2012/10/01

Nghề lập trình và sự thật ít người biết tới.

Lập trình là một công việc như thế nào? Có phải lập trình viên là những người tối ngày ngồi trước màn hình máy tính? Cứ code giỏi thì sản phẩm sẽ tốt? …

Lập trình là một lĩnh vực mà nếu không phải trong nghề thì thật khó thấu hiểu những nỗi “trần ai” trong đó. Sau đây, kĩ sư công nghệ thông tin David Veksler – chủ trang blog The Rational Mind - sẽ chia sẻ cho chúng ta những sự thật ít ai biết về nghề IT – nghề lập trình:

- Chỉ 10-20% thời gian của toàn bộ dự án được các lập trình viên sử dụng để viết code, và bất kể trình độ, mỗi ngày 1 lập trình viên chỉ viết trung bình từ 10-20 dòng code. Sự khác biệt giữa tay chuyên và gà mờ đó là tay chuyên thì dành 90% thời gian để suy luận, tìm tòi và thử nghiệm các phương án tối ưu nhất cho mình; còn những gà mờ thì dành 90% thời gian để debug, thay đổi vài chỗ trong code, lại debug và mong đến một lúc nào đó chương trình sẽ hoạt động.

- Một lập trình viên tốt cho năng suất gấp 10 một lập trình viên tầm tầm. Một lập trình viên giỏi có thể còn hơn nữa, 20 cho đến 100 lần tùy hoàn cảnh. Đây là một sự thật không hề “gió” và đã được khoa học chứng minh từ tận những năm 60. Còn một lập trình viên tồi thì chung quy hiệu suất bằng không – chẳng làm nên chuyện gì, ngược lại vẽ ra nhiều vấn đề rối tinh rối mù cho người khác phải bận tâm sửa hộ.“Một công nhân có kĩ thuật tiện cao siêu có thể giá trị gấp vài lần một công nhân với kĩ thuật trung bình. Nhưng một lập trình viên giỏi thì có giá trị gấp 10,000 lần một lập trình viên với trình độ trung bình.” – Bill Gates

- Các lập trình viên giỏi thường không dành nhiều thời gian để code, trái lại những người code liên tục từ lúc này sang lúc khác lại là những người lười biếng, vô tâm, kiêu ngạo và ít chịu tìm tòi nhất. Người lập trình tốt là người biết vận dụng linh hoạt mọi giải pháp mình từng vận dụng qua cho mọi vấn đề họ gặp phải; người lập trình tồi là người viết nên những đoạn code dài dòng, rắc rối, bố cục lung tung và khó để chỉnh sửa. Thực ra quẳng hết mớ code hỏng ra ngoài và bắt đầu lại từ đầu lại là một lựa chọn hữu ích hơn ngồi ì ạch sửa từng chút một.

- Định luật entropy bao hàm mọi vật – entropy là một hàm biểu thị mức độ hỗn loạn của một sự kiện diễn ra trong vô số các khả năng ngẫu nhiên có thể diễn ra. Trong lập trình, thay đổi liên tục sẽ dẫn đến phá vỡ mô hình nguyên bản của thiết kế, dẫn đến sự suy giảm giá trị phần mềm (software rot). Dẫu biết điều này là không thể tránh khỏi, song các lập trình viên không nắm bắt được hình mẫu sơ khai của dự án và biết cách biến nó thành hiện thực sẽ tạo ra những phần mềm thất bại đến nỗi giá trị đã tiêu hao sạch sẽ kể cả trước khi dự án hoàn thành, và đây thường là lý do phổ biến nhất tạo nên các phần mềm thất bại (Lí do phổ biến thứ nhì là tạo ra những giá trị mà khách hàng không cần đến).

- Trong năm 1994, 31% các dự án phần mềm sẽ thất bại “sặc gạch” từ đầu đến chân. Con số này đến năm 2004 thì đã được cải thiện, chỉ còn 15%, song 51% các dự án thì bị thất bại trên phương diện trí mạng của mình.

- Mặc dù hầu hết các phần mềm đều được xây dựng bởi các đội ngũ chứ không riêng gì ai, nhưng đó cũng không phải là một hoạt động mang tính dân chủ. Thường thì chỉ có một người duy nhất chịu trách nhiệm về thiết kế, còn lại cả đội nghĩ cách lấp đầy cách khoảng trống xuất hiện. Kết cấu này giống với một tổ ong hay kiến nhiều hơn.

- Lập trình là việc của những người chăm chỉ, trong đó, đặc biệt là bộ não sẽ phải hoạt động điên cuồng. Những lập trình viên tốt nghĩ về công việc của mình 24/7. Họ viết ra những dòng code tuyệt vời nhất trong bồn tắm hay những giấc mơ. Tại sao? Bởi hầu hết các công việc quan trọng đều không được hoàn thành tại chính nơi làm việc của nó, bản thân Einstein cũng đã tháo gỡ nút thắt trong thuyết tương đối của mình trong mơ. Làm phần mềm không phải đơn giản chỉ cần dành nhiều thời gian làm việc hay thêm người vào là có thể hoàn thành

Theo Westart/The Rational Mind
Thực hiện bài: Đức Anh 
Nguồn: Blog Công Nghệ

Không có nhận xét nào: