2012/07/09

Mạng Internet: Từ "Cần" đến "Muốn"


- Phân tích động cơ của người tiêu dùng.
- Năm 2012 trở đi, hành vi tiêu dùng của người dùng Internet sẽ có sự thay đổi lớn.
- Mạng Internet không chỉ là một loại hình TV mới mà là kênh truyền thông hai chiều.
- Ba yếu tố cần thiết: băng thông rộng, tên tuổi thật và máy tính bảng đã sẵn sàng.
- Internet của "Muốn" sẽ sớm trở thành một phương tiện truyền thông mới và chủ yếu.
Là những người tiêu dùng, doanh nhân, nhà đầu tư... chúng ta nên dần quen với sự thật rằng hoạt động kinh doanh trên mạng và ngoài đời thực đang ngày càng hoà nhập với nhau. Trong một tương lai gần, trong một mức độ nào đó, ranh giới giữa chúng cũng không còn nữa. Vì thế, thế giới mạng đang dần không khác gì thế giới thực, mạng lưới các website mang tính giải trí sẽ phát triển rộng lớn hơn rất nhiều so với các website cung cấp tiện ích.

Động cơ của con người

Để hiểu được xu hướng của người dùng Internet, chúng ta có thể áp dụng cách giải thích hành vi con người nói chung trong nguyên lý "Hệ thống cấp bậc của nhu cầu" (hay Tháp Nhu cầu) của Maslow. Tiền đề cốt lõi của học thuyết này là một khi những nhu cầu cơ bản về thức ăn, nơi ở, sự an toàn và sự sở hữu đều được đáp ứng, thì chúng ta thường có xu hướng quan tâm đến những hoạt động mang tính sáng tạo, giải trí, giáo dục và cải thiện bản thân. Điều quan trọng là học thuyết này có tính tuần tự, vì thế, nếu các nhu cầu cơ bản không được thoả mãn, người ta không thể chú ý đến những điều khác. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2011 đã chứng minh học thuyết trên hoàn toàn đúng, vì nó cho thấy những người đang đói sẽ chi nhiều tiền hơn cho thức ăn, và ít quan tâm đến những thứ khác so với những người không đói.

Dựa vào những điều trên, chúng ta có thể hình dung được trong 20 năm qua, xu hướng của người tiêu dùng mạng đã phát triển như thế nào, và tại sao cả 3 điều kiện kể trên đều đã sẵn sàng giúp cho con người sử dụng mạng Internet nhằm đáp ứng những điều họ "Muốn" chứ không còn là những thứ họ "Cần" nữa.


1992-2012: Internet của “Cần”

Kể từ khi AOL phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên năm 1992 cho đến sự kiện tương tự của Facebook năm 2012, Internet đã gần như hoàn toàn trở thành "phương tiện phân phối" những nhu cầu cơ bản cho người tiêu dùng. Năm 1995, khi Netscape ra mắt và giúp mọi người truy cập Internet dễ dàng hơn, tuy nhiên, việc kinh doanh, rao bán hàng hóa trên Internet vẫn còn là một chuyện khó khăn, đôi lúc gây nản chí. Nhưng trong những năm tiếp theo, các nhu cầu cơ bản về truy cập, trình duyệt web, email, tìm kiếm và nhận diện đã được các công ty như AOL, Comcast, Netscape, Yahoo, Google, và sau này là LinkedIn, Facebook đáp ứng.

2012 – Tương lai: Internet của “Muốn”

Ngày nay, cả tỉ người dùng trên Facebook đã "đạt đến đỉnh" của hệ thống cấp bậc trong học thuyết Maslow đưa ra. Tất cả những nhu cầu cơ bản của người dùng đã được thỏa mãn. Giờ đây họ đang trong công cuộc theo đuổi những điều chúng ta ưa thích, mong muốn và khao khát. Không còn gì lạ lẫm khi chúng ta có thể thoải mái ngồi trước máy vi tính nối mạng để chơi trò chơi (Zynga, Angry Birds...), xem video (Youtube, Hulu...), nghe nhạc (Pandora, Spotify...), thể hiện sự sáng tạo (Instagram, Twitter, Draw Something...), mua sắm (Pinterest, Gojee...) và học hỏi các nội dung mang tính giáo dục (Khan Academy, Empowered...).

Mạng Internet – một loại hình TV mới hay Truyền thông hai chiều?

Mạng là nơi nhiều nhà cung cấp dịch vụ cùng hoạt động, cùng phục vụ cho một nhóm người có cùng một mong muốn. Mô hình này tương tự như cách cung cấp dịch vụ của truyền hình, đặc biệt là truyền hình cáp. Như vậy, mạng Internet ngày càng trở nên giống TV, với hàng trăm mạng lưới hoặc “kênh” được lập trình để cung cấp các nội dung theo từng thể loại cho khán giả. 

Ở Mỹ, Pinterest, ShoeDazzle, Joyous, Alt12 là những trang web nhắm vào những phụ nữ trẻ có tiền;Machinima, Kixeye và Kabam hầu như chỉ dành cho các game thủ; Gojee nổi tiếng trong giới những người sành ăn; Triposo giúp ích cho những ai đi du lịch, và còn GAINFitness thì dành cho những người yêu thích thể thao và vận động…

Trong thế giới mạng thời hiện đại này, một công thức quan trọng dẫn đến thành công chính là hiểu rõ người dùng là ai nhằm áp dụng cách quản trị trang web phù hợp với sở thích của họ. Khác với TV, Internet là một môi trường cung cấp dịch vụ hai chiều, tức là người dùng không chỉ nhận sự phục vụ mà còn có thể bày tỏ ý kiến phản hồi. 

Ba yếu tố Băng thông rộng, Tên tuổi thật và Máy tính bảng đã sẵn sàng?

Một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra mỗi khi đánh giá một cơ hội mới đó là “Tại sao lại là bây giờ?”. Chắc chắn từ những ngày đầu, các công ty lớn như AOL, Yahoo và Myspace đều đã dốc sức cải thiện “mảnh đất” Internet cằn cỗi, khô khan trở thành một sân chơi mới cho khán giả với nhiều sở thích khác nhau. Nhưng giờ đây, khi Internet đã phát triển và mở rộng không ngừng thì ba điều kiện quan trọng nhất dần hình thành: Băng thông rộng, Tên tuổi thật và Máy tính bảng.

Đầu tiên, ảnh hưởng của băng thông rộng là quá rõ ràng, vì chẳng ai muốn trải nghiệm một thứ Internet chậm chạp như rùa bò. Hiện nay, băng thông rộng đã chiếm lĩnh 26% thị trường các nước công nghiệp hóa và mạng 3G bao phủ khoảng 15% dân số thế giới. Tuy con số khá khiêm tốn và chỉ mới vươn tới chưa đầy 1 tỷ người dùng, nhưng đó mới thật sự là khởi đầu.

Tiếp theo là tên tuổi thật, đây là một vấn đề đáng quan tâm. Vào năm 1993, tạp chí The New Yorker đã đăng một bức tranh châm biếm với nội dung “Trên Internet, chẳng ai biết bạn là một con chó” nhằm khắc họa rõ nét tình trạng vô danh cực kỳ nghiêm trọng của mạng Internet lúc bấy giờ. Thế nhưng, cách đây vài năm Reid Hoffman và Mark Zuckerberg đã mạnh tay đẩy lùi thế giới mạng với những danh tính không rõ ràng đó. Vì saoQ&A của Quora đáng tin cậy hơn Yahoo! Answer, hồ sơ cá nhân của người nổi tiếng trên Twitter hấp dẫn hơn trên Myspace, và các pin trên Pinterest có liên quan tới một chủ đề cụ thể nào đó hơn là các lời khuyên trên chatroom AOL? Đó là bởi vì Quora, Twitter và Pinterest tận dụng “tên tuổi thật” – yếu tố quan trọng giúp làm mờ đi khoảng cách giữa hành vi trực tuyến và ngoại tuyến.


Thứ ba là Máy tính bảng, mảnh ghép cuối cùng làm nền tảng cho Internet của “Muốn”. 

Máy tính cá nhân đã quá hoàn hảo cho Internet của “Cần”, vì khi cần thứ gì người dùng có thể tìm kiếm thứ đó và họ biết rõ thứ mà họ đang cần tìm. Khi sử dụng máy tính cá nhân, tìm kiếm luôn là “cái rốn” của vũ trụ Internet vì mọi sự phát triển trong một thập kỷ qua đều quay quanh nó. Mọi sự  biến đổi, cải thiện không ngừng đều nhằm tối ưu hóa trải nghiệm tìm kiếm: từ SEO, thiết kế trang web, cho đến cách hoạt động của từng từ khóa trong những trình duyệt phổ biến nhất cũng đều hướng về chung một mục đích là tìm kiếm hiệu quả. 

Tuy nhiên, giờ đây, việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng đã cho phép chính chúng ta - người dùng Internet - trở thành “cái rốn”. Chỉ cần lướt ngón tay qua màn hình cảm ứng, tại bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, người dùng đều có thể dễ dàng khám phá thế giới qua thiết bị nhỏ bé, cứ như thể đang ngồi trước TV và chuyển kênh. Cách khám phá này sẽ tự nhiên đưa những thứ mới mẻ đến với họ, giúp họ nhận ra mình cũng cần những thứ mà trước đây họ không hề biết đến.

Internet của “Muốn” và những dấu hiệu đầu tiên 

Có bằng chứng nào cho thấy người dùng mong đợi nhiều hơn ở Internet khi các nhu cầu cần thiết đã được đáp ứng? Hiện nay, việc truy cập qua các thiết bị di động đã chiếm đến 20% tổng lưu lượng truy cập Internet ở Mỹ, đặc biệt cao điểm nhất là vào ban đêm, khi đang ở nhà hoặc đang trên giường ngủ. Những phân tích của Flurrycho thấy tổng thời gian dùng ứng dụng di động của một người gần bằng với thời gian người đó xem truyền hình trong một ngày. Vì thế, rõ ràng chúng ta không chỉ dùng Internet mỗi khi chúng ta cần.


 “Cần” VS “Muốn”

Nền kinh tế của “Muốn” khác với nền kinh tế của “Cần”. Một khi đã sống trong đầy đủ, con người thường có xu hướng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho thứ chúng ta muốn hơn so với thứ chúng ta cần. Chẳng hạn như, người Mỹ trong một ngày dùng hơn 5 tiếng đồng hồ để tiêu khiển và chơi thể thao (kể cả xem truyền hình), trong khi đó chỉ dành 3 tiếng cho ăn uống và quản lý các hoạt động trong gia đình. Một sự khác biệt nữa chính là chúng ta thường trung thành với duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ cần thiết. 

Nền kinh tế của “Cần” là thị trường mà cứ mỗi một nhu cầu thì chỉ có một hoặc hai công ty lớn hưởng lợi vì đã thâu tóm hết mọi khách hàng. Tuy nhiên đối với những thứ chúng ta “Muốn”, chúng ta thường mở rộng tầm nhìn và lựa chọn một trong nhiều dịch vụ khác nhau. Đó là lý do tại sao có nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng cạnh tranh và tồn tại trong thị trường này, từ những kênh truyền hình, các nhà hàng, các địa điểm du lịch, cho đến những thước phim điện ảnh. Vì lẽ đó, nền kinh tế “Muốn” chỉ có chỗ cho những kẻ thắng cuộc. Instagram, Path, Pinterest, ShoeDazzle, BeachMint, Angry Birds, CityVille, Kixeye, Kabam, Machinama và  Maker Studios là những kẻ thắng cuộc đang cùng tồn tại trên Internet của “Muốn”.

Doanh nghiệp phát triển theo xu hướng “Muốn”

Biểu đồ dưới đây cho thấy qua một quãng thời gian dài (kể cả cuộc suy thoái toàn cầu) chỉ số cổ phiếu cao cấp (chẳng hạn như những công ty LVMH, Burberry, BMW, Porsche, Nordstrom) đã leo cao hơn so với chỉ số cổ phiếu tiện ích (những công ty như Con Edison và Pacific Gas&Electric cung cấp những dịch vụ mà ai cũng cần). Tương tự, chỉ số cổ phiếu của các hãng phương tiện truyền thông lớn (như CBS, Comcast, News Corp., Time Warner, Viacom) cũng vượt xa cổ phiếu các công ty cung cấp dịch vụ cộng đồng và những thị trường rộng lớn khác. Tất nhiên, lợi nhuận cao đi kèm với biến động cao – chỉ số beta của Nordstrom là 1.6, CBS là 2.2 và của PG&E đạt 0.29. Chính sự biến động đã dẫn đến ý chí liều mình đầu tư vào nền kinh tế “Muốn” tại thung lũng Silicon trong hơn 20 năm qua. Khi Internet tiến lên một bậc mới của sự phát triển, từ  phục vụ những nhu cầu cần thiết cho đến thỏa mãn những nguyện vọng của người dùng, bất cứ doanh nghiệp nào muốn chiến thắng trong thế giới mạng của “Muốn” cũng không thể ngồi yên. 


Sớm trở thành một phương tiện truyền thông mới và chủ yếu

Khi hơn một tỷ người dùng đã bắt đầu lao vào Internet của “Muốn”, đồng thời làn sóng băng thông rộng, tên tuổi thật và máy tính bảng lan rộng khắp nơi, Internet đã sẵn sàng để trở thành phương tiện truyền thông mới cho sự sáng tạo, giáo dục, giải trí, thời trang và "sự mưu cầu hạnh phúc". Trong thế giới thực, những công ty lớn có lợi nhuận cao cũng đều có thể đáp ứng những mối quan tâm của khách hàng về các mảng nói trên. Những doanh nghiệp và nhà đầu tư nào đang hy vọng thành công trong Internet của “Muốn”, có thể học hỏi một vài kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước, là những kẻ đã tìm ra chiến lược để đứng vững trên thị trường “Muốn” trong những thập kỷ qua. Sự hợp nhất của khoa học máy tính, thiết kế, dữ liệu và quy mô khổng lồ của Internet có thể làm nên một thị trường "màu mỡ" hơn cả Silicon Valley và Hollywood. Vì thế, không lạ gì khi đội ngũ có tầm nhìn đi trước thời đại hiện nay đã và đang ngồi chễm chệ trên “ngai vàng” mang tên "Công ty có giá trị nhất thế giới".

Kết

Mạng của “Muốn” không tồn tại để thay thế mà là để bổ sung cho mạng của “Cần”. Các công ty thành lập trên nền tảng Internet của “Cần” cung cấp dịch vụ cho người dùng trong suốt hơn 20 năm qua, nay đã tìm được chỗ đứng vững chắc. Rồi họ sẽ trở nên càng vững chắc hơn nữa, sẽ đạt chỉ số beta thấp hơn giống như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cộng đồng trong thế giới thực đạt được. Tập đoàn Microsoft có mức beta là 1.0 – cũng biến động như mọi đối thủ khác trên thị trường chứng khoán nói chung. Còn những ai đang trông chờ ngày mà ngành khoa học máy tính thực sự xuất hiện trên Internet, đừng thôi trông đợi, vì ngày nào đó những đơn vị như Rocket Science và Google X Labs sẽ khai thông sự mờ mịt về kỹ thuật đang chặng đường Internet tiếp tục phát triển.

Tham khảo Allthingsd.
Nguồn: Genk.vn

Không có nhận xét nào: