2012/04/04

Hàn Quốc đã “xuất khẩu văn hóa” như thế nào?


(Petrotimes) - Xuất khẩu xe hơi, hàng điện tử, mỹ phẩm và đặc biệt là xuất khẩu văn hóa, Hàn Quốc đã từng bước trở thành một cường quốc trong lĩnh vực tiếp thị và quảng bá văn hóa dân tộc ra bên ngoài. Giờ đây, sức ảnh hưởng của văn hóa không chỉ gói gọn trong châu lục mà đã lan rộng ra toàn thế giới.
Chính sách phát triển văn hóa của Hàn Quốc
Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa. Lúc này, các quốc gia sẽ phân chia và quy tụ với nhau theo nhóm phân chia dựa trên văn hóa và tôn giáo chứ không còn theo ý thức hệ như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Vậy “văn hóa” là gì? Theo GS Trần Ngọc Thêm, “văn hóa” là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Cụ thể hơn, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động.
“Xuất khẩu văn hóa” là một khái niệm nằm trong “sức mạnh mềm”, do giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard đặt ra vào năm 1990. “Sức mạnh mềm” là thuật ngữ nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng. Đối với Hàn Quốc, đó là việc tiếp thị, quảng bá văn hóa và sử dụng văn hóa dân tộc để làm ảnh hưởng, tác động tới các quốc gia khác.
Với trường hợp Hàn Quốc, vào những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 87 USD năm 1962 và cái tên “Hàn Quốc” cũng chẳng được thế giới biết đến quan tâm chú ý nhiều lắm. Nhưng với ý chí kiên cường và những chính sách phát triển đúng đắn, Hàn Quốc ngày nay đã được cả thế giới biết đến không chỉ là một trong 10 cường quốc kinh tế trên thế giới với GDP năm 2011 lên tới 832,5 tỉ USD (gần bằng GDP của 10 nước ASEAN cộng lại) thu nhập bình quân đầu người là 28.100 USD (và bằng 28 lần mức bình quân của Việt Nam) với nhiều sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng có mặt ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, khu vực trên thế giới.

"Làn sóng Hàn Quốc" bắt đầu từ năm 1999-2000
Lý do cho sự thành công vượt trội này của Hàn Quốc là gì? Đó là bên cạnh các ngành công nghiệp, Hàn Quốc coi văn hóa cũng là một thị trường tiềm năng, cụ thể, đó là điện ảnh và sau đó là ngành công nghiệp giải trí. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đầu tư đến điện ảnh nước nhà bằng cách tiếp thu những tinh hoa của điện ảnh thế giới và sáng tạo phong cách làm phim riêng, điện ảnh Hàn Quốc đã nắm bắt được tâm lý giới trẻ trong nước và các phim trưởng rất gần gũi với cuộc sống, nội dung phim và diễn viên được chọn lựa kỹ càng trong khi cảnh quay đòi hỏi sử dụng kỹ xảo, kinh phí và mức độ hoành tráng cũng không kém gì phim Mỹ.
Năm mở đầu cho “Làn sóng Hàn Quốc” vào những năm 1999 – 2000, khi giới trẻ đã chán ngán với những bộ phim tâm lý xã hội, xã hội đen hay những đề tài chính luận khô cứng của Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… thì Hàn Quốc tung ra các bộ phim với nội dung nhẹ nhàng, gần gũi với lợi thế là ngoại hình diễn viên, góc quay, nhạc phim… dễ đi vào lòng người. Và đến năm 2002, khi bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được phát sóng, “trào lưu Hàn Quốc” hay “Hallyu” đã thực sự tác động mạnh mẽ vào đối tượng khán giả của các nước trong khu vực châu Á. Từ đây, một loạt các bộ phim “lấy nước mắt” của Hàn Quốc ra đời, cùng với đó là sự thành công và nổi tiếng của lớp diễn viên Bae Yong Jun, Choi Ji Woo…
Đến năm 2006, các ban nhạc hay nghệ sĩ này mới thật sự nổi đình nổi đám trong khu vực và soán ngôi hoàn toàn các nghệ sĩ trong nước. Kể từ đó, doanh thu từ các đĩa CD, DVD và các trò chơi điện tử Hàn Quốc tăng đều đặn. Riêng trong năm nay, con số này đã tăng lên đến 14% đạt 3,8 tỉ USD. Theo nhận định của một nhà cựu ngoại giao Hàn Quốc, nếu Hollywood kiểm soát khoảng 30% ngành văn hóa thế giới, thì Hàn Quốc chiếm khoảng 5%. Điều này cũng có thể lý giải tương tự như hiện tượng “Giấc mơ Mỹ” mà Hollywood mang lại. Và giờ đây, “làn sóng văn hóa Hàn Quốc” hay “Hallyu” đã làm thay đổi bộ mặt cả đất nước, đặc biệt là kinh tế.

"Bản tình ca mùa đông" - một bộ phim mở đầu cho "làn sóng Hallyu"
Bí quyết thành công của phim Hàn Quốc là tính truyền thống, nặng Nho giáo, được gói trọn trong nội dung, nhưng lại được thể hiện bằng nhiều phương tiện hiện đại. Nhiều bộ phim trong số đó lấy bối cảnh từ chính xã hội hiện tại của Hàn Quốc, giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh từ xã hội này, do vậy, những quốc gia có nét văn hóa tương đồng như Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp nhận.
Phim ảnh Hàn Quốc đã đẩy lùi con số nhập khẩu phim Hollywood từ con số 76% phim chiếu ở các rạp xuống còn 14% vào năm 1999 đã làm cho các nhà sản xuất phim cũng như Chính phủ cảm thấy rằng: sản xuất phim nội rõ ràng là có lợi hơn phim ngoại lên họ đã tiếp tục đầu tư mọi nguồn lực để phát triển hơn nữa ngành điện ảnh nước nhà. Chính quyền Seoul cũng đã có kế hoạch biến Liên hoan phim Pusan thành một Liên hoan Cannes của châu Á.
Đặc biệt, vào năm 2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã khẳng định: “Văn hóa sẽ là nguồn vốn quyết định kinh tế trong thế kỷ 21. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống mà trong đó, tất cả mọi người bất kể đang sống ở đâu và thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có thể được trải nghiệm văn hóa trong đời sống hàng ngày”. Ông cho rằng, một đất nước tiến bộ và phát triển bậc nhất không phải chỉ đơn thuần có thu nhập cao, mà là một đất nước có nền văn hóa phát triển ở cấp độ cao cân bằng với sự phát triển của kinh tế.
Như vậy, chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng việc phát triển văn hóa của mình, bên cạnh đó, còn có tham vọng đưa văn hóa và ẩm thực truyền thống Hàn Quốc cạnh tranh ra toàn cầu và đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có nền văn hóa phát triển cao trên thế giới.
Truyền thông – vũ khí của làn sóng Hallyu
Nhắc tới chiến dịch “xuất khẩu văn hóa” của Hàn Quốc thì không thể không nhắc tới mạng lưới truyền thông khổng lồ và rộng khắp của đất nước này. Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ Hàn Quốc sử dụng truyền thông làm phương tiện để quảng bá văn hóa Hàn với đặc tính lan truyền nhanh và tác động mạnh của nó.
Bản thân ngành truyền thông của Hàn Quốc cũng rất phát triển. Họ là một trong những nước châu Á đầu tiên xây dựng thành công ngành kinh tế truyền thông. Ngành kinh tế đặc thù này – thông qua các tập đoàn truyền thông – đã góp phần đưa truyền thông Hàn Quốc trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu giải trí, thông tin… của công chúng.
Chỉ xét riêng truyền hình, Hàn Quốc hiện nó rất nhiều Đài truyền hình tư nhân như SBS, MBC, CBS, KTV, Arirang… và một Đài truyền hình TW là KBS. Ở đây không có sự phân biệt giữa đài tư nhân và đài quốc gia về về tài chính và quyền lợi. KBS hàng năm vẫn nhận được một khoản từ quỹ chính phủ nhưng số tiền này rất nhỏ so với những nguồn lợi nhuận khác. Năm vừa qua, 37,8% lợi nhuận của KBS là do các kênh truyền hình trả tiền mang lại, 47,6% là số tiền thu được từ quảng cáo, hơn 10% còn lại do các nguồn khác như bản quyền truyền hình, tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ của chính phủ…

Hàn Quốc đã đưa văn hóa dân tộc ra toàn thế giới
Chính vì không nhận được nhiều ưu đãi của chính phủ, nên các kênh truyền hình, đặc biệt là 3 “ông lớn” KBS, MBC và SBS cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Các thông tin được đăng tải trên 3 kênh này thường không bao giờ lấy của nhau. Các bộ phim được coi là “át chủ bài”, ngoài khoản tiền đầu tư cực lớn, cũng phải sắp xếp thời gian chiếu để tránh “đụng” nhau.
Bên cạnh đó, 3 “ông lớn” cũng không bỏ qua cơ hội được quảng bá thương hiệu. Đó là lý do tại sao trong phim Hàn Quốc, các nhân vật đều sử dụng điện thoại Anycall (Samsung) – một thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc. Tập đoàn Samsung đã tài trợ một khoản không nhỏ để có thể độc quyền xuất hiện cùng các ngôi sao phim ảnh nhưng những gì họ thu lại cũng hoàn toàn xứng đáng. Đây là một hình thức quảng cáo dễ được chấp nhận và hữu hiệu nhất.
Mặc dù cạnh tranh lẫn nhau rất khốc liệt, nhưng mục đích chung của các kênh truyền hình đều là quảng bá văn hóa của đất nước. Nội dung của các kênh truyền hình này (đặc biệt là các kênh chiếu ở nước ngoài như Arirang hay KBS World) đều nhấn vào hình ảnh đất nước với nền văn hóa vừa truyền thống và vừa hiện đại. Vì lẽ đó một trong những điểm mạnh của truyền thông Hàn Quốc là khả năng khai thác tốt những nét văn hóa truyền thống.
Tuy hoàn toàn độc lập về kinh tế và cách thức quản lý với chính phủ nhưng các kênh truyền hình Hàn Quốc đã trở thành tiếng nói của toàn đất nước, là một phương tiện để chính phủ quảng bá đất nước mình ra ngoài thế giới. Đó là một trong những nhiệm vụ to lớn được đặt ra của truyền thông Hàn Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc góp phần "khai sinh" các ca sĩ, ban nhạc thần tượng
Sự phát triển của truyền thông cũng đã kéo theo sự bùng nổ của ngành công nghiệp giải trí và ngược lại, ngành công nghiệp giải trí trở thành “nguồn tin” cho truyền thông. Như đã nói ở trên, chính sách phát triển văn hóa không chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh, mà còn có lĩnh vực âm nhạc game-show, talk-show truyền hình. Chính điều này đã cho ra đời hàng loạt các “ông lớn” trong lĩnh vực giải trí như SM Entertainment, YG Entertainment, Mnet Media, JYP Entertainment… Bên cạnh các diễn viên điện ảnh, các ca sĩ và nhóm nhạc hàng đầu cũng góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh một đất nước Hàn Quốc trẻ trung, sôi động và hiện đại đến với công chúng trong khu vực và trên thế giới.
Nhờ công nghệ lăng –xê mà ngành giải trí Hàn Quốc đã xuất hiện hàng loạt ca sĩ thần tượng, diễn viên thần tượng và góp phần “Hàn hóa” thanh thiếu niên của nhiều quốc gia. Ngay cả Trung Quốc, một trong những đất nước giàu truyền thống nhất thế giới, cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng này. Những chương trình của Hàn Quốc đã chiếm một thời lượng không nhỏ trên các kênh truyền hình, thậm chí trên cả các kênh của truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV.

... và các talkshow trên truyền hình
Hàn Quốc trở thành quốc gia có chương trình phát sóng nhiều nhất trên các kênh truyền hình của Trung Quốc, bỏ xa hai đại gia lớn là Mỹ và Nhật Bản. Điều này cũng diễn ra tại hầu hết các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á và Đông Nam Á như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… Trên các kênh truyền hình của các nước này, trung bình mỗi ngày có 3-5 tiếng chiếu phim và ca nhạc của Hàn Quốc.
Như vậy, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của truyền thông Hàn Quốc trong việc thúc đẩy làn sóng văn hóa Hàn tới với các quốc gia và tác động mạnh mẽ tới tầng lớp thanh, thiếu niên của các quốc gia đó.
“Xuất khẩu văn hóa” – Hàn Quốc được gì?
Với chiến lược và quyết tâm đưa “văn hóa” trở thành một thị trường tiềm năng, tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đã thực sự thành công. Văn hóa Hàn Quốc không chỉ có ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực mà còn tác động và phủ sóng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.
Về kinh tế, có thể khẳng định chiến lược “xuất khẩu văn hóa” đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, xuất khẩu văn hóa đã đem đến cho nước này khoản lợi nhuận 794 triệu USD năm 2011, tăng 25% so với năm 2010 với con số 637 triệu USD, cao nhất kể từ năm 1980. Trong khi đó, tình trạng nhập siêu văn hóa của Hàn Quốc giảm mạnh. Quốc gia này chỉ phải chi 224 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nước ngoài, giảm  42% so với năm 2010.

Nhiều phim trường trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng
Ngoài điện ảnh thì “Korea wave” hay “Hallyu”, “Dynamic Korea” còn bao gồm cả âm nhạc, thời trang, mĩ phẩm…, thị trường nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia châu Á đã bị chinh phục bởi truyền hình và âm nhạc, các nhãn hiệu thời trang và mĩ phẩm và tạo nên sự bùng nổ của ngành thời trang, giải trí và thẩm mĩ tại đất nước Nhân Sâm và nhiều quốc gia châu Á khác.
Trong chiến lược “Hallyu” của mình thì Chính phủ Hàn Quốc chủ trương phương pháp hoá tự do ngành thời trang, mĩ phẩm, âm nhạc, giải trí và đã thật sự đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu lục.
Có lẽ trong giới kinh doanh thời trang và âm nhạc Hàn Quốc cũng như châu Á thì các tên “Dong De mul” cũng đã trở lên quen thuộc với họ không biết tự bao giờ. Chỉ trong vòng 5 năm, ngành thời trang Hàn Quốc đã cạnh tranh mạnh mẽ và loại khỏi đối thủ Nhật Bản.

Mỹ phẩm - một trong những mặt hàng thu lợi nhuận lớn của Hàn Quốc
Không chỉ vậy Hàn Quốc còn biết đến là một cường quốc về mĩ phẩm, hiện nay mĩ phẩm của Hàn Quốc đã vượt mặt Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông … để trở thành một trong 5 quốc gia có ngành mĩ phẩm phát triển nhất thế giới. Hàng chục các thương hiệu mĩ phẩm như DeBon, E100, Biore, DuobleRich … đã trở lên quá quen thuộc với lớp trẻ Châu Á và ở cả nhiều quốc gia trên thế giới.
Về du lịch, do sức ảnh hưởng của các bộ phim Hàn Quốc như “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum” hay “Ngôi nhà hạnh phúc”, số lượng khách du lịch đổ về Hàn Quốc ngày một đông, một phần để tham quan những địa điểm xuất hiện trong các bộ phim, phần khác cũng để thưởng thức những món ăn đã trở thành thương hiệu của đất nước này. Những dịch vụ du lịch trọn gói mang tên “Hallyu tour” (Du lịch làn sóng Hàn) ngày càng đa dạng và phong phú. Tham gia các dịch vụ này du khách có thể đến thăm trường quay, những địa danh nổi tiếng, những món ăn ngon đã từng xuất hiện trong những bộ phim của Hàn Quốc.
Vào 10 tháng đầu năm 2005, theo thống kê của Bộ Văn hoá và Du lịch Hàn Quốc đã có khoảng 550.000 khách du lịch đến thăm địa điểm đóng các bộ phim của Hàn Quốc trong đó phần lớn là khách Nhật Bản và Đài Loan. Năm 2003 có 2,8 triệu lượt khách thì đến năm 2004 con số này đã là 3,7 triệu. Năm 2011, Hàn Quốc đã thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài nhờ vào thành công của các bộ phim truyền hình – đó thực sự là những con số đáng mơ ước đối với bất kỳ quốc gia nào. Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc, đứng trước Hồng Kông và Ma Cao. Không những thế, văn hóa Hàn Quốc, còn thu hút lượng du học sinh đến du học trên quần đảo này ngày càng đông. Tính từ năm 2001, số du học sinh nước ngoài tăng đều đặn khoảng 27% mỗi năm.

Số du học sinh nước ngoài đến Hàn Quốc đã tăng mạnh
Hiện nay tại Hàn Quốc, văn hoá có ảnh hưởng đáng kể đến chính trị, kinh tế và xã hội. Chẳng hạn nhiều người dân xứ Kim Chi đã đề nghị ngôi sao điện ảnh Bae Yong Joon làm nghị sĩ, còn nữ diễn viên Lee Yong Ae sau bộ phim nàng “Dae Chang Geun” đã được bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí của UNICIEF tại Hàn Quốc. Diễn viên Jang Dong Gun, cùng với nhóm nghệ sĩ bóng đá Hàn Quốc đã thực hiện chuyến lưu diễn hoạt động từ thiện tại Việt Nam và vòng quanh thế giới để quảng bá hình ảnh và văn hoá Hàn Quốc. Những việc làm này đã giúp cho hình ảnh của đất nước Hàn Quốc trở nên đẹp hơn, văn hóa hơn trong mắt người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa trong nước, “làn sóng Hallyu” còn tác động đến văn hóa của nhiều quốc gia khác, đặc biệt tới tầng lớp thanh, thiếu niên. Các xu hướng thời trang, trang điểm, ẩm thực… đều được giới truyền thông Hàn Quốc “update” dưới nhiều dạng khác nhau và dễ dàng trở thành trào lưu, thành “mốt” đối với các bạn trẻ. Đặc biệt, các sản phẩm có mác “made in Korea” được nhiều người tiêu dùng ưu ái, sức mua tăng mạnh. Sự ảnh hưởng này bao gồm cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Tích cực là khi chúng ta có sự giao thoa văn hóa, học hỏi những điều hay, tân tiến và hợp với quy luật vận động, phát triển. Sự giao thoa này khiến các quốc gia gần gũi và hiểu được phong tục, tập quán, các nét văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của nhau.

Món ăn Hàn Quốc không còn lạ lẫm với nhiều người Việt Nam
Còn tiêu cực, là khi chúng ta bị cuốn theo làn sóng văn hóa ngoại lai trong khi nền văn hóa của dân tộc chưa được giữ gìn và nhìn nhận đúng đắn, sẽ dẫn đến tình trạng nền văn hóa của quốc gia đó trở nên lai căng và tạp nham.
Việc một quốc gia ảnh hưởng văn hóa tới một quốc gia khác là điều không hiếm gặp, nhưng không có nghĩa nó sẽ tạo ra cả một làn sóng lan rộng và tác động trực tiếp vào các châu lục và trên phạm vi toàn thế giới. Hàn Quốc là một trong những trường hợp hiếm hoi đã khẳng định được sự thành công trong việc quảng bá văn hóa dân tộc.
Rất nhiều quốc gia đã coi chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước bằng truyền thông của Hàn Quốc là con đường mẫu mực, trong đó có cả cường quốc về văn hóa truyền thống – Trung Quốc.
Nhìn nhận đúng cách thức mà Hàn Quốc đã phát triển nền văn hóa của họ trên phạm vi châu lục và thế giới, Việt Nam – một quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời và quý báu – có lẽ sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc khai thác các tiềm năng kinh tế, xã hội do văn hóa mang lại. Đó không chỉ là việc tuyên truyền văn hóa trong phạm vi quốc gia, mà cần coi đó là một thị trường đầy tiềm năng để quảng bá, tiếp thị ra quốc tế.
Bây giờ vẫn chưa quá muộn nếu chúng ta bắt tay vào xây dựng một chiến lược lâu dài và bền vững cho vấn đề này bằng cách thành lập ủy ban quốc gia về truyền bá văn hóa trong và ngoài nước. Lợi ích trước mắt chúng ta có thể thu được là thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Về lâu dài đây sẽ là nguồn “sức mạnh mềm” có thể giúp Việt Nam phát huy tầm ảnh hưởng của mình trên khu vực cũng như toàn thế giới – như cách mà Hàn Quốc đã thành công trong việc “xuất khẩu văn hóa” của họ.
 Vương Tâm
Nguồn: Petrotimes.vn

Không có nhận xét nào: