2012/04/04

QUỸ ĐẠO MẶC ĐỊNH

TCCL tháng 3 năm 2012
Tác giả: Uông Xuân Vy
.


Trong một video clip có cô bé bị câm điếc bẩm sinh đã hỏi người thầy dạy đàn violon cũng bị câm điếc như cô:

- Tại sao con không giống như những người khác?

Và người thầy này đã trả lời:

- Tại sao con phải giống như những người khác?

Một câu trả lời đáng để suy ngẫm phải không các bạn? Bản thân tôi, trong bao nhiêu năm qua, cũng tự đặt cho mình một câu hỏi tương tự:

- Tại sao tôi phải sống… giống như những người khác?


"Tại sao con phải giống như những người khác?" (Nguồn ảnh: Internet)

Dù muốn hay không, dù vô tình hay cố ý, hay với bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải đối diện với một “quỹ đạo mặc định” mà xã hội (nơi bạn sinh ra và lớn lên) đã vạch sẵn cho bạn. Quỹ đạo mặc định chính là những gì mà xã hội kỳ vọng ở bạn, nhiều khi bắt nguồn chỉ đơn giản từ việc đa số mọi người xung quanh bạn ai cũng… làm thế.

Ví dụ cho một quỹ đạo mặc định dễ thấy nhất là: lớn lên > đi học > đi làm > lập gia đình > sinh con đẻ cái >… v.v…

Nếu bạn đi chệch quỹ đạo mặc định, bạn sẽ bị người đời dán cho đủ các loại nhãn mác như “bị thần kinh”, “khác người”, “chống ề”, “hư hỏng”… Hoặc khi bạn làm một điều gì đó đi ngược lại với số đông, hay khác với những gì những người xung quanh bạn thường làm, thì ngay lập tức bạn sẽ nhận được những phản ứng không mấy tích cực cho lắm. Thậm chí có lúc còn kéo theo những hệ quả nghiêm trọng như bị tẩy chay. Ở đây tôi chỉ đề cập đến những hành động không làm ảnh hưởng đến ai, mà chỉ tác động trực tiếp đến cách sống của cá nhân bạn và nằm trong phạm vi đạo đức, pháp luật.

Nếu may mắn, bạn sẽ được một vài người như gia đình, bạn bè… ủng hộ, tin tưởng và tiếp sức cho bạn. Còn nếu không, bạn sẽ phải bước đi một mình cho đến khi bạn tìm được người cùng bước đi với bạn.

Vì lẽ đó mà…

- Có bao nhiêu người trong chúng ta không dám thực hiện ước mơ của mình?
- Có bao nhiêu người trong chúng ta không dám đi theo tiếng gọi của con tim?
- Có bao nhiêu người trong chúng ta không dám sống một cuộc sống mà mình mong muốn?

Dù vậy, trong thực tế, vẫn có không ít người dám thoát ra khỏi “quỹ đạo mặc định” của mình để tự vẽ ra một quỹ đạo mới cho riêng họ. Bất chấp nỗi sợ hãi, họ dám “lội ngược dòng” vì họ biết rằng mình chỉ có một cuộc đời duy nhất để sống. Họ biết rằng họ phải sống một cuộc sống cho chính mình, chứ không phải cho một ai khác. Và cho dù kết quả ra sao đi chăng nữa, họ biết rằng họ không bao giờ phải hối hận.



Lội ngược dòng vì mình chỉ có một cuộc đời duy nhất để sống (Ảnh: Erik Johansson)

Bạn có thể bắt gặp những con người đó trong cuộc sống hàng ngày từ những người nổi tiếng và thành công tột bậc như Steve Jobs (bỏ học để đi tìm niềm đam mê) đến những con người bình thường giản dị dám sống thật với chính mình.

Từ đáy lòng, tôi thật sự khâm phục những con người đó. Chúc cho bạn (và cho cả tôi) lòng dũng cảm, ý chí kiên cường để thiết kế cuộc sống cho riêng mình và tận hưởng những thành quả xứng đáng!



» Nghĩ khác, làm khác: có nghĩa là phải chịu rủi ro thất bại.
» Tiền đề để "nghĩ khác, làm khác" là "tự tôn", phải có "tự tôn" vừa đủ lớn mới có thể bắt đầu hành trình.
» "Nghĩ khác, làm khác" nó đã và đang là "phong trào" về tư tưởng của 1 lượng lớn thanh niên hiện đại. Vì sao vậy? Là vì thanh niên thiếu kiên nhẫn, thiếu sự trầm ổn để nhận định mình vẫn đang đi đúng đường.
» Vậy "nghĩ khác, làm khác" cũng vẫn là 1 thứ quỹ đạo mà 1 lượng lớn người tin theo, nhảy vào để rồi trở thành "củi" cho đống lửa càng cháy càng lớn.
» Vậy "lực lượng" thực sự, nó nằm ở đâu??
» Câu trả lời nằm ở cuối con đường, lúc bạn sắp lìa đời. Thấy Khổng tử ko? Ông ta dùng cả đời của mình để chứng minh "con đường" của ông là đúng.

Không có nhận xét nào: