều cao và độ dài của các cành hoa phải thể hiện rõ vị trí của 3 yếu tố trên. Người ta dùng chiều cao của bình hoa làm chuẩn, nhành hoa cao nhất trong bình đại diện cho Thiên, chiều cao của nó bằng 3 lần chiều cao của bình hoa. Nhành hoa thứ 2 đại diện cho Nhân, cao chỉ bằng 2/3 nhành hoa Thiên và cành Địa thấp nhất, chỉ bằng 1/3. Một bình hoa được cắm theo đúng phong cách Shoka phải đáp ứng các quy tắc cân bằng nêu trên.

Shoka là phong cách cắm hoa được đơn giản hóa từ phong cách cắm theo kiểu thẳng đứng Rikka để phù hợp với nhiều tầng lớp dân chúng. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về mặt trời. Shoka theo thuyết Thiên – Địa – Nhân, trong đó có 3 cành chính với tên gọi là Shin – Soe – Tai, tượng trưng cho sự hòa hợp của Trời, Đất và Con người. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu Năm Mới.

Phong cách Shoka nhấn mạnh đến sức sống, nguồn năng lượng đang phát triển. Những bình hoa được cắm theo phong cách Shoka thường được người Nhật bày trí ở hốc tường Tokonoma, nơi trang nghiêm nhất trong căn phòng.

Phong Cách Jiyuka

ikebana-nghe-thuat-cam-hoa-nhat-ban

Một phong cách cắm hoa tự do được phát triển từ những chuyển hướng nghệ thuật trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Jiyuka không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc truyền thống nào và người thực hiện có thể sử dụng bất kỳ vật liệu nào để tự do sáng tạo theo cá tính của mình. Vì là một phong cách cắm hoa mới phù hợp với thời đại công nghiệp và đô thị hóa nên Jiyuka được người Nhật chào đón nồng nhiệt vào những năm 1920.

Lời kết

Với tình yêu và sự nâng niu lớn lao dành cho thiên nhiên của người Nhật, nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và rất được nhiều người quan tâm. Các trường dạy nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, mang đến cho mọi người nét đẹp của tự nhiên.
Tham khảo: ikebanaby
Nguồn: Genk.vn

2012/09/20

May mà Việt Nam còn có Sài Gòn.

Người Sài Gòn từ thời hộ khẩu đến kinh tế thị trường 

Khi có ý đi tìm người Sài Gòn, không hiểu sao chưa ra khỏi nhà tôi đã biết có đi phỏng vấn đến tết Congo cũng không ai ở Sài Gòn tự nhận mình là người Sài Gòn gốc 3 đời hoặc mấy chục đời cả. Chắc rằng mọi người sẽ hỏi lại tôi, sao hỏi chi cái chuyện tào lao, tầm phào hết sức vậy cha nội, kiếm sống được ở Sài Gòn, là người Sài Gòn rồi.

Kiếm sống được ở Sài Gòn là người Sài Gòn rồi (Ảnh: Minh Trần)
Thật ra trên khắp thế giới, phần căn cước của một người ít ai phân biệt dân tỉnh lẻ hay dân thủ đô và đó là văn minh dân quyền căn bản nhất. Riêng ở Việt Nam thì khác, việc phân biệt dân thủ đô, dân thành phố lớn hay dân tỉnh lẻ, nông thôn, dân kinh tế mới... là chuyện căn bản. Ai cũng biết sự phân biệt đối xử của chế độ hộ khẩu là khắc nghiệt, vấn nạn đó lâu ngày tạo nên cả một gói “tự hào” về địa vị chính trị, kinh tế, văn hóa... dành cho dân có hộ khẩu thủ đô, thành phố trước phần dân cư còn lại của cả nước.

Khi nền kinh tế mở cửa, dù chế độ hộ khẩu vẫn không thay đổi nhưng những yếu tố kinh tế thị trường tư bản đã phá vỡ toàn bộ những công dụng chuyên chế của chế độ hộ khẩu. Theo nhu cầu mưu sinh và nhu cầu nhân lực của kinh tế thị trường, dân tỉnh lẻ, nông thôn tràn về đô thị bất chấp chuyện họ sống đời không hộ khẩu hoặc chỉ có cái gọi là chứng nhận KT3 (một loại giấy tạm trú).

Theo thời gian, đội quân nhập cư tăng theo cấp số nhân và cả người nhập cư thành đạt, người kiếm sống qua ngày trở thành nguồn dân số bá chủ. Chính nguồn dân số và chất lượng dân số bùng nổ này đã dồn những ai tự huyễn hoặc cho mình dân thủ đô gốc, dân thành phố cố cựu vào hội chứng yếu đề kháng, trở thành những kẻ thất bại.

Nếu ai còn tự cho mình là dân Hà Nội gốc, thật ra đó là lối nghĩ của dân được bảo hộ bởi chế độ hộ khẩu thiếu dân quyền. Họ có thể trưng ra lý do là ông bà cha mẹ sống ở Hà Nội trước chế độ cộng sản và họ thừa kế cái gốc người Hà Nội. Cơ sở lý lẽ này là không minh bạch, vì trong lịch sử cận đại Việt Nam, theo tìm hiểu, trước thời cộng sản nắm quyền không có chuyện độc đoán khoanh tròn mực đỏ dân Hà Nội điểm tối ưu, và phần dân còn lại chỉ có điểm trung bình kém.

Người Hà Nội trước thời cộng sản đủ khỏe mạnh tinh thần và trí thức để rộng tay đón nhận tất cả các nguồn dân cư như đón nhận dòng máu mới, cũng như đủ ứng xử văn minh để biết rằng cực đoan địa phương tính là ngớ ngẩn. Chuyện dân thủ đô được tôn trọng kính nể... đó là do phẩm chất người, chất lượng từ những công việc phục vụ cộng đồng, quốc gia và được cộng đồng xác nhận trong chuẩn giá trị văn hóa chung, chứ không phải một dạng đặc quyền đặc lợi do một thể chế độc tài chỉ đạo.

Chế độ hộ khẩu khiến người ta tự huyễn hoặc hơn người, nhưng thực ra đó lại là
những kẻ thất bại cố cựu (Ảnh: ST)
Người Hà Nội đủ văn hóa để nhìn thấu rằng hiện trạng hư hỏng của xã hội Việt Nam đều có nguyên nhân do thiếu nhân quyền. Cả dân tộc, không phân biệt bất kỳ ai, vùng miền nào đều phải gánh chịu hiện trạng xã hội hư hỏng tệ hại này.

Một giáo sư sinh ra ở Hà Nội di cư vào Nam muốn giấu tên đã nói thật với chúng tôi rằng: “Chỉ thời đại này mới có kiểu tự tôn bệnh hoạn địa phương thượng đẳng.”

Dân hào hiệp và dân nhập cư

Mỗi tháng tôi đều đến một tiệm hớt tóc của một ông chủ trẻ trên đường Hồ Bá Kiện. Tuổi chưa đến bốn mươi, anh có tổng cộng ba tiệm hớt tóc. Lần này anh mời tôi hớt tóc, lấy ráy tai, ở một tiệm mới khai trương. Cô gái lấy ráy tai cho tôi nói: “Ổng vài bữa nữa là sắm thêm xe hơi.”

Tôi hỏi thẳng ông chủ tiệm là anh có mấy chiếc xe hơi rồi, anh chàng nói giọng miền Nam lơ lớ: “Tính mua thêm một chiếc nữa là bốn. Xe tôi mua cho cơ quan công ty thuê, họp đồng tính theo năm.”

Rồi anh kể: “Năm 1980, anh từ Huế vô Sài Gòn làm phụ hồ, khổ trơ xương, ba năm không biết mùi bún bò, mì quảng là gì.” Tôi hỏi anh: “Anh thấy người Sài Gòn thế nào?” Mặt anh ngạc nhiên như người từ sao Hỏa xuống: “Rứa, lúc mới vào tôi cũng có nghĩ người trong này ăn ngon, chơi bạo khác người quê tôi, nhưng chỉ ở vài tháng là tôi thấy chỉ người có tiền là khác.”

Cái anh chàng chủ tiệm hớt tóc này cũng như hàng triệu người từ nhiều thế hệ đã nhìn thấy Sài Gòn là một nơi kiếm sống, kiềm tiền làm giàu. Ðối với mọi người Việt Nam, tính cả dân thủ đô Hà Nội, Sài Gòn là vùng đất hứa, là một kiểu giấc mơ Mỹ của người Việt Nam.

Một trí thức người Bắc di cư kết luận: “Sài Gòn là đất Phật.” Nhiều người bạn ông bàn thêm: “Giá trị rõ nhất của đất Phật trước tiên đây là nơi chốn bình yên, bình yên cả trong chiến tranh, thiên tai và những vấn nạn đáng sợ khác có nguyên nhân từ con người. Sài Gòn không có chuyện phân biệt đối xử vùng miền, văn hóa và chủng tộc...”

Sài Gòn là nơi đất Phật, là nơi chốn bình yên trong chiến tranh lẫn trong thời bình (Ảnh: Ty Sheers)
Nhà báo hải ngoại TG. có lần nói: “Chỉ cần vô Sài Gòn, có một cái bơm xe, ngồi ở vỉa hè Sài Gòn cũng sống được, cũng thoát khổ mà tính chuyện khởi nghiệp.” Họa sĩ TC, có lần kể: “Trước 1975, thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn và cố nhà văn Nguyễn Thụy Long có thời ăn cơm cháy, uống trà đá, ngồi xỉa răng ở một quán cơm xã hội.”

Mỗi người, trong hàng triệu người từ nhiều thế hệ đều có riêng cho mình những kỷ niệm sâu sắc về sự rộng lòng của đất và người Sài Gòn. Có người còn nói nửa đùa nửa thật rằng, nếu ai có chí, dám đứng le lưỡi cho người ta dán tem ở bưu điện thành phố chắc chắn không thiếu khách hàng.

Nhưng Sài Gòn cũng có bất công. Ðiều bất công này không phải do Sài Gòn gây ra mà chính là do không ít người đến với Sài Gòn gây ra. Có thể thông cảm hiện trạng lúc nào họ cũng thương nhớ ca ngợi nguyên quán xuất thân của họ. Và Sài Gòn cũng dễ quên không chấp khi có những người nhập cư thành đạt, nên cơ nghiệp, chỉ nhận họ là người thành phố này, tỉnh nọ.

Sài Gòn không hề chỉ là Sài Gòn của nơi kiếm tiền, chỉ là một nơi tạm trú, bởi đa phần người nhập cư đã hoặc sẽ có khoảng đời sống ở thành phố này dài hơn so với lúc họ sống ở nguyên quán sinh ra. Hãy đến các nghĩa trang, các chùa có để cốt mà xem, hàng triệu người tứ xứ thuộc nhiều dân tộc, nhiều thế hệ đã chọn gởi lại cho Sài Gòn nắm xương tàn.

Sài Gòn là nơi nhập cư, nhưng nhiều người nhập cư lại dành phần lớn
thời gian cuộc đời mình tại đây (Ảnh: Sergey Eronin)
Nhưng người Sài Gòn anh là ai? Có người nói ngày nay muốn tìm người Sài Gòn thì qua tiểu bang Cali ở Mỹ hoặc các cộng đồng người Việt lưu vong trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tìm người Sài Gòn ở Sài Gòn.

Một cô bạn của chúng tôi sinh ra ở một nhà bảo sanh trên đường Gò Công quận 6, có ông bà nội là người Hoa Minh Hương, ông bà ngoại là dân sanh ra ở bến Mễ Cốc quận 8. Cô nói: “Nếu muốn biết ai là người Sài Gòn thì chỉ cần nhìn cách họ đón tiếp đối xử với bà con cô bác ở quê lên thăm hoặc lên kiếm việc làm. Bà ngoại tôi mỗi lần gặp bà con là mừng lắm, tấm lòng của người tha hương mà. Ai cũng có họ hàng dây mơ rễ má, chớ có phải ở đất nẻ chui lên đâu.”

Theo một ông già từng là lính VNCH, nay chạy xe ôm ở quận Tân Bình, “đất Sài Gòn trước tiên là đất của những tay hảo hớn, bởi chỉ có những người mạnh mẽ từ tâm hồn đến thể xác mới quyết định bỏ xứ ra đi đến đất mới, cũng chính họ mở đường cho con cháu mưu cầu sự sống mới và tự do. Tánh hảo hớn và phóng khoáng là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn.”

Đất Sài Gòn là đất của những tay hảo hớn, tánh hảo hớn
là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn (Ảnh: Cuong Nguyen) 
 
Ở góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản cũ (nay là Ðiện Biên Phủ) có một cái miếu lớn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nơi đây hàng ngày hàng đêm vẫn nghi ngút hương khói tưởng nhớ những vong linh của tướng quân Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) và các nghĩa binh bị xử chém, vùi xác ở quanh khu Kỳ Hòa, thành Gia Ðịnh dưới thời vua Minh Mạng. Một nhà nghiên cứu lịch sử miền Nam có lần nói với tôi: “Không rõ lắm những nghĩa quân này có phải là người Sài Gòn không, nhưng tôi tin chắc khi họ chết, anh linh họ là người Sài Gòn.”

Và sẽ không tìm thấy một người Sài Gòn nào nếu tiếp tục nhìn lịch sử theo lối độc quyền và thiển cận. Người Sài Gòn chỉ có một khi lịch sử được minh bạch rằng, người Sài Gòn hôm nay chính là những người nhận được cơ hội từ những người từng đến, sống và chết từ Sài Gòn-Gia Ðịnh trong xuyên suốt các triều đại phong kiến, những anh linh tử sĩ VNCH, những vong linh người vượt biển vì tự do và cả những nạn nhân khác của bóng tối lịch sử.

Chỉ từ cách nhìn nhận này mới sáng rõ đúng nghĩa tánh hảo hớn-hào hiệp vì tự do và công bằng của người Sài Gòn.

May mà còn có Sài Gòn

Gia đình bên ngoại tôi có một người anh họ, anh tên là Ba V. Trước 1975 anh là lính sư đoàn 7 Bộ Binh VNCH đồn trú ở Gò Công. Quê anh ở ở một xã heo hút dù không xa Sài Gòn nhưng rất nghèo... Sau biến cố 1975, anh và gia đình càng lâm cảnh nghèo tệ hại hơn. Sài Gòn với anh là một thiên đường tại thế, có lần anh nói với tôi: “Tao phục mày quá, sống được ở Sài Gòn ngon thấy mẹ.” Lời anh đơn giản nhưng chí lý, người Sài Gòn thời nào cũng rất bảnh trong cách nhìn của người địa phương khác.

Có người sẽ phản bác tôi rằng, người Sài Gòn ngày nay không còn sang trọng nữa. Nhưng trường hợp gia đình anh họ tôi lại đồng ý với tôi. Sau 1975 cả bảy đứa con của anh họ tôi đều không đủ ăn đến xanh mặt. Khi Sài Gòn vào thời kinh tế thị trường cả năm đứa con trai, con gái của anh đều trở thành người Sài Gòn, anh chỉ giữ lại được đứa con gái và đứa con trai út làm người Gò Công cày cấy trên nửa mẫu ruộng hương hỏa. Ðiều đáng nói là những người con Sài Gòn của anh, dù chỉ làm thợ hồ và nấu bếp ở Sài Gòn nhưng đã đem lại một cuộc cách mạng kinh tế, lối sống văn minh cho cả gia đình anh. Chất nông dân cố cựu của anh không còn như trước, ở anh ngày càng rõ ra cái chất thị dân Sài Gòn do con anh truyền bá.

Dù chỉ làm lao động chân tay hay trí óc, nhưng người Sài Gòn vẫn có chất thị dân,
có lối sống thành thị (Ảnh: Syamim Shukri)
Có hàng triệu gia đình ở Việt Nam hôm nay giống như anh, người ta không thể thống kê hết những thay đổi theo kiểu Sài Gòn. Nhưng có một điều người ta chắc chắn là văn hóa thị dân Sài Gòn hình thành từ tinh hoa thể chế thực dân và ánh sáng của nền dân chủ tự do Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, ánh sáng này đủ mạnh để dung chứa mọi cách sống và để truyền bá những điều tốt đẹp.

Tôi có dịp nói chuyện với cô gái người Hà Nội, cô vào Sài Gòn làm nghề báo. Tôi không biết cô có phải là người Hà Nội gốc hay không, cô nói: “Khi mắng cái dân thiếu văn minh ngoài đấy, em có Sài Gòn để chứng minh là trong này người ta không ai làm việc xấu hổ thế.”

Tất nhiên, không có vùng rộng của lối sống văn minh nào lại không có mặt tệ nạn, nhưng cộng đồng thị dân Sài Gòn không có kiểu hí hởn cả tập thể hùa nhau hái hoa Anh Ðào của Nhật Bản triển lãm về làm của riêng, cũng không có những vấn nạn không thể tưởng tượng được như chiếm thang máy chung cư, cho thang máy chạy lên chạy xuống liên tục để vỗ con và đút cơm cho con mình ăn ngon miệng.

Và dù có tệ nạn như bất kì đô thị nào, Sài Gòn cũng không có chuyện bẻ hoa anh đào
hay chiếm thang máy chung cư... (Ảnh: ST)
Và không có cái kiểu nghĩ và hành xử như một cô ca sĩ trẻ mà tôi quen. Cô này từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cơ hội thành “sao.” Trong thời điểm Hà Ðông có quyết định sáp nhập vào Hà Nội, cô luôn miệng tục tằn gay gắt với những người “đời đời kiếp kiếp” cô không nhận là người Hà Nội, dù hàng ngày đang cùng thở, cùng sống ở không gian Hà Nội mở rộng với cô.

Chính từ những cách nhìn kỳ thị kiểu này đã xác lập một thứ ranh giới mà ở đó người ta tự cho Hà Nội như mình đây là tốt đẹp, phần còn lại là tệ hại vì không phải là Hà Nội. Có gì đáng buồn cười và xấu hổ cho bằng kiểu kỳ thị “địa phương thượng đẳng” đó. Và chính đó mới là mầm mống, là nguyên nhân của vô số vấn nạn xã hội.

Vấn đề không phải Sài Gòn không có người nhập cư quê mùa kém cỏi, nhưng cái chính là văn minh Sài Gòn đủ mạnh để hướng mọi người đến phẩm chất tôn trọng lợi ích cộng đồng và tự trọng trong lối sống cá nhân.

Ở phạm vị rộng hơn, nhiều bậc thức giả chiêm nghiệm rằng, không phải năm 1975 “giải phóng Sài Gòn” mà chính là biến cố đó đem đến cơ hội giải phóng toàn diện xã hội miền Bắc.

Văn minh Sài Gòn đủ mạnh để hướng mọi người tới lối sống tôn trọng cộng đồng và tự do cá nhân,
không như văn hóa miền Bắc không đủ mạnh để vượt qua kì thị vùng miền (Ảnh: Hoang Minh Cong)
Hơn ba mươi năm qua, những ai công tâm sẽ nhìn thấy những dòng người không thể thống kê hết từ miền Bắc vào Sài Gòn để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, qua từng cá nhân, họ hàng, thôn làng vào Sài Gòn vào miền Nam rồi về thăm quê đã đưa về, đã truyền bá lối sống văn minh vật chất và tinh thần Sài Gòn.

Bạn tôi, nhà thơ, là một người Hà Nội sang trọng, anh vào và chọn Sài Gòn để sống và cũng có thể coi anh là người tị nạn văn hóa ở Sài Gòn. Anh có những kỷ niệm vui buồn sâu sắc dành cho Hà Nội, nên mỗi lần về quê trở vào là anh nói: “Mình đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất là thấy nhẹ người.” Tất nhiên cũng trùng hợp, người biết và chia sẻ tâm trạng “nhẹ người” này là những Việt kiều lưu vong mỗi khi rời Việt Nam bay trở lại đất nước bao dung mình.

Và từ những năm đen tối nhất của lịch sử cho đến thời tạm dễ thở, không một nơi chốn nào của đất nước này được hàng triệu triệu người Việt đồng tâm tin rằng: May mà Việt Nam còn có Sài Gòn!


TCCL tháng 9 năm 2012
Tác giả: Trần Tiến Dũng

2012/09/14

Núi tiền và sự sợ hãi đã giết Apple như thế nào

- iPhone 5 không gây được nhiều bất ngờ là do những giới hạn về công nghệ.
- Nhưng đó lại là dấu hiệu của việc ngủ quên trên thành công.
- Cũng vì iPhone đang quá thành công đến mức Apple sợ phải thay đổi quá nhiều thứ. Đó là lý do mà iPhone 5 đang khiến nhiều i-Fan thất vọng.
Tiếp tục câu chuyện chúng ta đã nói đêm qua, có một Apple tôi biết, nhiều iFan biết đã chết. Có thể, trong ngắn hạn, Apple vẫn là số 1, vẫn là market leader nhưng sự vĩ đại, thứ làm tôi dành trọn con tim cho Apple và sản phẩm của họ đã biến mất.

Điều gì đang giết chết Apple? Điều gì đang khiến thần thoại công nghệ trở nên tầm thường như bao kẻ khác?

Giới hạn công nghệ

Nhiều người nói gì đó về giới hạn công nghệ và giới hạn trong thiết kế mà dường như Apple đang không thể vượt qua. Bức tường quá lớn của những hạn chế trong công nghệ pin, công nghệ thiết kế... được cho là đã và đang cản bước tiến của cả thế giới công nghệ chứ không riêng gì Apple.


Nhưng thực tế có phải như vậy không? Có thể có nhưng không quan trọng.Từ 2 lên 3G cũng đâu có bước nhảy vọt nào quá lớn về công nghệ? Hay thời iPad ra mắt, thực tế, Apple cũng không hưởng lợi quá nhiều từ tiến bộ công nghệ.

Mà quan trọng là

Khi núi tiền đè bẹp sự sáng tạo

Cách đây ít lâu tôi có đọc một bài báo trên New York Time với tựa đề: tại sao các công ty với cả núi tiền luôn rất tệ trong việc đổi mới và đột phá. Và có lẽ, bài viết này đúng hoàn toàn với trường hợp của Apple hiện tại cũng như rất nhiều người khổng lồ trong quá khứ như Nokia hay RIM.


Khi có rất nhiều tiền, đang đạt lợi nhuận và doanh thu ở mức không thể tin nổi, bạn sẽ ngại sáng tạo, ngại thay đổi. Đơn giản, bởi mỗi sự thay đổi, đột phá đều đem lại rất rất nhiều rủi ro. Sự thật là việc sáng tạo luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Với những start-up không có gì để mất họ thường cho ra rất nhiều sản phẩm đột phá, cách mạng bởi cái sự đánh đổi của họ là đáng. Trong khi với những công ty như Apple hiện nay, cách mạng đồng nghĩa với việc họ đánh cuộc bằng một tài sản trị giá 650 tỷ USD.

Xét cho cùng, dù là Apple, Samsung hay Nokia thì mục tiêu cuối cùng của các ông chủ cũng là tiền. Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome và gốc rễ của mọi câu chuyện trên thương trường cũng không ra khỏi 1 chữ: Tiền. Những công ty lớn không có đủ độ liều sẽ không dám liều để mất những thứ đang có. Một quy luật hiển nhiên trong cuộc sống, khi chiếc xe càng lớn, quán tính càng cao. Các công ty cũng vậy, bộ máy họ lớn và nặng nền đến mức gần như loại bỏ hoàn toàn những yếu tố sáng tạo trong hoạt động.


Trở lại trường hợp của Apple. Thậm chí, với Apple, câu chuyện hay cỗ xe của họ còn kinh khủng hơn những công ty khác. Gánh nặng của việc bắt buộc phải thành công, thành công rực rỡ có lẽ, đã đè chết sự sáng tạo vốn có của họ. Hãy tưởng tượng xem, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như iPhone 5 thất bại hay chỉ đơn giản là "thành công khiêm tốn"? Có lẽ, là một thảm họa trị giá vài chục tỷ USD.

Trong khi đó, chiến lược và brand image (tạm dịch: hình ảnh thương hiệu) của Apple không cho phép họ thử nghiệm. iPhone là dòng sản phẩm 1 nhánh thẳng duy nhất, tức là họ không được phép làm như Samsung, tung ra hàng loạt smartphone, để rồi trong hàng chục thất bại, có một sản phẩm làm nên thành công. Họ không có quyền sản xuất iPhone 5A và iPhone 5B, chỉ duy nhất, 1 chiếc điện thoại của Apple với những gì tinh hoa nhất được phép tồn tại.

iPhone 5: Sự lựa chọn an toàn

Và thế đó, áp lực của sự thành công khiến cho Tim Cook phải chọn giải pháp an toàn. Tung ra iPhone 5 với nhiều cải tiến đáng giá và iPhone 5 vẫn là chiếc điện thoại tốt nhất thời điểm này thay vì đưa ra một mẫu sản phẩm cải tiến hoàn toàn so với phiên bản cũ. Hay gọi một cách "thân mật" hơn thì là kế thừa thành công từ người tiền nhiệm. Và phương án Tim Cook đưa ra, chắc chắn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các ông chủ của Apple, vốn là những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới.


iPhone 5, với sự tuyệt vời nó có cộng thêm hệ thống phân phối và sản xuất hoàn hảo dưới bàn tay của nhà kinh tế thiên tài Tim Cook chắc chắn sẽ phá sâu, rất sâu kỷ lục của 4s. Nhưng đâu đó, nỗi buồn vẫn là cảm giác chủ đạo của một iFan hạng nặng như tôi.

Câu chuyện nhà lãnh đạo và sự sợ hãi

Trong bài phát biểu đã trở thành huyền thoại của Steve tại Standford năm 2005, ông đã một lần đề cập đến sức ép thành công của những ai phải làm ở Apple. Tôi xin trích nguyên văn lại 2 câu nói của ông:

"The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything. It freed me to enter one of the most creative periods of my life."


Rõ ràng, sức ép thành công ở Apple là quá lớn. Ngay cả một con người cá tính mạnh mẽ như Steve còn thấy việc thoát khỏi gánh nặng này và một lần nữa start-up khiến ông trở nên sáng tạo và vĩ đại như thế này thì với những con người hiện tại của Apple, liệu họ có dám đánh một ván bài lớn hơn vài trăm lần hay không? Nó có dám thẳng tay sát phạt và trở nên vĩ đại không hay chỉ bảo vệ thành công mà họ đang có?

Sự vĩ đại của Apple, đến từ những điều kỳ diệu. Một Apple không còn những điều đó, chỉ đơn giản là một công ty "to" nhất thế giới không hơn không kém.

Và vai trò của 2 CEO, sự khác biệt của hai người đàn ông quyền lực nhất hành tinh là thế nào? Chúng ta hãy cùng bàn trong bài viết sau: Nỗi sợ Tim Cook và sự vĩ đại của Steve Jobs.

Nguồn: Genk.vn

2012/09/12

Thói quen tọc mạch chủ yếu có ở người miền Bắc

“Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc” - Nhà nghiên cứu và phê bình Phan Cẩm Thượng nói về thói tọc mạch của người Việt. 

Người Việt thường không muốn ai hơn mình

- Ông đánh giá như thế nào về tính cộng đồng của người Việt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Mọi tính cách của một dân tộc, một nhóm sắc tộc không đứng im mà có sự biến đổi theo thời gian. Tính cộng đồng và quan hệ gia đình xã hội của người Việt thời phong kiến và ngày nay hoàn toàn khác nhau, nên cũng cần xem xét nó trong đời sống cụ thể.

Trong truyền thống, tính cộng đồng của người Việt trong chiến tranh là khá cao, vì đó là lúc vận mệnh sống còn của từng người phụ thuộc vào nhau, nhưng khi thời bình, tính cộng đồng này thu hẹp ở mức độ làng xã và rất cục bộ.

Quan hệ gia đình và xã hội thời phong kiến khá chặt chẽ dựa trên nền tảng của Nho giáo, và tất nhiên là những giáo lý của Phật giáo và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Tuy nhiên trong thời mới, các quan hệ đó thay đổi về hình thức và bản chất. Xu hướng Tây học và quan hệ gia đình xã hội mới ít nhiều gia nhập vào đời sống của người Việt hiện nay.
Nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng. Ảnh: TTVH 
- Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những đặc tính tốt tạo nên sự quan tâm, tương trợ lẫn nhau, thì tính cộng đồng cũng dẫn đến những thói quen xấu như thói quen tọc mạch, chĩa mũi và nói xấu lẫn nhau. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?

- Người Việt, hay nói chính xác hơn là người nông dân Việt Nam sống trong làng xã hơn 500 năm qua, ở đó người ta luôn nhòm ngó, bàn bạc về nhau, giúp đỡ hay ghét bỏ nhau, cũng trong phạm vi cái làng. Cho đến nay, dù ra thành phố, làm việc trong các tổ hợp công nghiệp, thói quen ấy chưa thay đổi bao nhiêu. Anh bị ốm thì người ta đến thăm, anh kiếm được nhiều tiền thì người ta ghét. Năng suất lao động chưa trở thành thước đo con người, mà vẫn đánh giá nhau qua cư xử nên tọc mạch, nhòm ngó nhau vẫn là thường nhật.

- Vậy thì ông nghĩ như thế nào về thói quen tọc mạch của người Việt?

- Trong nước, tính cách này chủ yếu có ở miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Người Nam ăn nhậu, vui vẻ, ít bới móc, nói xấu, có lẽ do được thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần túy sớm.

Tính cộng đồng của người Việt trong đời sống hàng ngày cũng không cao, nhất là khi ra nước ngoài, nơi rất cần tính cộng đồng. Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc.

Thói quen xấu làm cho dân tộc bị thụt lùi về khoa học và nghệ thuật

- Có phải sự quan tâm thái quá đã vô tình dẫn đến những thói quen xấu đó, hay là vì một mục đích nào khác, thưa ông?

- Trong sự để ý lẫn nhau, có thể nói người Việt cũng có mặt tốt. Ma chay, cưới xin, ốm đau, khó khăn… người cùng làng, cùng cơ quan, cùng lứa thường chia sẻ, thăm hỏi lẫn nhau. Mục đích vụ lợi không có, mà tình nghĩa luôn được đề cao. Tuy nhiên, tình cảm quá cũng dẫn đến sự phán đoán lý trí ít được sử dụng, tức là cái mục đích lớn thường bị chủ nghĩa tình cảm làm lu mờ. Người ta không quan tâm đến nhà bác học, nghệ sĩ nọ làm ra công trình gì, mà để ý ông ấy có thân ái với mình không. Chuyện nhỏ này, thực ra làm cho dân tộc thụt lùi rất nhiều mặt về khoa học và sáng tạo nghệ thuật.

- Cũng có ý kiến cho rằng, thói quen nói xấu, tọc mạch là thói xấu bản năng của con người. Ông có đồng ý với ý kiến này không? Tại sao?

- Con người sinh ra và lớn lên có cả tính tốt lẫn tính xấu, nhưng thói quen, mục đích và truyền thống cộng đồng sẽ quyết định tính cách nào nổi trội. Có dân tộc lấy sự khám phá sáng tạo, dẫn đường làm mục đích, thì đương nhiên họ phải dẹp bỏ những cái vụn vặt. Lại có những dân tộc lấy ăn ở, làm giàu, tranh đoạt làm mục đích thì đương nhiên cũng phát triển tính cách tiểu xảo, lừa lọc và thiển cận. Đây là sự lựa chọn.

Có nhiều cái xấu còn đang được giáo dục.

- Theo ông, những môi trường nào và những yếu tố nào thì sẽ tạo điều kiện cho tính xấu này phát triển?

- Môi trường nào cũng có thể sinh ra cái tốt và cái xấu, nhưng môi trường tốt, có mục đích lớn lao, thì cái tốt là bề mặt xã hội, là đạo đức, quy luật, cái xấu núp dưới những mặt trái và luôn run sợ. Hiện có nhiều cái xấu đang công khai, được sử dụng để kiếm lời, thậm chí được giáo dục…

- Vậy thì ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức của người Việt trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh ở nước ta hiện nay?

- Nhiều người quan tâm đến sự xuống dốc của văn hóa đạo đức ngày nay, nhưng cần đặt mọi hoạt động xã hội ngày nay vào trong một hoàn cảnh kinh tế khác rất khốc liệt, buộc mọi quan hệ ứng xử thay đổi theo. Do đó muốn giải quyết văn hóa ứng xử không thế chỉ hô hào chung chung, mà cần giải quyết từ lao động và hành chính. Người ta quan tâm đến văn hóa đạo đức, nhưng lại không quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, trong khi đó, chính đời sống văn hóa nghệ thuật nếu được nâng cao thì tự nhiên đạo đức xã hội sẽ được giải quyết.

Đây chính là phần yếu nhất của chúng ta.

- Tuy nhiên thời nay, người ta cũng đang nói rất nhiều về sự vô cảm, và nhẫn tâm đối với đồng loại. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?

- Xã hội cộng đồng cao xưa kia buộc người ta quan tâm đến nhau và tham gia cứu trợ nếu có thể. Nhưng xã hội công nghiệp, thời gian là vàng, trách nhiệm gắn với chuyên môn, dẫn đến sự bàng quan nếu không thuộc chuyên môn của mình. Ví dụ ra đường không phải là bác sĩ thì chớ đụng đến người bệnh. Đây là vấn đề nhân loại, không riêng gì ta, nếu bạn ra nước ngoài, có lăn ra đường vì lý do gì đó, thì người ta cũng mặc kệ, hoặc tốt nhất là gọi điện cho nhà chức trách. Đôi khi là muộn, hoặc người bình thường hoàn toàn có thể cứu giúp.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Vũ Lụa (thực hiện)
Nguồn: Dân Trí

2012/09/11

Vì sao Bill Clinton vẫn khiến kẻ cười, người khóc?

Các diễn giả bước lên bục phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ đã minh chứng khả năng có thể khiến người nghe, người xem khóc, cười, vỗ tay và thậm chí nhảy lên vì họ. 

Trong số các diễn giả ấy, người nổi bật nhất chính là cựu tổng thống Mỹ - Bill Clinton. Người có bài phát biểu quan trọng tại đại hội với thời lượng gần 50 phút - dài hơn tất cả các bài phát biểu khác - để bênh vực đương kim Tổng thống Barack Obama và chính thức đề cử ông Obama đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử nhiệm kỳ hai vào Nhà Trắng; người có bài phát biểu được đánh giá là hơn hẳn những gì cả đội ngũ tuyên truyền của ông Obama đã làm.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ Mỹ. Ảnh: Getty Images

Tất cả diễn giả trong đại hội của đảng Dân chủ đều minh chứng rất hiệu quả sự khác biệt giữa Cộng hòa và Dân chủ là ở chỗ, một bên tôn thờ và ám ảnh vì những người đã đạt giấc mơ Mỹ với một đảng mong muốn đảm bảo rằng, tất cả mọi người đều có thể đạt được giấc mơ ấy.

Sử dụng ngôn từ, khớp chúng lại với nhau và trình bày chúng, truyền cảm hứng cho những người khác không phải là điều nhiều người có thể làm được. Nhưng Bill Clinton lại có thể có một bài phát biểu dễ dàng, đơn giản và tự nhiên giống như mọi người hàng ngày buộc dây giày vậy. 

Không bao giờ phải nghi ngờ kỹ năng hùng biện của ông, nhưng lý do tại sao suốt gần 50 phút mà Bill Clinton đứng trên bục phát biểu vẫn đảm bảo gây ấn tượng và hiệu quả lại không đơn giản là vì ông có thể nói đùa, hay vì ông có khiếu ngôn ngữ.

Bill Clinton cơ bản là người “là một người như bạn hơn là một vị tổng thống”. Ông có được sự yêu mến của hàng triệu người không chỉ ở Mỹ mà ở khắp thế giới. Ông lập luận chặt chẽ và lôi cuốn, sử dụng những ngôn từ dễ hiểu mà đôi khi nghe chúng như tứ thơ. Ông khiến người nghe trong đại hội cảm thấy như nghe một người từng trải khôn ngoan nói chuyện ở bữa tối.

Phát biểu của Bill Clinton có ảnh hưởng rất quan trọng bởi ông là thần tượng của một nhóm đông cử tri mà ông Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục, bao gồm người da trắng và tầng lớp lao động, cử tri lớn tuổi ở các bang còn lưỡng lự, cân nhắc với lá phiếu bầu cho một Obama vì tên tuổi, gốc gác, quốc tịch...

Liệu người ta sẽ tin tưởng Sean Hannity (người dẫn chương trình nổi tiếng có thu nhập đứng hàng thứ hai trong lĩnh vực phát thanh ở Mỹ) hay tin tưởng vào Bill Clinton? Người ta sẽ trông chờ vào Rush Limbaugh (một người dẫn chương trình truyền hình có quan điểm chính trị bảo thủ) hay tin vào một vị tổng thống đã tạo ra thời đại hoàng kim của nước Mỹ, khi người dân Mỹ được sống trong hòa bình và thịnh vượng? 

Và Bill Clinton khiến người ta hiểu rằng, cái giá cho sự thiếu hiểu biết trong cuộc bầu cử này có thể là rất cao.

Những gì ông đã có thể làm là chứng minh rằng, các giải pháp của Obama không phải là phát xít hay của châu Âu, chúng là những giải pháp Roosevelt, giải pháp Kennedy và dĩ nhiên là giải pháp Bill Clinton. Học thuyết kinh tế Keynes, chăm sóc y tế toàn dân, tập trung vào giáo dục, môi trường và dân quyền đại diện cho chương trình nghị sự Clinton, Kennedy và Roosevelt. Đó hoàn toàn là những ý tưởng Mỹ bắt nguồn từ nhiều thế hệ trong đảng Dân chủ.

Chắc chắn bài phát biểu có một ảnh hưởng, nhưng khi Bill Clinton nhìn vào camera và nói với mọi cảm xúc, sự chân thành ông có thể bộc lộ: "Mọi người, chuyện người Mỹ có tin vào những gì tôi nói hay không có lẽ không quyết định được cuộc bầu cử, tôi chỉ muốn các bạn biết rằng tôi tin tưởng, và với tất cả trái tim mình, tôi tin tưởng điều đó”. Ông có thể lần nữa chứng minh khả năng khác thường trong việc thuyết phục cử tri, để giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử và để giữ lại thành viên của đảng Dân chủ trong Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa.

Thái An (theo Huffington Post)
Nguồn: Dân trí

2012/09/05

BỐN GIAI ĐOẠN TINH THẦN TRONG ĐỜI NGƯỜI

Sự phát triển tinh thần của con người sẽ trãi qua 4 giai đoạn sau đây mới có thể đi tới chổ có trí tuệ toàn giác được. Đó là: 1.Giai đoạn con lừa. 2.Giai đoạn sư tử. 3. Giai đoạn đại bàng. 4. Giai đoạn hồn nhiên trẻ thơ.

1. Giai đoạn con lừa.


Là giai đoạn đầu tiên bạn tiếp cận đến việc học và tự học cho mình, như là làm việc gì đó và đọc sách. Trong giai đoạn này bạn rất ham học và thích làm những việc nặng nhọc. Bạn đọc tất cả các loại sách có trong tầm tay bạn, nhất là các loại sách triết học, tư tưởng nghệ thuật kinh điển. Bạn rất ngưỡng mộ và sùng bái các tác giả nổi tiếng, với một tinh thần trong sáng nhất. Bạn chẳng phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, hể ai nổi tiếng là bạn chạy theo người đó ngay. Bạn bị cái vẻ bề ngoài hào nhoáng hấp dẫn mãnh liệt, bạn yêu cũng mãnh liệt và cũng dễ khóc lóc om xòm. Bạn đọc sách không theo cái hệ thống nhận thức của bản thân, vì bạn cũng chẳng biết mình là gì cả. Bạn chỉ hành động theo cái lời đồn đại của người khác mà thôi. Hể có quyễn sách nào nghe “nặng đô” là bạn tìm đọc liền, và biết chắc rằng mình cũng chẳng hiểu gì cả mà cũng cứ đọc, vì bạn đọc sách và tự học để trang trí cho mình mà thôi. Bạn rất hay khoe mình biết cái này cái nọ, và thật tình bạn cũng đáng yêu, vì bạn học tập hùng hục như con lừa thích mang vác nặng nề mà leo dốc cao…


Bạn tự đặt cho mình phải tiếp bước theo các thần tượng trong sách…như là bạn vẫn tưởng rằng, những trang sách là nó y hệt ở ngoài đời vậy. Sự hiểu biết của bạn ở giai đoạn này là con số không, nhưng bạn đã nghe trong lòng mình nhú mầm những chồi non gai gốc đang nãy nở, và nó đã làm bạn đau đầu một tý và say say bềnh bồng một tý…Bạn cũng đã phát hiện ra mình đã thành người lớn rồi chứ không còn là con nít nữa. Đây là giai đoạn nhiệt huyết liều lỉnh của tuổi trẻ, vì trong lòng bạn luôn luôn dâng trào một sức sống rạo rực hiên ngang trước ngưỡng cửa cuộc đời.

2. Giai đoạn sư tử


Khi đã nạp đủ nhiều kiến thức thông tin lung tung vào đầu rồi, đến đây bạn cũng đã bắt đầu điên điên, nghênh ngang và coi trời bằng vung. Trong giai đoạn này, bạn là một kẻ si mê ngu muội lại muốn chứng tỏ mình, bằng cách chụp dựt đốt cháy giai đoạn, rồi bạn trở thành kẻ lai căng hợm hỉnh khó coi mà bạn cứ tưởng đó là cá tính riêng. Bạn đã nhìn thấy một niềm tin mơ hồ vào cái tôi của mình. Bạn tự tạo ra nhiều kẻ thù trong chính mình, nhưng bạn lại lầm tưởng rằng nó ở bên ngoài. Bạn đã bị bệnh đa nhân cách cho nên bạn chẳng thể nào hiểu nổi mình muốn gì, Bạn cứ đập phá lung tung vì mất phương hướng hơn là bạn đã có sức mạnh. Bạn gặp ai cũng gầm gừ la rống như con sư tử bị xích cổ thật bi tráng và đau thương. Tâm lý bạn lúc này là phản kháng, vì bởi mọi thứ nó lung tung trong lòng bạn mà bạn không thu xếp được, cho nên bạn gặp ai bạn cũng chê bai và chưởi bới khiêu khích, đã vậy bạn lại là người ngoan cố, cố chấp và kiêu căng ngạo mạng, Bạn luôn gặm nhắm ảo tưởng một cách hân hoan, và ôm ấp nỗi đau khốn khổ tận cùng của mình một cách mê mệt. Bạn thao thức suốt đêm nhưng chỉ càng lún sâu vào vũng lầy mệt mõi ê chề mà thôi.


Giai đoạn này là bạn đang chìm ngập trong ảo giác của siêu hình. Đó là những trận chiến của quá khứ được mô tả trong sách vở, bây giờ nó đang xảy ra trong đầu bạn đó. Vì tâm lý bạn là bãi chiến trường cho những kẻ đã chết được phục sinh trong một hình hài mới. Những bóng ma này nó ám ảnh bạn suốt ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ. Bạn chả được gì ở đây cả, mà mỗi ngày những cái hình bóng đó, nó lại càng nhân lên mãi làm bạn vô cùng khốn khổ. Bạn không thể nghĩ gì hơn, là tưởng rằng như thế thì hiểu biết của mình đã nhiều rồi. Do đó bạn gặp ai cũng phản kháng, phản ứng bằng nhiều cách, cốt để ráng chứng tỏ mình mà thôi. Vì ở đâu đó bạn đã nhìn thấy được con đường lý tưởng của mình dù rất mịt mờ xa xăm.


Giai đoạn tinh thần sư tử này là cực đoan nhất. Nhờ đó mà bạn đã có được một sức mạnh mù quáng cuồng điên, để vượt qua được một số khó khăn nhất định. Nhưng sao bạn vẫn cảm thấy cô đơn quá như là chả ai hiểu được mình vậy…Rồi bạn cứ gầm rống mãi, bạn chỉa mũi vào nhiều việc của người khác, nên bạn bị nhiều người khác tấn công lại…Và tự nghĩ đó là những cuộc đấu tranh tất nhiên phải xảy ra. Rồi những người tấn công bạn tức nhiên là giỏi hơn bạn rồi, nên bạn sẽ bị tổn thương nặng. Và bạn càng chất chứa thêm hận thù trong khi đáng ra là bạn phải thay đổi trước. Cuối cùng, bạn cứ nghĩ mình như thế là giỏi lắm rồi, nhưng thật ra những cái biết của bạn chỉ là những rác rưởi cặn bả của thiên hạ mà thôi…có gì đáng mừng đâu? Trong giai đoạn này, nếu bạn không dấn tới nữa để thoát khỏi đám sương mù quỷ quái kia, thì bạn sẽ trở thành kẻ thỏa hiệp, yếu đuối biện luận lung tung. Nếu bạn thất bại thì bạn sẽ chả ra gì cả…Còn nếu bạn tiến lên thì sẽ bị thương tích cùng mình. Cái đó là để trả giá cho sự thức tỉnh những ngộ nhận kia. Đây là giai đoạn mở đầu cho ngọn lữa khởi nghĩa làm cách mạng của bạn sau này. Nếu bạn may mắn thì sẽ được gọi là anh hùng, còn không thì sẽ được gọi là thằng khùng…Vì căn bản ở đây, bạn sẽ chẳng làm được cái gì ra hồn cả. Vì bạn chỉ có nhiều kiến thức và tình cảm nóng bỏng mãnh liệt thôi. Nên có thể nói là bạn cũng chưa biết gì cả đâu. Tuy nhiên bạn cũng đã có được một chút kinh nghiệm đau thương trong tâm hồn…


3. Giai đoạn đại bàng.


Nếu bạn không bị gục ngã ở giai đoạn trước, mà lê bước chân được đến đây, thì bạn xứng đáng được ca khúc khải hoàn rồi…Vì bạn đã tỉnh trí hơn, vì bạn đã có nhiều trãi nghiệm quý báu làm hành trang trong tương lai. Đây là giai đoạn đại bàng, giai đoạn bạn đã cất cánh bay lên trên những gì là giả tạo, mà từ trước tới giờ bạn mới nhìn ra. Bạn đã xóa được cái đám kiến thức mịt mù, và cái vốn tình cảm miên man kia. Và thay vào đó, bạn đã có tri thức và tình yêu. Ở một số người khi đã được tới đây thì họ sẽ tỏ ra tự mãn, họ gồng mình lên kiểu cách rất buồn cười, vì nói chung giai đoạn này là giai đoạn thành công nhất của một đời người bình thường. Và những gì họ đã vượt qua được thì cũng là rất đáng khen.Trong giai đoạn này, tri thức đã giúp cho bạn có được một hệ thống đúng sai trong tư duy nhận thức của bạn rồi. Bạn không còn lan mang suy tính nhiều nữa, cho nên bạn luôn đưa ra được những quyết định sáng suốt, phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời tình yêu trong bạn cũng đủ lớn, để bạn biết yêu thương một cách chân tình mà không hối tiếc, vì điều này là rất quan trọng. Vì nó sẽ luôn là niềm tin yêu vững vàng cho bạn đương đầu với sóng gió cuộc đời đầy khó khăn bất trắc trước mặt. Và giờ đây bạn đã có một lý tưởng cao đẹp để chiến đấu hy sinh vì nó, điều đó cho phép bạn thấy rằng mình là con người rất đáng sống trên đời này.


Trong giai đoạn tinh thần này, bạn đã nhận ra rằng trước kia mình đã từng là kẻ quá khích, ngộ nhận và đáng thương. Bạn đã nhìn thấy rõ con đường mình đã đi rồi, và nó không còn mịt mờ như xưa nữa. Bạn đã biết khép mình khiêm tốn, đúng sai đã nhận ra, và không còn bướng bỉnh ngu xuẫn như xưa nữa. Bạn đã được nhìn thấy sự khích lệ trong ánh mắt của mọi người, và đã được tin yêu hơn trước. Bạn đã biết cách khi nào mình sẽ bay lên khỏi vũng lầy đời sống, để cùng hòa ca với trăng sao gió lá. Bạn có thể đi du lịch khắp nơi, trong khi vẫn điều hành được mọi việc ở nhà. Bạn đã biết cách sống, là đã biết cách làm được mọi việc cần làm,. Bạn không còn bị dằn xé giữa những ưu tiên và quyền lợi trên đường đời nữa…Nói tóm lại bạn đã biết cách nuôi dưỡng cái tinh thần hùng mạnh của mình, sao cho nó xuôi theo dòng đời đầy thác ghềnh một cách êm ái, mà không để xảy ra một tai nạn nào…Vì bạn đi được đến đây thì coi như đã thành công, đã ổn. Vì bạn cũng là một người có tài (hay lục lục thường tài) chứ bạn chưa có thể gọi là thiên tài được.


4.Giai đoạn hồn nhiên trẻ thơ.


Đây là giai đoạn tinh thần bạn đã và đang trên đường quay về cội nguồn của tất cả mọi sự hiểu biết trên đời. Là giai đoạn bạn giáp mặt một trận chiến cuối cùng, để về lại quê hương sau bao nhiêu năm lưu vong xa cách. Là để nhìn thấy được gương mặt muôn đời của mình. Vì trước kia bạn hung hăng đi ra biển lớn, học tập và đấu tranh, tình yêu và ước vọng, niềm tin và sự phản bội. Tất cả những cái đó, bạn đã trãi qua hết và cảm thấy nó như là một cơn mộng mà thôi. Chẳng có gì là cao quý hết, cho bằng sự hy sinh cuộc đời này cho lý tưởng của mình đã chọn. Và như thế bạn chấp nhận tất cả, như một con voi chúa giữa trận tiền chấp nhận hòn tên mũi đạn, bạn chấp nhận tất cả mọi búa rìu dư luận, mọi thị phi hay tán dương của người đời như gió thoảng qua tai. Bạn lừng lững tiến về phía trước, để in bóng mình lên vách thiên thu.


Khi bạn đi đến giai đoạn này, tất nhiên là bạn đã hoàn thành tư tưởng một cách rõ ràng rồi. Như đã nói ở trên, bạn đã có tri thức và tình yêu, nhưng bạn vượt hơn những người tài bình thường, là ở chổ, bạn đã có thêm linh giác và huyền thuật. Cái đó chính là cái mà người đời sẽ gọi bạn là thiên tài.


Vậy linh giác và huyền thuật của thiên tài là gì? Linh giác là cảm giác thần thánh trời ban cho bạn. Linh giác là linh tính xuất thần tạo ra các phép màu khác thường trong ý nghĩ và sáng tạo của bạn. Linh giác là cái cảm giác làm cho các sự vật, mà khi nó chạm tới, đều trở nên có sức sống khác thường, và làm cho cái không gian chứa đựng các sự vật kia, trở nên linh thiêng kỳ lạ. Nó có khả năng làm mê hoặc lòng người…Nó chính là ngọn lữa ở địa ngục mà bạn đã liều mạng lấy đem về dương gian, nó chính là phần thưởng của thượng đế giành riêng cho bạn…

Vậy còn huyền thuật là gì? Huyền thuật là những ý nghĩ, lời nói bí ẩn của các thiên tài có tính chất khải huyền. Nó sẽ ở lại với đời có thể được vài trăm năm khi bạn đã đi xa.

Nhưng khi bạn đi tới chổ để trở thành một thiên tài rồi, thì cũng chưa hết đâu…Xa hơn đó là cảnh giới của vĩ nhân. Và vĩ nhân khác thiên tài ở chổ, họ bình dân hơn nhiều…Vì tư tưởng của họ hoàn toàn thiên về tình yêu mà thôi. Trí tuệ của họ có được cũng khác xa thiên tài, vì nó có tính chất bảo vệ, xây dựng hơn là đập phá làm cách mạng vv. Cái đó gọi là trí tuệ minh triết, và con đường của họ đi là con đường của tình yêu.. Tuy rằng họ cũng có tri thức và tình yêu, nhưng cái khác hơn người tài bình thường là ở chổ, họ có thêm trực giác và tuệ nhãn.

Vậy thì trực giác và tuệ nhãn của vĩ nhân là gì?

Trực giác là cái linh giác trực tiếp từ tâm thức đi thẳng tới sự vật mà nó tiếp cận, nó đi xuyên qua thực tại, tức là thế giới hiện tượng nhiều thay đổi này, đó chính là cái lưới ảo giác mà bất cứ ai cũng bị dính mắc vào nó, như là con cá nằm trong hồ đang dần cạn nước. Trực giác chỉ có ở bậc thánh nhân, chân nhân mà thôi, cho nên thiên hạ đừng nên lạm dụng danh từ này. Trực giác giúp cho bạn không phải tư duy, suy nghĩ gì nữa. Mà nó là một loại trí tuệ cực nhanh để nắm bắt thực tại một cách chính xác, với sự thật không thể nào khác được.


Song song với trực giác, bậc vĩ nhân còn có tuệ nhãn, là con mắt trí tuệ trùng khít với con mắt của thượng đế. Khi bạn có con mắt trí tuệ này rồi, thì bạn có thể nhìn xuyên thấu qua mọi thứ vật chất, mọi thứ khoảng cách ở trần gian. Vì ở giai đoạn này trí tuệ của họ đã hoàn mãn, họ sống tự nhiên giữa đất trời. Tinh thần họ đã được tắm rửa sạch sẽ. Họ chỉ còn sống cho tình yêu, một tình yêu hồn nhiên trong sáng như trẻ thơ. Lời của họ nói là chân ngôn, có thể tồn tại mấy ngàn năm sau. Đây cũng là điểm cuối cùng trong hành trình lịch sử nội tâm của một con người.


Nguồn: Sưu tầm
Hà Hùng 4/9/2012

2012/09/04

Những khám phá mới về tác động của việc mất ngủ


Làm cách nào để ngủ dễ hơn? Làm cách nào để có một giấc ngủ khỏe mạnh? Làm cách nào để biết bạn đã ngủ đủ chưa? Có lẽ giấc ngủ là đề tài được chúng tôi nhắc đi nhắc lại quá nhiều. Nhưng trước khi bạn kêu ca về đề tài nhàm chán này, xin hãy nhớ rằng giấc ngủ là một thực tế ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta. Khác với bệnh tật, thứ mà các nhà khoa học, các bác sỹ vẫn đang cố gắng từng phút từng giờ để chống lại, giấc ngủ là thứ chúng ta có thể tự kiểm soát để đảm bảo về sức khỏe của bản thân.

nhung-kham-pha-moi-ve-tac-dong-cua-viec-mat-ngu

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, vậy có quá thừa không khi bạn tìm hiểu về một điều liên quan rất lớn đến sức khỏe của bạn? Có lẽ là quá đáng nếu nói rằng bạn không chăm lo, không tìm hiểu đến sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, thực sự rất khó để có thể chăm lo chính mình một cách “khoa học”, lý do là mỗi ngày qua đi các nhà khoa học lại công bố những nghiên cứu mới của họ mà những nghiên cứu này đôi khi lại đối lập với những nghiên cứu tồn tại trước đó về cùng một vấn đề. Trong cuộc sống, mỗi người đều có việc riêng của mình, húng tôi là những người đưa tin, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể cập nhật tin tức mới nhất đến cho các bạn, việc các bạn cần làm là lựa chọn theo những gì bạn tin tưởng hoặc lựa chọn theo kinh nghiệm của bản thân.

Trong bài viết này, chúng tôi xin chuyển đến cho các bạn những tổng hợp của nhà nghiên cứu Leo Widrich về giấc ngủ và tác động của giấc ngủ đối với chúng ta.

1. Bao nhiêu là đủ?

Mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời ngủ trung bình khoảng 24 năm, tuy nhiên, khoảng “trung bình 24 năm” vẫn mơ hồ, không rõ ràng. Chính xác thì mỗi ngày chúng ta cần ngủ bao lâu? Thông thường, chúng ta vẫn tin rằng ngủ 8 giờ một ngày là đủ để giữ sức khỏe bản thân luôn trong tình trạng tốt. Vậy kiến thức về “8 giờ cho một giấc ngủ hoàn hảo” đến từ đâu? Được cha mẹ dạy? Được dạy trong trường tiểu học? Được nghe nói ở đâu đó?

Theo nhà chuyên nghiên cứu về giấc ngủ của con người, Daniel Kripke, luật về “8 giờ ngủ” là thứ nguyên tắc sức khỏe không rõ nguồn gốc và không được chứng minh đầy đủ theo khoa học. Theo những nghiên cứu mới nhất của Kripke thì một giấc ngủ dài từ 6,5 đến 7,5 giờ đã là đầy đủ cho một cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa, một thông tin khá thú vị về giấc ngủ của chúng ta là một giấc ngủ vượt quá 7,5 tiếng đồng hồ lại phản tác dụng và có thể khiến chúng ta mệt mỏi hơn.

nhung-kham-pha-moi-ve-tac-dong-cua-viec-mat-ngu

Đôi khi chúng ta thức dậy buổi sáng sau một giấc ngủ 8 tiếng đầy đủ mà vẫn bị đau đầu, mệt mỏi. Đây phải chăng là một minh chứng rõ ràng để phủ nhận luật về giấc ngủ 8 tiếng mà bấy lâu nay chúng ta vẫn truyền tai nhau? Hơn nữa, theo một nhà chuyên nghiên cứu về giấc ngủ khác đến từ châu Âu tên là Jim Horne thì “giấc ngủ 8 tiếng” là một thứ khá khôi hài, việc nói với tất cả mọi người rằng tất cả chúng ta cần phải có giấc ngủ buổi đêm dài 8 tiếng đồng hồ cũng giống như nói với tất cả mọi người rằng chúng ta cùng phải chọn những đôi giày cùng cỡ. Như vậy, khoảng thời gian 6,5 đến 7,5 giờ cho giấc ngủ mỗi ngày cho chúng ta một khoảng thời gian không những có vẻ hợp lý hơn mà cho chúng ta quyền lựa chọn chứ không áp đặt mọi người vào khoảng thời gian 8 giờ cứng nhắc nữa.

Như đã nói, ngủ quá lâu có thể khiến chúng ta mệt mỏi và trì trệ, đi ngược lại với những gì chúng ta muốn có từ giấc ngủ. Vậy điều gì xảy ra khi chúng ta thiếu ngủ?

2. Tác động của việc thiếu ngủ đối với não bộ

Biểu hiện của việc ngủ quá nhiều là trì trệ, đau đầu, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết một người ngủ quá giấc khi người ấy vừa tỉnh dậy, họ phải mất một khoảng thời gian để lấy lại thăng bằng sau giấc ngủ. Tuy nhiên, ngược lại với biểu hiện của những người đã ngủ quá lâu, những người bị thiếu ngủ vẫn có thể tỏ ra hoạt bát, khỏe mạnh và tươi mới giống như những người ngủ vừa đủ. Thật ra, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra một điểm khá kỳ lạ là: những người thiếu ngủ hay ngủ đủ đều có những biểu hiện sinh lý giống nhau. Có lẽ ngoài quầng thâm quanh mắt thì những người thiếu ngủ trông gần như không khác mấy so với những người ngủ đủ giấc nếu họ cố gắng tập trung.

Tuy nhiên, những gì thực sự xảy ra trong não bộ của những người bị mất ngủ lại không giống như những gì cơ thể họ đang thể hiện. Trong hoạt động hàng ngày, bộ não thường có những khoảng lặng, những khoảng mất tập trung một cách tự nhiên, bộ não của những người ngủ đầy đủ sẽ nhanh chóng gửi tín hiệu đến những vùng đang mất hoạt động trong não bộ và khôi phục hoạt động của vùng này. Đối với những người thiếu ngủ, bộ não của họ không thể ngay lập tức tái hoạt động lại được, do đó, mặc dù bề ngoài có vẻ hoạt bát nhưng những người thiếu ngủ lại không đạt được sự tập trung cho công việc như những người bình thường. Có thể nói bộ não của những người thiếu ngủ hoạt động gần như bình thường, tuy nhiên, trong não bộ họ xuất hiện những khoảng lặng giống như những lần mất điện toàn hệ thống.

nhung-kham-pha-moi-ve-tac-dong-cua-viec-mat-ngu

Theo giáo sư Clifford Saper tại Đại học Harvard, các điểm màu trong hình vẽ là những khu vực xảy ra những khoảng lặng xuất hiện cả ở trường hợp những người ngủ đủ giấc lẫn không đủ giấc. Tuy nhiên, chỉ có những điểm màu đỏ mới là những điểm trong não bộ mà những người thiếu ngủ có thể lập tức cho tái hoạt động. Tại những điểm màu vàng, sau những khoảng mất tập trung, những người thiếu ngủ thường không thể tái khởi động lại các vùng này. Do những thể hiện về sinh lý giống như những người bình thường, những người chỉ ngủ 3 đến 4 tiếng một ngày ngỡ rằng họ dù buồn ngủ nhưng vẫn có thể bảo đảm năng suất làm việc như một người bình thường. Nhưng sự thực là họ đã lầm. Những người bị thiếu ngủ không đủ năng lượng để bắt não bộ hoạt động theo đúng cách và bản thân họ không thể tự nhận biết được sự mất tập trung trong hoạt động của mình do những lần “mất điện” trong não bộ diễn ra quá nhanh.

Dù thiếu ngủ hay ngủ quá độ cũng đều gây ra những ảnh hưởng xấu cho cơ thể của chúng ta.

3. Tìm đến giấc ngủ khỏe mạnh

Đến những vùng quê ở Việt Nam, nơi hoạt động giải trí về đêm gần như không có, chúng ta có thể dễ dàng ngủ vào 9h tối và thức dậy khi gà gáy vào 4h sáng ngày hôm sau, nếu cần một nơi tĩnh dưỡng, hãy về làng quê xa xôi của Việt Nam và bạn sẽ có cuộc sống thực sự khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu như bạn có thể đọc được bài báo này thì có lẽ nơi bạn sống không hề thiếu phương tiện giải trí. Chúng ta đã đọc rất nhiều bài báo, xem rất nhiều tin khoa học về giấc ngủ, do đó, dù còn rất mơ hồ nhưng ai cũng hiểu rằng phải nghỉ ngơi đầy đủ để bắt đầu cho một ngày mới, tuy nhiên, thật khó để có thể yên tâm ngủ được khi tiếng xe cộ vẫn tấp nập trên đường, khi chiếc điện thoại vẫn đổ chuông báo hay khi tiếng nhạc xập xình văng vẳng từ một nơi nào đó. Trong trường hợp môi trường xung quanh tồn tại nhiều cám dỗ như vậy, bạn phải làm gì?

nhung-kham-pha-moi-ve-tac-dong-cua-viec-mat-ngu

Hình thành thói quen. Đánh răng mỗi người trước và sau khi đi ngủ là một trong những thói quen đã được hình thành trong tiềm thức của bạn mà bạn chẳng bao giờ có thể quên được. Vậy hãy cố gắng bổ sung vào danh sách thói quen hàng ngày của bạn một vài điều để có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

Đi bộ mỗi tối. Có lẽ những câu chuyện ma hay những tin tức an ninh chẳng mấy tốt đẹp gì sẽ khiến bạn sợ phải bước trên đường mỗi tối. Tuy nhiên, 20 phút dành cho việc đi bộ mỗi tối có thể khiến bạn ngủ tốt hơn. Hãy chọn một con đường quen thuộc, một khung thời gian cố định để thực hiện thói quen này. Việc đi bộ mỗi tối sẽ giúp đầu óc bạn thanh thản và sẵn sàng cho giấc ngủ. Sau một tối đi bộ, tắm rửa sạch sẽ với nước ở nhiệt độ phù hợp theo mùa có thể giúp bạn mau chóng tiến vào giấc ngủ hơn.

Đọc sách. Hãy luôn nhớ rằng bạn phải đọc sách chứ không phải đọc tin nhắn trên điện thoại hay đọc những status của bạn bè trên facebook. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn đó là hãy chọn những cuốn tiểu thuyết hư cấu, viễn tưởng. Những câu chuyện trong cuốn sách này có thể đưa bạn đến một thế giới khác lạ, lung linh và mơ hồ hơn. Hãy sẵn sàng ngủ khi tâm trí đang chìm trong một thế giới xa xôi nào đó.

nhung-kham-pha-moi-ve-tac-dong-cua-viec-mat-ngu

Ăn uống. Nhiều người cho rằng những bữa ăn đêm dễ dàng khiến họ phát phì hoặc việc ăn đêm khiến bao tử họ căng phồng và khó có thể chìm vào giấc ngủ một cách thoải mái được. Đối với những trường hợp này, cách giải thích duy nhất có thể đưa ra là họ đã sử dụng sai thứ lương thực để có thể tiến vào giấc ngủ. Bạn không nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều protein, cũng đừng ăn quá nhiều, kết quả của việc ăn sai thứ cần ăn là chúng có thể phá hỏng giấc ngủ của bạn. Hãy nhớ rằng protein giúp chúng ta tỉnh táo và chất đường khiến chúng ta buồn ngủ hơn. Một điều nữa không nên quên đó là một cốc sữa ấm trong hoàn cảnh này cũng vô cùng hiệu quả. Vậy một bữa ăn nhẹ với vài ba chiếc bánh quy ngọt và một cốc sữa ấm là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn trước khi đi ngủ.

- Làm việc. Lao động. Học tập. Giải trí. Chăm sóc gia đình…Có rất nhiều hoạt động chúng ta có thể làm khi còn tỉnh táo và thực tế thì mục đích sống của chúng ta chính là hoàn thành những công việc ấy khi còn có thể. Vậy hãy để cơ thể hoạt động hết công suất trong ngày nhằm hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất. Trong cuốn sach The Power of Full Engagement, 2 tác giả Jum Loehr và Tony Schwarz đã đưa ra lời khuyên rằng việc làm cạn kiệt hết thể lực cũng như trí lực là một cách đơn giản để có một giấc ngủ đầy đủ. Rõ ràng chẳng ai muốn thức đêm khi cơ thể đã hoàn toàn cạn kiệt sức lực.

nhung-kham-pha-moi-ve-tac-dong-cua-viec-mat-ngu

Chợp mắt. Và khi chúng ta đã làm tất cả những thứ cần làm nhưng vẫn không thể kiếm nổi một giấc ngủ như ý muốn, một giấc ngủ ngắn trong ngày có thể bù lại những gì chúng ta đã thiếu. Tuy nhiên, một giấc ngủ ngắn không đồng nghĩa với một giấc ngủ dài đến 1 hay 2 tiếng đồng hồ. Một giấc ngủ giữa ngày đủ để bù đắp cho phần năng lượng mà não bộ chúng ta đang thiếu chỉ cần kéo dài từ 15 đến 30 phút. Hãy chọn một khoảng thời gian bạn cho là hợp lý và một khung giờ thích hợp trong ngày để nạp thêm năng lượng bạn cần. Cũng giống như việc đi bộ mỗi tối, việc chợp mắt trong ngày cũng đòi hỏi bạn phải có thời lượng thích hợp cũng như sự đều đặn thì mới đạt được kết quả như ý muốn.

Hãy kết thúc bài viết buồn tẻ này bằng một câu hỏi nhanh: Đàn ông hay phụ nữ cần ngủ nhiều hơn? Mặc dù chúng ta thường thấy đàn ông hoạt động mạnh, lao động nặng hơn phụ nữ nhưng giấc ngủ bình thường của mỗi chúng ta lại đủ dài để hồi phục những mệt mỏi về thể chất. Thực tế, việc giấc ngủ cần dài hay ngắn lại nhằm mục đích phục hồi về trí lực. Với bộ não phức tạp, có 2 bán cầu não được kết nối và hoạt động nhiều hơn não bộ của đàn ông, một người phụ nữ trung bình thường cần ngủ nhiều hơn đàn ông khoảng 20 phút mỗi tối.
Nguồn: Genk.vn