2012/04/05

Khi tranh luận "phí chồng phí" trở thành... cãi vã


Khi tranh luận "phí chồng phí" trở thành... cãi vã
Khi Nhà nước đưa ra một chính sách ảnh hưởng đến túi tiền người dân, cần chứng minh được các vấn đề cơ bản...Đưa ra được đầy đủ quy trình này thì người dân sẽ có cơ sở, căn cứ để phản biện thay vì tạo ra các hiểu lầm hoặc sự bức xúc không đáng có.

Trong các thông tin trên báo chí gần đây về tình trạng "phí chồng phí" người viết đặc biệt quan tâm đến câu chuyện một tờ báo ngành dầu khí gọi ca sĩ Mỹ Linh là... "quý cô cái gì cũng muốn" sau phát ngôn của ca sĩ này về vấn đề phí và Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Đây không đơn thuần là một sự quan tâm về cách ứng xử giữa người nổi tiếng với người nổi tiếng, báo chí với người nổi tiếng và ngược lại. Theo tôi, cần nhìn nhận nó dưới góc độ quan hệ người dân- cơ quan truyền thông- chính sách.

Phản biện cần chính xác

Sau khi bài báo "Thưa quý cô cái gì cũng muốn", đã có một nhà báo lên Facebook chỉ ra rằng bài báo trên đã sử dụng nhiều thủ thuật mang tính ngụy biện để chỉ trích (thậm chí có tính miệt thị) ca sĩ Mỹ Linh.

Làn sóng phản ứng bài báo nọ cũng liên tục trên mạng xã hội và các diễn đàn vì cho rằng tờ báo ngành dầu khí (trước đây ông Đinh La Thăng từng làm "tư lệnh" ngành này) thì phải bảo vệ "người cũ" của mình. Người viết không dám khẳng định chuyện này đúng 100% nhưng cách ủng hộ chính sách (và phản đối người không ủng hộ chính sách đó) của tờ báo nọ là bất hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng ca sĩ Mỹ Linh cũng rất "hớ hênh" khi trả lời một vấn đề không thuộc chuyên môn ca hát của mình. Cô đã bị nhầm lẫn giữa các khái niệm về thuế và phí, giữa khái niệm về các loại phí với nhau,...

Có người còn cho rằng ca sĩ Mỹ Linh đăng đàn "và em sẽ nói" về một vấn đề nóng (phí) và một bộ trưởng cũng "nóng hổi" (ông Đinh La Thăng) để liveshow "Và em sẽ hát" sắp tới của ca sĩ này thêm phần "ấm cúng".

Tôi cho rằng cả hai "phe": Ủng hộ và không ủng hộ ca sĩ Mỹ Linh đều chưa thực sự nói đúng vào bản chất câu chuyện và không gặp nhau ở khái niệm. Đó không phải là tinh thần phản biện thực sự những chính sách ảnh hưởng đến xã hội nói chung và cá nhân nói riêng trên cơ sở tìm hiểu thật kỹ các chính sách ấy.

Như vậy, dù là phát ngôn của ca sĩ hay bài báo phê phán ca sĩ đó đều chưa thực sự có tính xây dựng hoặc tính xây dựng chưa đủ.

Bản thân ca sĩ Mỹ Linh, cơ bản không chỉ là một người dân, mà còn là một người có ảnh hưởng nhất định đến công chúng khi cô phát biểu về một chính sách. Một phát biểu mang tính ảnh hưởng đến công chúng cần có sự cân nhắc...

Ngược lại, vì bảo vệ một chính sách (hay người quyết định triển khai chính sách ấy) mà một tờ báo sẵn sàng đăng một bài viết mang tính hằn học cá nhân là điều rất không hay. Nó đi ngược với nguyên tắc khách quan của báo chí.

Ngoài ra, việc đăng tải các ý kiến của giới nghệ sĩ như một hình thức câu khách của một số tờ báo cũng làm hình ảnh người nói (nghệ sĩ) và chính sách trở nên méo mó hơn trong con mắt công chúng. Và nguy hiểm nhất là khi chính sách "méo mó" có thể dẫn đến mất lòng dân.

Phản biện là một hình thái của tranh luận vấn đề và nó có những nguyên tắc cơ bản cần tuân theo để tránh việc tranh luận trở thành... tranh cãi!

Ca sĩ Mỹ Linh đã lên tiếng về chuyện phí chồng phí

Cơ chế đối thoại nào?

Như đã nói ở bài đầu tiên, khi Nhà nước đưa ra một chính sách ảnh hưởng đến túi tiền người dân, cần chứng minh được các vấn đề cơ bản: 1- Chính sách ấy hợp lý về kinh tế, cụ thể là mức thu nhập của người dân. 2- Phải minh bạch với dân trong quá trình sử dụng. 3- Quy trình cải tạo và phát triển trên cơ sở khung sườn quy hoạch chung. 4- Đảm bảo tính kết nối giữa phần phát triển hạ tầng mới và phần hạ tầng cũ.

Đưa ra được đầy đủ quy trình này thì người dân sẽ có cơ sở, căn cứ để phản biện thay vì tạo ra các hiểu lầm hoặc sự bức xúc không đáng có. Bản thân Nhà nước không thể để người dân "làm thay" mình công việc tạo ra cơ chế phản biện, mà những công bộc được dân nuôi phải đảm nhiệm vai trò đó (ví dụ như đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội).

Trước nay, trong các thước phim quay về các kỳ họp Hội đồng Nhân dân các cấp, thậm chí là họp QH mà người viết được xem, có cảm giác hình ảnh những đại biểu dám "mạnh miệng" vì dân thường rất quen thuộc, gói gọn trong không nhiều cái tên. Điều này cho thấy những cánh tay nối dài của dân vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Đó chính là lực lượng phản biện đầu tiên kia mà?!

Một lực lượng phản biện chất lượng khác- các nhà khoa học, các tổ chức khoa học- cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Thực tế cho thấy các chính sách của Nhà nước thường được phản biện và thông qua bởi các nhà khoa học có chức vụ trong bộ máy quản lý (xin chú ý vấn đề này).

Điều này có thể làm hạn chế chất lượng phản biện bởi các nhà khoa học độc lập, các tổ chức khoa học độc lập góp thêm tiếng nói sẽ mổ xẻ được nhiều vấn đề hơn. "Khoa học chỉ có trắng và đen chứ không có xam xám, chỉ có đúng và sai chứ không thể ba phải"- người viết rất tâm đắc với quan điểm này của chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn.

Và khi bắt buộc phải rạch ròi, những ưu điểm hay hạn chế trong bất kỳ chính sách nào cũng sẽ phải phơi bày trước nhân dân, để nhân dân đánh giá và quyết định. Đó mới chính là thái độ "do dân, vì dân" chuẩn mực mà bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng cần làm.

Vì họ đang sống bằng tiền "của dân"!

Nhìn lại toàn bộ vấn đề "phí chồng phí", người viết bài cho rằng có lẽ yếu tố "dân biết" chưa được quan tâm đúng mức. Yếu tố "dân bàn" đang được đặt nặng quá mức và thậm chí có phần... khôi hài khi chưa thống nhất được các khái niệm cần biết.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có một quyết định sáng suốt là lui thời điểm thu phí lại và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ.

Lời hứa này của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ là cơ sở để "dân kiểm tra", nhưng đó là chuyện của tương lai...

Còn hiện tại, có lẽ không nên sa đà vào những tranh cãi có phần vô bổ hoặc các bài báo mang tính câu khách, PR bản thân hay bảo vệ chính sách mang màu sắc cực đoan.

Nhất Ngôn
Nguồn: Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào: