2012/05/24

TỔNG THỐNG OBAMA VÀ CHÍNH SÁCH ĐIỀU HÀNH NƯỚC MỸ


(20-5-2012)

...một cuộc phục hồi kinh tế èo uột nhất lịch sử...


Cột báo này trong suốt mấy năm qua đã bàn về chính sách và thành quả của TT Obama. Vì là bình luận nên không thể tránh được chủ quan và thành kiến. Như đã trình bày nhiều lần cùng quý độc giả, viết báo có hai cách: viết tin thì tuyệt đối phải trung thực, phản ánh những dữ kiện đã xẩy ra, không phải là tin phịa hay tin bóp méo, mà cũng không có ý kiến cá nhân nào hết; trong khi đó bình luận thì tuy cũng bắt buộc phải dựa trên những dữ kiện thật, nhưng diễn giải và phê bình thì hoàn toàn chủ quan theo ý người viết.


Ai cũng biết các báo lớn như Washington Post hay New York Times không bao giờ đăng tin vịt, hay nếu lỡ có đăng tin không chính xác, thì sẽ có lời xin lỗi và cải chính. Dù vậy, cũng không ai chối cãi hai tờ báo này có cách khai thác dữ kiện và bình luận hết sức thiên vị, có tính cách ủng hộ -hay ít nhất cũng rất thuận lợi- cho TT Obama và phe cấp tiến. Ngược lại, cũng không ai chối cãi với các báo Washington Times và New York Post thì dù cùng một chuyện, nhưng lại có những lời bình hoàn toàn bất lợi cho khối cấp tiến và TT Obama.Nói qua nói lại, trình bày các cách suy nghĩ, diễn giải khác biệt, thậm chí đối nghịch là huyết mạch của việc thông tin và dân trí trong các chế độ dân chủ. Cử tri cần có những cái nhìn khác nhau mới hiểu rõ được vấn đề và bầu bán một cách có ý nghiã, đúng theo quan điểm và quyền lợi của mình.


Có điều đáng để ý là mặc dù đối nghịch quan điểm mạnh mẽ, nhưng ta không bao giờ thấy các báo lớn dùng những thậm từ có tính nhục mạ nhau, không bao giờ có chuyện trẻ con chụp mũ xanh hay mũ đỏ gì hết.


Kẻ viết này đã nhiều lần trần tình cùng quý độc giả: TT Obama trên phương diện cá nhân rất đáng phục. Leo lên tột đỉnh của quyền thế tại cường quốc mạnh nhất thế giới, từ hai bàn tay trắng, trong một xã hội tuy mang tiếng là “đất của cơ hội” nhưng lại có rất nhiều chông gai cực kỳ bất lợi cho dân da màu. Nhưng trên phương diện chính sách và thành quả, thì kẻ viết này không thể ủng hộ TT Obama, đó là điều tất cả độc giả cũng như ban biên tập Việt Báo đều biết rõ, chẳng có gì phải dấu diếm.


Ban biên tập Việt Báo, khi chấp nhận đăng bài của tác giả, mạc nhiên đã thực hành chức năng của nhà báo, đưa ra một cái nhìn có thiên kiến của một cá nhân, với hy vọng sẽ nhận được những quan điểm khác, tạo ra một cuộc đối thoại lành mạnh trong mục tiêu giúp cho tất cả người tỵ nạn chúng ta hiểu rõ hơn về môi trường chính trị chúng ta đang sống.


Tác giả không ủng hộ chính sách của TT Obama không phải vì cá nhân hay những lý do vớ vẩn như “cộng sản”, “ác”, “nịnh bợ nhà giàu da trắng”, “ăn tiền của Cộng Hoà”, “ngu dốt vì không có bằng Dr.”, ... Mà không ủng hộ vì không tin chính sách của TT Obama thích hợp để giải quyết những khó khăn hiện nay của nước Mỹ. Điển hình là những vấn đề:

KINH TẾ

TT Obama chủ trương áp dụng thuyết Keynesian của đầu thế kỷ 20 để phục hồi kinh tế, tức là Nhà Nước bơm tiền, tạo công ăn việc làm qua những chương trình vĩ đại, và trợ cấp an sinh đủ loại. Chấp nhận thâm thủng ngân sách, nợ nần nặng, coi như là cái giá phải trả cho vai trò của Nhà Nước. Kẻ viết này cho rằng đây là những phương cách mà Âu Châu đã thử nghiệm từ mấy thập niên và đã chứng tỏ thành quả rất rõ ràng. Ta chỉ cần nhìn vào sự thất bại của các chế độ bao cấp Âu Châu hiện nay, từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp.


Cái nguy hiểm của chính sách bao cấp là một khi trợ cấp được ban phát ra, sẽ cực kỳ khó thu lại trong chế độ dân chủ. Tâm lý con người, cái gì có rồi là không nhả ra được, bất kể hậu quả. Các cuộc bầu cử tại Hy Lạp, Pháp, và Đức trong mấy tuần qua cho thấy các chính quyền chủ trương thắt lưng buộc bụng, cắt bớt trợ cấp, bắt thiên hạ đi làm nhiều giờ hơn, để cứu nguy kinh tế khỏi phá sản, đều bị thua liểng xiểng trong các cuộc bầu cử. Âu Châu hiện nay đang gặp nguy cơ tan vỡ và khủng hoảng mà không ai có thể đoán được tầm vóc và hậu quả.


Trở lại nước Mỹ, chính sách tân-keynesian này đã không phục hồi được kinh tế và không giảm được nạn thất nghiệp. Kết quả trước mắt ai cũng thấy. Kẻ viết này tin rằng giải pháp tốt nhất không phải là tân-keynesian hay đổ thừa cho TT Bush, tsunami Nhật, đảo chánh Trung Đông, v.v..., mà phải tìm cách khuyến khích khu vực tư tạo công ăn việc làm, khuyến khích các công ty mang tiền đầu tư ở nước ngoài về Mỹ mở hãng xưởng thuê nhân công, qua việc bớt hay miễn thuế, và giảm bớt luật lệ hành chánh quá rườm rà.

THUẾ

TT Obama hô hào tăng thuế nhà giàu để lấy tiền chu cấp cho chính sách bao cấp của ông. Ông đã có dịp làm chuyện này cuối năm 2010 nhưng đã không làm vì hiểu rất rõ tăng thuế nhà giàu không phải là giải pháp, trái lại, còn rất bất lợi trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay. Tăng thuế nhà giàu đối với chính TT Obama, cũng chỉ là khẩu hiệu tranh cử mỵ dân, không hơn không kém. TT Obama ý thức rất rõ tăng thuế nhà giàu chỉ khiến họ bỏ nước Mỹ, mang tiền ra nước ngoài đầu tư, hay tìm mọi cách trốn thuế, và như vậy chỉ trầm trọng hoá khủng hoảng kinh tế chứ không thể phục hồi kinh tế được.


Cho dù Nhà Nước có cách ngăn cản nhà giàu không mang tiền ra nước ngoài, hay không trốn thuế được, nếu tăng thuế thì kết quả là nhà giàu vẫn sẽ tìm cách đổ tiền thuế lên đầu chúng ta bằng cách tăng giá hàng hoá và dịch vụ mà họ cung cấp, để rồi chính chúng ta, người tiêu thụ trung lưu hay nghèo, sẽ là nạn nhân cuối cùng, đóng thuế thay cho các nhà giàu. Đó là lý thuyết kinh tế học nhập môn.


Vung tiền tiêu xài cho những chương trình vĩ đại, hay để làm quà cáp cho cử tri để lấy phiếu rồi đè xấn thiên hạ ra thu thuế nếu không phải là lạm quyền thì cũng là thiếu tinh thần trách nhiệm. Đối với tác giả, giải pháp không phải là tăng thuế “nhà giàu”, mà là cắt giảm chi tiêu không cần thiết, và tận thu thuế bằng cách đơn giản hoá hệ thống thuế khoá để cắt giảm bớt những kẽ hở trốn thuế. Tăng thuế mà không kiểm soát được việc trốn thuế thì cũng như không. Những người trốn hay lách thuế cần phải bị trừng phạt chứ không thể được tưởng thưởng như ông Jeffrey Immelt, TGĐ General Electric, lời 14 tỷ, không đóng một xu thuế nào, nhưng được làm Cố Vấn Tổng Thống.

CÔNG NỢ


Chính sách vay mượn tứ phiá để chu cấp cho các chương trình vĩ đại là một chính sách vô trách nhiệm, vì không cần biết đến chuyện nợ ai, nợ bao nhiêu, làm sao trả, chừng nào trả. Đến một ngày nào đó, chính con cháu chúng ta sẽ là những người phải trả, bằng cách đóng thuế cao hơn, hay nhận trợ cấp ít hơn. Chúng ta có trách nhiệm với con cháu, làm sao bảo đảm chúng không phải cong lưng trả nợ cho những hoang phí của chúng ta. Đó là chưa nói đến khả năng có thể trả nợ được hay không. Các công ty thẩm định tín dụng cho rằng nước Mỹ sẽ khó trả nợ được, do đó đã hạ điểm tín dụng của Mỹ. Kẻ viết này lo sợ cho thế hệ con cháu nên không thể hưởng ứng chính sách nợ như Chúa Chổm của TT Obama.

CẢI TỔ Y TẾ

Nước Mỹ có thể nói là chậm tiến nhất trong các nước tây phương trong vấn đề y tế, với cả chục triệu người không có bảo hiểm y tế trong khi giá cả dịch vụ y tế lại cao nhất thế giới. Nhu cầu sửa đổi hệ thống y tế không chối cãi được. Vấn đề là nói dễ làm khó. Cả chục tổng thống của cả hai đảng đã thử đều không làm được gì lớn lao trong ngắn hạn, mà chỉ có thể cải tổ từng bước, như TT Bush với chương trình Medicare Part D. TT Obama muốn nhân cơ hội đảng Dân Chủ đang nắm quyền hành pháp lẫn lập pháp để “làm một cái gì”. Kẻ viết này hoan nghênh thiện ý và những cố gắng của ông. Nhưng giải pháp không phải là đưa ra một kế hoạch cải tổ không qua nổi quốc hội mà chính đảng của mình nắm đa số, đến độ phải cho qua “cửa sau”, với gần 60% dân Mỹ chống vì họ thấy tương lai sẽ phải trả chi phí dịch vụ y tế cao hơn, phải trả thuế cao hơn để Nhà Nước có tiền cung cấp bảo hiểm và dịch vụ y tế cho cả chục triệu người, và nước Mỹ sẽ không đủ nhà thương, hãng thuốc, bác sĩ và y tá để đáp ứng nhu cầu mới.


Cải tổ y tế là chuyện cần thiết, nhưng không thể làm theo mô thức của TT Obama.

ĐỐI NGOẠI

Chính sách gặp ai cũng xin lỗi của TT Obama và hối hả rút quân khỏi Trung Đông chỉ xác nhận hình ảnh một nước Mỹ “cọp giấy” mà các nước không thân thiện với Mỹ như Iran, Bắc Hàn, Syria, Venezuela, và các tên khủng bố Hồi Giáo cuồng tín sẽ không sợ gì mà còn hung hăng hơn nữa. Kẻ viết này đã bàn về chiến lược đối phó với nạn khủng bố Hồi Giáo quá khích của Mỹ hiện nay, do TT Bush khai sanh và TT Obama tiếp nối là một sai lầm, vì đã thất bại, và cuộc rút quân gấp rút ra khỏi Iraq cho dù là quyết định của TT Bush và được thực hành bởi TT Obama, cũng chỉ là hành động thuộc loại “đồng minh tháo chạy” mà dân tỵ nạn ta đã nếm mùi.


Đối với tác giả, cuộc chiến Iraq hoàn toàn chính đáng với những tin tức Mỹ và thế giới có được trong thời điểm đó, nhưng sau đó thì không còn biện minh được khi không tìm thấy vũ khí giết người tập thể. Nhưng Mỹ đã nhẩy vào, tạo nên một bãi rác khổng lồ, thì phải có trách nhiệm giải quyết ổn thoả, dọn dẹp tương đối cho sạch sẽ trước khi về, chứ không thể phủi tay ra đi, “sống chết mặc bay”.

THÀNH QUẢ

Trong bài “Khẩu Hiệu Tranh Cử”, tác giả đã phân tích rõ những 1) thành tích mà TT Obama khoe, 2) những lời hứa chưa thực hiện, cũng như 3) những chuyện “không thành công lắm”. Tác giả hoan nghênh mọi phản biện nghiêm chỉnh không lạc đề, chứng minh tác giả đã viết sai, từng điểm một, để rộng đường dư luận.

Có người cho rằng tác giả đã thiên vị và nói quá. Tác giả nhìn nhận “thiên vị” thì khó tránh vì chủ quan như đã trình bày ngay từ mấy giòng đầu của bài này, nhưng “nói quá” thì không hẳn.


Tác giả xin phép được giới thiệu một cuốn sách mới, viết về TT Obama. Để mọi sự rõ ràng ngay từ đầu, tác giả sách này không phải là Vũ Linh, hay một anh Cộng Hoà hay “đồng chí” vô danh nào phá đám, mà là một nhà báo lão thành nổi tiếng, Edward Klein, cựu chủ bút –editor in chief- của New York Times Magazine, và cựu chủ bút về tin quốc ngoại –foreign editor- của Newsweek, cả hai đều là báo cấp tiến “phe ta” công khai ủng hộ TT Obama. Cuốn sách có tựa là “The Amateur, Barack Obama in The White House”, tạm dịch là “Anh Tài Tử, Barack Obama Trong Tòa Bạch Ốc”.


“Anh tài tử” là danh từ do TT Clinton gán cho TT Obama. Đây là điểm chính của cuốn sách, với chuyện TT Clinton nhận định về TT Obama và cho rằng ông này không biết làm gì để là một tổng thống, không biết thế giới này vận hành như thế nào, là người bất tài, chỉ là một tổng thống tài tử (“Obama doesn't know how to be president. He doesn't know how the world works. He's incompetent. He's...he's... an amateur”). TT Clinton phát biểu như trên trong khi tìm cách thuyết phục bà Hillary từ chức ngoại trưởng, ra tranh cử tổng thống chống Obama, để “cứu nước Mỹ”.


Ông Klein liệt kê những “thành quả” của TT Obama dưới cái nhìn của ông: 5.000 tỷ công nợ, Obamacare thông qua trong sự chống đối của đa số dân Mỹ, qua kẽ hở thủ tục quốc hội và đổi chác trong hậu trường với các chính khách không ủng hộ, một kế hoạch kích cầu thất bại, các chương trình bảo vệ môi sinh và năng lượng sạch vô hiệu, chỉ là những gánh nặng cho người đóng thuế, một cuộc phục hồi kinh tế èo uột nhất lịch sử, một nước Mỹ hoen ố bởi lời hứa hẹn đoàn kết, một nước Mỹ yếu đuối hơn từ ngoài nước đến trong nước.


Đại khái, cuốn sách của nhà báo cấp tiến này chẳng những xác nhận những gì tác giả này đã viết về thành quả của TT Obama, mà còn bàn thêm rất nhiều chuyện hậu trường đáng chú ý mà quý độc giả cũng như kẻ viết này đều không biết đến, đặc biệt liên quan đến thái độ cao ngạo và độc đoán của TT Obama đối với cộng sự viên, và vai trò của đệ nhất phu nhân trong vụ các phụ tá thân cận nhất của TT Obama bị áp lực phải “từ chức”, từ phát ngôn viên Robert Gibbs, đến các chánh văn phòng Rahm Emanuel và Bill Daley.


Nước Mỹ với hơn ba trăm triệu dân, không có hai người suy nghĩ giống hệt nhau, nhưng đại khái có hai luồng tư tưởng khác biệt: bảo thủ và cấp tiến. Cả hai quan điểm đều chính danh, đều có lợi có hại, có tốt có xấu, và những người khác chính kiến nói chung nếu khác biệt chính kiến trong chân thành, đều đáng được tôn trọng.


Những dẫn chứng kiểu “Bush cha làm việc với cha bin Laden và sau đó làm việc với bin Laden trong phong trào chống Nga tại Afghanistan nên Bush con để bin Laden chạy thoát Afghanistan” chỉ là bịa đặt vớ vẩn vô căn cứ. Mỹ bắt đầu giúp kháng chiến quân mujahideen của Afghanistan chống chính quyền cộng sản Afghanistan năm 1978, rồi Hồng Quân khi Nga mang xe tăng chiếm xứ này năm 1979, dưới thời TT Carter khi ông Bush cha còn đang làm dân biểu đại diện cho Houston tại Hạ Viện. Khi đó Bin Laden còn là một kháng chiến quân 21 tuổi không ai biết (sanh năm 1957); mãi đến 15 năm sau, khi Al Qaeda đặt bom hai tòa cao ốc World Trade Center năm 1993 dưới thời TT Clinton, người ta mới nghe tên Bin Laden. Bố của Bin Laden là một thương gia À Rập giàu có, chết năm 1967 khi TT Bush cha còn là dân biểu Houston.


Hay bôi bác TT Bush “nghẹn ngào khóc” khi nghe tin Bin Laden bị chết, là những lời bàn mang tính “tuồng cải lương”. TT Obama trả lời phỏng vấn của đài NBC cách đây vài tuần, nói “không cần biết là ai, mỗi lần có người chết là chúng ta cảm thấy buồn phiền (“regardless of who it is, you always have to be sober about death”). Đó cũng là đại ý lời nói của TT Bush khi nghe tin Bin Laden bị giết.



Những lập luận kiểu này không giúp gì cho cuộc đối thoại và sự hiểu biết chung của chúng ta. 





Tác giả : Vũ Linh

Không có nhận xét nào: