2012/06/04

Nghề ảnh dưới góc độ kinh tế

November 7, 2011

Ngày xưa chụp được một bộ ảnh, kèm theo việc in quang học thực sự rất khó khăn và đòi hỏi nhiều công phu, đặc biệt ở khâu tráng rửa và in rọi. Ngoài những nghệ sĩ nhiếp ảnh thiên tài, hầu hết các thợ ảnh chuyên nghiệp còn lại cũng đều là những kỹ thuật viên có hạng. Ngày nay, để chụp một bộ ảnh xuất sắc cũng không kém phần công phu, từ việc lên ý tưởng, dàn dựng, cho đến hậu kỳ và in ấn; nếu làm nghiêm túc thì cũng mất thời gian không kém. Tuy nhiên, nếu nói đến việc “chụp có ảnh” thì chắc chắn hiện giờ, việc đó trở nên quá dễ dàng, chỉ cần cắm thẻ vào máy, in trực tiếp qua máy in là có ảnh ngay. Chính vì việc “chụp có ảnh” trở nên quá dễ dàng nên số lượng người chơi ảnh muốn lấy thú vui làm thu nhập cũng tăng lên đột biến. Cung gia tăng rất lớn nhưng cầu chỉ tăng lên rất ít. Trong khi xã hội có thêm 10 thợ ảnh thì số lượng khách hàng chắc chỉ thêm được 2.

Mong muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của các bạn trẻ là một mong muốn chính đáng, đặc biệt với những người có đam mê thực sự, không đề cập đến các đối tượng cầm máy để đi cưa gái. Đặt ngược lại vấn đề, quyết định làm nghề ảnh có phải là quyết định sáng suốt hay không, đặc biệt dưới góc độ kinh tế, lại là một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại phức tạp. Khi quyết định theo đuổi một sự nghiệp, con người bao giờ cũng đặt tính chất của công việc gắn bó với lợi ích của bản thân lên hàng đầu. Muốn trở thành bác sĩ vì họ muốn đi cứu người, muốn trở thành giáo viên vì họ yêu trẻ, muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vì họ yêu nghệ thuật và đam mê khoảnh khắc, không phải vì họ muốn làm giàu. Cánh thợ ảnh luôn nói với nhau rằng, muốn kiếm tiền thì đi làm việc khác, đừng dính dáng đến ảnh. Xét dưới góc độ kinh tế, nghề ảnh là một quyết định đầu tư cực kỳ mạo hiểm.

1. Vốn:

Nhắc đến đầu tư phải nói đến vốn. Trừ khi chúng ta mua lại một tổ hợp ảnh viện áo cưới, nếu chúng ta tự lập thương hiệu cá nhân, kiểu “Ơ kìa Photography” hay “Ô hay Studio” thì đồng vốn bỏ ra rất ít. Chỉ cần $2,000 usd là hoàn toàn có thể hoạt động được. Quy luật của kinh doanh không cho phép việc bỏ vốn ít và thu lãi nhiều, chuyện đó quá hiếm.

2. Giá trị gia tăng:

Ngoài Nhật Bản trong 20 năm qua khi giá trị bất động sản giảm tới 80-90% thì đầu tư bất động sản hiếm khi lỗ, đặc biệt khi đầu tư trường vốn trong thời gian dài. Kinh tế sản xuất chia làm 3 ngành: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Nghề ảnh thuộc khối dich vụ. Công ty cũng có nhiều loại, ở Việt Nam, ngoài các tập đoàn quốc doanh ra thì số đông còn lại rơi vào công ty tư nhân và công ty cổ phần. Đối với công ty tư nhân, việc định giá chủ yếu nằm ở doanh thu. Đối với công ty cổ phần, giá trị của công ty nằm ngay ở giá trị cổ phiếu.

Trong tất cả những ngành kinh tế, nếu đầu tư đúng hướng và hoạt động có hiệu quả, giá trị của công ty chắc chắn đi lên. Nhiếp ảnh thì ngược lại, nếu chúng ta làm thợ ảnh tự do, tự cung tự cấp thì giá trị của công ty mình không thể tăng, bất kể làm ăn có phát đạt đến đâu đi chăng nữa, bởi vì cốt lõi của việc thành công nằm ở chính yếu tố con người. Dựa vào quy luật đầu tư, nếu giá trị đầu tư đi xuống, chúng ta có thể bán ngay để hạn chế những rủi ro khác trong tương lai, nếu giá trị đầu tư đi lên, chúng ta cũng có thể bán ngay để kiếm lời. Nghề ảnh thì không thể làm như thế được. Ví dụ, “Ơ kìa Photography” của nhiếp ảnh gia Bành Thị Mẹt đang làm ăn rất phát đạt và anh ta muốn bán để lấy tiền về hưu nhưng sẽ chẳng ai mua cả; khách đến chụp là nhờ danh tiếng của nhiếp ảnh gia Bành Thị Mẹt. Người khác thế chỗ sẽ chụp kiểu khác, không còn chất của Bành Thị Mẹt nữa, cho nên việc định giá công ty để chuyển nhượng là điều không tưởng.

Quay trở về khái niệm đầu tư, khi anh bỏ ra $2,000 usd, anh có quyền hy vọng thu về $3,000 usd trong khoảng 5 năm (cả vốn lẫn lãi, mặc định lãi suất trái phiếu Quốc gia là 10%). Nếu đầu tư $2,000 usd vào nhiếp ảnh, anh có làm đến già cũng không thu hồi được một đồng nào theo hình thức đầu tư. Những đồng tiền anh kiếm được rơi vào thể trạng “lấy công làm lãi”.


Với những khó khăn và những điều kiện đi ngược lại với quy tắc của kinh tế, làm ảnh kiểu “Ơ kìa Photography” và “Ô hay Studio” là những quyết định đầu tư cực kỳ sai lầm trên phương diện kinh tế, có lẽ chỉ có các tổ hợp ảnh viện áo cưới là khá hơn vì họ có thể kinh doanh đa mặt hàng: cho thuê váy, cho thuê studio, trang điểm, in ấn và vân vân.

Làn sóng kĩ thuật số cùng với đối tượng nhiếp ảnh gia bán chuyên đánh quá mạnh vào túi tiền các thợ ảnh tự do chuyên nghiệp. Những thợ chuyên nghiệp lâu năm có tên tuổi thì vẫn tồn tại được nhưng số đông còn lại gặp rất nhiều khó khăn. Họ sẽ phải cạnh tranh với các nhiếp ảnh gia trẻ được đầu tư về kiến thức và thiết bị để giành giật đối tượng khách hàng nghệ thuật, những người đòi hỏi tính khoảnh khắc và sáng tạo trong bộ ảnh. Đối với đối tượng khách hàng bình dân, chỉ cần có ảnh là được thì các thợ ảnh chuyên nghiệp không thể cạnh tranh nổi vì rất đông các nhiếp ảnh gia mới vào nghề sẵn sàng chụp miễn phí để lấy kinh nghiệm và quảng bá thương hiệu.

Qua đó, chúng ta thấy thị trường ảnh cưới và chân dung là thị trường đông khách và ổn định nhất, không còn là miền đất hứa để kiếm ăn dễ dàng được nữa, nhiều người phải bỏ nghề, nhiều người phải làm công việc phụ trợ như đi dạy và viết sách. Dù sao đi nữa, vẫn có những thợ ảnh sống khỏe với nghề, bằng cách này hay cách khác nhưng số đó rất ít.

Trở lại với gốc gác của vấn đề, đam mê nhiếp ảnh có cần phải dẫn đến con đường làm nghề hay không ? Thật tuyệt vời nếu các bạn quyết tâm đi tìm phong cách nhiếp ảnh riêng của bản thân và phát triển tầm nhìn về nghệ thuật, nhưng sẽ rất mạo hiểm và thiếu khôn ngoan nếu chọn nhiếp ảnh là công việc chính cho bản thân, đặc biệt dưới góc độ kinh tế.

Nguồn: jamesphotoworld

Không có nhận xét nào: