2012/08/28

'Xã hội đang chết vì những người tuyển dụng'

- Liên quan đến câu chuyện nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá thiếu sức cạnh tranh và thứ hạng kém trong khu vực, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt cho biết những quan niệm "vị nhân sinh" khi trao đổi với VietNamNet về vấn đề nhân lực nước nhà. 


- Liên quan vấn đề nhân lực của Việt Nam hiện tại và tương lai, là một doanh nhân và chủ doanh nghiệp lớn, ông đánh giá như thế nào về kỹ năng khi tìm kiếm lao động?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không đi tìm kiếm kỹ năng lao động mà tôi tìm kiếm năng lực tự nhiên của con người và phát hiện bên trong các năng lực tự nhiên - đôi khi chưa tự giác về sự tồn tại của nó - trong mỗi một cá thể, sau đó huấn luyện và khai thác nó.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt

Trong điều kiện xã hội chúng ta thì hoạt động kinh doanh chưa chuyên nghiệp lắm, cho nên không nên hạn chế sự bất ngờ của tài năng bằng việc cố định mục tiêu của mình đối với một số loại năng lực. Cho nên tôi luôn luôn rèn luyện mình để thức tỉnh trước các sự xuất hiện khác nhau của các loại hình năng lực và khai thác nó.

- Những loại hình năng lực nào được ông ưu tiên số một khi tuyển dụng?

Quan sát là năng lực số một mà con người cần phải có. Nếu một cán bộ mà không có năng lực quan sát, vô cảm trước cuộc sống, bàng quan trước cuộc sống, hoặc nhòe trong quan sát trước cuộc sống thì không nằm trong mục tiêu lựa chọn của tôi. Thứ hai là khát vọng thay đổi. Đôi lúc người ta duy ý chí muốn biến đổi cuộc sống mà quên mất rèn luyện mình để mình biến đổi theo các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Tức là năng lực có thể thay đổi được trở thành năng lực số hai. Năng lực số ba mà tôi luôn luôn quan tâm là tính hòa hợp có thể có một cách con người, giữa đối tượng mà tôi đang định chọn với cộng đồng mà tôi đã có.

- Vậy thì nguồn nhân lực đào tạo trong nước đáp ứng được bao nhiêu đòi hỏi của ông?

Tôi bao giờ cũng có một giai đoạn thử việc 3 tháng theo luật, còn để rèn luyện cho con người xâm nhập vào cộng đồng lao động của tôi, vào nền văn hóa riêng của công ty chúng tôi thì 3 năm. Nói thật là có người giỏi, có người trung bình, có người kém, nhưng khoảng cách giữa giỏi, trung bình và kém không nhiều lắm. Cho nên tôi rất lạ là có người nói phải thủ khoa này, thủ khoa kia mới tuyển. Tôi tuyệt đối không quan tâm đến chuyện đấy.

Ba khả năng mà tôi vừa nói, là khả năng quan sát, khả năng tự thay đổi và khả năng hòa hợp với cộng đồng lao động là ba khả năng quan trọng nhất, và tôi chỉ chọn người khi họ thỏa mãn đủ 3 tiêu chuẩn ấy. Chọn như thế cũng chưa chắc đã đúng, vì trong một lần tiếp xúc, trong một lần phỏng vấn thì không đủ, nên phải có 3 tháng thử việc để loại bớt những đối tượng không kham nổi những đòi hỏi của tôi, và ba năm để tôi lựa chọn vào đội ngũ những người có thể giữ lại, có thể đào tạo thành chuyên viên cao cấp.

Giáo dục phải chỉ ra các phẩm hạnh

- Để chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp và gia công hàng hóa lên kinh tế tri thức - Việt Nam cần hướng đến để đào tạo ra những lao động có kỹ năng như thế nào?

Nếu bắt đầu cuộc cải cách giáo dục sắp tới mà Đảng ta chủ trương bằng việc chỉ ra các loại hình năng lực thì đấy là đòi hỏi sai. Cải cách giáo dục trước hết phải chỉ ra các phẩm hạnh cơ bản của con người mà tương lai của sự phát triển kinh tế hoặc xã hội Việt Nam cần. Phẩm hạnh con người quan trọng hơn những loại hình năng lực cụ thể.

Cái thứ hai là anh phải chỉ ra được là cái gì là chìa khóa cơ bản để con người có thể tiếp cận với những năng lực cụ thể, bởi vì năng lực thay đổi theo thời gian. Giá thị trường của các năng lực thay đổi theo thời gian, vai trò của các năng lực thay đổi theo những đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, mà không phải cuộc sống Việt Nam mà cuộc sống toàn cầu. Cho nên rất khó để đưa ra một số loại hình năng lực cơ bản đối với các cơ sở giáo dục chuyên ngành, mà nên đưa ra những hạt nhân, những chìa khóa để con người có thể đến với năng lực. Thay đổi như vậy chính là thay vì học một lần bằng học liên tục để thỏa mãn các sự thay đổi liên tục của đòi hỏi xã hội đối với con người, với năng lực.

- Ý ông đang muốn gián tiếp nói đến những khẩu hiệu, những bước đi đưa xuống các cơ sở giáo dục hiện nay của ngành giáo dục hướng đến một mục tiêu về chất lượng đi ngược?

Nó đi ngược với tự nhiên, bởi vì anh không thể khoác cho con người một gánh nặng kiến thức được, làm cho giáo dục phổ thông cũng như giáo dục đại học trở nên khổ sai. Mà con người cần phải đủ hạnh phúc để bước vào cuộc sống một cách lành mạnh, với tất cả các sự tự tin về mình, có thể phân loại, có thể quan sát, có thể nhặt nhạnh một cách chính xác các năng lực cần cho mỗi một giai đoạn hoạt động.

Năng lực của một con người là tính lành mạnh, tính trong sáng và linh cảm chính xác về các giá trị trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của cuộc sống mà không phải là những thứ được trang bị ban đầu.

- Nói như vậy là mục tiêu giáo dục của Việt nam đang có vấn đề?

Đang có vấn đề, vấn đề ấy là chúng ta muốn biến con người trở thành một người thợ, một người hoạt động, một người kinh doanh ngay sau khi ra khỏi trường. Cái đấy là vô vọng và không chính xác. Đào tạo là quá trình tạo ra các năng lực để học tập, chứ không phải là kiến thức của sự học tập ở giai đoạn ban đầu. Không có một quốc gia nào, nhất là những quốc gia đang phát triển như chúng ta có đủ kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm hoàn chính ngay từ đầu. Cho nên mục tiêu của chúng ta là tạo ra các sản phẩm có triển vọng, chứ không phải tạo ra các sản phẩm có giá trị ngay từ đầu.

Quyền thải hồi thuộc về người lao động

"Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động".

- Vậy sau khi thử việc ba tháng thì những lao động được tuyển dụng đáp ứng thế nào đối với công việc ở công ty ông đặt ra?

Tôi không đánh giá. Tôi cũng không quan sát sự bộc lộ. Tôi quan sát họ một lần, họ gia nhập và chính họ phải quan sát chứ không phải tôi. Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động. Người lao động không kham được có quyền lựa chọn, họ đem so năng lực của họ với yêu cầu của công việc. Thậm chí ngay cả khi năng lực của họ đã trở thành một thực tế, một giá trị khách quan rồi thì họ vẫn có quyền lựa chọn tôi nữa hay không. Nói cách khác là những người sử dụng lao động khôn ngoan là sử dụng những lao động có năng lực lựa chọn ông chủ. Rất nhiều cán bộ của tôi sau một thời gian công tác là đi, đại bộ phận trong số họ rất thành đạt và họ dựng các sự nghiệp khác của họ rất thành công. Sự thành công của các cán bộ của tôi sau khi rời công ty của tôi làm cho tôi hạnh phúc hơn là đau khổ. Tôi không sợ mất ai cả, vì mỗi một công ty lành mạnh là một công ty tạo ra những người lao động mà sau khi không làm cho mình nữa thì họ trở thành những người tự tổ chức các hoạt động của họ một cách thành công. Đấy là định nghĩa của tôi.

- Trở lại vấn đề ban đầu ông đề cập là giáo dục Việt Nam đang đi lệch. Sự đi lệch này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hiện tại và trong tương lai?

Sự lệch ấy là một kết luận có tính chất gián tiếp và vĩ mô. Kết luận ấy không phủ lên trên một con người mà phủ lên trên tính chất của một cộng đồng. Tất cả những người sử dụng lao động trên đời này là một bộ phận quan trọng và nối dài của hệ thống chính sách giáo dục. Tất cả các chủ doanh nghiệp đều cần phải tham gia vào cộng đồng giáo dục để hoàn chỉnh dần dần các sản phẩm có chất lượng giáo dục để phục vụ cuộc sống. Để cho tất cả những người sử dụng lao động nằm ngoài quy trình đánh giá các sản phẩm hoặc kiến tạo các sản phẩm giáo dục là một trong những sai lầm rất cơ bản của chính sách vĩ mô về giáo dục.

Người sử dụng lao động đang có vấn đề?

- Theo ông thì tất cả các lĩnh vực của mình hiện nay không thiếu nhân lực?

Tôi nghĩ cái thiếu chính là những người sử dụng lao động chuyên nghiệp. Chúng ta không có những người sử dụng lao động một cách chuyên nghiệp, cho nên chúng ta luôn luôn trút cái yếu kém của những người sử dụng lao động sang cộng đồng lao động. Đấy là một tội ác chứ không phải là một khuyết điểm thông thường.

Tôi là người không bao giờ kết luận một cách khiên cưỡng, một cách quan liêu hay duy ý chí đối với các sản phẩm là con người. Tôi nhìn thấy các khuyết tật vĩ mô của cộng đồng ấy chứ không kết luận gì về các sản phẩm cụ thể. Tôi cho là cần phải nới rộng trách nhiệm đào tạo cho đến những người sử dụng lao động. Tức là phải có liên minh thật sự có tổ chức giữa nhà trường và những người sử dụng lao động. Và phải lôi kéo họ vào quá trình hoàn thiện các sản phẩm của các nhà trường của chúng ta, cái đó vô cùng quan trọng.

Từ trước đến nay chúng ta mới nói xã hội hóa giáo dục là huy động tiền của xã hội, tức là chúng ta mới xã hội hóa về phương diện tài chính. Chúng ta quên mất rằng xã hội hóa giáo dục còn là nới rộng trách nhiệm của những người tham gia vào cộng đồng giáo dục, mà người tham gia trực tiếp vào cộng đồng giáo dục và đào tạo chính là những người sử dụng nhân lực.

- Ý ông là ai sử dụng mà chê người lao động thì nhà tuyển dụng cũng có vấn đề?

Vấn đề cơ bản là ở nhà tuyển dụng chứ không phải là những người lao động. Xã hội chúng ta đang chết vì những người tuyển dụng chứ không phải là những người lao động.

- Ông đang vẽ ra một bức tranh làm tôi liên tưởng đến nếu các nhà tuyển dụng không đủ năng lực để đánh giá, thì nền kinh tế của Việt Nam có nguy cơ giậm chân tại chỗ và kéo theo nhiều hệ lụy khác?

Không phải giậm chân tại chỗ, mà có nguy cơ tụt hậu một cách rõ ràng bởi chính lực lượng sử dụng ấy. Phải nới rộng trách nhiệm hoàn chỉnh các sản phẩm đào tạo ra đến các lực lượng sử dụng trong xã hội.

- Vậy ai là người làm công tác nới rộng đấy?

Nhà nước và trước hết là Đảng. Tôi có nói ở đâu đó là tổ chức các lực lượng xã hội là nhiệm vụ của chính trị. Những người sử dụng lao động thông thường thì chỉ là một khía cạnh nào đó trong vùng năng lực của một cá nhân, nhưng tạo ra tính hoàn chỉnh của một không gian cá nhân thì phải là chính trị. Nếu chúng ta không có một không gian trọn vẹn của một cá nhân, của một cá thể thì chúng ta không khai thác được, may ra thì chúng ta gặp ở đó một số khía cạnh tích cực. Sử dụng một con người giống như sử dụng cái đèn cù, anh phải biết xoay tất cả các mặt của nó để tìm xem tính tương thích của nó với mình là ở mặt nào.

Con người là một không gian toàn diện, anh không thể thấy người ta không hợp với mình là vứt và kết luận nó không đủ tiêu chuẩn. Đấy là thái độ lếu láo đối với con người. Tôi không bao giờ có khái niệm như thế, tôi không bao giờ có ý nghĩ như thế. Tôi luôn luôn xem con người là một thực thể lớn hơn nhu cầu của mình, toàn diện hơn nhu cầu của mình, sâu sắc hơn nhu cầu của mình, và luôn luôn tự kiểm điểm xem trong câu chuyện này ta có lỗi hay nó có lỗi. Và cần phải có một thái độ như thế đối với các sản phẩm giáo dục thì chúng ta mới hiểu và mới góp ý đúng với nền giáo dục của chúng ta được.

Tôi không tin số liệu thống kê

- Những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu giáo dục đáng kể, như tỉ lệ đến trường ở bậc tiểu học đạt gần 100%, số lượng sinh viên có trình độ ĐH và CĐ cũng tăng nhanh. Nhưng năng suất lao động của người VN năm 2010 mới chỉ bằng ½ Trung Quốc, chưa bằng ½ Thái Lan và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo ông, tại sao lại có tình trạng này? Phải chăng nền giáo dục của Việt Nam không đủ cung cấp cho người lao động kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả?

Tôi không tin lắm những số liệu thống kê như vậy. Tôi cũng không tin những đánh giá như vậy, bởi có những tổ chức cũng quan liêu. Đây là cuộc sống thật, chúng ta không thể đánh giá nó một cách thống kê.

Năng suất không phải là lỗi riêng của người lao động. Người lao động tác nghiệp trên một cái máy mà tuổi công nghệ của nó vào những năm 60 thì tạo ra một loại năng suất khác. Người lao động được làm việc trong những điều kiện có điều hòa nhiệt độ, có vệ sinh đầy đủ thì tạo ra một loại năng suất khác. Người lao động làm trong một môi trường mọi người yêu thương đoàn kết với nhau tạo ra một năng suất khác. Và người lao động trong một môi trường nói xấu lẫn nhau cũng tạo ra năng suất khác. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của các yếu tố xã hội tham gia vào quá trình sản xuất, không chỉ là yếu tố người lao động. Và nếu chúng ta đổ mọi tội vạ về năng suất lên đầu của người lao động thì chúng ta rất có lỗi với con người.

Tôi nói là không thể đánh giá là do chất lượng đào tạo con người mà năng suất lao động thấp. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của toàn bộ các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa tham gia vào quá trình sản xuất.


- Để thành công như ông ngày hôm nay, nếu để định lượng ra thành công của ông thì bao nhiêu phần trăm có được từ nhà trường, và bao nhiêu phần trăm ông quan sát từ phía xã hội?

Tôi mở đầu công việc của tôi là một kỹ sư cầu đường, nhưng tôi làm nghề luật, công ty của tôi là một công ty luật. Công ty luật Việt Nam thời đấy chưa có, công ty luật Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quan hệ quốc tế càng chưa có, nhưng tôi tạo ra những thành tựu khổng lồ so với điều kiện của tôi. Tức là trường của tôi với tư cách là nơi đào tạo các kỹ sư không được hưởng vinh quang gì khi tôi thành công như một luật sư nếu theo quan điểm thống kê, đánh giá thông thường. Nhưng tại sao một nhà trường đạo tạo kỹ sư lại có một sản phẩm xuất sắc về luật học? Là bởi vì họ dạy cho tôi các nguyên lý cơ bản để tôi có thể suy luận như một luật sư, mặc dù họ lại đào tạo tôi trong nền của một kỹ sư. Năng lực suy đoán, năng lực suy tưởng của một con người là sản phẩm không thành văn, không thành tiêu chuẩn của một nhà trường có nền giáo dục tốt, có công nghệ giáo dục tốt.

Còn định lượng nói là 1% hay 100% cũng được. Nếu nhà trường đào tạo tôi ra không phải với tư cách một con người chủ động và có quyền suy luận, có kinh nghiệm về kiểm nghiệm các suy luận thì tôi không có gì cả. Rất nhiều người trên thế giới này học một nghề nhưng thành công ở một nghề hoàn toàn khác. Đấy chính là sự bỏ vào tôi một cách bất ngờ của các thầy giáo của tôi, những phẩm chất mà nghề kỹ sư không đòi hỏi nhưng phẩm chất ấy lại rất tốt cho nghề luật sư chẳng hạn. Cho nên khi tôi nói chuyện ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi có nói với các em là: Nếu chúng ta được đào tạo để tín nhiệm suốt đời các thầy giáo và các cuốn sách của mình thì học tập là một quá trình tự sát.

Người sử dụng lao động phải biết đón lõng

- Vậy nhà trường, xã hội và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ như thế nào để hoàn thiện kỹ năng lao động đáp ứng nhu cầu?

Người sử dụng lao động cũng phải biết đón lõng các năng khiếu, phải biết đón lõng các năng lực và không nhầm lẫn năng lực ấy với những tiêu chuẩn đào tạo nghề thông thường. Ví dụ, một bản nhạc có ba lần sáng tạo. Lần thứ nhất là nhạc sĩ viết ra tổng phổ, lần sáng tạo thứ hai là ông nhạc trưởng và việc xử lý tổng phổ, và việc sáng tạo thứ ba là người nghe. Một sản phẩm nghệ thuật có ba lần sáng tạo trong quá trình tồn tại và lưu chuyển nó trong đời sống. Sáng tạo con người cũng giống như sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật âm nhạc, nó là sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp hay các cơ sở tuyển dụng và xã hội nữa. Xã hội chúng ta chỉ hoan nghênh những kẻ có chứng chỉ, mà quên mất những sáng tạo phi chứng chỉ, xã hội chúng ta chưa phát triển đến mức những người thông thường có thể biết vỗ tay và đánh giá được giá trị của cái vỗ tay của xã hội đối với từng sản phẩm. Cho nên sự kết luận một cách khô khan, một cách vô cảm trước các sản phẩm đào tạo chính là một trong các biện pháp tốt nhất để tiêu diệt nền giáo dục đào tạo này.

- Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đã có nhiều cơ hội để nhân sự Việt Nam ra nước ngoài làm và cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam. Theo đánh giá của ông, nhân sự Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế chưa? Làm thế nào để tăng cường tính cạnh tranh của lao động Việt Nam?

Tôi cho là bây giờ chúng ta cần phải trang bị năng lực cho ngưới sử dụng lao động đã, trên cơ sở những người sử dụng lao động thông thái mà những lực lượng lao động ấy vẫn không dùng được, thì chúng ta mới có quyền kết luận về năng lực của người lao động Việt nam. Tôi rất phân vân khi kết luận về năng lực của người lao động Việt Nam. Kết luận về một số tính chất có chất lượng cộng đồng của người lao động Việt nam thì có thể, chẳng hạn như không mạnh dạn, thiếu tự do, thiếu tầm nhìn... Nhưng kết luận về chất lượng lao động thì tôi không dám nói, bởi vì trước đó chúng ta đã dùng họ đúng đâu mà chúng ta dám kết luận về họ. Tôi thì không phân vân về trường đại học nào cả.

Làm thế nào thì tùy từng người, nhưng để giải quyết tốt sự ngẫu nhiên, chất lượng ngẫu nhiên giữa người lao động và người sử dụng lao động thì chúng ta phải xây dựng thể chế tốt. Xây dựng thể chế tốt thì quản lý lao động tốt, chính sách tốt, ưu đãi tốt. Tức là buộc phải có thể chế đối với con người. Trên nền tảng ấy chúng ta mới nói về chất lượng lao động. Hiện nay chúng ta có rất nhiều lỗi trong tất cả các khâu khác nhau trong quan hệ giữa người với người, đặc biệt là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, đưa ra bất cứ kết luận gì về chất lượng đầu ra của các trường đại học Việt Nam, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đều rất dễ trở thành một kết luận vừa chủ quan, vừa không công bằng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
  • Kiều Oanh (thực hiện)

2012/08/27

Nói và làm: Chưa lên 'đại gia' đã thành con nợ

- Nền kinh tế gặp khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, qua đó mọi người mới nhận thấy DN Việt quá yếu ớt và "dễ vỡ". Vay nợ lớn, đầu tư tràn lan những mong sớm thành tập đoàn hàng đầu, ‘đại gia” nổi tiếng nhưng không ngờ lại sa lầy và trở thành con nợ.

Đầu tháng 8 vừa qua, công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn (Hải Phòng) về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ Công ty Thép Thái Sơn, cũng bị khởi tố cùng tội danh. Nguyên nhân sâu xa là do vay nợ quá nhiều, đầu tư nóng để rồi vỡ nợ.

Từ một đại gia có tiếng trên thị trường sắt thép, nay cả hai cha con ông Thụ vướng vào vòng lao lý. Lâu nay, Thái Sơn được tiếng là “làm ăn đàng hoàng”. Năm 1995, Công ty Thái Sơn được thành lập với lĩnh vực kinh doanh chính là sắt thép phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, Thái Sơn mở rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản… Năm 2011, Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2011, khi tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay lên tới 24%, Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi.

Kể từ đó, số nợ của Công ty Thái Sơn không ngừng tăng lên. Tính đến nay, số nợ là trên 1.300 tỷ đồng, dẫn đến phải lừa đảo để có tiền. Câu chuyện của Thái Sơn là bài học đắt giá với DN phải vay quá nhiều tiền ngân hàng để kinh doanh... 

Đây không phải là một câu chuyện cá biệt. Vì theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, hiện nay, các DN Việt Nam có tỷ lệ nợ vay trên vốn tự có khá cao. Thời gian qua, do kinh tế phát triển nóng, nên mục tiêu là vay được nhiều chứ không phải là vay có hiệu quả. Vay càng nhiều càng tốt, nay phải đối mặt với lãi suất cao dẫn đến bất lợi.

Trên tổng thể, tăng trưởng tín dụng bình quân của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây lên tới 30%. Tỷ lệ tín dụng trên GDP mặc dù đã giảm từ mức 121% trong năm 2010 xuống còn 108% trong năm 2011, nhưng con số này vẫn còn rất cao so với mức 48% trong năm 2003. 


Chính vì thế, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại Việt Nam, đã công bố tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân quý II/2012 của 647 công ty phi tài chính niêm yết cao hàng đầu thế giới, lên tới 1,53 lần.“Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nền kinh tế khác, cả nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi. Ví dụ, các công ty niêm yết tại Mỹ năm 2011 có tỷ lệ 1,2 lần và tại Trung Quốc có tỷ lệ 1,06 lần”, ông Thành nói. 

Báo cáo tài chính của các công ty quý II cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu theo ngành kinh doanh của ngành xây dựng và bất động sản là cao nhất với tổng nợ phải trả gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, lên đến 207%. Các DN niêm yết phi tài chính có tỷ lệ này là 153%, ngành năng lượng là 144%. Thấp nhất là ngành hàng tiêu dùng với 80%.

Tỷ lệ này tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tới hơn 1,73 lần, cao hơn mức bình quân 1,5 lần của các DN niêm yết nói chung. Thậm chí, theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2011, nợ của nhiều DN Nhà nước gấp 3-10 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ trên 10 lần. 

Ông Nguyễn Nam Sơn - thành viên HĐQT, Công ty Chứng khoán Thiên Việt, Giám đốc điều hành Vietnam Capital Partners - cho rằng: “Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các công ty Việt Nam lên tới 120% so với mức trung bình 45% trong khu vực. Đây là chỉ số đáng báo động vì chỉ cần trên 60% là DN đã có rủi ro phá sản nếu thị trường diễn biến xấu”. 

Vay nợ lớn để đầu tư, song đầu tư không hiệu quả, tất cả những điều đó đã đẩy DN và nền kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro vĩ mô, nghiêm trọng nhất là lạm phát và nợ xấu. Chưa hết, việc lệ thuộc vốn ngân hàng quá nhiều và lạm dụng đòn bẩy tài chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi nền kinh tế rơi vào khó khăn và có biến động.

\Thời gian trước đây, kinh doanh dễ dàng, kiếm lợi nhanh nên hình thành ở hầu hết các DN tư duy “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhằm kiếm lời nhanh trước mắt chứ không đầu tư bài bản. Nhiều DN cứ thấy ngành nào “ngon ăn” là đâm bổ vào, chỉ mong “thu hoạch” ngay trong vòng 1-2 năm mà quên đi những rủi ro và các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín, niềm tin của khách hàng.

Theo khảo sát của một hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài cho thấy, trên 98% doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), đây cũng là minh chứng cho căn bệnh “ăn xổi ở thì” của doanh nghiệp Việt Nam. 

Không ít DN vừa ra đời đã đặt mục tiêu trở thành những tập đoàn hàng đầu hay toàn cầu. Chẳng hạn như Công ty Chứng khoán Đông Dương, chỉ với số vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng, nhưng mục tiêu lại đầy tham vọng, muốn sau 10 năm nữa sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu. Tham vọng lớn nhưng không tính đến những yếu tố mang tính dài hạn, đã khiến công ty này có hàng loạt những quyết định kinh doanh theo hướng ngắn hạn, mở rộng các loại hình nghiệp vụ quá khả năng thực có. Và công ty cũng say sưa đầu tư đa lĩnh vực. Thế là, thay vì trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, thì công ty này hiện có 3 năm lỗ liên tiếp. Việc lỗ luỹ kế hơn 30 tỷ chỉ trong 5 năm hoạt động đã ăn gần hết vốn DN.

Tầm nhìn ngắn và tư duy theo số đông là nguyên nhân thất bại của nhiều doanh nghiệp. Việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và thiếu bền vững đã khiến DN dễ dàng rơi vào khủng hoảng khi nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay.

Trần Thủy

2012/08/25

‘Nhân tai’ và... hiện tượng bầu Kiên!

Sống chung với thiên tai đã đành, người Việt giờ còn phải biết sống chung với "nhân tai"- thói vô cảm, vô trách nhiệm, thói tham nhũng, giẫm đạp lên luật pháp vì lợi ích riêng. Đó là thứ... tình khốn khổ, và cũng cay cực làm sao!

Hà Nội và nhiều tỉnh phía bắc vừa bị cơn bão số 5 "chạm" phải. Nói như dân gian là thiên tai. Mới chỉ "chạm" phải, bão số 5 tàn phá hàng ngàn ngôi nhà, hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu hư hỏng. Thậm chí mang tang tóc đến cho nhiều gia đình. Thiên nhiên vĩ đại, kỳ thú và thiên nhiên cũng hung hãn, tàn bạo...

Con số 42 người chết, mất tích và bị thương, đặc biệt trong đó, có 1 người lái xe taxi tại Hà Nội chết ngay trong xe vì bị cây đổ bất ngờ, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ ngơ ngác đã khiến không ít người xót xa.

Nghìn năm và... tử thần?

Nhưng kinh hoàng nhất, tự dưng, trên dự án đường trục phát triển phía Bắc quận Hà Đông đột nhiên... ngoác ra đến hàng trăm mét vuông, như một "nụ cười" vô duyên,  diễu cợt, tàn nhẫn. Đến nỗi, ngay lập tức, "nụ cười" này được gọi đích danh hố tử thần.

Hố tử thần chẳng...hổ danh. Chỉ trong vài giờ, nó đã "nuốt trọn" cả cổng chào lớn làm bằng inox cũng được lắp đặt từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (2010).

Và giống như "điệp khúc", xã hội đã được "xem bằng tai", cuộc đấu bóng... "đá trách nhiệm", đôi co, cãi vã qua lại, của những bên có liên quan, ngay bên bờ hố tử thần. Một bên là Tập đoàn Nam Cường (chủ đầu tư xây dựng đường trụ). Một bên là Công ty Sông Đà Thăng Long (chủ đầu tư khu đô thị Usilk City).

Ông Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường đá trước: Ngoài tác động ngoại cảnh là mưa bão, nguyên nhân góp phần "xây dựng ...hố tử thần", là do Công ty Sông Đà Thăng Long thi công các tòa nhà sát mép đường không đảm bảo an toàn, gây ra sự việc nghiêm trọng này.

Hình ảnh hố tử thần cắt đôi đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Anh Tuấn/ VNN

Lập tức, ông Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà Thăng Long "sút lại", khi cho rằng phát biểu áp đặt như vậy ảnh hưởng tới thương hiệu của công ty, là thiếu căn cứ, vv...và...vv... Dân gian thường triết lý, 3 người đàn bà và 1 con vịt  thành cái chợ. Lầm!

Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nộikhẳng định chất lượng đường không có vấn đề gì. Bởi nếu đường lún thì các rãnh cao su sẽ bong tróc, đứt gãy.

Thế nhưng, ngay lập tức, báo Người lao động (20/8) đã "lột trần" nguyên nhân- đó là chất lượng công trình:

GS. TSKH Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Đại kỹ thuật công trình VN, Trưởng Ban kỹ sư của Tổng hội Xây dựng VN khẳng định, chất lượng công trình có vấn đề. Theo ông Tiến, hầu hết các vụ sụt lún, trượt lở đều do 3 nguyên nhân chính là nền đất, hệ thống thoát nước phía dưới và con người.

...Tác nhân trực tiếp là trận mưa lớn nhưng nguyên nhân sâu xa là do đơn vị tư vấn thiết kế có thể đã không thẩm định, đo kiểm được toàn bộ địa chất cả tuyến đường, quá trình thi công con đường, hoặc các công trình xung quanh xảy ra thiếu sót trong đào đắp nền móng.

Còn TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất, người trực tiếp đến hiện trường, nhận xét: Hố tử thần trên đường Lê Văn Lương kéo dài xuất hiện là do lỗi kỹ thuật trong quá trình thi công, không phải do thiên nhiên như hố sụt dưới lòng đất. Tuy nhiên, lỗi cụ thể như thế nào thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác minh.

Đó là ý kiến của những nhà chuyên môn. Vẫn còn phải đợi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thẩm định độc lập và kết luận chính thức. Cũng như giờ đây, gia đình người lái xe tội nghiệp và Công ty taxi Mai Linh vẫn chờ đợi cái quả bóng "trách nhiệm" có lăn vào lưới của Công ty công viên- cây xanh không?

Nỗi đau xót của xã hội với cái chết oan uống và số phận khổ đau của gia đình người lái xe, rồi có thể qua đi, và vượt qua. Nhưng còn đó, hiện tượng gần 160 cây xanh bị bật gốc chỉ một cơn bão "chạm" nhẹ, phần lớn là xà cừ, muồng..., những loại cây rễ nông, gửi thông điệp gì cho ngành công viên- cây xanh? Hay tư duy trồng cây gì cho Hà Nội của ngành cũng...có rễ nông như vậy?

Không những thế, nhiều gốc cây còn bị tổn thương bởi có nhiều đường ống, dây cáp... "chạy qua bộ rễ" hết sức tùy tiện. Tùy tiện như cách hành xử, như lối làm việc tiểu nông, trở thành vô trách nhiệm, giờ đây phổ biến khắp "cái Chợ" mang tên Hà Nội.

Vô trách nhiệm, tư lợi, vô cảm, giờ đây liệu có phải là.. .dấu ấn "đặc sắc" đáng xấu hổ in lên các công trình nghìn năm và...nghìn tỷ của Thủ đô không?

Không nói đâu xa, con đường kéo dài Lê Văn Lương là một minh chứng cay đắng. Liệu hố tử thần này có phải là "đồng chí đầu tiên bị lộ" trong những "đồng chí sẽ và sắp... bị lộ" chưa?

Khi người ta đọc một vệt bài điều tra về các công trình nghìn năm và thất vọng quá vì những gì đang diễn ra.

Ví như tuyến đường đoạn Cầu Diễn- Nhổn (thuộc quốc lộ 32), chỉ dài 4 km, cũng được UBNDTP Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nhưng 8 năm qua, con đường bò đỏng đảnh với tốc độ...rùa, chả hiểu vì sao. Đến nỗi dân gọi là "con đường đau khổ".

"Con đường đau khổ", rút cục được mệnh danh "con đường lỗi hẹn"- Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé. Bởi con đường này từng lỗi hẹn về sự khánh thành với Đại lễ, rồi lại lỗi hẹn không biết bao lần. Đến giờ, em hẹn tháng 10/2012. Ừ, Bao giờ cho đến... tháng 10 nhỉ?

Ngắn chỉ 4 km như tuyến đường đoạn Cầu Diễn- Nhổn đã vậy. Nhưng dài như Đại lộ Thăng Long (đường cao tốc Láng- Hòa Lạc), gần 30 km, có tổng đầu tư hơn 7500 tỷ đồng, từng được mệnh danh "con đường đẹp nhất VN", mới sau 2 năm cắt băng khánh thành đã rệu rã tuổi... xế chiều. Con đường đẹp nhất VN, giờ thành con đường "vô duyên" .

Ví như Công viên Hòa Bình (Hà Nội), với mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, nhưng tuổi "thụ nghề" xem chừng yểu quá. Chỉ sau 2 năm cắt băng khánh thành, rất nhanh, Công viên Hòa Bình trở thành công viên... bất an. Bởi sự xuống cấp rệu rã, nhếch nhác đã đành, nơi đây còn luôn là bãi đáp của tệ nạn xã hội. Rút cục, công viên lại đìu hiu chợ chiều, vì người tử tế rất ngại đến.

Công trình kỷ niệm nghìn năm, nhưng "hồn vía" được ...mấy năm?

Cây xanh đổ đè phải chiếc xe taxi khiến tài xế thiệt mạng trong ngày mưa giông 17/8 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải/ VNN
Bầu Kiên và... "nhân tai"

Một vụ việc mới xảy ra, để lại cho dư luận nhiều...dư chấn.

Đó là thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, báo chí gọi tắt là bầu Kiên, còn xã hội gọi Bố già (tên 1 bộ phim hình sự, xoay quanh cuộc đời của gia đình mafia gốc Italia Corleone), vừa bị cơ quan công an bắt giam vào chiếu tối 20/8, để điều tra về hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. Dấu hiệu phạm tội rõ nhất là "kinh doanh trái phép" trong việc sử dụng 3 công ty con ông này thành lập.

Vừa đúng 49, tuổi vận hạn, theo cách nói của dân gian. Diện mạo khá trẻ, nhưng tóc ông bầu này đã bạc trắng, gương mặt vừa thâm trầm, vừa đa mưu túc kế, vừa khó nắm bắt thần thái, cái biệt danh Bố già, cũng đã nói phần nào tính cách, quyền lực ngầm của ông này trong cả lĩnh vực thể thao kiêm tài chính- ngân hàng.

Trong làng bóng đá, bầu Kiên là Phó Chủ tịch Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội. Người đời còn chưa quên vụ ông ta bất ngờ "cướp diễn đàn", nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của Ban Tổ chức V-League, của đội ngũ trọng tài, giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn. Và giờ đây, vụ ông ta bị bắt còn "nổi" hơn...

Tin về bầu Kiên lập tức trở thành tin hot nhất, luôn nằm ở cột đọc nhiều nhất của tất cả các trang báo.

Bầu Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên
Từng học ĐH Kỹ thuật quân sự trong nước, tu nghiệp ở nước ngoài, làm việc trong ngành dệt may, rồi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Ngay khi còn rất trẻ, mới 30 tuổi, bầu Kiên đã trở thành Phó CT Hội đồng sáng lập cuả Ngân hàng Á Châu (ACB), 1 trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất VN. Đồng thời làm CT của hàng loạt công ty thời trang, nhựa đường, thể thao và cả liên doanh KFC.

Năm 2010, trong danh sách 100 người giàu nhất VN, với số cổ phiếu ACB có trong tay, gia đình bầu Kiên đạt tới giá trị khoảng 2000 tỷ đồng.

Từng đó trích ngang lí lịch, phải nói, ở góc độ 1 nam nhi, bầu Kiên thật tài, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng, bậc tiên hiền Nguyễn Du đã từng cảnh báo, chữ tài liền với chữ tai một vần, nếu tài năng đó không dựa trên những phương cách làm ăn chính trực, tuân thủ luật pháp.

Ở đây, như Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận trong phiên trả lời chất vấn. Rằng tuy ông Kiên nguyên là Phó CT Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), song cơ chế Hội đồng sáng lập này lại không có trong bất cứ văn bản pháp luật nào.

Bởi theo luật, các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ có HĐQT và ban Điều hành.

Chỉ có điều, Ngân hàng Nhà nước đã để một cơ chế không có trong luật tồn tại lâu như vậy, mà không xử lý. Đến giờ, hóa mù ra mưa...

Bình tâm suy ngẫm, hiện tượng bầu Kiên và vụ việc bầu Kiên bị bắt chỉ là hiện tượng đương nhiên của 1 xã hội đang phát triển kinh tế thị trường. Cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu nhiều khi chen lẫn, trong khi luật pháp lại sơ hở, khiếm khuyết, chưa hoàn thiện, dễ bị những kẻ thông minh và láu cá qua mặt, lợi dụng.

Nhưng cũng vì thế, di họa sẽ xảy ra trong 1 thế giới phẳng, khi mà mọi thông tin từ sạch sẽ, sáng sủa, đến bẩn thỉu, mờ ám đều có thể tung lên mạng. Con người ta phải chịu trách nhiệm về hành vi, phẩm hạnh của mình. Nhân nào- quả nấy. Cái được xen lẫn cái mất. Có điều, cái Mất (thanh danh), mất quyền công dân, có khi không thể bù lại cái Được.

Vụ việc bầu Kiên bị bắt, vô tình làm che khuất đi nỗi nhức nhối của thứ "nhân tai" khác: tham nhũng.

Trong báo cáo các nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 10 của ỦBTV Quốc hội của Thanh tra Chính phủ đã nhận định "Tham nhũng vẫn là thách thức lớn với Đảng".

Một trong những thách thức lớn đó là chưa xóa bỏ được cơ chế "xin- cho", điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng...

Còn trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Mão thẳng thắn: Ngay bản thân Luật PCTN cũng quy định phải kê khai, minh bạch tài sản. Nhưng ai kiểm tra, ai giám sát, mức độ trung thực của việc kê khai đến đâu thì lại chưa làm rõ.

Phần lớn kê khai thì ít hơn cái thực có, hơn nữa lại chưa có bước điều tra, xem xét xem tài sản đó có từ đâu ra mà chỉ là liệt kê đơn thuần. Do vậy, nhiều tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng chưa được làm rõ.

Sống chung với thiên tai đã đành, người Việt giờ lại phải sống chung với "nhân tai"- thói vô cảm, vô trách nhiệm, thói tham nhũng, giẫm đạp lên pháp luật vì lợi ích riêng.

Đó là thứ... tình khốn khổ, và cũng cay cực làm sao!


2012/08/21

Rút khỏi BĐS càng nhanh càng tốt

 - Cách phục hồi duy nhất của doanh nghiệp chính là việc thu gọn mô hình đầu tư; đặc biệt, rút chân ra khỏi bất động sản càng nhanh càng tốt.



Hầu như mọi nguồn lực đều tập trung giải cứu hệ thống doanh nghiệp đang suy kiệt. Tuy nhiên, hướng phát triển không phù hợp trong suốt thời gian qua đã tạo nên căn bệnh thập kỷ trong nội tại mỗi doanh nghiệp. Tại hội nghị đầu tư thường niên năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế đã tập trung chuẩn bệnh và đại phẫu căn bệnh này của doanh nghiệp.

Suy yếu vì đa ngành

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, "đầu tư đa ngành không phải là một ý tưởng tồi vì nó cũng mang lại nhiều lợi ích như đắp đổi chi phí tài chính. Tuy nhiên, rủi ro về phí thị trường là điều khó tránh khỏi, nhưng cách vận hành yếu kém của mỗi doanh nghiệp mới là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Mỗi khi thất bại thì chuyện vực dậy không phải đơn giản là ngày một ngày hai".

Trên thực tế, đã có những thất bại do "nhiễm virus đa ngành" không phải là ít. Theo phân tích chủ yếu các công ty đầu tư cơ hội, không dựa trên các năng lực cốt lõi đều thất bại. Chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp thường không rõ ràng, nhất là chiến lược dài hạn. Chiến lược tài chính cũng không được coi trọng, quá phụ thuộc vào các đòn bẩy tài chính nên hầu hét không thể sống sót qua khủng hoảng khi ngân hàng siết chặt cho vay.

Trong khi đó, kênh tiếp cận vốn quốc tế dường như vẫn là cách tiếp cận quá sức. Trước tình hình đầu tư trái ngành đang lan rộng, đặc biệt là cơn say bất động đang còn ở đỉnh điểm, thì những lo ngại về những cuộc sụp đổ là hoàn toàn có cơ sở.

Thậm chí, ông Nguyễn Nam Sơn, thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt, còn khẳng định: "Trong vòng 2 năm tới, có khoảng 90% công ty chứng khoán sẽ phải đóng cửa, chỉ có 5-7 công ty tồn tại lâu dài. Cũng trong khoảng thời gian đó, đa số công ty bất động sản sẽ phá sản, những công ty sống sót được là những đơn vị nhanh chân sáp nhập để tăng quy mô và giá trị cốt lõi".

Rút lui khỏi bất động sản đang là cách lựa chọn của nhiều DN để đảm bảo cơ cấu tài chính (ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản sụp đổ cũng là hệ quả tất yếu bởi nguồn cung quá lớn trong khi khả năng hấp thụ của thị trường quá yếu. Theo số liệu của Nielsen, số lượng căn hộ ở TP.HCM tăng từ 22.000 căn năm 2005 lên đến 80.000 căn vào năm 2012 (gấp 4 lần). Song, nếu năm 2005, tỷ lệ trống chỉ dưới 10% thì hiện tại có tới 17% số lượng căn hộ chưa bán được.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho hay: "Thời gian cũng chính là tác nhân chính làm cho các doanh nghiệp có thể suy kiệt. Giả sử biên lợi nhuận ròng là 30%, nếu giá thị trường duy trì mức ổn định thì dự án sẽ bị lỗ nếu sau 2 năm mới bán được. Trong trường hợp giá vẫn tiếp tục giảm thì thời gian có thể còn rút ngắn hơn là khoảng 1 năm vẫn bán được thì doanh nghiệp đã bắt đầu lỗ".

Việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay chính là điểm yếu tài chính của các công ty Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích, tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp Việt Nam là quá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Trong đó, nhóm doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang ở trong tình trạng báo động với tỷ lệ 207%. Nguy cơ sụp đổ dây chuyền là rất dễ xảy ra.

Quay đầu là bờ

Giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp đã không còn đủ khi đầu tư đa ngành trong khủng hoảng. Rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thu gọn, rút lui khỏi thị trường bất động sản để bảo toàn năng lượng cũng như tập trung trở về với giá trị kinh doanh cốt lõi.

Một minh chứng cụ thể là tập đoàn Hoa Sen, bên cạnh lĩnh vực logistics, bất động sản là mảng hứa hẹn sẽ gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho tập đoàn. Song, từ cuối năm 2011, tập đoàn này đã thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh. Hoa Sen quyết định rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Tập đoàn sẽ chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics (dự án cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept).

Theo ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản trước đây xuất phát từ dự báo triển vọng khả quan về thị trường này, nhưng diễn biến từ năm ngoái đến nay cho thấy bất động sản không được khả quan như dự tính ban đầu. Vì thế, tập đoàn quyết định rút lui.

Cũng như Hoa Sen, Sacom từng khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trong kế hoạch kinh doanh 2012, HĐQT Sacom đã dự tính chuyển nhượng khu đất tại 475/1 Điện Biên Phủ, TP.HCM và nhất trí giao cho ban điều hành thực hiện và báo cáo kết quả chuyển nhượng.

Do vốn đầu tư các dự án bất động sản chủ yếu đến từ nguồn vốn thặng dư (tức ít chịu áp lực lãi vay) nên năm 2011, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Sacom chỉ là 10%. Trong khi đó, việc chuyển nhượng dự án trong lúc này không hề dễ dàng và khó có được giá tốt. Điều đó cho thấy việc muốn chuyển nhượng dự án tại đường Điện Biên Phủ có thể do công ty đã quá ngán ngẩm với bất động sản.

Ông Dominic Price, Tổng giám đốc J.P.Morgan Việt Nam, cho rằng, cách phục hồi duy nhất của doanh nghiệp chính là việc thu gọn mô hình đầu tư; đặc biệt, rút chân ra khỏi bất động sản càng nhanh càng tốt. Về mặt tài chính, cách tốt nhất là các doanh nghiệp nên lựa chọn đường đi phù hợp trong xu thế thoái nợ. Ngoài ra cân nhắc về việc sáp nhập đẻ tăng quy mô, đó chính là lợi thế để tiếp cận vốn quốc tế, đó chính là liều thuốc có thể sẽ giúp các doanh nghiệp đứng vững. Đây chính là phương thuốc chữa lành cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.

Nam Phong
Nguồn: VEF.vn

2012/08/20

Tháng 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ

Tháng 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ
Chân dung Võ Nguyên Giáp trên bìa tạp chí Time ngày 15-5-1972.

Bằng những phẩm chất thiên tài của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của nhân dân, đã làm mọi người nhắc đến tên mình và địa danh đó.

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình của mình Giáp, một sự đánh giá (1992) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

Bậc thầy về cách đánh

Tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam từ lịch sử là lấy nhỏ đánh lớn, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), lấy yếu chống mạnh, “lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, dĩ nhu xử cương... Đó là cách đánh sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn mạnh. Đó là nghệ thuật giành thế chủ động, kiên quyết tiến công nhưng không phiêu lưu mạo hiểm mà biết kết hợp bảo toàn lực lượng để tiết kiệm sức quân, tiết kiệm sức dân, bảo đảm kháng chiến lâu dài... Đây cũng là những nét văn hóa quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX nhưng đã có cơ sở từ bề dày ngàn năm giành và giữ nền độc lập của các thế hệ cha ông. Đó cũng là cách “cầm quân” của Võ Nguyên Giáp.

Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.

Chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân

Khi xác định đường lối xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong khởi nghĩa vũ trang cũng như trong chiến tranh cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng khởi nghĩa vũ trang là khởi nghĩa toàn dân “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” (1); chiến tranh cách mạng là chiến tranh nhân dân “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân” (2); quân đội ta là quân đội nhân dân, gắn bó với nhân dân. Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của cha ông về xây dựng lực lượng quân đội thời phong kiến: có quân triều đình, quân các lộ, các đạo hương binh, dân binh... Lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Khi coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực “vẫn cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương” - coi đây “là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”(3). Tinh thần yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, cứu nước gắn liền với cứu dân trong công cuộc giải phóng dân tộc, đã làm cho sức mạnh quân đội nhân dân Việt Nam được nhân lên gấp bội. Sức mạnh quân đội cũng là sức mạnh của toàn dân. Sức mạnh của lực lượng vũ trang là sức mạnh của ba thứ quân kết hợp với sức mạnh toàn dân đã tạo thành sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là người lãnh đạo trực tiếp và làm nên thành công cho sự nghiệp xây dựng một quân đội nhân dân Việt Nam theo những tư tưởng lớn đó.

Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy của vị tổng tư lệnh nổi tiếng của quân đội nhân dân Việt Nam, đã nhận xét rằng: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đã tiến hành chiến đấu chống kẻ thù trong thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu không có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại quân Nhật, quân đội Pháp, quân đội Mỹ… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân” (4).


Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 
“Văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn”

Ông đến với các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào bằng tình cảm của một người thân thiết. Ông là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Với gần 100 tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân… Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Có câu chuyện kể rằng khi một học giả nước ngoài nêu câu hỏi: “Tại sao một nhà giáo về sử học, về luật pháp, được Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào lại là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Câu hỏi này xin hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Câu trả lời đó đã nói lên nhiều điều nhưng lại làm nảy sinh thêm một câu hỏi: Tại sao Bác Hồ khi lựa chọn một “võ tướng”, lại giao trách nhiệm “cầm quân” cho một nhà sử học, một nhà văn hóa. Câu trả lời còn bỏ ngỏ, song lịch sử đã cho thấy rằng sự lựa chọn của Bác là hoàn toàn xác đáng.

Võ Nguyên Giáp - tướng Giáp, anh Văn - như mọi người quý trọng và thân thiết gọi ông - chính là người thực hiện trực tiếp và xuất sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, phát huy tài thao lược, cách đánh giặc của dân tộc trong thời đại mới, góp phần quan trọng phát triển hoàn thiện một Học thuyết quân sự Việt Nam - một phần đáng tự hào trong di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Truyền thống đánh giặc của dân tộc, truyền thống thao lược và nhân văn, được Võ Nguyên Giáp làm tỏa sáng đã làm nên sức mạnh to lớn dẫn dắt quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng trong thế kỷ XX rực lửa. Ông là người chỉ huy văn võ song toàn, là một tổng tư lệnh đức tài trọn vẹn.


Một thống soái quân sự lớn

G. Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Tướng Mỹ Westmoreland thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”. 




(Theo Pháp luật Tp.HCM)
Nguồn:  Sưu tầm

Hãy để những kế hoạch của bạn đến đích


Những dự định, những kế hoạch tuyệt vời và hoàn hảo luôn được vạch ra để chúng ta hướng tới một tương lai tốt hơn. Dự định tập thể dục đều đặn. Dự định ăn kiêng. Dự định phấn đấu trong công việc. Dự định bỏ thuốc lá… Tuy nhiên, thông thường thì những quyết tâm ban đầu sẽ dần lu mờ sau vài ngày hoặc vài tuần đầu.
Những dự định tốt đẹp ban đầu này thường không vững vàng được lâu. Có vô vàn lý do khiến chúng ta không thể thực hiện được những kế hoạch đã đề ra này mặc dù bản thân cũng hiểu được rằng đó là những điều tốt và có ích cho chính chúng ta.
hay-de-nhung-ke-hoach-cua-ban-den-dich
Đã bao lần bạn đặt mục tiêu dậy sớm chạy bộ và kế hoạch gói gọn trong một tuần? Đã bao lần việc ăn kiêng bắt đầu vào Chủ Nhật và kết thúc ngay vào thứ 3? Đã bao lần vừa quyết tâm bỏ thuốc lá được vài ngày bạn đã lại mua một bao Vina mới? Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một vài cách bạn có thể khiến đầu óc thoải mái hơn khi thực hiện những kế hoạch đã định sẵn. Hãy biến dự định của bạn trở thành hiện thực.
1. Đừng cố quá
Hầu hết mọi người khi cố gắng thay đổi cuộc sống của mình thường lập ra bảng danh sách dài những điều cần thực hiện trong tương lai: giảm cân, rèn luyện sức khỏe, kiếm người yêu, kiếm một việc làm tốt….Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường được nghe: “Cố quá thành quá cố”.
Ai cũng rõ rằng những mục tiều đề ra là hoàn hảo, là tốt đẹp, tuy nhiên, việc đột ngột thay đổi hoàn toàn lối sống để có thể đạt hàng loạt mục tiêu một lúc này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho chúng ta khi thực hiện. Điều này có thể gây ra rất nhiều cản trở, khiến cho mỗi mục tiêu có vẻ như càng xa rời trước mắt chúng ta, thậm chí những mục tiêu này bị đẩy đi quá xa cái đích cần đến. Một cơ thể, trí não mệt mỏi vì quá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc thì không thể nào làm tốt công việc được.
Thay vì việc cố gắng trở thành một con bạch tuộc với 8 cái xúc tu có thể làm 8 nhiệm vụ khác nhau, hãy bình tĩnh suy nghĩ để có thể thực hiện kế hoạch như một con người. Một con người chỉ có 2 cánh tay, bạn cũng chỉ nên chọn nhiều nhất là 2 mục tiêu vào cùng một thời điểm để bắt đầu thực hiện kế hoạch đã lập. Đừng quá tham lam, tập trung và kiên nhẫn sẽ giúp bạn đến với thành công.
hay-de-nhung-ke-hoach-cua-ban-den-dich
2. Trách nhiệm
Những kế hoạch của bạn thường do bạn tự lập ra một mình và tự thực hiện theo ý muốn của bạn. Việc này cũng giống như khi chúng ta chơi những môn thể thao trên đường phố, chúng ta không có trọng tài, do đó, không ai có thể kiểm soát hết được những gì đang diễn ra, bạn có thể phạm luật mà không ai phân định nổi đúng sai. Việc ăn gian một cái bánh khi đang trong quá trình ăn kiêng giảm cân, bỏ một buổi chạy hay hút một điếu thuốc thay vì hút cả bao sẽ được dễ dãi bỏ qua. “Dù sao cũng không ai kiểm tra mà. Có phạm lỗi một chút cũng chẳng sao” – Đó sẽ là những gì bạn tự nói với bản thân khi phá vỡ mất kế hoạch đã lập ra.
hay-de-nhung-ke-hoach-cua-ban-den-dich
Trách nhiệm với chính bản thân là nguồn lực lớn nhất để giữ bạn bám chặt với kế hoạch đã lập ra. Tuy nhiên, thực sự rất khó có thể tuân theo một lịch trình mới lập ra. Để có thể củng cố quyết tâm của bản thân, hãy khiến cho kế hoạch của mình có liên quan đến một người thứ 2 hoặc ít nhất hãy cho một người thứ 2 biết về kế hoạch của bạn. Người thứ 2 này có thể là người có cùng mục tiêu, dự định giống với bạn. Nếu muốn có trách nhiệm hơn ư? Hãy thử đưa những kế hoạch của bạn public lên facebook chẳng hạn, việc sợ bị người khác cười chê có thể là nguồn lực cực lớn giúp bạn hướng tới đích.
3. Bám sát kế hoạch
Luôn ghi lại tiến độ của những việc bạn đang làm có 2 ích lợi: thứ nhất là giúp bạn xem xem bản thân đã tiến xa đến đâu, thứ hai là có thể luôn nhắc nhở bạn không đi lạc khỏi hướng tới đích bạn đã lập ra.
Hãy lấy ví dụ khi bạn giảm cân, việc ghi lại nhật ký về khẩu phần thừa bạn vừa ăn có thể giúp bạn cảm thấy có lỗi với chính bản thân và tránh tái phạm lần sau.
hay-de-nhung-ke-hoach-cua-ban-den-dich
Có rất nhiều cách để bạn có thể nhắc nhở bản thân, giúp cho chính bạn bám sát kế hoạch đã vạch ra. Bạn có thể sử dụng nhật ký, giấy nhắc nhở, đánh dấu vào lịch…Hãy chọn phương pháp bạn cảm thấy thoải mái, dễ sử dụng nhất để ghi lại bất cứ thứ gì dù nhỏ nhặt nhất có liên quan đến kế hoạch của bạn. Hãy luôn nhắc nhở bản thân về kế hoạch bạn đang thực hiện.
4. Luôn nhớ về kết quả
Đôi khi, thật khó để có thể ép bản thân đi trên con đường chông gai đã được vạch sẵn ra, đặc biệt là đối với những kế hoạch dài kỳ như giảm cân hay leo lên nấc thang cao hơn trong công việc. Khi thực hiện những kế hoạch này, bạn thường có cảm giác đã làm rất nhiều điều, cố gắng rất nhiều nhưng lại không thấy phần thưởng nào trong tầm tay cả. Điều này thường khiến bạn nản trí?
hay-de-nhung-ke-hoach-cua-ban-den-dich
Hãy luôn tập trung về kết quả to lớn mà bạn đang hướng đến, hãy nghĩ đến những gì bạn sẽ đạt được trong tương lai, điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc củng cố quyết tâm của bạn trên con đường đến đích. Nếu như điều này vẫn không có tác dụng? Vậy hãy thử nhớ rằng: “Hạnh phúc là con đường chúng ta đi, không phải là một đích đến”. Hãy cố gắng biến con đường chông gai trở thành những thói quen, những sở thích, hãy gắn chặt cuộc sống của bạn với những gì bạn đang quyết tâm thực hiện.
5. Được ăn cả, ngã về không?
Đây là điều bạn tuyệt đối không được nghĩ tới. Ý nghĩ này cũng là một trong những nguyên nhân phá hỏng rất nhiều kế hoạch mà chúng ta lập ra. Lỡ ăn quá đà một ngày ư? Dừng ăn kiêng thôi. Lỡ ngủ quên không đi tập thể dục một ngày ư? Dừng kế hoạch rèn luyện sức khỏe thôi…Ngay khi bạn khiến kế hoạch bị sai lệch, ý nghĩ này khiến bạn quyết định bỏ dở kế hoạch đã được lập sẵn.
Tuy nhiên, một vết trượt nhỏ không thể phá hỏng cả kế hoạch của bạn được, trừ khi bạn liên tục để những vết trượt nhỏ xuất hiện trong bảng kế hoạch của chính mình. Thay vì thực hiện được một kế hoạch hoàn hảo, hãy nhắm đến việc thành công khoảng 80% trước đã, vấn đề là bạn phải cố gắng thực hiện những gì đề ra, 20% còn lại không ảnh hưởng gì nhiều đến những gì bạn hướng tới. Có lẽ kế hoạch sai lệch sẽ khiến bạn đi trệch đích một chút, nhưng ít ra bạn đã tiến gần đến vạch đích hơn rất nhiều so với việc bạn để dự định của mình dang dở.
hay-de-nhung-ke-hoach-cua-ban-den-dich
Tham khảo: LifeHacker

2012/08/04

10 lý do bạn chưa được làm sếp

(Dân trí) - Bạn đã cống hiến cho công ty một thời gian và đạt được một số thành tích nhất định. Tuy nhiên, bạn vẫn chưa được thăng chức. Lý do có thể là:

Cách ăn mặc của bạn thiếu chuyên nghiệp
Cách ăn mặc của bạn thiếu chuyên nghiệp
Điều này có vẻ vô lý và thiếu công bằng nhưng sự thật vẻ ngoài có vai trò rất quan trọng. Bạn có thể không quan tâm tới cách ăn mặc nhưng nó ảnh hưởng tới cách mọi người đánh giá bạn và những cơ hội bạn nhận được.
Bạn không biết cách quản lý thời gian
Sếp không chỉ quản lý thời gian của mình mà còn phải theo dõi tiến độ làm việc của những người khác. Nếu bạn không thể sắp xếp công việc của chính mình, cấp trên sẽ không thể tin tưởng giao việc giám sát công việc của cả nhóm cho bạn.
Bạn không xử lý tốt những cuộc đối thoại khó
Người quản lý sẽ phải thường xuyên đối mặt với những cuộc nói chuyện khó khăn với khách hàng, đối tác hay nhân viên. Nếu bạn ngại ngùng, lảng tráng những cuộc đối thoại này hay ngược lại, bạn quá nóng tính, tỏ ra hiếu chiến, bạn sẽ không được nhìn nhận như một người quản lý tiềm năng.
Bạn hay “buôn chuyện”
Sếp phải là người khách quan, không thiên vị. Nếu bạn thường xuyên “buôn chuyện” hay tham gia “bè phái” trong công ty, thật khó để mọi người tin tưởng vào khả năng đánh giá công tâm của bạn và chấp nhận để bạn làm sếp.
Bạn không biết cách ưu tiên hóa công việc
Với hàng tá nhiệm vụ phải thực hiện hàng ngày, người quản lý phải biết xác định công việc nào quan trọng nhất và tập trung vào nó mà không bị xao nhãng. Khi chưa biết cách ưu tiên hóa công việc hàng ngày của mình, bạn vẫn chưa sẵn sàng để trở thành sếp.
Bạn đặt mình cao hơn người khác
Không ai muốn đề cử người luôn coi phòng mình là nhất, xứng đáng được hưởng ngân sách cao hơn, nhiều nhân viên hơn các phòng bạn khác và hay phô trương quyền lực làm quản lý.
Bạn không biết cách kiểm soát mối quan hệ với sếp
Sếp có vai trò quan trọng quyết định khả năng thăng tiến của bạn. Nếu hiện tại bạn không biết cách quản lý mối quan hệ với sếp như không giao tiếp, làm việc theo phòng cách ưu thích của sếp, không đáp ứng kỳ vọng của sếp, nó sẽ khiến bạn khó được thăng chức.
Bạn hay phàn nàn
Người quản lý phải là người chín chắn và hiểu rằng những chính sách dù không làm hài lòng một số người vẫn phải được áp dụng vì lợi ích chung. Họ cũng cần sự quyết đoán, hành động để đưa ra giải pháp đúng đắn thay vì kêu ca, phàn nàn với người khác.
Bạn chỉ hoàn thành đúng trách nhiệm của mình
Chất lượng công việc chỉ đúng như yêu cầu vẫn chưa đủ để bạn được thăng chức. Vị trí cao hơn cần người đáp ứng vượt chỉ tiêu, kỳ vọng và luôn nỗ lực để vượt qua chính mình.
Bạn quá khiêm tốn
Khiêm tốn tới mức không ai biết hoặc nhớ tới bạn đã làm việc xuất sắc ra sao cũng không phải là điều tốt. Bạn không nên ngại ngùng chia sẻ thành tích của mình với sếp, dù đó là lời nhận xét tốt từ khách hàng hay cách giải quyết vấn đề kịp thời trước khi tình huống trở nên trầm trọng hơn.
Vũ Vũ
Theo Usnews
Nguồn: Dân trí