Tránh rủi ro liên quan tranh đến chấp chủ quyền, nhiều DN Nhật Bản tại Trung Quốc đang hướng cái nhìn sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam lại gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp quan trọng.
Những ngày qua, một số tập đoàn lớn của Nhật trong lĩnh vực xe hơi, điện tử như Toyota, Honda, Nissan, Panasonic... đã đóng cửa một phần hoặc toàn bộ các nhà máy tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, do các cơ quan của Trung Quốc, đặc biệt là hải quan, dường như đang tìm cách gây khó dễ nên nhiều DN Nhật Bản cho rằng cần phải khẩn trương tìm kiếm cơ hội ở nơi khác, không nên bỏ tất cả "trứng vào một giỏ".
Trung Quốc vẫn sẽ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản, nhưng các DN Nhật Bản chắc chắn sẽ hướng mắt về các nước khác, nhất là khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia cho biết. Đây được coi là cơ hội tốt để các nước này thu hút đầu tư.
Khó "dụ" ngành công nghệ cao
Việt Nam là quốc gia được nhiều DN Nhật Bản quan tâm tới, tuy nhiên cũng giống như khi xảy ra thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản hay lũ lụt tại Thái Lan trước đây, thì cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam được cho là không cao, nhất là đối với 2 ngành công nghiệp ôtô và điện tử.
Ông David Horlock, Giám đốc Chương trình đánh giá của Tâp đoàn Intertek (một tập đoàn chuyên về tư vấn đầu tư, đánh giá, thẩm định của Anh quốc), trả lời phỏng vấn báo VietNamNet mới đây, cho biết, không nói tới rủi ro từ tranh chấp lãnh thổ, tại Trung Quốc thời gian qua giá nhân công, chi phí thuê mặt bằng, lạm phát... tăng cao, dẫn đến lợi nhuận của các nhà đầu tư, khách hàng giảm mạnh. Nếu trước đây, lợi nhuận của các DN đầu tư tại khu vực miền Nam Trung Quốc ở mức 25% thì nay giảm xuống chỉ còn 5%. Điều này khiến cho nhà đầu tư tìm hướng chuyển nhà máy đến các khu vực mới có chi phí thấp hơn.
Làn sóng các nhà đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang diễn ra. Việt Nam hiện có lợi thế lớn là chi phí nhân công khá thấp, chỉ bằng 1/2 tại khu vực phía Nam Trung Quốc, cùng với đó là bờ biển dài, rất dễ dàng cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí vận tải trong nội địa.
"Tuy nhiên, dễ nhận thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, đồ nội thất sang... Việt Nam mà không thấy sự chuyển dịch của các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, ôtô", ông David Horlock nói.
Ba "điểm nghẽn"
Theo các chuyên gia, lý do chính để Việt Nam đứng ngoài làn sóng chuyển hướng đầu tư trong lĩnh vực ôtô và điện tử là do hệ thống chính sách còn nhiều bất hợp lý, nguồn nhân lực thiếu và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhận xét, các chính sách của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư chuyển vốn và công nghệ vào.
Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng nhắc rất nhiều về thủ tục pháp lý khá rườm rà, thiếu nhất quán trong chính sách và thực thi khiến DN quan ngại khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Bà Hikaru Oguchi, Công ty Luật Nishimura & Asahi (Nhật Bản) trong Hội thảo về xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam mới đây cho biết: "Hệ thống pháp lý của Việt Nam đang phải chạy theo sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nên bất ổn, thường xuyên sửa đổi, không nhất quán... Điều này gây khó khăn không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho cả các đơn vị thực hiện tư vấn đầu tư".
Chẳng hạn, với ngành công nghiệp ôtô hiện nay tất cả các DN đều ngán ngẩm bởi chính sách thay đổi liên tục, có khi tới 3 -4 lần/năm. Chính sách thay đổi quá nhanh và theo hướng bất thình lình, không cần tham vấn khiến các DN không biết đường nào mà lần. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng công cụ thuế, phí một cách chồng chéo nhằm hạn chế tiêu dùng ôtô dẫn đến sản lượng sụt giảm mạnh.
Hạ tầng kém phát triển cùng nguồn nhân lực thiếu và yếu cũng là vấn đề làm nhiều DN quan ngại. Ông Hideo Naito, Trưởng ban Tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng của tập đoàn JBIC (Nhật Bản), cho rằng những rào cản mà Việt Nam phải đối mặt chính là hạ tầng cơ sở còn đang trong giai đoạn phát triển; khó khăn trong tuyển dụng nhân lực.
So với Thái Lan, Indonessia, Malaysia... hạ tầng cơ sở của Việt Nam vừa nhỏ lại yếu kém nên khó có thể hấp thu hết dòng chảy dồn dập đầu tư. Nếu việc xây dựng hạ tầng cơ sở vẫn liên tục chậm trễ thì trong tương lai gần, có thể việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gặp trở ngại trầm trọng. Chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm khá mạnh. Tìm ra căn nguyên của việc này cũng là cách để Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư từ không chỉ nhà đầu tư Nhật Bản - ông Hideo Naito nói.
Mới đây có một đoàn các DN nhỏ và vừa Nhật Bản sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Toshio Nakamura, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), khi được hỏi đã cho biết, đây là lần thứ hai, ông cùng phái đoàn DN nhỏ và vừa Nhật Bản sang tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. So với cách đây 4 năm, ông chưa thấy có nhiều thay đổi trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Việc nhân lực, việc tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng từ các trường học, trung tâm đào tạo tại Việt Nam, gần như không thể bởi khó. Tự đào tạo thì nhiều DN thiếu kinh phí, thiết bị... Ngay cả khi DN muốn đào tạo thì cũng ít thành công bởi người lao động Việt Nam hay vì lợi ích thiển cận mà cản trở việc nâng cao tay nghề. Chẳng hạn, các DN Nhật Bản phàn nàn rằng nhiều lao động sau khi được đào tạo, nắm bắt được một chút về kỹ thuật đã vội rời bỏ công ty để tìm kiếm việc làm mới với mức lương cao hơn.
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến các hãng ôtô, điện tử không muốn "bỏ trứng" vào Việt Nam chính là ngành công nghiệp hỗ trợ quá yếu kém. Với hai ngành công nghiệp mũi nhọn là ôtô và điện tử thì để phát triển cần có lực lượng đông đảo các nhà cung cấp linh kiện. Công nghiệp hỗ trợ nhìn vào chỉ thấy toàn yếu và kém, nhưng để phát triển lại rất khó khăn.
Vì vậy khi lựa chọn địa điểm đầu tư, Việt Nam thường không được ưu tiên hàng đầu. Nhiều tập đoàn ôtô cho biết, các nước như Malaysia, Indonesia hay Philippines thường được chọn đầu tiên. Ở đó, công nghiệp hỗ trợ của họ phát triển hơn và việc tìm kiếm nhà cung cấp không khó khăn như tại Việt Nam.
Cũng tương tự như vậy là ngành công nghiệp điện tử. Việt Nam hiện chỉ có lắp ráp giản đơn, linh kiện sản xuất được không có gì ngoài vỏ hộp carton, xốp chèn...
Đừng nhìn cơ hội vuột qua
Trở lại với câu chuyện về chính sách, các chuyên gia cho biết, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới có (quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ), được ban hành ngày 24/2/2011.
Chính sách được xây dựng, nhưng nó vẫn chưa đủ mạnh mẽ để tạo bước đột phá. Nói về quyết định 12, ông Ngô Văn Trụ đánh giá, ban đầu, Bộ Công Thương định xây dựng một nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ và đưa vào đó những ưu đãi rất cụ thể bằng con số với mục đích thu hút các DN đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, thì nhiều bộ, ngành phản đối cho như vậy là quá cụ thể, không đúng pháp luật. Sau khi gạt bỏ những cái cụ thể thành ra một thứ chung chung, ưu đãi không đủ hấp dẫn.
Bà Trương Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển DN công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) bình luận về quyết định 12: "Chúng tôi rất sợ trình những chính sách như thế, phải tới 10 lần trình và mỗi lần lại bớt một chút, Chính phủ mới ban hành".
Tuy nhiên, kể từ khi quyết định 12 ra đời (ngày 24/2/2011), đến nay chưa có DN nào và dự án nào xin được ưu đãi. Duy nhất có một dự án đang xin nhưng thấy thủ tục quá phức tạp nên lại tiếp tục đầu tư mà không chờ đợi được, bà Bình cho biết.
Có thể nói, Việt Nam đã bị các nước trong khu vực bỏ xa rất nhiều và đang bỏ lỡ thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp quan trọng.
Ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn tài chính, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, Việt Nam được coi là quốc gia lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư toàn thế giới, chứ không riêng gì với Nhật Bản. Theo thống kê, hiện thế giới có khoảng 130.000 đến 150.000 tỷ USD vốn, trong đó cỡ một nửa đang lưỡng lự không biết đầu tư vào đâu. Đó là khoản vốn nhàn rỗi trong hiện tại, tuy nhiên con số này không đứng yên mà luôn biến động, nếu không nắm bắt được sẽ đổ vào những chỗ khác vì nhà đầu tư không thể chờ lâu.
Với Việt Nam, nhà đầu tư đang ái ngại về sự bất ổn định của kinh tế hiện nay, cộng với hạ tầng yếu kém và chính sách bất cập. Vì thế, dù được cho là lý tưởng và tiềm năng nhưng vẫn bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác trong thu hút đầu tư... Việt Nam vẫn chưa biến những cảm nhận lý tưởng thành những cơ hội thực tế cho mình.
Theo các chuyên gia, nếu bỏ lỡ cơ hội trong hiện tại, thì vẫn còn những cơ hội khác đến trong tương lai, nhưng những "điểm nghẽn" nêu trên không giải quyết được thì cơ hội mãi mãi vẫn chỉ là cơ hội và chúng ta chỉ biết đứng nhìn các quốc gia khác đón nhận.
Trần Thuỷ
Nguồn: Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét