- Nhân đọc bài báo "Anh Mạnh ạ, giáo dục rất đơn giản" của tác giả Nguyễn Hường, tôi xin góp vài ý kiến. Tôi là một giáo viên trẻ. Tuy chỉ mới trong ngành được 3 năm nhưng đã thấy quá nhiều tiêu cực, bất cập.
Chỉ nói trong phạm vi 1 trường chuẩn quốc gia nơi tôi đang công tác thôi nhưng có lẽ cũng là 1 phần trong sự "suy tàn" của giáo dục hiện nay. Vận động "2 không" rồi "4 không" tất cả hoàn toàn là hình thức...
Trong một cuộc họp trước kì thi "sếp" có dặn dò rất kĩ "các thầy cô phải coi thi thật sự nghiêm túc, để học sinh (HS) tạo nề nếp trong phòng thi. Còn chuyện thầy cô chấm thi thế nào thì tôi không dám can thiệp vào...". Ý của sếp là nhắc nhở cái chỉ tiêu 97% học sinh trên trung bình của trường.
Trường tôi ở một vùng dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long. Chắc thầy cô cũng biết các em dân tộc khơme học rất yếu, một lớp khoảng 3-5 em khơme thì những em HS yếu thì rơi vào những em này. Mà số HS người dân tộc Khơme chiếm hơn 85% thì có thể hình dung ra được sức học của HS toàn trường rồi.
Năm nào, chúng tôi cũng phải gánh chỉ tiêu toàn trên 95% HS trên trung bình. Bởi vậy, ngoài nghề chính là giảng dạy chúng tôi còn kiêm luôn nghề "cấy tay".
Ngoài ra, nghề giáo viên bây giờ dường như không còn được coi trọng như lúc trước. HS bây giờ rất vô lễ với giáo viên, kể cả phụ huynh cũng vậy, nhiều lúc giận nóng cả mặt mày nhưng cũng phải ráng tự kìm chế vì biết mình không làm được gì đâu, cuối năm dù học hay không học thì các "phần tử" đó cũng lên lớp đều đều như ai.
Một kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra khi đi dạy mà nếu "bỏ nhỏ" cho HS biết thì chắc ngành giáo dục sẽ nguy đó là đứa nào không học thì sẽ được lên lớp thậm chí thành tích có thể cao hơn đứa đi học đều, nói chỗ này chắc chỉ người nào cùng ngành mới hiểu.
Đi dạy được 3 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếp thu cũng khá, nhưng kinh nghiệm đối phó với HS với các chỉ tiêu, chỉ thị, thành tích từ cấp trên còn gấp nhiều lần khiến tôi cảm thấy chai sạn cảm xúc từ một cái nghề được coi là "nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí".
Dĩ nhiên trong bài viết này tôi chắc chắn không để tên thật hay biệt danh mình hay dùng khi bình luận trên báo rồi, tôi đâu muốn chuốc hoạ vào thân đâu chứ, cẩn đắc vô ái này mà.
Cuối cùng tôi chỉ mong các "sếp" cấp trên hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật, hãy cho chúng tôi dạy thật, cho HS học thật, đừng bắt chúng tôi dạy và học theo các con số của các "sếp" đưa ra nữa.
Chúng ta biết HS yếu nhưng không biết yếu chổ nào, yếu đến mức nào thì làm sao chúng ta giúp cho các em tiến bộ. Nếu HS của chúng tôi yếu hãy cho chúng tôi nhận trách nhiệm, để từ đó chúng tôi thay đồi để giúp HS mình thay đổi. Chẳng thà chịu lùi vài bước để nhìn lại mình,còn hơn là cứ bước vô hồn mà không biết mình đi tới đâu.
Bạn đọc Karo Pi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét